Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2023

CHUYỆN Ở MỘT BỆNH VIỆN

Câu chuyện trong bài dưới đây không biết có thật hay không, nhưng nó là bài học rất quý cho mỗi chúng ta trong đối nhân xử thế. Đã là con thì cố gắng giữ chữ hiếu đối với cha mẹ rồi mai này mình cũng có tuổi như ba mẹ và không còn khả năng tự điều khiển bản thân mình nữa thì hy vọng sẽ được con mình đối tốt với mình. Không chỉ cần đối xử tốt với cha mẹ, anh em ruột thịt của mình, mà chúng ta còn phải quan tâm tới những người tốt và những người yếu thế trong xã hội... Dĩ nhiên, đối với những loại quan tham hay lưu manh côn đồ thường xuyên hành xử vô học thì quan tâm đến chúng chỉ mất thời gian vô ích. Nhiều người cho rằng phần kết của câu chuyên khá giả tạo vì tác giả viết người phụ nữ tình nguyện chăm sóc ông cụ không bao giờ không nhận tiền công... Tôi thì tin rằng trong xã hội vẫn có những người như thế. Vào bệnh viện sẽ thấy có nhiều người chăm sốc người nhà là bệnh nhân ở bệnh viện tiện thể đã giúp đỡ những bệnh nhân thiếu người chăm sóc nằm gần đó, và họ không hề lấy một đồng tiền công nào. Rất tiếc những tấm lòng vàng đó hâu như rơi vào tầng lớp lao động nghèo hoặc những người theo đạo. Đặc biệt, ở các trại phong cùi toàn tình nguyện viên và các bà sơ… làm không lương. Không có ai nhận lương đi chăm sóc người bị phong cùi cả. Người nghèo luôn thiếu tiền bạc nhưng lại giàu lòng nhân ái và tốt bụng, họ chân thật mộc mạc như hạt lúa củ khoai, hiền lành như thửa ruộng, mảnh vườn làm ra hoa trái nuôi sống con người. Họ tình nguyện giúp người ốm nặng vì chính họ đã từng trải qua những lúc gian khó cực khổ và bất lực nên họ thấu hiểu được nổi khổ và bất lực của người bệnh và do đó họ chấp nhận giúp đỡ, sẻ chia một cách vô tư. Những phẩm chất này người giầu thường không có vì người giầu chưa được trải qua môi trường sống như thế, hoặc đã trải qua nhưng vì đã lâu lắm rồi và cuộc sống nhung lụa ngày nay làm họ quên hết thời gian khó, cũng như làm họ quên hết công lao của bố mẹ đối với họ. Nền giáo dục XHCN mấy chục năm qua đã và đang đang sản sinh ra rất nhiều đứa con vô tâm, bất hiếu như trong câu chuyện này. Thêm nữa, câu chuyện cũng cho thấy chế độ y tế và hệ thống bệnh viện xây bằng tiền của dân, y bác sỹ lĩnh lương từ tiền của dân, thuốc men, dụng cụ cũng mua bằng tiền của dân…. nhưng không có trách nhiệm với bệnh nhân vì bắt mỗi người vào nằm viện đều phải có người nhà vào nuôi và chăm sóc… Hệ thống y tế của ta có thể nói cũng không khác gì các doanh nghiệp kiếm tiền, chỉ khác là y tế thì kiếm tiền trên sức khỏe của dân. Tóm lại, nền đạo đức của dân VN đã xuống cấp không phanh, lãnh đạo thì gian dối, tham lam, cửa quyền hách dịch, tham nhũng từ trung ương đến địa phương; con cái thì tranh nhau tài sản thừa kế, đùn đẩy nhau chăm sóc bố mẹ và coi đó là chuyện bình thường. Thực trạng này đang phát triển, lan tỏa từ thành phố đến nông thôn, từ miền xuôi lên đến miền ngược, từ bắc vào nam đâu đâu cũng có; thật vô cùng buồn.
CHUYỆN Ở MỘT BỆNH VIỆN
Chuyện xảy ra ở hành lang một bệnh viện lớn. Cô con dâu quần áo sang trọng nhăn mặt nói với chồng:
- Ở nhà đủ thứ phải lo, làm sao mà vô trong đây hầu ba được? Anh nói cô Năm hay cô Bảy ở không thì chia nhau vô chăm sóc ba đi".

Anh con trai chưa kịp trả lời thì có lẽ cô Năm hay cô Bảy gì đó đã cong môi phản đối:
- Tui cũng có đủ thứ chuyện để lo chứ bộ, quên tui đi".

Một cậu con trai thứ complet lịch sự cau cau lông mày:
- Nói chung là ai cũng bận hết, với lại ba mắc bệnh lây nhiễm, vô hầu ba rồi lỡ bị lây thì làm sao ?

Cãi nhau loạn xạ, cuối cùng cô con dâu trưởng quyết định:
- Thôi khỏi bàn tán gì hết, mướn người nuôi là xong chuyện.

Tất nhiên sau đó, sự việc xảy ra đúng như tính toán của họ. Một phụ nữ khỏe mạnh, có dáng vẻ nông dân đang nuôi một người bệnh nằm ở giường bên cạnh ông cụ đã chủ động đề nghị để cô chăm sóc cho ông cụ luôn. Công việc cần tỉ mỉ, chu đáo và trách nhiệm, từ việc cho uống sữa, uống thuốc đến thay quần áo, lau người (ông cụ đã mất hết cảm giác vệ sinh), nhưng chị vẫn làm với sự chăm chút và không để lộ bất cứ thái độ ghê tởm nào, lại luôn thể hiện vẻ hiền hậu, dịu dàng như con đối với cha mẹ. 

Trong lúc ấy, có lẽ yên tâm vì cha đã có người hết lòng chăm sóc, đám con trai, con gái, dâu, rể hơn một chục người của ông cụ thỉnh thoảng mới lượn qua như một luồng gió nhẹ để chỉ đạo rồi về.

Tiếc thay, sự chăm chút của chị phụ nữ không kéo dài được bao lâu, chỉ mươi ngày sau là ông cụ đã qua đời. Con cái, cháu chắt ông lũ lượt kéo vào mới đông chứ. Họ khóc lóc khá ồn ào, nhưng vẫn bình tĩnh chỉ huy việc khâm liệm và kế hoạch tang lễ hoành tráng cho ông cụ. Đồng thời ở hành lang lại xảy ra một cuộc cãi vã, nhưng lần này là tính toán chia nhau kinh phí tổ chức lễ tang và xem người nào phải chi nhiều nhất...

Mãi hơn một tiếng sau, anh con trai trưởng mới cầm một xấp tiền đến đưa cho chị phụ nữ đã nuôi bệnh cha mình để trả công. 

Hai mắt đỏ hoe, chị trả lời:
- Tôi nuôi cụ ấy vì thấy xót xa cho cụ có lắm con nhiều cháu mà chẳng ai đoái hoài, thương yêu chứ tôi có làm cái nghề này đâu mà lấy tiền của các anh chị ?

Đám người đang khóc mếu, cãi nhau, lẩm bẩm tính toán... đột nhiên im bặt. Rồi từng người một lẻn ra ngoài...

St.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét