Thứ Năm, 11 tháng 5, 2023

Thành tựu của nền dân chủ kiểu Mỹ ở Lybia

Thành tựu của nền dân chủ kiểu Mỹ ở Lybia
Trong khoảng 50 năm gần đây, Mỹ và NATO đã thực hiện hàng trăm cuộc chiến tranh xâm lược ở nước ngoài dưới rất nhiều chiêu bài khác nhau. Một trong những chiêu bài của Mỹ là để giúp người dân các nước đó thoát khỏi chế độ độc tài, trở thành nước dân chủ giầu mạnh.
Thực tế thì thế nào ?
Tôi nhớ đầu năm 2011 khi tôi đang sống ở Thụy Sĩ thì liên quân Mỹ và NATO đem hàng vạn quân xông vào Libya để đánh hội đồng nước này với lý do "nhân đạo".

Các quốc gia phương Tây lý luận rằng Tổng thống Muammar Gaddafi đang ở ranh giới bờ vực của sự tàn sát "chính nhân dân của mình" khi dùng mọi biện pháp đàn áp các cuộc nổi dậy hợp pháp chống lại chế độ độc tài của ông trong 40 năm qua.

Sự thật là, như nhiều nhà phân tích chính trị quốc tế khẳng định, đây đích thực là một cuộc xâm lược ồ ạt và toàn diện của Mỹ và NATO để chiếm đoạt các mỏ dầu chiến lược với trữ lượng rất lớn của Libya. Libya đã trở thành Iraq thứ hai bị Mỹ và NATO tiêu diệt chỉ vì những mỏ dầu. Tại chiến trường Libya khi đó, tivi hàng ngày đưa tin các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt (weapon of mass destruction, gọi tắt là WMD) được sử dụng song được ngụy trang khéo léo trước những con mắt cả tin của người dân thế giới. Cuộc xâm lược và chiếm đóng Iraq cũng đã được thực hiện y như vậy vào năm 2003 với việc tử hình tổng thống Iraq Saddam Hussein.

Kết quả Mỹ và NATO đã lật đổ chế độ Gadhafi và giết chết ông ta, lập ra một nhà nước ngoan ngoãn vâng lời Mỹ nhưng rất nhiều bộ tộc không chấp nhận. Do đó nội chiến liên tục xảy ra kể từ năm 2014, giữa một bên là chính phủ HoR ở Tobruk và một bên là chính phủ GNC ở Tripoli đã diễn ra. 

Sau một loạt các cuộc đàm phán hòa bình do Liên Hợp Quốc tổ chức giữa hai chính phủ Tobruk và Tripoli, một chính phủ thống nhất do LHQ hậu thuẫn đã được thành lập vào năm 2015. Tuy nhiên, một phần lãnh thổ của Libya vẫn còn nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ, khi mà các lực lượng Hồi giáo cực đoan, phiến quân và bộ lạc dân quân khác nhau đang chiếm giữ các khu vực này. Như vậy cuộc xâm lược của Mỹ và NATO còn làm cho Lybia mất đi một phần lãnh thổ.

Theo wiki, với một trữ lượng dầu mỏ đã được kiểm chứng thuộc hàng lớn nhất trên thế giới, Libya có mức thu nhập kinh tế quốc dân trên đầu người cao nhất Bắc Phi thời Tổng thống Gadhafi trước năm 2011. Lybia cũng là một trong những nước có mức GDP trên đầu người cao ở châu Phi. Với tổng diện tích 1,8 triệu km², 90% trong đó là sa mạc; với dân số chỉ có 6 triệu người và các khoản thu nhập từ dầu lửa hàng năm tới 32 tỷ đô la Mỹ trong năm 2010, tiềm năng của Libya là rất lớn, cung cấp cho người dân một hệ thống an sinh xã hội cao và rộng rãi, đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở và giáo dục. So sánh với các nước láng giềng theo định hướng thị trường, Libya có mức nghèo tuyệt đối và tương đối khá thấp.

Tuy nhiên, sau cuộc chiến xâm lược đẫm máu năm 2011, Mỹ và NATO đã biến Lybia, một quốc gia có mức sống cao nhất châu Phi, thành một quốc gia nghèo đói, không phát triển với những chợ nô lệ lộ thiên.

Sau sự sụp đổ kinh tế khủng khiếp trong năm chiến tranh 2011, nền kinh tế Lybia có sự hồi phục vào năm 2012 (vì năm 2011 quá thấp), nhưng sau đó lại bị suy thoái bởi cuộc nội chiến của Libya. Đến năm 2017, GDP (PPP) bình quân đầu người của Libya chỉ còn bằng 60% so với mức trước chiến tranh.

Để minh chứng, các bạn hãy quan sát những đồ thị dưới đây để thấy tất cả các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô then chốt của Lybia "dân chủ kiểu Mỹ" đều sụp đổ thảm hại từ năm 2011 so với các năm trước dưới thời Gadhafi.

Đáng xấu hổ là trang wike về Lybia né tránh không vạch ra nguyên nhân sụp đổ kinh tế xã hội ở Lybia là cuộc chiến tranh xâm lược và đô hộ của Mỹ và NATO mà đổ cho nội chiến. Làm gì có nội chiến nào ở đây năm 2011 ngoài cuộc xâm lược dã man của chúng.


Tại sao Mỹ và các nước phương Tây quyết tâm xâm lược Lybia và tiêu diệt Muammar Gaddafi ? Đó là vì Lybia là quốc gia XHCN giầu tài nguyên và lập trường của Muammar Gaddafi là chống thực dân, đế quốc phương Tây và chống phân biệt chủng tộc.

Thực tế Mỹ và các quốc gia phương Tây không bao giờ can thiệp cứu cuộc sống của thường dân ở các nước không có dầu thô và những tài nguyên quý hiếm khác hay những lợi ích chiến lược của phương Tây như tạo vành đai phong tỏa Nga, Trung Quốc, hoặc bảo vệ an ninh cho các căn cứ quân sự hoặc cho các tuyến đường biển của chúng. 

Ví dụ người dân Somalia cực kỳ nghèo đói nhưng Phương Tây mặc kệ. Chúng chỉ can thiệp vào quốc gia này khi hải tặc Somalia hoành hành trên biển Ấn Độ Dương, cản trở thông thương trên biển của Châu Âu. Năm 1994, cuộc thảm sát ở Rwanda khiến gần 1 triệu người thiệt mạng. Lòng căm thù và sự xung đột sắc tộc giữa người Hutu và người Tutsi gây ra tội ác diệt chủng kinh hoàng. Các quốc gia phương Tây khoanh tay đứng nhìn bất chấp sự hiện diện của quân Liên hợp quốc ! Lúc đó tôi đang làm luận án tiến sĩ ở Pháp, hàng ngày tiếp xúc với các bạn châu Phi và nghe họ tâm sự tôi càng thấy căm ghét Mỹ và các quốc gia phương Tây.

Tương tự như vậy, nạn diệt chủng kinh hoàng tại Darfur của Sudan làm hàng triệu người chết hoặc phải đi lánh nạn. Chính phủ của Tổng thống Bashir ở Khartoum bị chỉ trích nhưng không hề có sự can thiệp của Mỹ và các quốc gia phương Tây. Tình hình tương tự ở Liberia và Sierra Leone. Đó là do những nước này không giống như Libya và Iraq: Họ không có dầu khí hoặc các loại dầu thô.

Vậy ai trong chúng ta có thể kể tên một quốc gia nhờ có sự can thiệp vũ trang của Mỹ và NATO để chuyển thành quốc gia dân chủ mà đã có sự phát triển mạnh mẽ hay đáng kể ?





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét