Thứ Ba, 23 tháng 5, 2023

Nhìn du lịch Thái: “Tại sao mình không được như người ta”

Nhìn du lịch Thái Lan, nghĩ về du lịch Việt Nam: “Tại sao mình không được như người ta”
FB Đào T. Thanh Tuyền, May 19th, 2023 - Và khi đứng trên tầng thượng của IconSiam nhìn xuống bên dưới thì tôi không tránh khỏi những suy nghĩ. Tôi không biết con sông Chao Phraya chảy qua Bangkok có ngoạn mục hơn sông Sài Gòn chảy qua Sài Gòn không. So sánh nào cũng khập khiễng, nhưng nơi tôi đang nhìn ngắm bao quát đây, bờ bên kia có nét rất gần với quận 1, Sài Gòn; một cái gì đó quen quen để rồi vô thức buột miệng: “Tại sao mình không được như người ta”.
1. Nhiều điều thú vị ở Songkhla
Thành phố Songkhla cách trung tâm Hat Yai khoảng 50 km, chưa đến một giờ đi xe. Vừa qua cổng chào là thấy biển bên đường thấp thoáng sau những hàng dương. Không như nhiều thành phố du lịch biển sôi động, khung cảnh ở đây khá êm đềm và biển Samila là nơi dừng chân thăm viếng của bất cứ ai đến đây, thưởng thức thức ăn đường phố hấp dẫn.

Người tài xế taxi chỉ cho chúng tôi hai hòn đảo Chuột vào Mèo nằm ngoài xa. Trí tưởng tượng của con người quả phong phú khi thiên nhiên ban tặng cho nơi đây hai hòn đảo hình thù rất dễ thương: chú mèo phía trước và có chú chuột theo sau.

Vậy nên, trên bãi biển có tượng điêu khắc mèo và chuột rất lớn. Những dòng chữ khắc trên bia kể câu chuyện dân gian, ngụ ý rằng lòng tham có thể đánh mất những điều quý giá, thậm chí cả mạng sống. Chuyện kể một thương gia đến Songkhla buôn bán, ông mua được một con chó và một con mèo đem về nuôi trên tàu. Hai con vật cảm thấy buồn chán và tìm cách trốn. Mèo bắt một con chuột lấy cắp quả cầu ma thuật của ông chủ để giúp chúng không bị đuối nước trên biển. Chuột ngậm quả cầu trong miệng, dẫn đầu cả ba con vật cùng bơi về Songkhla.

Vui chơi ở tượng chuột và mèo

Trong lúc bơi vào bờ, chuột và mèo đều nảy lòng tham muốn chiếm lấy quả cầu vì chúng sợ vật quý này sẽ bị đoạt mất khi đến nơi. Bỗng chuột tưởng mèo sắp vồ mình nên bơi thật nhanh, không may quả cầu rơi xuống nước, cả ba bị chìm. Xác chuột và mèo biến thành đảo Chuột (Koh Noo) và đảo Mèo (Koh Maew). Còn chó, tuy dạt được vào bờ song đuối sức mất đi, biến thành đồi Chó (Khao Tang Kuan). Ðây cũng là điểm viếng cảnh nổi tiếng ở Songkhla. Từ ngọn đồi này, khách có thể ngắm toàn cảnh ngoạn mục của thành phố. Trên đồi có ngọn hải đăng.

Trong một khảo sát, người ta cho rằng, tượng Mèo và Chuột ở đây là một trong những bức tượng Chuột nổi tiếng trên thế giới.

Trên bãi biển Samila còn có bức tượng điêu khắc Nàng tiên cá bằng đồng được tạo bởi Jitr Buabus vào năm 1966. Trên tấm bảng có khắc câu chuyện kể về một đêm không trăng, chỉ có những vì sao trên nền trời đen thẫm, nàng tiên cá ngồi chải tóc trên bờ biển. Một chàng trai làng làm nghề đánh cá đến trêu ghẹo khiến nàng hỗ thẹn lặn xuống biển mất dạng. Và rồi chàng trai cứ thế chờ đợi, nhưng Nàng tiên cá không bao giờ trở lại. 60 ngàn Baht là chi phí làm tượng Nàng tiên cá do cộng đồng địa phương đóng góp.

Hàng ăn vặt ở biển Samila khá nhiều và rất giống với Việt Nam với những món như que xiên chiên (tôm, thịt, chả cá, xúc xích…), mực cán mỏng, có một cô bán món kem dừa rất ngon.

Phố cổ Songkhala

Cách biển Samila khoảng 5km, nằm dọc theo hồ Songkhla, phố cổ Songkhla là thị trấn lịch sử, một phần của Songkhla, nơi có nhiều tòa nhà từ 50 đến 200 tuổi theo phong cách kiến trúc truyền thống quyến rũ. Tôi thật sự tò mò ngay từ khi vừa bước vào cổng Songkhla Old Town.

Có ba con đường chính: Nakorn Noak, Nakorn Nai và đường Nang Ngam. Ðây là một khu vực có cộng đồng lớn người Thái gốc Hoa mà chính quyền địa phương và chính phủ Thái Lan đang cố gắng quảng bá như một điểm thu hút du lịch theo đúng nghĩa của nó. Songkhla hiện có một lượng du khách vừa phải, chủ yếu đến từ Thái Lan và Malaysia để tận hưởng bãi biển Samila và các điểm ngắm nhìn quanh hồ Songkhla. Mục tiêu của việc xây dựng thương hiệu “Phố cổ” cho khu vực này cố gắng cạnh tranh với sự thành công của Phố cổ Phuket, thu hút nhiều khách du lịch hơn.

Một trong những điều thú vị của Phố cổ Songkhla là các tòa nhà, mặc dù gần như tất cả đều gắn liền với cộng đồng người Hoa nhập cư Songkhla, nhưng có nhiều phong cách kiến trúc và được xây dựng vào những thời điểm khác nhau.

Nàng tiên cá, đảo chuột và đảo mèo

Bảng thông tin ở cổng Phố cổ Songkhla cho biết có bốn loại tòa nhà khác nhau trong khu vực:

Những ngôi nhà cửa hàng truyền thống của Trung Hoa: Ðược xây dựng vào những năm 1830, những tòa nhà này có mái ngói quét đặc biệt.

Nhà thương mại Trung Hoa: Ðược xây dựng vào những năm 1930 và 1940, những tòa nhà này thường nhỏ hơn, ít đặc biệt hơn.

Nhà cửa hàng truyền thống Songkhla: Những tòa nhà này pha trộn giữa kiến trúc Trung Hoa và Châu Âu và hầu hết được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 20.

Cửa hàng Trung Quốc hiện đại: Ðây là những tòa nhà bê tông hai tầng có ngày xây dựng ở mặt trước của tòa nhà. Hầu hết có niên đại từ những năm 1950 đến những năm 1970.

Nhiều tòa nhà cũ ở Phố cổ Songkhla hiện đã được thay đổi từ các cửa hàng thành nhà hàng, quán cà phê hoặc cửa hàng lưu niệm. Các tòa nhà ở phía nam của khu Phố cổ phục vụ chủ yếu cho người dân địa phương bán các món ăn địa phương rẻ tiền, trong khi ở khu vực phía bắc nổi tiếng hơn của khu phố cổ chủ yếu phục vụ khách du lịch.

Khu phố cổ từng là một trung tâm thương mại thịnh vượng, đó là lý do tại sao có rất nhiều tòa nhà nằm ở khu vực này của Songkhla.

Một trong những tòa nhà được bảo tồn tốt ở Phố cổ Songkhla là Hub Ho Hin, hay còn gọi là “Nhà máy gạo đỏ”. Tòa nhà lớn bằng gỗ này được gọi là Nhà máy xay lúa đỏ vì nó có một cối xay lúa lớn chạy bằng hơi nước và bên ngoài được sơn màu đỏ. Tòa nhà được hoàn thành vào năm 1921 và các bức tường bên ngoài được làm bằng gỗ cứng nhiệt đới. Nhà máy gạo đỏ đã mở cửa cho công chúng như một điểm thu hút khách du lịch và bạn có thể đi bộ miễn phí qua tòa nhà để đến một cầu tàu lớn ở phía sau, nơi gạo thô được chuyển đến nhà máy và gạo sau đó được chuyển bằng tàu đem bán khắp vùng.

Ði hết phố cổ khoảng hơn 4km sẽ đến công viên Song Thale, nhìn ra vùng mặt nước tiếp giáp giữa biển và hồ, đối diện với cảng có một tượng điêu khắc được làm từ kim loại đồng thau màu xanh với tên gọi Great Serpent Nag (Ðại Mãng Xà Nag). Tuy nhiên đây chỉ là phần đầu của Nag.

Vào năm 2006, Thị trưởng của Songkhla – ông Utitt Chuchouy, đã quyết định xây dựng một tượng đài có thể mãi mãi mang lại may mắn, giàu có và thịnh vượng cho người dân Thành phố Songkhla.

Ông đã yêu cầu ông Montri Sungmusikanon, một giảng viên của Ðại học Thaksin, thiết kế một tác phẩm điêu khắc về vị thần Nag, được chia thành ba phần, nằm ở ba nơi riêng biệt.

Phần đầu Nag nằm ở công viên Song Tale, có đường kính 1.20 mét, cao từ chân tượng đến đỉnh khoảng 9 mét tượng trưng cho sự thông minh, trí tuệ của người dân thành phố. Người dân miền Nam Thái Lan tin rằng Nag phun nước thánh để làm cho mọi người cảm thấy sảng khoái, hạnh phúc và tẩy sạch những vết nhơ trong tâm trí và cơ thể chúng ta

Phần thứ hai là bụng của Nag, tượng trưng cho sự giàu có của thành phố nằm ở đường lên đồi Tang Kuan, có đường kính 1.20 mét, dài 5.00 mét, cao 2.5 mét. Hình dạng nửa vòng tròn cho phép khách du lịch đi qua dưới rốn để được ban phước lành.

Cuối cùng là đuôi Nag, tượng trưng cho sức hút và sức mạnh của cộng đồng nằm ở bãi biển Samila, có đường kính 1.20 mét, dài 4.00 mét, cao 4.5 mét.

Lễ khánh thành chính thức của tác phẩm điêu khắc được thực hiện vào năm 2007.

Người ta cho rằng, nếu đến Songkhla và thưởng ngoạn đủ ba phần của Great Serpent “Nag” (cách nhau khoảng 3km), khách sẽ gặp được nhiều may mắn. Ðây cũng là một cách thu hút khách du lịch đặc biệt của người Thái, ngoài phần ẩm thực. Tôi nghĩ vậy!

Nhiều du khách thường lo sợ về vấn đề an ninh khi tới miền nam Thái Lan. Tuy nhiên, thời điểm chúng tôi đến, không khí thành phố Hat Yai và Songkhla khá thanh bình và an toàn.

2. Ngẫm nghĩ ở Bangkok

Từ Hat Yai đến Bangkok chúng tôi đi máy bay của hãng Nok Air, hãng hàng không giá rẻ của Thái Lan, nơi xuống là sân bay Don Mueang. Lúc bắt đầu vào cửa lên máy bay, tôi nhìn quanh thấy ai cũng mang khẩu trang; mấy ngày lang thang từ Mã Lai qua Thái Lan, tôi quên bẵng nó, vậy nên cả xấp khẩu trang mới nằm trong hành lý ký gửi.

Tôi vào một quầy hàng mua khẩu trang, nghĩ bụng, để xem khẩu trang của Thái Lan có “xịn” hơn khẩu trang Việt Nam không. Mua xong, coi nhãn hiệu mới hóa ra là khẩu trang của Việt Nam mà là loại mang chật, khó thở, tôi không bao giờ mua loại này ở Việt Nam.

Chúng tôi đến Bangkok còn quá sớm, giờ check-in khách sạn là 02 PM, làm gì trong thời gian chờ đợi đến hơn 5 giờ? Tôi Google loại ra những điểm đã đến rồi và quyết định sẽ dành một ngày sống chậm ở IconSiam, một trung tâm thương mại chỉ mới hoạt động vào thời điểm trước dịch Covid – 19 bùng phát không lâu nên coi như sẽ là một điểm đến (hy vọng) thú vị.

Tôi lướt qua vài thông tin về nơi này:

– Nằm bên bờ sông Chao Phraya, IconSiam khánh thành cuối năm 2018, là trung tâm mua sắm lớn bậc nhất tại Bangkok, được mệnh danh “Mother of All Malls”, một trong những điểm “must see” ở Bangkok.

– Có thể dễ dàng nhận ra khu trung tâm thương mại này với 2 tòa tháp 52 tầng và 70 tầng dành cho dân cư sang trọng được kết nối với IconSiam.

– Bên trong có một khu chợ nổi Sook Siam. Ðồ ăn ở đây được đánh giá là hấp dẫn và có mức giá phải chăng. Ngoài ẩm thực, còn có quần áo, hàng may mặc và các sản phẩm địa phương.

– Siam Takashimaya gồm 7 tầng bán các sản phẩm thời trang và mỹ phẩm cao cấp từ các thương hiệu lớn như Hokkaido Dosanko Plaza; hay Cosme tập trung hơn 600 thương hiệu lớn và khoảng hơn 7,000 sản phẩm làm đẹp. Mỹ phẩm vừa cao cấp, chính hãng và vừa có mức giá hợp lý.

– Icon Luxe là khu vực được thiết kế với những chiếc đèn chùm lấp lánh, trần nhà ánh vàng và tập trung những thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới như Chanel, Louis Vuitton, Bvlgari, Hermes…

– Apple Store tại IconSiam là cửa hàng thứ 2 của hãng ở khu vực Ðông Nam Á, nổi bật với những tấm cửa sổ nguyên kính, trần cao và những hàng cây xanh trang trí.

– Ngay kế bên Apple Store là công viên IconSiam xanh mát, xinh đẹp và yên tĩnh. Ðứng ở đây sẽ nhìn được bao quát toàn cảnh Bangkok. Khu vườn gồm có những chiếc ghế nghệ thuật, cây xanh được chăm sóc cẩn thận và ánh nắng chan hòa…

– River Park là công viên bên cạnh con sông Chao Phraya với khung cảnh lãng mạn…

– Sri Mahasamut Ship là bảo tàng duy nhất trong khu IconSiam được xây dựng để tưởng nhớ vua Thonburi – vị vua nổi tiếng anh dũng trong khoảng thế kỷ 18. Chủ đề của bảo tàng thuyền nổi là mô phỏng cuộc sống và di sản mà vua Thonburi để lại.

– Khách có thể thoải mái thưởng thức các màn nhạc nước rực rỡ ánh sáng và âm thanh du dương miễn phí vào 21h30, 20h00, 18h30 và 16h30 hàng ngày.

– Một nhà hát với 3000 chỗ ngồi….

Chà ngợp quá, hãy biết qua vậy đã.

Cái ngợp đầu tiên khi chúng tôi vào bên trong IconSiam là cơ man hàng ăn uống. Và cũng thật sự lúng túng không biết ăn thứ gì. Chúng tôi chọn mua vài món ngồi ăn mục đích chỉ để quan sát khung cảnh chung quanh. Ðiều nhận xét đầu tiên tuy người qua lại rất đông, ngồi ăn uống nhiều nhưng khu vực để bàn ăn rất sạch sẽ. Luôn có những người làm công việc vệ sinh tới lui, dọn dẹp, cảm giác như bạn vừa đứng lên, quay lại đã thấy chiếc bàn sạch tinh tươm rồi. Mà họ làm rất nhẹ nhàng, tế nhị khiến khách không thấy vướng. Làm một so sánh, ở những nơi ăn uống đông đúc trong các trung tâm thương mại Việt Nam, thường phải rất lâu mới có nhân viên dọn dẹp, đôi khi khách ngồi vào bàn còn phải yêu cầu nhân viên lau dọn…

Chúng tôi dạo khắp các tầng lầu theo thứ tự từ dưới lên. Quả thật, khen “phò mã tốt áo” thì cũng bằng thừa. Ði rã cẳng một ngày chưa chắc đã hết!

Và khi đứng trên tầng thượng của IconSiam nhìn xuống bên dưới thì tôi không tránh khỏi những suy nghĩ. Tôi không biết con sông Chao Phraya chảy qua Bangkok có ngoạn mục hơn sông Sài Gòn chảy qua Sài Gòn không. So sánh nào cũng khập khiễng, nhưng nơi tôi đang nhìn ngắm bao quát đây, bờ bên kia có nét rất gần với quận 1, Sài Gòn; một cái gì đó quen quen để rồi vô thức buột miệng: “Tại sao mình không được như người ta”.

Chúng tôi ngồi ở Starbucks một buổi chiều, chỉ với ly cà phê tan nước đá từ hồi nào, giá không bao nhiêu nhưng thật thoải mái trong không gian mát mẻ. Cạnh đó một nhóm bạn trẻ laptop trước mặt, họ vừa làm việc vừa thảo luận. Càng về chiều, khách đổ lên sân thượng ngắm sông càng nhiều. Vẻ như quyền được ngắm sông là chuyện đương nhiên, vì sông là của họ và IconSiam như một nơi tạo điều kiện cho họ có chỗ đến thưởng thức cái đẹp, chuyện trò, thư giãn.

Tại sao tôi ghi lên điều này khi mà việc ngắm sông từ trên cao có gì là xa xỉ? Ở đây mọi khách từ bình dân đến có tiền đều thoải mái, chỉ cần họ thích.

Ở Sài Gòn, nếu bạn muốn ngắm sông từ trên cao có lẽ hơi bị khó nếu túi bạn không rủng rỉnh để vào các khách sạn nhà hàng sang trọng nhìn ra bến Bạch Ðằng hay nhìn ra sông nói chung.

Tôi ví dụ hai nơi. Một là tòa tháp Bitexco ở quận 1, nếu bạn muốn lên tầng 49, tại đây có thể ngắm Thủ Thiêm bên kia sông (bây giờ là thành phố Thủ Ðức) và trung tâm Sài Gòn thì bạn phải mua vé với giá 249 ngàn đồng cho một người lớn.

Nơi nữa là Landmark 81 thuộc quận Bình Thạnh. Vé vào “sky view” là 300 ngàn đồng cho một người lớn, hay 480 ngàn đồng với một combo gồm có: một ảnh lưu niệm, một vé chơi VR Game và một đồ uống mang đi. Với giá tiền này không thể dành cho tất cả mọi người dân được và ngay khách du lịch, tôi nghĩ họ cũng phân vân chọn lựa. Biết bao giờ Sài Gòn mới có, tôi không dám nói một trung tâm thương mại to đùng như IconSiam mà chỉ cần một nơi mua sắm, ăn uống và tất cả mọi người có thể lên đó thoải mái ngắm sông, làm việc, chuyện trò, thư giãn?

Có một chuyện nhỏ vui vui. Hôm ấy ngồi ở Starbucks (IconSiam) điện thoại tôi báo sắp hết pin mà trớ trêu thay, tôi có mang theo cục pin charge nhưng dây lại để trong vali gửi ở khách sạn. Không cách nào khác, tôi bèn đi xuống tầng bên dưới hỏi chỗ mua dây charge. Tôi vào một cửa hàng của Samsung, “bấm bụng” móc hầu bao cho cái “tội quên” của mình với giá 700 ngàn đồng tính theo tiền Việt Nam cho chỉ sợi dây. Trong khi chờ nhận hàng, một bạn trẻ là nhân viên hỏi tôi có phải người Việt Nam không. Tôi giật mình hỏi lại sao bạn biết. Bạn ấy nói rằng bạn có nhiều bạn Việt Nam, bạn nghe giọng tôi nói, bạn đoán. Tôi cắc cớ hỏi lại: “Thế bạn biết gì về Việt Nam?”. Và tôi rất ngạc nhiên khi nghe câu trả lời rằng, bạn ấy biết Việt Nam vì có một diễn viên là thuyền nhân Việt Nam vừa đoạt giải Oscar. Tôi vội vàng mở điện thoại tìm tên tiếng Anh của Quan Kế Huy để dễ nói chuyện. Chúng tôi cùng cười vang khi cả hai có chung một vấn đề quan tâm. Bạn nói thêm, bạn đã coi đoạn video Quan Kế Huy cám ơn người mẹ và bạn thật xúc động.

Chúng tôi ngồi đến tối khi cả bên trên và bên dưới khu vực IconSiam đều quá đông người. Ði một vòng công viên với đủ sắc màu, âm thanh trên bến, dưới thuyền, người lên, kẻ xuống, người chờ, kẻ đứng, chụp hình í ới… Mới nghĩ, để kéo được lượng khách đông như thế này là cả một “cái đầu” nghĩ lớn, tính chuyện lớn nhưng biết phục vụ cho tất cả mọi khách từ những chuyện rất nhỏ là lau dọn vệ sinh rất khoa học ở khu vực ăn uống. Quan trọng là, không chỉ ưu tiên cho khách sang trọng, nhiều tiền mà cho tất cả những ai muốn đến với họ, dù số tiền tiêu xài ở đây không đáng bao nhiêu, như chúng tôi hôm ấy chẳng hạn, chỉ với vài món ăn giá cả rất phải chăng, có là gì so với những thứ mà mình được nhìn ngắm.

Đào T. Thanh Tuyền
May 19th, 2023






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét