Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

Nguy hiểm khi đặt sai vị trí các vật dụng trên xe ô tô

Nguy hiểm khi đặt sai vị trí các vật dụng trên xe ô tô
Các chuyên gia cho rằng, có những đồ vật không nên để trong xe khi trời nắng nóng hoặc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Điều này không chỉ khiến nội thất chiếc xe bị hư hại, mất vệ sinh mà còn có nguy cơ cháy xe rất nguy hiểm.

Những vật dụng thiết yếu như chai nước, đồ uống có ga, nước hoa,... thường được chủ xe để trong ô tô. Có thể bạn không biết rằng việc đặt những vật dụng, đồ dùng này trên xe ô tô sai vị trí tiềm ẩn mối nguy hiểm, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng của mùa hè. Nó được ví như những "quả bom nổ chậm" vậy.

Dưới đây là những đồ dùng, vật dụng không nên để trong xe ô tô khi xe đỗ dưới ánh nắng mặt trời:

1. Chai nước lọc

Những chai nước lọc không thể thiếu trên hầu hết xe ô tô và thường xuyên được chủ xe để trên các vị trí như cánh cửa, sau ghế, khu vực cần số, thậm chí nhiều người còn để ngay trên taplo,... Thông thường mọi người nghĩ chai nước, nước hoa, quả cầu pha lê là vật dụng hữu ích, vật trang trí và nó vô hại nên không quan tâm đến vấn đề này.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, nước trong chai nhựa khi để lâu dưới ánh nắng mặt trời có thể tập trung tia nắng, biến chúng trở thành một luồng sáng cực mạnh tương tự như một thấu kính hội tụ. Khi ánh nắng chiếu xuyên qua chai nước đang được đặt trên táp lô, kết hợp với điều kiện nhiệt độ bên trong khoang xe ở ngưỡng 60 độ, chai nước có thể hấp thụ nguồn nhiệt năng lên đến 100 độ khiến nhựa chảy và phát lửa. Nếu như đặt chai nước trên ghế xe, hậu quả còn khó lường hơn rất nhiều.

Vị trí được coi là an toàn để đặt các chai nước lọc trong xe là ở phía dưới cốp phụ hoặc vị trí đựng đồ ở sau lưng hàng ghế trước. Không nên để chai nước ở trên taplo, cánh cửa, gần kính lái xe khi đỗ ngoài trời nắng để tránh rủi ro xảy ra.

2. Đồ uống có ga, nước hoa

Với đồ uống có ga hoặc nước hoa, chất lỏng bên trong có thể xảy ra những biến đổi, phản ứng hóa học khi gặp nắng gắt và nhiệt độ cao, dẫn tới nguy cơ cháy nổ, gây thiệt hại cũng như phiền toái nhất định cho chủ xe. Ngoài ra, các hoá chất bên trong nước hoa, nước có ga cũng biến chất, không còn nguyên vẹn, có thể trở thành có hại khi gặp nhiệt độ cao.

Để hạn chế việc mất tác dụng, những rủi ro liên quan đến cháy nổ, các chuyên gia khuyên rằng nên bỏ những loại nước có ga, lọ nước hoa,... ra khỏi xe khi để dưới trời nắng nóng hoặc để nơi tránh ánh nắng trực tiếp.

3. Đồ trang trí bằng pha lê, thuỷ tinh

Với độ trong và tính thẩm mỹ cao, quả cầu pha lê, những vật treo trang trí bằng thuỷ tinh thường được nhiều chủ xe để trong xe, nhất là ở trên taplo hoặc treo trên gương chiếu hậu.

Tương tự như phương thức hoạt động của chai nước, quả cầu pha lê hay thuỷ tinh có thể biến thành thấu kính hội tụ đốt cháy các vật liệu nội thất khi gặp thời tiết nắng gắt, có thể gây ra cháy nổ. Do vậy, vào mùa nắng nóng, không nên trang trí xe bằng những vật dụng như vậy.

Các chuyên gia cho biết, không phải lúc nào ánh nắng đi qua chai nước hay quả cầu cũng tạo thành chùm sáng hội tụ lên một bề mặt vật liệu nào đó, vì phụ thuộc vào góc chiếu sáng, tuy vậy rủi ro vẫn có thể xảy ra khi đỗ xe thời gian dài dưới nắng, đặc biệt với những xe có cửa sổ trời toàn cảnh không đóng tấm che.

4. Thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, bánh kẹo, socola

Ngoài các vật dụng nói trên, các chuyên gia cũng khuyên rằng không nên để các loại thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, bánh kẹo, socola trên xe ô tô vào mùa nóng bởi nhiệt độ cao trên 50 độ C sẽ khiến đa số chúng bị mất tác dụng, thậm chí gây hại cho cơ thể hoặc tan chảy ra xe gây mất vệ sinh.

Khi đỗ ô tô dưới trời nắng, chủ xe nên nhớ đặt chai nước lọc hoặc các đồ vật kích thích cháy nổ vào nơi ánh nắng mặt trời không chiếu tới hoặc bọc lại. Việc làm này tuy mất công nhưng lại đảm bảo sự an toàn cho người và tài sản. Hoặc trong trường hợp thường xuyên phải đỗ xe dưới trời nắng nóng, chủ xe nên sắm tấm bạt che, đặc biệt là phần kính phía trước của xe. Đồng thời, có thể hé cửa kính xuống một khoảng nhỏ để hơi nóng thoát ra ngoài, tránh hiệu ứng nhà kính dẫn tới nhiệt độ trong xe quá cao.

Đây cũng là cách chăm sóc và bảo dưỡng xe hơi cực kỳ hữu ích mà những người sử dụng ô tô nên lưu ý trong mùa hè nắng nóng này.

5. Không nên gác chân lên táp lô

Vì sao không nên gác chân lên táp lô ô tô?

Khi ngồi trên ô tô có không ít người có thói quen gác chân lên táp lô khi ngồi ở ghế phụ. Xét về phương diện văn hóa hành vi ứng xử thì đây là một thói quen xấu, bất lịch sự, thậm chí sẽ khiến bản thân người đó hứng chịu hậu quả nghiêm trọng khi xảy ra tai nạn.

Theo thiết kế của nhiều hãng xe, táp lô bên ghế phụ là nơi túi khí bung ra khi ô tô xảy ra va chạm. Trong một số trường hợp, túi khí cũng có thể bung do lỗi kỹ thuật. Tốc độ bung của túi khí rất nhanh, vào khoảng 160 đến hơn 300km/h. Với tốc độ này sẽ gây nguy hiểm nếu có người ngồi gác chân, hoặc có đồ trang trí để trên bề mặt táp lô nơi vị trí túi khí.

Ngoài thói quen gác chân lên táp lô, không ít người mắc sai lầm khi đặt hoặc lắp thêm một số vật dụng lên vị trí này, chẳng hạn như tượng, nước hoa hoặc một số vật trang trí khác... mà không gia cố, cố định chắc chắn. Khi xảy ra tai nạn hoặc trong tình huống phải phanh gấp, túi khí bung sẽ khiến các đồ vật này văng ra bắn vào người ngồi sau, gây thương tích. Ngoài ra, một số chủ xe cũng có thói quen dán các loại băng keo, sticker lên vị trí này, gây ảnh hưởng cũng như cản trở sự hoạt động của túi khí. Do vậy, các hãng xe đều khuyến cáo không nên trang trí hoặc lắp thêm đồ vật ở khu vực gần túi khí.

Ngồi quá gần túi khí, đặt tay hoặc chân lên vị trí của túi khí đều là hành động tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Như đã nói, túi khí bung với tốc độ rất nhanh và mạnh nên ngồi quá gần với túi khí sẽ rất dễ xảy ra chấn thương nghiêm trọng khi túi khí nổ. Tốt hơn hết, người lái nên luôn nắm lấy vành ngoài của tay lái, không bỏ tay lên vị trí của túi khí, còn hành khách ở ghế phụ nên luôn để hai chân dưới sàn. Nên chỉnh ghế hành khách ngồi càng xa túi khí càng tốt, luôn ngồi ngay ngắn và thắt dây an toàn.

Lưu ý, không nên lắp ghế trẻ em quay lưng về phía trước nếu xe có trang bị túi khí cho hành khách phía trước, vì khi túi khí bung ra sẽ tác động một lực mạnh đẩy trẻ vào mặt lưng của ghế phụ phía trên, khiến trẻ bị chấn thương nặng hoặc dẫn đến ngạt thở.

Trong trường hợp bắt buộc phải để ghế của trẻ ở ghế phụ phía trước thì bạn phải cố định ghế ngồi của trẻ thật chắc bằng dây an toàn và lùi ghế càng xa bảng táp lô càng tốt, sau đó tắt nút bung túi khí ở hàng ghế trước.

Hậu quả khi gác chân lên táp lô khi xảy ra va chạm rất nghiêm trọng

Gác chân lên táp lô có thể sẽ khiến bạn gặp những hậu quả khôn lường, như trong trường hợp của Audra Tatum, bà mẹ 3 con người Mỹ sinh sống tại bang Georgia. Trong một lần di chuyển bằng ô tô cùng chồng, Audra có thói quen gác chân lên táp lô, mặc dù chồng cô đã khuyên rất nhiều lần không nên làm thế.

Khi chiếc xe đang chạy với vận tốc trung bình trong tầm kiểm soát, bất ngờ có một xe khác đâm vào hông xe của họ, khiến túi khí lập tức bung ra, chân của Audra đang gác trên táp lô bị bẻ ngoặt ra phía sau. Cả phần xương đùi, mắt cá chân, mũi và vai của cô cũng bị tổn thương nghiêm trọng.

Sau khi tiến hành cấp cứu, các bác sĩ cho biết nếu Audra Tatum ngồi bình thường, đặt chân xuống sàn xe thì cô sẽ không sao. Tuy nhiên, do thói quen muốn gác chân lên táp lô cho thoải mái, cô đã phải chịu những cơn đau kéo dài tới 2 năm sau đó.

Qua tai nạn của mình, Audra muốn cảnh báo thói quen xấu này có thể khiến bạn rơi vào tình huống nguy hiểm không thể lường trước.

Một trường hợp khác là cô Grainne Kealy ở Ireland đang gác chân lên táp lô chiếc xe Jeep của bạn trai, do mặt đường đóng băng trơn trượt đã xảy ra tai nạn, khiến đầu gối của cô đập vào mặt với tốc độ gần 200 km/h. Hậu quả là cô đã bị cưa bỏ phần trán, trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để tái tạo khuôn mặt.

Nguồn: Trên mạng
https://vnexpress.net/gay-xuong-hang-vi-ngoi-gac-chan-len-tap-lo-oto-4522442.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét