Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

Lạm phát đang trở thành điều bình thường mới ?

Đọc bài này rồi nghĩ đến VN thì thấy hai nước giống y như nhau.
Lạm phát đang trở thành điều bình thường mới ?
Jeffrey A. Tucker • Có thể người Mỹ đã quen với mức lạm phát cao và không còn quá chú ý đến nó. Nhưng thực tế là, lạm phát có thể sẽ vẫn còn dai dẳng. Ngay cả khi suy thoái xảy ra, nó sẽ là một đợt lạm phát đình trệ. 
Người Mỹ giống như những con chó bị xích. Dây xích có thể được rút ngắn và kéo dài ra nhưng họ không bao giờ thực sự được tự do.
Tại Mỹ, tình trạng khẩn cấp liên bang đối với COVID cuối cùng cũng kết thúc vào ngày hôm qua. Cùng với đó, quy định khủng khiếp về hạn chế đi lại, thứ đã ngăn cản những người chưa được tiêm chủng đi lại tự do, đã được chấm dứt. Không thể tin được rằng người Mỹ có thể quen với những điều này. Nhưng mọi việc đã xảy ra. Và nó đã diễn ra trong ba năm.

Đây là một lời cảnh báo cho tất cả chúng ta. Đừng bao giờ chấp nhận trạng thái bình thường mới. Thời điểm chúng ta ngừng thể hiện sự quan tâm là thời điểm mà các lãnh chúa của chúng ta quyết định rằng họ có thể trốn tránh việc phải chịu trách nhiệm. Có vẻ như điều duy nhất thực sự kiểm soát được quyền lực là sự hiểu biết của dư luận được hỗ trợ bằng hành động.

1. Đừng hài lòng với mức lạm phát hiện tại

Tình hình với lạm phát cũng như vậy. Công chúng Mỹ nên yêu cầu chính phủ chấm dứt ngay tình trạng này, bởi vì 
lạm phát là một hình thức đánh thuế. Thay vào đó, công chúng dường như không quan tâm lắm, hoặc họ đã từ bỏ việc đó.

Hơn hai năm trôi qua, những con số lạm phát mới được báo cáo đi kèm với sự ăn mừng tuyệt vời rằng cuối cùng người Mỹ đã chiến thắng. Nhưng họ có thực sự chiến thắng không? Tỷ lệ lạm phát mục tiêu là 2%. Lạm phát theo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới nhất cao gấp hai lần rưỡi, ở mức 4,9%. Lạm phát theo CPI đã giảm tốc từ mức cao trước đó. Điều này cũng đúng với Chỉ số giá sản xuất (PPI). Lạm phát PPI đã có tháng thứ 10 liên tiếp có tốc độ tăng giảm.

Mức lạm phát bình thường mới là 4 - 5%, nghĩa là chính phủ liên bang đánh thuế người Mỹ 5 xu trên 1 USD mỗi năm. Theo bất kỳ tiêu chuẩn lịch sử nào, điều này là không thể chấp nhận được. Đây là hai năm tồi tệ nhất kể từ cuộc đại lạm phát vào cuối những năm 1970, tuy nhiên, (ngạc nhiên là) người ta đều đồng thuận rằng điều này ổn.

Bạn đã hiểu cơ chế của việc này chưa? Họ đã làm điều này với người Mỹ trong 3 năm qua. Họ tiếp tục làm cho cuộc sống của người Mỹ trở nên tồi tệ hơn và sau đó nới lỏng một chút. Tình trạng mới tốt hơn tình trạng cũ nên người Mỹ có cảm giác thoải mái. Trong khi đó, người Mỹ đã quên mất cuộc sống là như thế nào trước khi tất cả những điều này bắt đầu.

Người Mỹ giống như những con chó bị xích. Dây xích có thể được rút ngắn và kéo dài ra nhưng họ không bao giờ thực sự được tự do.

Greg Ip đưa tin “Chỉ 9% số người được hỏi của Gallup hiện cho rằng lạm phát là vấn đề quan trọng nhất, xếp sau sự lãnh đạo của chính phủ và 'nền kinh tế nói chung' và ngay trước vấn đề nhập cư và súng ống. Nó hầu như không xuất hiện trong cuộc chiến của Washington về việc tăng trần nợ”.

Hãy suy nghĩ về điều này. Bạn thích lạm phát 10% bây giờ và 0% vào năm tới, hay 6% bây giờ và 6% vào năm tới? Lựa chọn thứ hai tệ hơn nhưng có thể không làm người ta cảm thấy tệ. Nếu tôi (chính phủ) có nhiệm vụ phá giá tiền tệ theo cách thức không thu hút sự chú ý của công chúng, tôi chắc chắn sẽ chọn con đường thứ hai. Bạn càng đi chậm, bạn càng ít khơi dậy sự nổi dậy của công chúng.

Trong khi đó, một cách khác để nhìn vấn đề lạm phát là nhìn vào hình ảnh phản chiếu: sức mua của đồng USD. Nếu bạn đặt định giá năm 2020 là 100, 
sức mua của đồng USD đã giảm xuống còn 85 xu tại thời điểm hiện tại và đang tiếp tục giảm. Bây giờ người Mỹ đã hoàn toàn quên về mức giá cũ. Sẽ không thể trở lại như trước. Nhân danh các gói kích thích, họ (chính phủ) đã cướp tiền của người Mỹ.

Biểu đồ: Sức mua của đồng USD. Tháng 1 năm 2020 tương ứng với mốc 100. (Dữ liệu: Dữ liệu kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang [FRED], St. Louis Fed; Ảnh: Jeffrey A. Tucker)

Quay trở lại khi người dân thực sự quan tâm đến lạm phát, lý do bào chữa của họ là chuỗi cung ứng bị phá vỡ do các biện pháp kiểm soát đại dịch và sau đó là các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ngay cả khi đó, không một quan chức nào dám nói về sự bùng nổ đáng kinh ngạc của nguồn tiền. Tiền đã tràn ngập toàn thế giới vào năm 2020 và 2021. Điều này hoàn toàn đảm bảo cho một đợt lạm phát tồi tệ, xuất hiện hoàn toàn đúng thời điểm được dự đoán.

Vì những lý do mà tôi không thể hiểu được, lời giải thích rõ ràng nhất [tăng mạnh cung tiền] cho sức mua giảm không bao giờ được đưa ra bởi bất kỳ nguồn chính thức nào.

2. Lạm phát sẽ còn dai dẳng

Bây giờ người Mỹ đang ở trong một tình thế kỳ lạ. Cung tiền đang giảm rất mạnh - 5% trong 6 tháng qua. Điều này là do nhiều yếu tố, xuất phát từ sự thay đổi mạnh mẽ từ lãi suất bằng 0 sang lãi suất phù hợp hơn với điều kiện thị trường thực tế.

Đây là một dấu hiệu suy thoái nghiêm trọng. Nó đồng nghĩa với việc rút cạn khả năng tiếp cận tín dụng từ nhiều tổ chức đã quen sống nhờ vào nó. Một nền kinh tế có nguồn cung tiền giảm là sự đảo ngược của một nền kinh tế có nguồn cung tiền tăng: cảm giác hưng phấn về sự thịnh vượng vô tận sẽ chuyển sang hướng ngược lại.

Nếu cung tiền đang giảm mạnh, tại sao lạm phát lại có vẻ dai dẳng như vậy? Đó là vì một yếu tố mà chúng ta ít biết nhưng nó cũng quan trọng không kém trong việc xác định mức giá. Đó là tốc độ lưu chuyển tiền hay vận tốc của tiền tệ (velocity). Nó là thước đo mô tả tốc độ tiền thay đổi chủ. Trong thời gian phong tỏa, vận tốc này đã giảm. Nhưng điều đó đã nhanh chóng chấm dứt. Với velocity ngày càng tăng, bạn vẫn có các động lực của lạm phát đang hoạt động để đẩy giá lên cao.

Biểu đồ: Tốc độ lưu chuyển tiền tệ. Đường màu xanh: tốc độ lưu chuyển tiền M2. Đường màu đỏ: nguồn tiền M2. (Dữ liệu: Dữ liệu kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang [FRED], St. Louis Fed; Ảnh: Jeffrey A. Tucker)

Có một số áp lực giảm phát lớn đang nổi lên trong giá sản xuất. Đây không phải là một hiện tượng tiền tệ. Tình hình có vẻ giống như là các lực lượng suy thoái đang đè nặng lên giá cả. Điều này được phản ánh trong thị trường lao động, sự phá sản của các công ty lớn và thời kỳ khó khăn đang gia tăng đối với tất cả các ngành vốn đã phát triển mạnh vài năm trước.

Tôi đã dự đoán về một cuộc suy thoái rất rõ ràng vào mùa hè, thứ sẽ kéo dài cho đến năm sau. Tuy nhiên, không có lý do gì để nghĩ rằng điều này sẽ đi đôi với bất kỳ sự sụt giảm đáng kể nào về giá hàng tiêu dùng. Với vận tốc của tiền vẫn đang gia tăng, lạm phát có thể sẽ vẫn dai dẳng ở mức hiện tại. Điều này tạo ra lạm phát đình trệ, một từ mà người Mỹ sẽ được nghe nhiều hơn trong những tháng tới.

3. Tình trạng tồi tệ

Sự xuất hiện của tình trạng đáng buồn này thể hiện một sự đảo ngược lớn đối với sự tiến bộ mà người Mỹ đã đạt được trong bốn mươi năm hướng tới hệ thống tiền tệ ổn định hơn. Tất cả đã bùng nổ do phản ứng với đại dịch, cùng với rất nhiều thứ khác. Quyền tài sản không được đảm bảo. Quyền riêng tư thường xuyên bị xâm phạm. Kiểm duyệt là rõ ràng ở khắp mọi nơi. Các cơ quan hành chính nhà nước bị kiểm soát. Thậm chí không tồn tại triển vọng tăng trưởng kinh tế. Và tự do đang bị hạn chế rất nhiều.

Nếu người Mỹ muốn khắc phục những điều này, thì một đồng USD mạnh phải là một phần của chương trình cải cách. Thay vào đó, có những nỗ lực đi theo hướng khác dưới dạng Tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương
(Central Bank Digital Currency - CBDC). Đây là bài kiểm tra thực sự đối với mọi ứng cử viên chính trị: hãy cho chúng tôi biết quan điểm của bạn về CBDC!

Gần như mọi quốc gia rơi vào chế độ chuyên quyền trong quá khứ đều vi phạm nguyên tắc cốt lõi của một đồng tiền lành mạnh. Nhưng thực sự thì ngày nay mọi nguyên tắc của tự do đều đang bị đe dọa.

Người Mỹ càng chịu đựng, các lãnh chúa càng trốn tránh được trách nhiệm. Đây không phải là lúc để bất cứ ai có thể bằng lòng với tỷ lệ lạm phát mà trong một vài năm tới sẽ cắt giảm một nửa giá trị của đồng USD vào năm 2020. Đồng tiền vững mạnh là một vấn đề dân túy [ủng hộ người dân thường]. Để đạt được điều đó cần có những nhà lãnh đạo hiểu biết, trung thực và dũng cảm.


Jeffrey A. Tucker

Tác giả Jeffrey A. Tucker là nhà sáng lập và Chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng nghìn bài báo trên các tờ báo học thuật và phổ thông, cũng như tác giả của 10 cuốn sách viết bằng 5 thứ tiếng với cuốn sách gần đây nhất là “Liberty or Lockdown”. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết các bài bình luận về kinh tế và nói chuyện về nhiều chủ đề như kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét