Thứ Tư, 17 tháng 5, 2023

NGƯỜI CÂM VÀ HỒN VIỆT MỤC VỠ

Bài viết năm 2020 và vẫn còn nguyên giá trị tới hôm nay. Cái đẹp của Tâm hồn Việt chỉ còn trong truyện cổ tích.
NGƯỜI CÂM VÀ HỒN VIỆT MỤC VỠ
FB Thái Hạo năm 2020 - Có người hỏi tôi: “trên đất nước này, đỗ vỡ lớn nhất hiện nay là gì? "Là đạo đức ư”. “Không”. “Là dốt nát ư?” “Tôi không nghĩ thế”. “Là bạo ngược ư?” “Không hẳn”…
Trong bức tranh quê hương với “rừng thì đã hết và biển thì đang chết” tôi cố đi tìm một điểm tựa giữa quốc nạn tham nhũng, giữa những ăn đắng uống độc, giữa những chạy chức chạy quyền, giữa những mua việc đổi điểm, những án oan ngút trời; giữa những thuốc giả đồ dỏm, giữa những mãi lộ mua đường, giữa những “trận đánh” dập dồn của giáo dục, giữa những bao cấp tư tưởng ngộp thở; giữa những lộng hành quan liêu, giữa những đớn hèn bạc nhược, giữa những tham tàn dối trá… Tôi tìm...

Và tôi thấy, thấy được không phải một điểm tựa mà là một nơi rữa nát. Nơi ấy, mơ hồ, mong manh không định hình nhưng lại là chỗ sâu nhất trong sự sống của một sinh mệnh người: TÂM HỒN.

Hồn Việt mục vỡ.

Chưa bao giờ như bây giờ hồn người hoang lạnh đến thế. Vợ chồng nằm bên nhau, 2 màn hình điện thoại sáng trắng hai khuôn mặt bạc phếch; bao lâu rồi mẹ chưa nói cùng con; bao lâu rồi bông hoa nở trước hiên không ai để ý. Cuộc sống vô hồn trôi qua lạnh ngắt, người bên người như những xác câm.

Chưa bao giờ tôi nghe thấy sự im lặng đến rùng mình như thế xung quanh mình.

Không phải chỉ có “người gù” mà “NGƯỜI CÂM” mới thật đáng sợ. Một số tài khoảng fb cứ kết bạn lẫn nhau, và mở lên nghe như sóng cuộn, nhưng sự thật quanh ta thì lặng ngắt ghê người. Sự ích kỉ, vô cảm, hèn mạt đã biến những cuộc đời thành một một cuộc tỉa tót vĩ đại cho bộ lông mình mà nhắm mắt trước nỗi đau của tha nhân và sự đổ vỡ của cuộc sống.

Trên đất nước này, tôi thấy học trò đến lớp, ánh mắt ơ hờ, bàng bạc như mây phủ. Mỗi lần tiếng trống chuyển tiết vang lên, hành lang vắng tanh. Nhìn vào lớp học chỉ thấy những thân hình đổ gục trên bàn. Không còn sinh khí, không còn nhựa sống. Tri thức là thứ xa xỉ trong nhà trường, ở đó chỉ có những cuộc đánh vật với những cuốn vở chép tay chi chít chữ và hàng xấp tài liệu phải học thuộc, ở đó là ngày học 3 buổi bất chấp nắng mưa; ở đó là triền miên các cuộc thi để về những cái đích vô nghĩa. Tuổi đời mênh mông của các em bị vắt kiệt, bao nhiêu hồn nhiên bị thiêu chết trong những lò luyện thi. Trên đôi vai bé bỏng của tuổi học trò, các em phải vác cả giấc mơ của cha mẹ, vác ngàn ánh mắt của xóm làng; các em phải gánh cả sứ mệnh cao cả là mang vinh quang về cho trường; các em sống trong sự dồn đuổi, trong những bạo lực tinh thần của đủ thứ nội quy và sự giám sát. Hồn giấy mong manh phải viết xóa hàng ngàn cuộc đời của kẻ khác, cứ thế theo ngày tháng, lòng nắng mới trồi tuột về chiều, giữa thanh xuân.

Tôi xin thưa với quý vị, quý vị tưởng mình đã gieo xong những hạt giống và chúng đang lớn lên ư? Không đâu, không có gì đang mọc lên trên mảnh đất tâm hồn cằn khô ấy cả. Họ không quan tâm, không rung động, không thổn thức. Đất nước ư? xã hội ư? văn chương ư? cái đẹp ư? Không! Tất cả hoàn toàn xa lạ với tâm hồn các em. Không giận dữ trước cái ác, không xót xa trước phận người, không thôn thức trước cái đẹp. Chỉ có những thân xác mỏi mệt đựng một linh hồn rệu rã lết qua những ngày dài như những robot đi trong im lặng. Nếu học sinh có nói điều gì bùi tai về quê hương đất nước, về đạo đức luân lý thì cũng chỉ là thuộc bài. Học sinh VN đã bỏ sự tư duy từ lâu rồi.

Cỗ máy giáo dục đang tuồn ra xã hội những con người vô cảm (không cảm xúc). Tình yêu đối với tri thức là một thứ xa xỉ, tình yêu dành cho con người đã dần vắng bóng. Người ta hờ hững đi trong cuộc đời không có tha nhân. Có ngồi bên nhau thì cũng không thể giao cảm vì từ lâu rồi người ta đã không lắng nghe nhau.

Chúng ta đang chứng kiến một thời đại chưa từng có trong lịch sử. Nhớ lại, qua hơn 10 thế kỉ trước đây, nhiều lần người Việt đã nổi giận trước tham tàn bạo ngược, nhiều lần người Việt đã khóc như máu trào trên đầu ngọn bút, nhiều lần người Việt đã từ bi cúi xuống đời nhau; nhiều lần người Việt đã yêu đương say đắm…

Người Việt đã từng sống.

Đã sống cả ngàn năm trong hỉ nộ ái ố rất con người; những cuộc sống tràn trề nhựa sống. Và bây giờ người Việt câm lặng trong hồn. Cả một cõi sương mù mênh mông, bạc phếch, lắt lay như bông sậy bên bờ sông hoang vắng. Không còn nghe thấy những nhịp thở dồn dập trong lồng ngực, không còn nghe thấy những những tiếng thét, không còn nhìn thấy tình yêu trên sóng mắt.

Chỉ có những cuộc đời rời rạc, khô khốc, nhạt thếch như những hạt cơm nguội. Khi những nhức nhối của xã hội đã không còn động tới lòng người thì văn học (nghệ thuật) chỉ là sự phù phiếm, vô nghĩa. Văn học đã chết theo hồn Việt từ lâu rồi. Giờ người ta đang viết những thứ văn chương nhảm nhí để tán tỉnh nhau, để đánh bóng những cái tên, để sống cho ra dáng nghệ sĩ. Chẳng còn cơn đau nào trong văn học, cũng chẳng còn cuộc tình nào trong văn học. Không có tình yêu lớn và nỗi đau lớn thì sẽ chẳng có gì hết, ngoài sự làm dáng.

Ta đã hi sinh vì điều gì? Vì phát triển kinh tế ư? vì tiến bộ khoa học ư? Không, nếu hi sinh để đổi lại thì còn cầm lòng được; đằng này chúng ta vẫn là đất nước nghèo nhất thế giới, lạc hậu nhất thế giới. Ta hi sinh hồn người vì điều gì? Tôi hỏi, vì điều gì?

Rừng bị phá thì có thể trồng lại, biển nhiễm độc rồi biển sẽ hồi sinh; nhưng mỗi người chỉ có 1 cuộc đời để sống, không thể hi sinh sự sống cao cả và thiêng liêng cho bất cứ mục đích nào bên ngoài nó. Tôi bi quan ư? Không, tôi chỉ nhìn thấy rõ hơn mọi người mà thôi. Và tôi đau đớn, căm giận; tôi muốn bứt tung những sợ xích, tôi muốn đạp tan những chiếc gông.

Tôi muốn nhìn thấy những nụ cười, muốn thấy những ánh mắt long lanh; tôi thèm nhìn thấy những ngôi nhà đỏ lửa mỗi chiều, người hôn nhau trên phố xanh.

Tôi muốn nghe thấy dân khí cuồn cuộn, người Việt hồi sinh; trước bất công mắt vằn lửa đỏ, trước bạo tàn cùng hét lớn, trước những dối trá cùng nhau lột trần… để xây dựng đất nước này, để hồi sinh cuộc sống này.

Bốn nghìn năm, một dân tộc chưa biết nói. Hay một dân tộc đã từng biết nói, nhưng nay bị tắt tiếng. Chúng ta phải tập nói, dù có phải "ngậm sỏi" thì cũng phải tập, để làm người trưởng thành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét