Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Ủng hộ 'bốn yêu cầu' của Nga để ngừng bắn ở Ukraine

Ủng hộ 'bốn yêu cầu' của Nga để ngừng bắn ở Ukraine
Sau khi Mỹ và các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine, Kyiv cho rằng một cuộc phản công lớn sắp xảy ra khiến xung đột giữa Nga và Ukraine dường như không có hồi kết. Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin gần đây đã bày tỏ sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình về vấn đề Ukraine, và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin đã nêu ra ‘bốn yêu cầu’ đối với Ukraine về ngừng bắn.

Quân nhân Ukraine khai hỏa bằng lựu pháo D-30 vào các vị trí của Nga gần Bakhmut, miền đông Ukraine, hôm 21/3/2023. (Ảnh: Sergey Shestak/AFP/Getty Images)

1. Nga nêu 'bốn yêu cầu' ngừng bắn ở Ukraine

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cho biết trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 29/5, theo trang web của Russia Today TV, rằng nếu Ukraine cam kết trung lập, từ chối gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU), công nhận "thực tế lãnh thổ mới" và tuyên bố tiếng Nga là ngôn ngữ quốc gia, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có thể được giải quyết.

Ông Galuzin nhấn mạnh rằng để đạt được một nền hòa bình lâu dài, Ukraine “phải trở lại tình trạng trung lập, không liên kết”, đồng thời “từ chối gia nhập NATO và EU”. Ngoài ra, Kyiv nên công nhận "thực tế lãnh thổ mới" xuất hiện sau khi các dân tộc thực hiện quyền tự quyết của mình. Nhà ngoại giao này đang đề cập đến Bán đảo Crimea và bốn khu vực đã bỏ phiếu sáp nhập vào Nga hồi mùa thu năm ngoái.


Nhà ngoại giao nói với hãng thông tấn TASS rằng Moscow "tin chắc rằng một giải pháp hòa bình sẽ chỉ có thể thực hiện được nếu các lực lượng vũ trang Ukraine ngừng chiến sự và phương Tây ngừng vận chuyển vũ khí", báo cáo cho biết. Galuzin lưu ý rằng một yếu tố quan trọng khác của giải pháp hòa bình là cam kết của Kiev tôn trọng quyền của người dân nói tiếng Nga và các nhóm thiểu số khác.

Trước đó, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, ông Mikhail Podoliak, đã bác bỏ các điều kiện của Moscow, đồng thời công bố danh sách các yêu cầu của Ukraine.

Các yêu cầu của Kyiv bao gồm: Nga ngay lập tức rút toàn bộ lực lượng ra khỏi lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền, "dẫn độ tội phạm chiến tranh", thành lập "vùng đệm" trên đất Nga và "tự nguyện từ bỏ tài sản của Nga bị tịch thu ở các quốc gia ủng hộ Ukraine".

Hôm 28/5, Thống đốc vùng Belgorod của Nga, ông Vyacheslav Gladkov, cho biết, một số khu vực của Nga đã bị máy bay không người lái, súng cối và pháo binh Ukraine tấn công hơn 240 lần trong 24 giờ qua, khiến một người chết, ba người bị thương, tất cả đều là dân thường. Một số tòa nhà công ty, sân vận động, cửa hàng, nhà ở và các cơ sở dân sự cũng như trạm kiểm soát khác cũng bị hư hại. Cho đến nay, phía Ukraine vẫn chưa có phản hồi về việc này.

2. Ngoại trưởng Nga phản đối gửi chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine

Hôm 21/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố phương Tây sẽ bắt đầu đào tạo phi công Ukraine lái F-16 và các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư khác của phương Tây.

Phát biểu trên một chương trình truyền hình, ông Lavrov tuyên bố rằng Nga không thể chấp nhận được việc phương Tây chuẩn bị cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine để làm leo thang khủng hoảng.

"Chắc chắn đây là sự leo thang không thể chấp nhận được. Tôi hy vọng có những người có lý trí ở phương Tây hiểu được điều đó", ông nói.

Ông Lavrov bày tỏ hy vọng "những người có lý trí sẽ từ bỏ sự ủng hộ liều lĩnh" với "chế độ tân phát xít do chính phương Tây tạo ra"

Ông Lavrov nêu rõ, các quốc gia vùng Baltic (Estonia, Latvia, Litva) và Ba Lan đã đi đầu và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ "làm suy yếu nước Nga” và biến nhiệm vụ này trở thành một "thất bại chiến lược".

Ngoài ra, ông Lavrov cũng bình luận về những bài phát biểu gần đây của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley. Ông Lavrov cho hay, tuyên bố của ông Milley thể hiện rằng "lần đầu tiên một quan chức bày tỏ lập trường của mình một cách thận trọng" chứ không phải là sự tán thành hiển nhiên đối với "kế hoạch hòa bình" của Tổng thống Ukraine Zelenskyy.

Trước đó, ông Zelenskyy đã nhiều lần tuyên bố mục tiêu cuối cùng của Ukraine là khôi phục toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Mark Milley gần đây đã khẳng định rằng rõ ràng là Ukraine không thể mong đợi khôi phục toàn bộ lãnh thổ của mình trong phạm vi biên giới năm 1991 trong tương lai gần. Ông Lavrov nhận định đây là một bước tiến trong việc nhìn nhận tình hình thực tế địa chính trị.

3. Ông Putin sẵn sàng đối thoại về các vấn đề Ukraine

Theo nguồn tin của các phương tiện truyền thông nước ngoài, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời Tổng thống Brazil, ông Luiz Inacio Lula da Silva, tham dự Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg. Sự kiện này được tổ chức từ ngày 14/6 đến ngày 17/6, nhưng ông Lula đã từ chối tham dự.

Tổng thống Brazil viết trên Twitter rằng ông đã gửi lời cảm ơn Tổng thống Putin về lời mời tham dự một diễn đàn kinh tế ở St. Petersburg, nhưng phải từ chối vì “không thể đến thăm Nga vào lúc này”.

“Tôi nhắc lại sự sẵn sàng của Brazil, cùng với Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc, đàm phán với cả hai bên trong cuộc xung đột để theo đuổi hòa bình”, ông Lula nói thêm, sau khi cũng thảo luận vấn đề này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu tuần này.

Theo tuyên bố của Điện Kremlin, ông Putin đã đánh giá sơ bộ về tình hình ở Ukraine và cho biết Nga sẵn sàng thảo luận thông qua các kênh chính trị và ngoại giao, miễn là Ukraine và các quốc gia phương Tây ủng hộ Ukraine cũng sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán.

Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba vào đầu năm nay, Tổng thống Brazil Lula đã định vị mình là một bên đối thoại tiềm năng trong việc giải quyết cuộc chiến Nga - Ukraine. Ông đã nhiều lần chỉ trích lập trường của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu về cuộc xung đột ở Đông Âu, đồng thời nhấn mạnh rằng việc ủng hộ bên nào cũng sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột.

Sau hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cho biết Đan Mạch sẵn sàng tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhằm tìm kiếm hòa bình giữa Nga và Ukraine vào tháng 7, nhưng cuộc gặp đó phải có sự tham gia của các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và các nước khác.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, cho biết trong một bức thư đăng trên tờ Izvestia: “Nếu vấn đề về sự tồn vong của Nga được đặt ra một cách nghiêm túc, nó sẽ không được quyết định trên mặt trận Ukraine. Vấn đề này sẽ được quyết định cùng sự tồn tại lâu dài của toàn bộ nền văn minh nhân loại”.

Cựu Tổng thống Nga nhấn mạnh: “Mỹ và các đồng minh tiếp tục bơm vũ khí cho Ukraine và ngăn chặn mọi nỗ lực khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kyiv. Họ không muốn hiểu rằng mục tiêu của họ chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại hoàn toàn, mất mát cho tất cả mọi người. Sự tồn vong. Ngày tận thế. Nơi bạn quên đi cuộc sống trước đây của mình trong nhiều thế kỷ, cho đến khi đống đổ nát ngừng phát ra bức xạ”.

Trong chuyến thăm Việt Nam ngày 26/5, ông Dmitry Medvedev cho rằng "xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài, có lẽ hàng chục năm".


4. Thất bại trong việc huy động ở Ukraine - hậu quả đối với Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU)

Kiev đang cố gắng hết sức để lấp đầy khoảng trống trong hàng ngũ của AFU sau cái chết của hàng vạn binh sĩ Ukraine. Quân đội có một lượng vũ khí và thiết bị khổng lồ của NATO, nhưng không đủ người.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, đã có rất nhiều tình nguyện viên nhưng do số lượng tổn thất quá lớn, tinh thần của AFU sa sút và số người sẵn sàng phục vụ ngày càng ít. Các văn phòng nhập ngũ, gặp khó khăn lớn trong việc thu hút nam giới, phải dùng đến các phương pháp khắc nghiệt để tìm kiếm tân binh.

Tình hình thiếu hụt tồi tệ đến mức Ukraine đã giảm tuổi đăng ký quân sự xuống 16. Giờ đây, nếu không có sự cho phép đặc biệt, lính biên phòng có thể không cho phép người Ukraine trên 17 tuổi ra khỏi đất nước.

Trốn huy động nghĩa vụ quân sự thì bị xử phạt nặng hơn. Trong tháng qua, khoảng 100 bản án đã được thông qua ở Ukraine cho những người đàn ông nhận mức án tối đa theo điều khoản này của Bộ luật Hình sự.


Nguồn: Tổng hợp từ tin trên mạng
https://vnreview.vn/thread/nga-dua-ra-bon-yeu-cau-doi-voi-ukraine-ve-ngung-ban.422212465371396


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét