Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023

(1) CHỦ NGHĨA TƯ BẢN – TÌM MỘT HÀNH TRÌNH ÊM ÁI HƠN

Bài này rất hay, nhiều thông tin trong bài rất hữu ích và phù hợp với quan điểm của tôi, nhất là phải kìm hãm tăng trưởng ở mức phù hợp với tiềm năng để đảm bảo tăng trưởng bền vững, đừng để liên tục xảy ra hết tăng trưởng nhanh lại tới khủng hoảng lớn như đã diễn ra. Từ rất lâu, có lẽ từ sau khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997, tôi đã đề nghị VN nên giảm bớt tỷ lệ tăng trưởng để tập trung vào khâu chất lượng tăng trưởng; vì lúc đó tốc độ tăng trưởng hàng năm của chúng ta lúc đó hơn 9%, tức là cứ tăng trưởng ào ào mà không có định hướng rõ ràng và chính xác, đồng thời hệ thống pháp luật kinh tế cũng mới đang trong quá trình được hình thành, đang thiếu lung tung và cái đúng cái sai. Đến năm 2006 khi Thủ tướng Dũng đề nghị xây dựng lại phương án thực hiện kế hoạch 5 năm 2006-2010 để cơ bản hoàn thành chỉ trong 3 năm 2006-2008, tất cả chúng tôi đều sốc. Chưa hết, ông còn đề nghị xây dựng kế hoạch 5 năm 2011-2015 với tỷ lệ tăng trưởng lên tới 12-13%/năm. Đúng là hoang tưởng. Năm 2014 tôi có viết một bài trên tạp chí Nghiên cứu Kinh tế cũng về vấn đề này (xem: Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, Số 2 (429), tháng 2-2014 bài "Kinh tế vĩ mô: Những điểm sáng 2013 và định hướng 2014" và một số bài phát biểu của tôi tại một số hội nghị). Ảnh minh họa là phát biểu của tôi tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân năm 2015 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tháng 3/2015, được báo Người đại biểu nhân dân của Quốc hội đăng lại.
CHỦ NGHĨA TƯ BẢN – TÌM MỘT HÀNH TRÌNH ÊM ÁI HƠN
Phần 1: Có phải Marx đang được hồi sinh?
Tác giả: Susanne Beyer, Simon Book, Thomas Schulz 
– Spiegel số 1/2023. Người dịch: Tôn Thất Thông
Người dịch giới thiệu: Chủ nghĩa tư bản đã phát triển cực thịnh từ hậu bán thế kỷ 20, mang lại nhiều phồn vinh vật chất nhưng đồng thời cũng để lại cho chúng ta hai vấn đề nan giải: sự bất bình đẳng xã hội và sự tàn phá môi trường sống. Đó là hai vấn đề mà Karl Marx đã đặt ra từ 150 năm trước. 
Mặc dù tại các nước gọi là môn đồ của Marx – như Trung Quốc, Việt Nam chẳng hạn – hai vấn đề nói trên còn tệ hại hơn nhiều nước khác, nhưng nhiều chuyên gia ngày nay đều đồng ý rằng, bằng cách này hay cách khác, tư tưởng của Marx không thể bị xem nhẹ khi tìm đường giải quyết hai vấn đề nêu trên. 

Bài biên khảo sau đây giới thiệu những biện giải của vài khuôn mặt sáng giá nhất trên thế giới trong các lĩnh vực kinh tế và triết học, những người đang mạnh mẽ lên tiếng về vấn nạn chúng ta đang đối mặt và họ đều có một điểm chung là, chủ nghĩa tư bản vẫn có thể tồn tại, nhưng cần được cải tạo lại tận gốc.

* * *
Ray Dalio (1949-) Gần đây, có vẻ như Ray Dalio không đọc tờ Wall Street Journal trong căn biệt thự rộng 2.000 mét vuông của mình vào mỗi buổi sáng, mà đọc cuốn Tư bản của Karl Marx. Dalio nói: “Chủ nghĩa tư bản không còn hoạt động theo cách mà hầu hết mọi người trông chờ”. Cho đến nay, Dalio không hề bị nghi ngờ rằng ông theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa. Ông là người sáng lập quỹ đầu tư lớn nhất thế giới. Tài sản ông được ước tính khoảng 22 tỷ USD. Cuốn sách kinh thánh về quản lý của ông “Các nguyên tắc của thành công” đã bán được hai triệu bản. Đó là cuốn sách bắt buộc phải đọc đối với các chủ ngân hàng đầu tư có nhiều tham vọng.

Nhưng bây giờ ông ấy nói những câu như thế này về chủ nghĩa tư bản: “Nếu những điều tốt đẹp được phóng đại, chúng đe dọa sẽ tự hủy hoại chính mình. Chúng phải được tiếp tục cải thiện hoặc chết”. Cho đến nay, sự giàu có và thịnh vượng chỉ được phân phối một chiều, ai nghèo thì vẫn tiếp tục nghèo, và hầu như không có dấu vết của một cơ hội nào cho sự bình đẳng. Hãy chấm dứt, Dalio yêu cầu. Chủ nghĩa tư bản cần được khẩn trương cải tạo một cách căn bản. Nếu không thì nó sẽ chết, và nó đáng bị xử như vậy.

Khi những nhà siêu tư bản đột nhiên trở thành những người hâm mộ Karl Marx, điều đó nói lên rất nhiều điều về tình trạng của thế giới hiện tại.

Trước hết, sự chỉ trích chủ nghĩa tư bản không có gì mới. Nhưng vào đầu năm thứ tư của đại dịch và vào năm thứ hai của cuộc chiến Ukraine, nó đang được nâng lên một tầm cao rõ rệt. Quá nhiều thứ không còn hữu hiệu nữa: toàn cầu hóa đang sụp đổ và kéo theo đó là mô hình thịnh vượng của Đức. Thế giới cố thủ trong các khối thù địch. Lạm phát đang khiến hố sâu giữa người giàu và người nghèo càng tệ hại hơn. Hầu như tất cả các mục tiêu về khí hậu đã trở nên ảo tưởng. Và các chính trị gia không còn có thể theo kịp việc khâu vá lại tất cả các vết nứt mới trong hệ thống.

Những lời kêu gọi về một trật tự kinh tế mới đang ngày càng lớn hơn từ mọi phía, đặc biệt thường được cất lên từ những nhóm người rất bất ngờ. Thời báo Tài chính [Financial Times], tiếng nói quốc tế của thị trường tài chính, tuyên bố rằng đã đến lúc chủ nghĩa tân tự do phải biến mất khỏi vũ đài thế giới. Nhà nước phải bắt tay làm việc. Trong các tập đoàn từ Bosch đến Goldman Sachs, có một cuộc thảo luận về việc phải đặt lợi ích xã hội lên trên lợi ích của cổ đông.

Ở nhiều nơi, một câu hỏi lớn hơn, cơ bản hơn đang được đặt ra, trong các chính phủ, ở các đại bản doanh công ty, từ những người trí thức tiên phong và những người theo chủ nghĩa thực dụng: Chúng ta có thể tiếp tục với trật tự kinh tế này không? Với một chủ nghĩa tư bản hủy hoại khí hậu ngày càng được cố ý tối ưu hóa: tiêu dùng nhiều hơn, lợi nhuận cao hơn, tăng trưởng ngày càng nhiều? Và có phải như vậy nó ngày càng tạo ra nhiều bất công?

Câu lạc bộ Rome [The Club of Rome] đã đặt câu hỏi này ngay từ năm 1972. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, nó chỉ được thảo luận về mặt lý thuyết, hay đúng hơn: về mặt ý thức hệ. Nghe giống như nhóm xã hội trẻ Jusos tả khuynh hoặc những người cực đoan của đảng Xanh. Bây giờ có nhiều gợi ý rằng chủ nghĩa tư bản đã thực sự qua khỏi thời kỳ đỉnh cao của nó. Ít nhất là ở dạng được cởi trói của nó trong 50, 60 năm qua.

Nghe có vẻ như: một bước ngoặt là cần thiết. Lại thêm một bước ngoặt nữa sao? Ngay khi nghe từ này, nhiều người có thể kiệt sức thở dài: đừng làm điều đó, tốt hơn là nên tiếp tục. Nhưng mọi thứ có thể xoay chuyển theo chiều hướng tích cực: cuối cùng cũng có cơ hội thực sự để phát triển một chủ nghĩa tư bản nhẹ nhàng hơn. Công bằng hơn. Bền vững hơn.

Thomas Piketty (1971-) Trong quá khứ, chủ nghĩa tư bản công nghiệp đã đảm bảo sự thịnh vượng và tăng trưởng liên tục đến mức những cách tiếp cận mới về cơ bản đối với cách chúng ta muốn kinh doanh, làm việc và phân bố sẽ không bao giờ có thể thuyết phục được ai. Lịch sử cho thấy rằng miễn là hệ thống tạo ra đông đảo người hưởng lợi, thì bánh xe sẽ không thể nào quay ngược trở lại.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, những điểm yếu quá rõ ràng đến mức người ta không cần phải hỏi ý kiến các nhà lý thuyết như Marx hay Thomas Piketty (Tư bản trong thế kỷ 21). Toàn cầu hóa đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát, hầu như tất cả những thành quả đạt được trong sự thịnh vượng đều rơi vào tay 10% dân số giàu có nhất. Việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên một cách điên cuồng đã hủy hoại hành tinh này. Ngành tài chính thì say sưa với những sản phẩm mới và ngày càng thái quá.

Adam Tooze (1967-) Nhà sử học kinh tế người Anh Adam Tooze đã nói như sau: “Chào mừng đến với thế giới của đa khủng hoảng”. Một vấn đề lớn nối tiếp một vấn đề khác và tất cả chúng đều liên kết với nhau. Khủng hoảng năng lượng, chiến tranh thương mại, chiến tranh thế giới đang rình rập. Nền dân chủ đang bị tấn công bởi những người theo chủ nghĩa dân túy và những kẻ chuyên quyền.

Cho đến gần đây, người ta còn nghĩ rằng đã có một giải pháp cho tất cả những vấn đề này: thị trường có thể tự giải quyết. Nhưng ngày nay ai còn nghiêm túc tin vào điều đó? Đặc biệt là trong tầm nhìn về hệ số nhân của tất cả các biến động – cuộc khủng hoảng khí hậu.

Ít nhất là phản ứng từ giới thanh niên. Chúng ta có thể cảm nhận được sự tức giận chống lại chủ nghĩa tư bản đã lan rộng ở các nước công nghiệp trong nhiều năm. Không phải vì lý do ý thức hệ, mà là bởi vì giá thuê nhà đang tăng vọt, vì sở hữu bất động sản đã trở nên khó thực hiện. Tại sao họ có thể chấp nhận một cỗ máy làm giàu ngốn tài nguyên thiên nhiên trong khi nó không sản sinh phồn vinh cho mọi người? Vậy thì tốt hơn là chỉ làm việc bốn ngày một tuần.

Ở Nhật Bản, một giáo sư triết học trẻ đã trở nên nổi tiếng với bài phê bình sinh thái về chủ nghĩa tư bản, một phê phán lấy Marx làm nền tảng. Kohei Saito nói rằng Marx đã nhận ra những mối nguy hiểm đối với hành tinh này từ 150 năm trước, giờ là lúc nghiêm túc chú ý đến các đề xuất của ông: ngừng tăng trưởng. Điều đơn giản là, sự thịnh vượng hiện tại phải được phân bổ tốt hơn.

Hiện có một số ý tưởng về một trật tự công bằng hơn, xanh hơn – và vẫn dựa trên thị trường. Các đề xuất về một chủ nghĩa tư bản nhẹ nhàng hơn như vậy đến từ các phe ý thức hệ đa dạng nhất, nhưng có thể thấy một sợi chỉ hồng chung: ít thị trường hơn, nhà nước kiểm soát nhiều hơn và ít tăng trưởng điên cuồng hơn. Điều đáng chú ý là những điều đó thường được phụ nữ, các nhà nữ kinh tế, nữ triết gia, nữ chính trị gia nghĩ đến. Một trật tự thế giới nữ tính hơn – cũng chính điều đó sẽ mang lại điều gì tốt đẹp hơn trong tương lai.

I. Tại sao thiên niên kỷ này làm hồi sinh tinh thần Marx: Tìm kiếm một môi trường thân thiện với khí hậu, với cuộc sống không căng thẳng.

Dường như người ta muốn nghĩ rằng 30 năm qua thật tuyệt vời. Thu nhập hộ gia đình Đức ngày càng cao, tăng một phần tư từ năm 1995 đến 2019. Nền kinh tế: một lịch sử chỉ có tăng trưởng, ngoại trừ một vài bước suy thoái nhỏ. Nhìn chung, tất cả các nước công nghiệp phương Tây chỉ biết chiều hướng đi lên. Tất cả các con số và dữ liệu dường như chứng minh rằng chủ nghĩa tư bản hiện đại nhìn chung hoạt động rất tốt.

Alexandria Ocasio-Cortez (1989-) Nhưng đâu rồi những tiếng vỗ tay tán thưởng? Đặc biệt là ở những người trẻ, dưới 30 tuổi, thay vào đó là những cảm xúc hoàn toàn khác xuất hiện: Thất vọng, cam chịu, phẫn nộ. Và một tình yêu mới dành cho những ý tưởng xã hội chủ nghĩa. Ở Mỹ, 49% thanh niên 18-29 tuổi có quan điểm tích cực về chủ nghĩa xã hội. Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez, 32 tuổi, người tự xem mình là một “nhà xã hội chủ nghĩa dân chủ” và kêu gọi đánh thuế thu nhập 70% đối với những người có thu nhập cao nhất, bà ấy là một ngôi sao với hơn 20 triệu người theo dõi trên mạng xã hội. Và một cuộc khảo sát quy mô của viện nghiên cứu dư luận Civey thay mặt cho SPIEGEL chỉ ra rằng, gần một nửa số người Đức tin rằng chủ nghĩa tư bản đã dẫn thế giới vào cuộc khủng hoảng khí hậu.

Tuần báo “The Economist” ở Anh đã nhận thấy “chủ nghĩa xã hội đang ồ ạt quay trở lại” bởi vì nó đưa ra lời chỉ trích chính xác về mọi thứ đã đi sai hướng trong các xã hội phương Tây. Và đó là điều cần chú ý, Carla Reemtsma, 24 tuổi, phát ngôn viên của Fridays for Future ở Đức cho biết.

Carla Reemtsma (1998-) Reemtsma nói: “Không một quốc gia nào trên thế giới có thể tăng tổng sản phẩm quốc nội của mình đồng thời sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn. Reemtsma và nhiều người khác trong độ tuổi của cô ấy không quan tâm đến các vấn đề chính trị cá nhân mà quan tâm đến giải pháp toàn cảnh: “một sự thay đổi hệ thống căn cơ mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người, chứ không chỉ một số ít”.

Nếu bạn hỏi Reemtsma ý của cô ấy là gì, cô ấy sẽ nói rằng “chúng ta với tư cách là một xã hội” nên “cùng nhau trở lại lo liệu mọi việc”. Thí dụ như giao thông: Thay vì trợ cấp ô tô cá nhân, nhà nước nên thúc đẩy dịch vụ chia sẻ ô tô [ND: Car sharing], mở thêm đường sắt và đường dành cho xe đạp, nhờ thế mọi người đều được hưởng lợi. Đối với Reemtsma, vé xe lửa 9 Euro một tháng cho phương tiện giao thông công cộng, mà chính phủ thực hiện trong ba tháng vào mùa hè, là một ví dụ tích cực về cách mọi thứ có thể hoạt động trong tương lai: nhằm mục đích cứu trợ xã hội, vé đường sắt giá rẻ cũng có ích về mặt sinh thái.

Reemtsma đang theo học ngành “Kinh tế tài nguyên” ở Berlin. Cô ấy không tin vào nguyên tắc tăng trưởng, cũng như nguyên tắc tối đa hóa lợi nhuận. Reemtsma, tự tin và nhanh trí như thể một người đã già dặn hơn tuổi mình mười năm, hình dung ra một “nền kinh tế hướng tới lợi ích chung”. Kèm theo đó là một chính sách tích cực hơn: “Nếu người ta điều chỉnh bảo vệ khí hậu lên trên thị trường, thì chúng ta sẽ gặt hái được một vấn đề xã hội”.

“Lập luận của nhiều chủ doanh nghiệp rằng, để có nền sản xuất thân thiện với môi trường thì chi phí sẽ tăng cao và gây thiệt hại cho công ăn việc làm, lập luận đó là sai. Các công ty ô tô kiếm được lợi nhuận khổng lồ nhưng dù thế vẫn thuê lao động giản đơn từ các công ty cung cấp dịch vụ việc làm tạm thời với những người lao động bấp bênh, với hậu quả là nền công nghiệp phải đối mặt với tình trạng phá giá tiền lương”. “Tôi không thấy rằng các tập đoàn quan tâm đến phúc lợi của người lao động”.

Glenn Hubbard (1958-) Nghe quá giống chủ nghĩa lý tưởng thanh niên hay chủ nghĩa hoạt động cánh tả? Glenn Hubbard, giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Columbia và từng là cố vấn kinh tế trưởng của Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là George W. Bush, cũng có lập luận tương tự: “Một hệ thống kinh tế thành công lâu dài phải nâng cao mức sống cho càng nhiều người càng tốt. Dường như có một câu hỏi đặt ra là liệu chủ nghĩa tư bản ngày nay có mang lại sự thịnh vượng trên diện rộng hay không”. Thay vào đó, nó mang lại rất nhiều thịnh vượng cho một thiểu số.

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức, 10 phần trăm dân chúng lớp trên sở hữu hơn 2/3 tổng tài sản quốc gia, trong khi 90% còn lại phải bằng lòng với gần 1/3 phần tổng tài sản. Thu nhập tăng cũng khác nhau: Trong khi sức mua của một phần mười dưới cùng của xã hội Đức chỉ tăng dưới 5 phần trăm từ năm 1995 đến 2019, 10 phần trăm lớp trên đã tăng 40 phần trăm.

Ngoài ra, các nghiên cứu những xu hướng dài hạn cho thấy, các thế hệ trẻ đặc biệt cảm thấy như họ không còn có thể thành những người hưởng lợi, cho dù họ có cố gắng thế nào đi chăng nữa. Giá thuê nhà tăng vọt đang khiến cuộc sống ở các thành phố lớn ngày càng trở nên khó khăn. Họ bị đe dọa với một cuộc sống phải làm việc lâu năm hơn trong khi lương hưu ngày càng bị thu hẹp. Trong một cuộc khảo sát rộng lớn ở những người từ 18 đến 32 tuổi, gần 3/4 lo ngại về mức lương hưu giảm. Tại sao phải làm việc cực nhọc trong bánh xe quay tư bản, nếu cuối cùng điều đó không mang lại lợi ích gì? Lời hứa về sự thăng tiến và thịnh vượng của các thế hệ đi trước nghe ra thật trống rỗng.

Tỷ phú quỹ đầu tư Ray Dalio chỉ trích mọi thứ thậm chí còn đầy kịch tính hơn ở Mỹ. Hầu hết thu nhập đã tăng rất ít hoặc không tăng trong nhiều thập kỷ. Mặt khác, thu nhập của 1% lớp giàu có nhất đã tăng lên gần như gấp ba lần kể từ năm 1980, thời điểm bắt đầu của kỷ nguyên tân tự do hiện đại. Giải pháp đề xuất của Dalio: “Phân phối lại”.

Ở khoảng cách 11.000 cây số cách trụ sở chính của Dalio gần New York, giáo sư Kohei Saito đang ngồi trong một phòng làm việc nhỏ tại Đại học Tokyo và vẫn đang ngạc nhiên tự hỏi, cuốn sách của mình đã khơi dậy điều gì trong giới trẻ Nhật Bản. Saito, một giáo sư triết học, mới 35 tuổi và tự nhận mình thuộc thế hệ “bị ảnh hưởng nặng nề bởi cú sốc khủng hoảng tài chính và sự cố hạt nhân ở Fukushima”. Khi còn là sinh viên, Saito bắt đầu nghĩ về cả hai khía cạnh, trật tự kinh tế và sự hủy hoại môi trường sống, và đi đến điểm dừng sau cùng: Karl Marx.

Saito nói: “Trên thực tế, Marx quan tâm nhiều hơn đến các hậu quả sinh thái của chủ nghĩa tư bản hơn là người ta thường biết”. Vào năm 2016, anh ấy đã viết luận án của mình về vấn đề này tại Đại học Humboldt ở Berlin: “Thiên nhiên so với tư bản. Sinh thái học của Marx trong sự phê phán còn dang dở của ông về chủ nghĩa tư bản”.

Anh ấy đã gây ra một sự khuấy động trong giới chuyên gia. Điều gì xảy ra sau đó càng đáng ngạc nhiên hơn. Saito đã viết một cuốn sách về chủ nghĩa xã hội sinh thái mới [ND: Ecosocialism] vào cuối năm 2020 đã giải thích rằng, khủng hoảng khí hậu chính là “Tuyên ngôn của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa” theo tinh thần của Marx. Sự sụp đổ của hành tinh chỉ có thể được ngăn chặn bởi một hệ thống hậu tư bản chủ nghĩa, trong đó không còn tăng trưởng, sản xuất toàn xã hội phải chậm lại và phồn vinh phải được phân phối lại một cách hợp lý hơn.

Trong khi đó, cuốn sách “Tư bản trong thế giới lấy con người làm gốc (Capital Theory of the Anthropocene)” của ông đã bán được hơn nửa triệu bản tại Nhật Bản. Một số lượng mà chỉ được dành riêng cho “Harry Potter”. Cuốn sách của ông sẽ sớm được dịch và xuất bản bằng tiếng Anh và tiếng Đức. Đài truyền hình công cộng NHK đã dành cho anh ấy một bộ phim tài liệu dài bốn kỳ về cách giải thích hiện đại của Saito về Marx. Kể từ đó, sách về Marx đã trở nên phổ biến đáng kinh ngạc tại các hiệu sách ở Tokyo – bao gồm cả cuốn Tư Bản. Ngay cả Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hiện cũng đang thúc đẩy việc “nâng cấp chủ nghĩa tư bản lên một phiên bản bền vững hơn”.

Saito giải thích sự thành công của cuốn sách của mình là do những người cùng thời với ông ở Nhật Bản đã phải vật lộn với sự bất ổn kinh tế và “sự quá mức của toàn cầu hóa” trong một thời gian dài. Họ trở nên cởi mở với một “lối sống mới”. Tất cả các biện pháp tân tự do như bãi bỏ quy định hoặc cắt giảm phúc lợi nhà nước, với mục đích thúc đẩy tăng trưởng, sẽ để lại sự chia rẽ và bất ổn xã hội. Saito nói: “Tại sao chúng ta phải tiếp tục như thế này, hướng cả cuộc đời mình vào làm việc, kiếm tiền, tiêu dùng, đó là câu hỏi mà nhiều thế hệ trẻ ở đây tự hỏi”.

Đại dịch là một bước ngoặt. Các chuẩn mực xã hội đột ngột thay đổi, nhiều người ở nhà với gia đình thay vì ở văn phòng. Lời biện giải của Saito hướng vào một quy trình thu hẹp theo ý nghĩa của Marx với thời gian làm việc ngắn hơn và tập trung nhiều hơn vào những công việc quan trọng về mặt xã hội, ít mang lại lợi nhuận hơn, chẳng hạn như chăm sóc người già và người bệnh theo đúng tinh thần của thời đại.

Nhưng liệu Marx, người đã viết những bài phê bình 150 năm trước về chủ nghĩa tư bản khi động cơ hơi nước vẫn còn đang chạy lạch cạch, có thể thực sự đưa ra câu trả lời cho cuộc khủng hoảng sinh thái ngày nay? Có lẽ không. Nhưng Saito khẳng định: Ít nhất là hơn tất cả các chính trị gia hôm nay, những người đi rao bán các giải pháp cho những mục tiêu ít bền vững. “Điều đó không gì khác hơn là thuốc phiện mới cho quần chúng, như thể mọi người cần được trấn an”.

II. Tất cả quyền lực cho nhà nước

Sự kết thúc của chủ nghĩa tân tự do và nhà nữ kinh tế được yêu thích trong chính phủ liên bang Đức muốn xây dựng nền kinh tế xanh như thế nào.

Tờ London Times bảo thủ từng gọi Mariana Mazzucato là “nhà kinh tế đáng sợ nhất thế giới”. Điều đó cũng có nghĩa như một cách xúc phạm. Bất kỳ ai muốn tước bỏ quyền lực của thị trường và ngành tài chính cũng như biến nhà nước thành người lãnh đạo nền kinh tế quốc gia đều tự tạo ra kẻ thù. Nhất là, khi ý tưởng đó được trình bày bởi một người phụ nữ thông minh, tự tin.

Olaf Scholz (1958-), Joe Biden (1942-) Không sao, Mazzucato có thể sống với danh hiệu đó. Cũng không tai hại gì nếu bạn có tiếng là hơi nguy hiểm. Đặc biệt là khi bạn thường xuyên giao dịch với các nguyên thủ quốc gia trong những liên minh như Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hoặc Thủ tướng Olaf Scholz.

Mazzucato không đi du lịch, bà ấy hiện đang làm mưa làm gió khắp thế giới. Trong vài tuần qua, bà ấy đã đến Venezuela để đưa ra lời khuyên cho tổng thống ở đó, sau đó tham dự một hoặc hai hội thảo tại hội nghị khí hậu thế giới ở Ai Cập, và cuối cùng, một lần nữa, ở Berlin. Khi bạn nói chuyện với bà ấy cũng vậy: xắc, xắc, đừng đợi quá lâu cho câu hỏi tiếp theo.

Mazzucato là người Mỹ gốc Ý, sinh ra ở Rome, lớn lên ở Hoa Kỳ, có nhiều năng lượng bằng ba người cộng lại. Và nhờ đó đã vươn lên trở thành kinh tế gia có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Mazzucato cung cấp cho nhiều chính phủ các kịch bản cho “Thỏa thuận mới xanh”, tức là tái cấu trúc doanh nghiệp và xây dựng các ngành thân thiện với môi trường. SPD ở Berlin đã đưa các ý tưởng của bà vào chương trình tranh cử của họ. Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Robert Habeck trao đổi ý kiến với bà ấy nhiều lần.

Ít nhất đó là điều đáng ngạc nhiên. Hầu hết các nhà kinh tế học và các chính phủ phương Tây đã hiểu rõ về trật tự phân hạng doanh nghiệp trong vài thập kỷ qua. Và khuôn mẫu đó trông như thế này: Thị trường quyết định đi về đâu, sự có mặt của nhà nước chỉ cản trở và tốt hơn là phải tránh càng xa càng tốt.

Mazzucato thì hoàn toàn ngược lại: một mình thị trường không có cơ hội trong cuộc chiến chống lại những thách thức của thế kỷ 21, đặc biệt là biến đổi khí hậu. Các doanh nghiệp thì thiếu ý chí, động lực và tầm nhìn. “Nhà nước phải định hướng và đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng”, Mazzucato yêu cầu như thế. Nhà nước phải đặt tên cho các mục tiêu xã hội và tập trung toàn bộ sức lực vào chúng. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không phát khí thải đòi hỏi “sứ mệnh đổi mới” để làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế – “từ cách chúng ta xây dựng, đến những gì chúng ta ăn và cách chúng ta đi lại”. Nếu trong một năm các thiết bị đầu cuối khí hóa lỏng LNG có thể được xây dựng vì chính phủ muốn như thế, thì tại sao không trang trải cho ngành công nghiệp năng lượng mặt trời và 10.000 tua-bin gió?

Milton Friedman (1912-2006) Mazzucato, 54 tuổi, là giáo sư kinh tế trong 25 năm và hiện đang giảng dạy tại Đại học College London. Bà ấy đã giành được tất cả các loại giải thưởng cho nghiên cứu của mình về cách thức làm cho đổi mới được xảy ra. Nếu bạn đề cập đến tên của bà ấy trong cuộc trò chuyện với các nhà kinh tế học nổi tiếng khác, bạn thường thấy một cái nhướng mày. 

Không hiếm khi người ta hay trích dẫn tuyên bố nổi tiếng của Milton Friedman, người đoạt giải Nobel Kinh tế, như sau: “Những tiến bộ vĩ đại trong nền văn minh không bao giờ đến từ một chính phủ tập trung”. Nhưng lời nói của Friedman đã có từ 1962, và Mazzucato không hề ủng hộ một nền kinh tế kế hoạch hóa cũng như chính sách công nghiệp ma túy, trong đó các quan chức nhà nước quản lý các công ty.

Đối với Mazzucato, điều quan trọng là những mục tiêu lớn, những phát “hỏa tiễn lên mặt trăng”. Giống như chính phủ Mỹ từng nói là muốn bay lên mặt trăng trong vòng một thập kỷ. Tuy nhiên, để làm được điều này, trước hết phải xóa bỏ những truyền thuyết cũ, theo đó nhà nước chỉ có mặt để sửa chữa những thất bại của thị trường. Người ta vẫn tiếp tục giả vờ rằng, ngay từ đầu khó lòng đưa ra một mục đích, một hướng đi cho chủ nghĩa tư bản.

Vậy nó hoạt động thế nào? Bà nói: “Rất đơn giản. Bằng cách không chỉ hướng dẫn cẩn thận các công ty và toàn bộ ngành công nghiệp theo hướng này, mà còn bằng cách ép buộc họ”. Các ưu đãi như thuế CO2 rất tốt. Sẽ hiệu quả hơn nếu ngành công nghiệp được yêu cầu chỉ sử dụng xi măng “xanh” – và đổi lại nhà nước sẽ hỗ trợ tài chính. Một ý tưởng khác: chính phủ có thể đưa ra các khoản trợ cấp có điều kiện của nhà nước đối với các công ty giảm lượng khí thải của họ. Đây là những gì Pháp đã làm với các khoản tín dụng cho Air France trong thời kỳ đại dịch hoặc với các khoản bảo lãnh cho Renault.

Có quá ít những quy định như vậy. Mazzucato nói, thủ phạm là một “lỗi thiết kế lớn” của chủ nghĩa tư bản hiện đại phục vụ cho cổ đông. Điều này cho phép các tập đoàn sử dụng lợi nhuận của họ không phải vào sự đầu tư đổi mới, mà vào các giao dịch tài chính và mua lại cổ phần – qua đó chỉ các nhà đầu tư được hưởng lợi. Mazzucato rõ ràng đang tiếp tục xoáy vào chủ đề này. Vào năm 2022, riêng các công ty Hoa Kỳ đã thông báo rằng họ sẽ đầu tư khoảng một nghìn tỷ USD vào việc mua lại cổ phần thay vì đầu tư vào các sản phẩm mới, thậm chí sản phẩm bền vững. “Điều đó thật điên rồ”, bà nói.

Bà hình dung ra một trạng thái kinh doanh mang lại cho các công ty động cơ đầu tư tiền của họ vào các mục tiêu cao hơn. Những gì Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Habeck trình bày vào đầu tháng 12 nghe ra có vẻ như được lấy trực tiếp từ sách hướng dẫn của nhà nữ kinh tế gia này.

Bắt đầu từ năm tới, chính phủ liên bang Đức muốn ký kết điều gọi là thỏa thuận bảo vệ khí hậu với các ngành công nghiệp: Bất kỳ ai sản xuất theo cách thân thiện với khí hậu, mặc dù vì thế đắt hơn, sẽ được nhà nước hoàn trả trong vòng tối đa 15 năm cho phần phí tổn phụ trội. Nhất là các ngành công nghiệp thép, hóa chất, xi măng và thủy tinh nói riêng cần được thúc đẩy để nhanh chóng chuyển đổi sang phương thức sản xuất xanh. Khi được hỏi về điều này, Mazzucato gật đầu hài lòng: “Đó là cách nên làm”. Ngay các doanh nghiệp vốn dĩ chống lại mọi sự can thiệp cũng sẽ thoát ra khỏi mặc cảm cố hữu là muốn tránh xa nhà nước. Các nhiệm vụ đơn giản là quá lớn để có thể xử lý một mình. Đối với phương thức chuyển đổi xanh, “các công cụ tài trợ không thể thiếu được”, chẳng hạn như bà chủ của tập đoàn ThyssenKrupp, Martina Merz đã nói.

Kỷ nguyên kéo dài nhiều thập kỷ của chủ nghĩa tân tự do có lẽ đã đến hồi cáo chung. Kể từ đầu thập niên 1980, có niềm tin cho rằng thị trường biết rõ và điều chỉnh được mọi chuyện, niềm tin đó đã thống nhất tất cả các phe phái chính trị. Tại Hoa Kỳ, Tổng thống Hoa Kỳ bảo thủ cánh hữu Ronald Reagan là kẻ tiên phong về ý thức hệ. Tuy nhiên, việc bãi bỏ quy định và toàn cầu hóa đã được Bill Clinton, Đảng Dân chủ thúc đẩy mạnh mẽ nhất. Và ở Đức bởi Thủ tướng Dân chủ Xã hội Gerhard Schröder.

Suốt nhiều thập kỷ, thị trường không được kiểm soát đã trực tiếp dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và cũng là hồi chuông báo trước sự kết thúc của chủ nghĩa tân tự do. Nhà sử học kinh tế Tooze cho biết những can thiệp to lớn của nhà nước đã cứu nền kinh tế khỏi sụp đổ vào thời điểm đó. Điều này “nhất thiết phải được hiểu là dấu hiệu báo trước một trật tự mới sẽ thay thế chủ nghĩa tân tự do”. Có lẽ cái đinh cuối cùng để đóng nắp quan tài là đại dịch. Một lần nữa, các chính phủ phải can thiệp để ngăn chặn điều tồi tệ nhất xảy ra. “Có vẻ như chúng ta đã đạt đến một bước ngoặt”.

Điều gì sẽ dọn đường cho một “chính sách tài khóa định hướng theo nhiệm vụ” như Mazzucato gọi. Kể từ những năm 1980, cân bằng ngân sách tự nó đã là dấu chấm hết, ở Hoa Kỳ, Anh và Đức dù sao đi nữa với việc hãm nợ. Mazzucato cho biết: “Nhưng Đức vừa huy động được 190 tỷ euro và Hoa Kỳ đã hỗ trợ nền kinh tế với 5 nghìn tỷ USD trong thời kỳ đại dịch. Tại sao tiền chỉ được rút ra qua đêm trong trường hợp khẩn cấp? Bình thường, khi nói đến các nhiệm vụ xã hội lớn từ sức khỏe đến môi trường, chúng ta vẫn nghe đến nhàm tai: Không thể được, chúng ta phải nghĩ đến nợ quốc gia”.

https://www.phantichkinhte123.com/2023/03/chu-nghia-tu-ban-tim-mot-hanh-trinh-em.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét