Thứ Năm, 11 tháng 5, 2023

Chính phủ Mỹ dối trá về tỷ lệ lạm phát như thế nào ?




Chính phủ Mỹ dối trá về tỷ lệ lạm phát như thế nào ?
Michael Wilkerson - Lạm phát Mỹ có thực sự chỉ là 4,9%? Cho dù 4,9% là con số cao hơn rất nhiều so với mức mục tiêu của Fed là 2%, mức lạm phát này vẫn chưa phản ánh đúng tình hình thực tế. Điều mà người dân Mỹ thực sự phải đối mặt là tồi tệ hơn nhiều so với những gì chính phủ tuyên bố.
1. Người dân không tin vào con số lạm phát của Chính phủ
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ đã được công bố vào tối qua 9/5. Dữ liệu cho thấy lạm phát tính theo năm đã giảm từ 5,0% trong tháng 3 xuống còn 4,9% trong tháng 4. Đây được coi là một lời nhắc nhở đáng thất vọng rằng lạm phát, mặc dù đã giảm từ mức đỉnh vào mùa hè năm 2022, nhưng còn lâu mới hoàn toàn lắng xuống.

Cho dù như vậy, ngày càng có nhiều bằng chứng khiến người ta nghi ngờ rằng dữ liệu CPI không thể hiện đúng tình hình lạm phát thực tế mà người Mỹ phải đối mặt. Họ đang phải vật lộn với giá cả tăng cao đối với mọi thứ họ sử dụng, bao gồm giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nhà ở, thực phẩm và năng lượng. 

Cảm nhận của nhiều người tiêu dùng là dữ liệu CPI không phản ánh đúng sự tăng cao trên thực tế của chi phí sinh hoạt. Đây không chỉ là một cảm nhận mang tính cảm xúc hay chủ quan. Dữ liệu khu vực tư nhân và các dữ liệu khác, chẳng hạn như hồ sơ pháp lý, khiến chúng ta nghi ngờ thông tin do Cục Thống kê Lao động (BLS), cơ quan chính phủ Mỹ quản lý CPI, cung cấp.

2. Bức tranh rất khác

Lấy ví dụ, chi phí của giáo dục đại học. Các số liệu CPI từ BLS chỉ ra rằng lạm phát trong chi phí đại học là tương đối nhẹ nhàng, ở mức 2,4% mỗi năm kể từ năm 2013. Đáng chú ý là, bất chấp mức lạm phát giá cả chung mà người Mỹ đã trải qua trong thời gian vừa qua, lạm phát chi phí đại học chỉ ở mức trung bình trên 2,2% mỗi năm đối với 2 năm qua tính đến tháng 03/2023.

Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia (NCES), chi phí trung bình hàng năm cho một sinh viên toàn thời gian tại một tổ chức cấp bằng bốn năm đã tăng 125% kể từ năm 2000. Điều này có nghĩa là lạm phát trung bình hàng năm là 4,1% trong hơn 20 năm. Các cơ sở công lập còn tồi tệ hơn, với chi phí tăng 147%, trong khi chi phí trung bình hàng năm tại các cơ sở tư nhân “chỉ” tăng 112%. Các số liệu NCES được tính đến hết năm 2021. Theo số liệu từ Trung tâm Chính sách Giáo dục Brown tại Brookings, lạm phát học thuật đang ngày càng nóng hơn trong thời gian gần đây, ở mức 5,3% trong năm học 2020 – 21 và 8,5% trong năm học 2021 – 22.

Chi phí chăm sóc y tế cung cấp một sư minh họa khác về sự chênh lệch giữa dữ liệu của chính phủ và phân tích của khu vực tư nhân.

Dữ liệu CPI BLS cho dịch vụ chăm sóc y tế cho thấy lạm phát ở mức tương đối vừa phải là 2,6% kể từ năm 2013 và - một lần nữa gây ngạc nhiên - trung bình chỉ dưới 2,2% mỗi năm trong hai năm qua tính đến đến tháng 03/2023. Mặt khác, phân tích xu hướng từ Viện Nghiên cứu Sức khỏe của PwC cho thấy kể từ năm 2006, chi phí chăm sóc y tế đã tăng tổng cộng 220%, với tỷ lệ trung bình hàng năm là 7,6%. 

Mặc dù không phải là thước đo lạm phát chính xác, nhưng phân tích của PwC đo lường “phần trăm tăng lên trong chi phí điều trị cho bệnh nhân từ năm này sang năm khác, với điều kiện lợi ích vẫn như cũ”. Phân tích đo lường mức tăng chi phí cho cùng một dịch vụ từ năm này qua năm khác, và cho thấy mức tăng chi phí cao gấp ba lần so với chỉ số CPI.

Câu chuyện về nhà ở cũng vậy. Dữ liệu CPI chỉ ra rằng chi phí nơi ở tăng 8,2% trong 12 tháng tính đến tháng 3. Tính dài hạn, chi phí nơi ở đã tăng 15,5% kể từ tháng 04/2020, tức là dưới 5,1% mỗi năm. 5% mỗi năm là rất nhiều, nhưng về cơ bản vẫn chưa thể hiện đầy đủ sự tăng giá như phân tích của khu vực tư nhân về chi phí nhà ở. 

Ví dụ: Chỉ số giá nhà quốc gia của S&P/Case-Shiller Mỹ tiết lộ rằng kể từ tháng 04/2020, giá nhà đã tăng 35%, tương đương 11,1% mỗi năm. Cho dù các thước đo không cùng phản ánh một thứ, nhưng con số này cao hơn gấp đôi so với danh mục CPI tương tự. 

Cho dù là 5% hay 11% hay ở đâu đó ở giữa, thì mức tăng lương danh nghĩa trung bình (gần đây là khoảng 6%) là thấp hơn nhiều so với cả hai con số trên trong phần lớn 3 năm qua. Khi giá nhà tăng nhanh hơn đáng kể so với thu nhập, nhà trở thành nợ hơn là tài sản, như điều chúng ta đã thấy trong bong bóng nhà ở dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 09.

Những hộp trứng được bày bán tại Chợ Sprouts Farmers ở Houston, Texas, Mỹ, vào ngày 15/08/2022. (Ảnh: Brandon Bell/Getty Images)

Ngoài ra, CPI đã phản ánh sai sự gia tăng của chi phí điệnthực phẩm. Trong 2 trường hợp này, tôi đã đánh giá dựa trên các hồ sơ tăng giá điện ở mức 2 con số từ các công ty điện lực trong khu vực vào năm 2023 cùng với dữ liệu mua hàng từ Amazon Prime. Chúng xác nhận rằng lạm phát đối với cả năng lượng và hàng tạp hóa trên thực tế là cao hơn nhiều so với dữ liệu CPI.

3. Thực tế tồi tệ

Tôi đã từng viết rằng “số liệu CPI tổng hợp thể hiện không đúng những gì người tiêu dùng Mỹ đang trải qua theo hai cách quan trọng và cơ bản. Đầu tiên, các chi phí quan trọng nhất đối với hầu hết người Mỹ, cụ thể là lương thực, năng lượng và chỗ ở, đã tăng cao hơn nhiều so với số liệu CPI tổng hợp. Thứ hai, các số liệu CPI (so sánh năm này với năm trước) có xu hướng che giấu tác động của cơ sở tính lạm phát, che giấu mức lạm phát lũy kế trong nhiều năm. Kết quả của chúng là sự bóp méo và đánh giá thấp tác động thực sự đối với ví tiền ngày càng thu hẹp của [người Mỹ]".

CPI chỉ đơn giản là không kể toàn bộ câu chuyện về lạm phát. Đó không phải là điều mà những hộ gia đình thuộc tầng lớp lao động và trung lưu đang phải vật lộn đối mặt. Lạm phát đang và sẽ tiếp tục tồi tệ hơn nhiều so với những gì dữ liệu của chính phủ chỉ ra.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.


Michael Wilkerson

Tác giả Michael Wilkerson là một nhà đầu tư, cố vấn chiến lược và là người sáng lập ra trang web Stormwall.com. Ông là tác giả của cuốn sách "Tại sao nước Mỹ lại quan trọng: Trường hợp cho một chủ nghĩa ngoại lệ mới", được phát hành vào tháng 10/2022.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét