Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023

(2) CHỦ NGHĨA TƯ BẢN – TÌM MỘT HÀNH TRÌNH ÊM ÁI HƠN

Quan điểm của tôi từ rất lâu sau khi sống nhiều năm ở các nước Mỹ và Tây Âu và chứng kiến sự tiêu xài lãng phí và tàn phá tài nguyên thế giới của chủ nghĩa tư bản là: "Con người hãy tiêu dùng ít hơn để cứu lấy môi trường, cứu lấy thế giới động thực vật và cứu lấy hành tinh của chúng ta". Bản thân tôi có thể nói là có khá nhiều tiền, các con tôi sống ở Thụy Sĩ cũng kiếm được khá nhiều tiền, tôi không phải lo cho chúng..., nhưng cuộc sống của bản thân tôi vô cùng đơn giản và tiết kiệm.
CHỦ NGHĨA TƯ BẢN – TÌM MỘT HÀNH TRÌNH ÊM ÁI HƠN
Phần 2: Về huyền thoại tăng trưởng không ngừng
Tác giả: Susanne Beyer, Simon Book, Thomas Schulz
 – Spiegel số 1/2023, Người dịch: Tôn Thất Thông
Nếu phần lớn dân số quyết định giảm sự hủy hoại sinh thái bằng cách tiêu thụ ít hàng hóa vật chất hơn và tập trung nhiều hơn vào giải trí và dịch vụ thì trên quan điểm kinh tế, hoàn toàn không có gì sai lầm khi nền kinh tế sẽ hành động hướng về nhu cầu đó.
III. Có hoạt động được không khi không có tăng trưởng?
Các công ty nói lời tạm biệt với giá trị cổ đông

Ai nói về mức tăng trưởng bằng 0 trong khu tài chính của London ở tất cả các nơi sẽ bị xem là người phản đạo. Dường như có một quỹ phòng hộ trong mọi tòa nhà, những nhân viên ngân hàng đeo cà vạt – vâng, họ vẫn tồn tại – bận rộn hối hả qua các con phố. Tim Jackson mỉm cười mệt mỏi trước khung cảnh vào ngày mưa tháng 11 ở Anh này, anh không đánh giá cao quan niệm thù địch. Mặc dù bản thân anh ấy là một người tốt.

Jackson, nhà kinh tế học, triết gia, giáo sư tại Đại học Surrey, đã viết một tác phẩm kinh điển về sự phê phán chủ nghĩa tư bản hiện đại hơn một thập kỷ trước: “Thịnh vượng mà không cần tăng trưởng”. Trong đó, Jackson mô tả trật tự kinh tế hiện tại là “về bản chất, nó phụ thuộc vào nhu cầu được cho là không thể thỏa mãn của con người, với kỳ vọng thường trực về việc không ngừng nâng cao sức tiêu thụ “. Chủ nghĩa tư bản cho rằng mọi người không thể không ham muốn nhiều hơn: nhiều tiền hơn, nhiều tài sản hơn. Nhiều hơn nữa, hơn nữa, hơn nữa.



Trên thực tế, tất cả đều vô nghĩa, Jackson nói. Nếu bạn xem xét kỹ hơn, bạn sẽ nhanh chóng thấy rằng chỉ có các nhà kinh tế mới tin rằng đây là cách duy nhất. “Tin phấn khởi là: Chúng ta không cần một sự thay đổi triệt để trong bản chất con người để đạt được sự thịnh vượng. Nhưng tin xấu là: mô hình kinh tế của chúng ta về cơ bản là có sai lầm”.

Jackson đã tổng hợp tất cả những điều này cho chính phủ Anh vào năm 2009: liệu một nền kinh tế hiện đại có thực sự phải gắn chặt một cách mù quáng vào tốc độ tăng trưởng vĩnh viễn không? Câu trả lời của Jackson là: không. “Nó không được đón nhận,” ông ấy nói hôm nay. Gordon Brown, khi đó là Thủ tướng, đã quẳng công trình nghiên cứu đó vào hộc tủ.

Ngày nay, câu hỏi trở nên cấp bách hơn bao giờ hết: Liệu chúng ta có thực sự phải tiếp tục bành trướng trong một thế giới hữu hạn để nền kinh tế và sự thịnh vượng không bị sụp đổ? Kể từ khi các tác phẩm kinh điển ra đời vào thế kỷ 18, câu hỏi này hầu hết đã được trả lời một cách chắc chắn là: đúng thế. Phiên bản ngắn gọn diễn ra như sau: Nếu không có tăng trưởng, các công ty phải tiết kiệm và cắt giảm việc làm. Đầu tiên thị trường lao động sụp đổ, sau đó là sức mua giảm dẫn đến tiêu dùng ít. Điều này là nguyên nhân của suy thoái hoặc khá lắm là giữ ở mức trì trệ. Mức sống sẽ giảm sút và sự thịnh vượng không đạt được. Trong trường hợp xấu nhất, sự suy thoái hoặc trầm cảm xuất hiện theo kiểu vòng xoáy trôn ốc. Không có gì có thể làm cho các chính trị gia tự nguyện thử nghiệm.

Chỉ có điều: Trong khi chờ đợi, có thể thảo luận về việc tự nguyện từ bỏ sự tăng trưởng trong bao lâu, nếu hành tinh tiếp tục nóng lên nhanh chóng. Có phải mỗi nhà sản xuất giày thể thao thực sự phải bán thêm năm triệu đôi giày thể thao mỗi năm? Có phải mọi nhà sản xuất đinh ốc cỡ trung bình kiếm được thêm mười triệu euro mỗi năm không? Có phải thương mại bán lẻ luôn luôn ngay lập tức vang lên sự than thở tập thể nếu hoạt động kinh doanh Giáng sinh không tăng trưởng ít nhất ba phần trăm so với năm trước?

Đối với Jackson và các nhà phê bình khác, câu trả lời rất rõ ràng: đó không phải là “sự thật phũ phàng về kinh tế” mà là về “huyền thoại tăng trưởng“, một loại tư duy được xây dựng trong gần hai thế kỷ đã ăn sâu vào tâm lý của các quốc gia công nghiệp.

Tiếng cảnh báo đầu tiên rất lớn, vang lên cách đây 50 năm đã không thể thay đổi điều đó. Vào tháng 3 năm 1972, nghiên cứu “Giới hạn đối với Tăng trưởng” được xuất bản, nghiên cứu toàn diện đầu tiên về hậu quả của việc mở rộng sản xuất không ngừng của loài người. Nghiên cứu đó được làm theo lệnh của Câu lạc bộ Rome, một tổ chức phi lợi nhuận đã cam kết vì một tương lai bền vững kể từ năm 1968.

Vào thời điểm đó, các nhà khoa học đã sử dụng các mô hình máy tính mới và đưa ra kết luận rõ ràng: tài nguyên của hành tinh sẽ không cho phép tăng trưởng kinh tế và dân số liên tục sau năm 2100. Có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cho con người và môi trường. Nghiên cứu đã bị chỉ trích gay gắt và kết luận của nó đã bị nhiều đối thủ từ chối thẳng thừng, ngay cả trong những thập kỷ sau đó – mặc dù các tính toán đã được xác nhận nhiều lần về tính chính xác của nó.

Bây giờ các mặt trận chống đối đang yếu dần. Người được trao giải Nobel Kinh tế cho nghiên cứu của mình, Robert Solow, nói: “Về cơ bản, không có gì phụ thuộc vào quy mô tuyệt đối của một nền kinh tế”. “Nếu phần lớn dân số quyết định giảm sự hủy hoại sinh thái bằng cách tiêu thụ ít hàng hóa vật chất hơn và tập trung nhiều hơn vào giải trí và dịch vụ thì trên quan điểm kinh tế, hoàn toàn không có gì sai khi nền kinh tế sẽ hành động hướng về nhu cầu đó”.

Tuy nhiên, Solow cảnh báo, bạn phải sống trong thời kỳ chuyển tiếp với những hậu quả của nó, từ tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đến thu nhập giảm.

Do đó, rất ít chuyên gia kinh tế muốn phát triển mà không cần tăng trưởng. Thay vào đó, các cách chữa bệnh nghiện nhẹ nhàng hơn được sử dụng đã nghĩ về ý nghĩa trên cùng: tách biệt sự đúng đắn khỏi sự phát triển sai lầm. Ví dụ, sự tăng trưởng ồ ạt của năng lượng tái tạo, đồng thời lại ngăn chặn ngành công nghiệp dầu mỏ. Hoặc các nhà máy thép được thay thế bởi các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số.

Những thành công đầu tiên của việc suy nghĩ lại đã xuất hiện. Gần đây nhất, lượng khí thải CO2 đã giảm ở 30 quốc gia, mặc dù nền kinh tế đang tăng trưởng, bao gồm cả Đức. Jackson nói rằng, như thế cũng chưa đủ để cứu hành tinh này. Vậy tại sao không chấp nhận rằng, việc tăng trưởng trong các nước công nghiệp chỉ cần đóng góp một cách hạn chế vào chất lượng cuộc sống?

Khổ thay, quan điểm địa chiến lược dường như phản đối điều này. Cả người châu Âu và người Mỹ sẽ không muốn xem tình trạng Trung Quốc và các chế độ chuyên chế khác mở rộng hết tốc lực về kinh tế – và do đó ngày càng trở nên hùng mạnh hơn về mặt chính trị. Điều đó đúng, Jackson nói, nhưng kể từ năm 2000, mức tăng trưởng trung bình trong khu vực đồng Euro không hơn một phần trăm. “Tăng trưởng kinh tế sẽ kết thúc ở phương Tây trong tương lai gần.” Chỉ vì lý do đó thôi, thật hợp lý khi suy nghĩ về cách mọi thứ có thể được thực hiện khác đi.

Trên thực tế, ngày càng có nhiều công ty đang cố gắng tìm ra con đường của riêng họ để giảm tốc độ tăng trưởng. Ba năm trước, 200 tập đoàn lớn nhất của Mỹ đã tuyên bố trong một tuyên bố chung rằng trong tương lai họ sẽ không chỉ chú ý đến các cổ đông, mà đến ”tất cả các bên liên quan”, họ đều cam kết: khách hàng, nhân viên và đối tác kinh doanh, vâng, toàn xã hội. Đối với »Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp« quyền lực nhất Hiệp hội các công ty trên thế giới, trong đó có nhiều tập đoàn lớn từ Apple đến Goldman Sachs đã cùng nhau thống nhất ý kiến như thế, đó quả là một bước tiến lớn. Cho đến nay, họ chỉ cam kết với các cổ đông của họ và dường như phương châm tân tự do nổi tiếng của Milton Friedman vẫn còn được áp dụng ở đó: »Trách nhiệm xã hội của các công ty là tăng lợi nhuận của họ.«

Vẫn còn phải xem tiếng ồn PR là gì và ý nghĩa nghiêm túc của nó là gì. Không phải tập đoàn nào cũng hoạt động bền vững như gã khổng lồ hàng thể thao Mỹ Patagonia, người đưa tất cả số tiền thu được vào việc bảo vệ môi trường. Nhưng những bước nhỏ cũng có ích: Đây là điều mà đối thủ cạnh tranh Adidas đã lên kế hoạch thực hiện rằng, từ năm 2024 trở đi không còn sử dụng polyester mới được sản xuất cho tất cả giày và hàng dệt may thể thao mà chỉ sử dụng nhựa tái chế.

Công ty cỡ vừa Freitag của Thụy Sĩ còn tiến thêm một bước: công ty bán 400.000 túi xách và ví mỗi năm tại 25 quốc gia. Và nó sẽ không bán nhiều hơn con số đó nữa. Không phải vì thị trường hay sức bành trướng của công ty đã cạn kiệt, mà đơn giản là vì họ đã hài lòng với điều đó.

Daniel Freitag, người đã thành lập công ty 30 năm trước cùng với anh trai Markus, cho biết thông lệ cho đến nay, tiêu chí “cao hơn, nhanh hơn, xa hơn” không phải là “mục tiêu đầu tiên của công ty”. Thay vào đó là việc “mọi người có thể sống tốt và hài lòng với công việc của họ “. Anh em Freitag không tin rằng “chủ nghĩa tư bản tăng tốc còn có thể đưa ra câu trả lời đúng”, họ cho rằng thiệt hại tài sản đi kèm là quá lớn. Thay vào đó, họ muốn cho mọi người thấy rằng chậm hơn, cân bằng hơn, “khỏe mạnh hơn” có thể hoạt động tốt.

Ngay từ những năm 1990, sau những thành công đầu tiên, cả hai đã tạo ra một danh mục gồm 8 điểm quan trọng đối với họ: họ nói về chất lượng và độ bền sản phẩm, về nền kinh tế tuần hoàn sống động. Trong nhiều năm, rất lâu trước khi các nhóm thời trang và thương mại lớn phát hiện ra ý tưởng tiếp thị của họ, công ty Freitag đã có dịch vụ nhận lại những chiếc túi đã qua sử dụng và sửa chữa chúng với giá tượng trưng. Hàng nghìn khách hàng đã sử dụng dịch vụ đó hàng năm. Daniel Freitag nói, chúng tôi không muốn kiếm tiền lời từ nó. Theo hai anh em Freitag, “hạnh phúc” của doanh nhân không chỉ nằm ở việc tăng lợi nhuận.

IV. Con người thay vì thị trường

Gợi ý cho một cộng đồng công bằng hơn

Thoạt nhìn, Eva von Redecker và Minouche Shafik không có nhiều điểm chung. Trên thực tế, họ thậm chí dường như là đối thủ của nhau.

Ở đây là Redecker người Đức, nhà triết học nữ quyền yêu thích Marx, lớn lên trong một trang trại hữu cơ, người tiên phong trong phong trào phản kháng, người coi sự áp bức phân biệt chủng tộc và chế độ tư bản có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Ở đó là Shafik, nhà kinh tế học thực dụng, Nam tước và Thành viên của Hạ viện Anh, từng là Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, hiện là Giám đốc lò đào tạo cán bộ tư bản, London School of Economics.




Nhưng có lẽ điều đặc biệt ở những thời điểm mang tính bước ngoặt này là bạn có thể đi đến những kết luận rất giống nhau từ những thái cực khác nhau. Nhà kinh tế học tại Oxford, Shafik cho biết: “Chúng ta đang sống trong một thời đại trong đó người dân ở nhiều quốc gia thất vọng với khế ước xã hội và cuộc sống mà khế ước đó đã tạo ra – ngay cả khi của cải vật chất đã tăng lên rất nhiều trong 50 năm qua”. Triết gia từng học ở Cambridge, Redecker thì nói “Chủ nghĩa tư bản đã hủy hoại cuộc sống”.

Cả hai đều nói, để cùng tồn tại tốt, chúng ta cần luật lệ mới, cải cách phải do con người nghĩ ra chứ không phải thị trường. Shafik đã viết một cuốn sách về nó, “Chúng ta nợ nhau những gì”. Redecker thì đã xuất bản cuốn “Triết học về các hình thức phản kháng mới”.

Tuy nhiên, tất yếu sẽ có những vai trò khác nhau được giao phó. Chuyên gia tài chính giàu kinh nghiệm Shafik đưa ra các đề xuất chính sách cụ thể. Redecker, người tiên phong sắc bén như dao cạo, hình thành ý tưởng của bà ấy một cách triệt để hơn. Là một triết gia, bà ấy không cảm thấy có trách nhiệm vạch ra cách mọi thứ sẽ thay đổi theo cách cụ thể như thế nào.

Trên tất cả, Redecker muốn khẳng định một điều chắc chắn: rằng chủ nghĩa tư bản ở dạng hiện tại vẫn có thể tồn tại. Đối với bà, nó gắn bó chặt chẽ với một dạng tài sản nhất định, đi đôi với lạm quyền: Trong nhiều thế kỷ, các lãnh chúa phong kiến cai trị đất đai và thần dân của mình. Mặc dù tình trạng thống trị toàn diện của chế độ phong kiến đã bị vượt qua, nhưng sự bóc lột thậm chí còn khắc nghiệt hơn ở những nơi khác: chẳng hạn như việc nô lệ hóa người da đen, hoặc việc giảm giá trị lao động của phụ nữ. Bởi vì mọi thứ được kết nối với mọi thứ khác, mọi thứ phải được thay đổi cùng một lúc – cơ cấu sở hữu, trật tự giới tính và cái mà bà ấy gọi là “sự cạn kiệt của thiên nhiên”.

Như một câu trả lời, bà ấy có thể hình dung ra một “chủ nghĩa xã hội cho thế kỷ 21”, dựa trên Marx nhưng được suy nghĩ sâu sắc hơn. Là một loại »cộng đồng của những người chia sẻ«, có thể thoát khỏi những vấn đề vốn dĩ liên quan với nhau hơn: nhiều loại công việc làm mệt mỏi, cạn kiệt tài nguyên, làm chủ tài sản. Redecker nói: “Thay vì bán hàng hóa, chúng ta có thể chia sẻ với nhau. Chúng ta có thể chăm sóc những gì được giao phó thay vì khuất phục nó”.

Đối với Redecker, không phải ngẫu nhiên mà đặc biệt phụ nữ đang thúc đẩy các phong trào phản đối hiện nay: tại Fridays for Future, tại Black Lives Matter, ở Belarus vào năm 2020, bây giờ ở Iran. “Trong lịch sử, phụ nữ đã gắn bó mật thiết với cuộc sống hàng ngày trong nhiều thế kỷ, với sự quan tâm chăm sóc, với những điều cơ bản của sự sống chung và sự duy trì nền tảng của cuộc sống. Phụ nữ đã có con, tức là đã tạo ra cuộc sống, đàn ông làm ra đồ vật, hàng hóa”.

Công việc của phụ nữ hướng đến nhu cầu của con người chứ không phải nhu cầu của thị trường. Và đó là lý do tại sao phụ nữ ngày nay có thể thấy rõ hơn nam giới rằng vấn đề không gì khác hơn là sự sống còn – của nhân loại.

Minouche Shafik, giám đốc Trường Kinh tế Luân Đôn, có một vài ý tưởng cụ thể về những gì có thể giúp ích – không chỉ cho sự sống còn, mà còn cho sự chung sống với nhau. Giống như rất nhiều người, bà ấy nhìn thấy đòn bẩy đầu tiên và quan trọng nhất trong việc tái tập trung lượng lưu thông tiền tệ. Nhưng không phải với một nhà nước phúc lợi triệt để hơn.

“Nếu nhà nước chỉ biết phân phối lại, thì nó đã thất bại”, bà nói. Nhà nước phải “phân phối trước”: đầu tư ồ ạt hơn nhiều vào giáo dục, cơ sở hạ tầng, tạo ra thật nhiều cơ hội bình đẳng như có thể. “Nó phải được đầu tư cho mọi người càng sớm càng tốt, đặc biệt là ở những người thiệt thòi, và cam kết này có thể dẫn đến một nền kinh tế có hiệu suất cao hơn”.

Đại loại như thế này: Tất cả mọi người đều nhận được trợ cấp giáo dục từ nhà nước từ khi sinh ra 50.000 euro mà bạn có thể sử dụng trong suốt cuộc đời của mình để phục vụ cho mục đích học tập hoặc đào tạo nâng cao tay nghề.

Hoặc đại loại như thế này: “chăm sóc trẻ em toàn diện và ít tốn kém”, từ nhà trẻ đến trường trung học. Đối với sự bình đẳng xã hội, “đó là công cụ quan trọng nhất, mọi dữ liệu đã chứng minh rõ ràng điều đó”.

Cũng phải khắc phục tình trạng “mất cân bằng trong hệ thống thuế, vốn có lợi cho tư bản và gây bất lợi cho lao động”.

Không có gì trong những chuyện đó là mới, Shafik biết điều đó. Các đòn bẩy quan trọng như thuế, lương hưu và giáo dục sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta sống và làm việc và chúng ta có đang được sung sướng hay không. Tuy nhiên, Shafik chỉ trích mà không đề cập cụ thể đến ai: “Ở hầu hết các nước công nghiệp, chúng ta hành xử như thể thế giới không hề thay đổi.”

Đó là lý do tại sao đã đến lúc toàn bộ mô hình chủ nghĩa tư bản phải được điều chỉnh lại để phát triển hơn. “Có lẽ thậm chí phải làm cương quyết và cực đoan hơn”.

Đến đây thì những âm thanh đó nghe ra giống như một lời tiên đoán hơn là một mối đe dọa./.

Những bài liên quan:

(Bài trước) Có phải Marx đã được hồi sinh?

(Bài này) Về huyền thoại tăng trưởng không ngừng

Tác giả: Susanne Beyer, Simon Book và Thomas Schulz.

Nguồn: Spiegel số 1/2023, trang 10-17: Auf die sanftere Tour (Trên hành trình êm ái hơn).
Người dịch: Tôn Thất Thông, 15.1.2023
https://diendankhaiphong.org/chu-nghia-tu-ban-tim-mot-hanh-trinh-em-ai-hon-2/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét