Tại sao Việt Nam nên quy định phải xây hầm trú ẩn ?
Đọc bài “Israel ít thương vong hơn phía Iran, đằng sau là gì?” vừa đăng làm tôi nhớ lại mấy điều trước đây tôi đã từng viết trên Blog cá nhân và FB: 1) Khi sống ở một số nước phương Tây, tôi biết họ có luật quy định tất cả các tòa nhà mới xây đều phải có khu vực bảo vệ (hầm trú ẩn, bốt chống bom, không gian an toàn sâu dưới mặt đất) cho dân cư trong trường hợp chiến tranh hoặc thảm họa hạt nhân, thậm chí phải bảo vệ được dân ngay cả khi bị ném bom nguyên tử. Dưới đây là vài ví dụ:
a) Nga / Liên Xô cũ, nơi tôi đã từng ở những năm 1986-1987, 1991 và 1997, có Hệ thống hầm trú ẩn sâu dưới lòng đất. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô xây dựng hàng loạt hầm trú ẩn ngầm và quy định nhiều công trình phải có không gian chống bom và tên lửa hạt nhân. Hiện nay nhiều thành phố vẫn duy trì hầm trú ẩn và đưa hướng dẫn chạy và sinh hoạt trong hầm trú ẩn vào chương trình giáo dục dân phòng toàn dân. Đặc biệt các thành phố lớn như Moscow hay Saint Peterbourg đều có hệ thống các hầm ngầm cực kỳ phức tạp dùng để trú ẩn. Bản thân hệ thống tàu điện ngầm cũng là nơi trú ẩn, khi chiến tranh có thể biến thành văn phòng.
b) Thụy Sĩ, nơi tôi đã từng sống và làm việc trong giai đoạn 2008-2015, Luật pháp bắt buộc mỗi công trình dân dụng phải có "phòng trú ẩn". Luật Phòng thủ Dân sự (Civil Defense Act) được áp dụngtừ những năm 1960 yêu cầu: Mỗi ngôi nhà, chung cư mới đều phải có hầm trú ẩn cá nhân hoặc tập thể. Hầm phải đủ sức chống lại bom thông thường và các loại vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học (NBC). Phải đảm bảo dân cư sống được trong ít nhất 2 tuần với đầy đủ thực phẩm, nước uống, hệ thống lọc khí. Hiện nay, số chỗ trú ẩn nhiều hơn cả số dân (cụ thể cứ 1 người dân thì có 1,15 chỗ trú ẩn), nên đi bất cứ đâu, gần đó luôn luôn có điểm trú ẩn.
c) Hoa Kỳ, nơi tôi ở trong những năm 1998-2002, có Hệ thống hầm trú ẩn từng rất phổ biến. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ khuyến khích xây dựng hầm trú ẩn cá nhân ở khắp nơi. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, việc xây dựng hầm trú ẩn không còn bắt buộc trong luật, nhưng một số tiểu bang như Colorado, Texas, Montana khuyến khích xây dựng hầm trú ẩn tư nhân (cá nhân tự chi trả). Chính phủ có các dự án hầm trú ẩn liên bang dành cho giới chức cấp cao (ví dụ: Cheyenne Mountain Complex, Mount Weather).
d) Pháp, nơi tôi thực tập, làm thạc sĩ và làm tiến sĩ giai đoạn 1989-1998, có hệ thống phòng thủ dân sự nhưng không bắt buộc xây hầm trú ẩn trong mọi tòa nhà. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh (1950–1990), giống như nhiều quốc gia phương Tây, Pháp từng đầu tư vào hệ thống phòng thủ dân sự , bao gồm cả việc xây dựng hầm trú ẩn.
Tuy nhiên, hiện nay Pháp không có quy định bắt buộc đối với các công trình dân dụng mới phải có hầm trú ẩn hay phòng chống bom hạt nhân. Pháp tập trung hơn vào phòng thủ quân đội và phản ứng khẩn cấp của nhà nước thay vì yêu cầu người dân tự chuẩn bị nơi trú ẩn.
e) Israel yêu cầu bắt buộc với mọi công trình, mọi tòa nhà dân dụng mới đều phải có "Phòng an toàn" (Mamad – Merhav Mugan) được thiết kế để chịu đựng tên lửa, pháo kích và cả vũ khí hóa học. Tiêu chuẩn kỹ thuật quy định chúng phải chịu được vụ nổ tầm gần từ tên lửa hoặc mìn; được trang bị hệ thống lọc không khí chống chất độc hóa học; cách âm, chống rung tốt. Hiện nay gần như 100% các căn hộ ở thành phố lớn đều có Mamad. Quy định này được áp dụng rộng rãi sau Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 khi Iraq phóng tên lửa Scud vào Israel.
g) Triều Tiên & Hàn Quốc cả hai đều rất chú trọng xây dựng khu vực bảo vệ trong chiến tranh.
Ở Triều Tiên, hệ thống hầm ngầm khổng lồ nằm sâu dưới lòng đất thủ đô Bình Nhưỡng. Các hầm được đào sâu vào lòng núi, phục vụ cho lãnh đạo và dân thường. Các công trình dân dụng có cấu trúc kiên cố, hầm ngầm và nhiều đường thoát hiểm.
Hàn Quốc bắt buộc xây dựng phòng tránh bom đạn trong các tòa nhà cao tầng. Trường học, bệnh viện đều phải có hầm trú ẩn khẩn cấp. Luật xây dựng yêu cầu các công trình công cộng phải có khả năng chống lại đòn tấn công hạt nhân hoặc hóa học.
h) Trung Quốc là nơi tôi đã có một số lần đến và rất khâm phục, cuối tháng này tôi lại đi du lịch Trung Quốc. Trung Quốc là một trong những quốc gia có hệ thống phòng thủ dân sự rất bài bản , bao gồm cả việc xây dựng các công trình có khả năng bảo vệ người dân trước nguy cơ chiến tranh, kể cả bom hạt nhân . Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào hạ tầng phòng thủ dân quân tự vệ và chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp , đặc biệt ở các thành phố lớn.
Trung Quốc quy định bắt buộc xây dựng hầm trú ẩn trong các công trình dân dụng mới. Theo Luật Phòng thủ Dân quân Tự vệ (Civil Air Defense Law) và các quy định liên quan, Trung Quốc yêu cầu các công trình dân dụng mới phải có hầm trú ẩn hoặc không gian phòng thủ khẩn cấp. Đặc biệt, các tòa nhà chung cư cao tầng phải có hầm trú ẩn dưới lòng đất phục vụ cư dân trong trường hợp xảy ra chiến tranh hoặc thảm họa. Các khu đô thị mới phát triển đều được thiết kế theo mô hình “phòng thủ kép ”: vừa phục vụ sinh hoạt thường ngày, vừa đảm bảo an toàn khi có xung đột.
Tiêu chuẩn kỹ thuật của Trung Quốc cũng rất cao: Hầm trú ẩn phải chịu được sóng xung kích của bom đạn thông thường. Có hệ thống lọc khí để chống lại vũ khí hóa học, sinh học, hạt nhân (NBC). Đảm bảo cung cấp nước, thực phẩm, ánh sáng tối thiểu trong vài ngày đến vài tuần. Kết nối với hệ thống thoát hiểm tập trung trong khu vực.
Trung Quốc áp dụng mô hình “thành phố phòng thủ” (防空城市 - City-Level Civil Defense) ở nhiều đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô... Một số đặc điểm nổi bật của “thành phố phòng thủ” là: Hệ thống hầm ngầm khổng lồ dưới lòng thành phố, kết nối giữa các khu dân cư, bệnh viện, trường học, ga tàu điện ngầm. Cơ sở hạ tầng kiên cố hóa, ví dụ: tường bê tông dày, cửa thép chống nổ, đường hầm sơ tán. Quản lý tập trung bởi các đơn vị phòng thủ dân quân tự vệ địa phương.
Trung Quốc thường xuyên tổ chức giáo dục và diễn tập phòng thủ dân sự. Học sinh, sinh viên và người lao động đều được phổ cập kiến thức về phòng thủ dân sự từ cấp tiểu học trở lên. Hàng năm, các thành phố tổ chức diễn tập phòng thủ khẩn cấp, bao gồm việc sơ tán vào hầm trú ẩn, sử dụng thiết bị phòng độc, ứng phó với vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ứng dụng công nghệ hiện đại rộng rãi, sử dụng app chính quyền số để cảnh báo và dẫn đường đến nơi trú ẩn gần nhất khi có tình huống nguy cấp.
Trung Quốc cũng quy định nếu một dự án không thể xây hầm trú ẩn do hạn chế kỹ thuật hoặc chi phí thì Chủ đầu tư phải nộp một khoản tiền thay thế vào quỹ phòng thủ dân sự địa phương. Số tiền này sẽ được dùng để xây dựng hầm trú ẩn tập trung hoặc cải tạo cơ sở hạ tầng phòng thủ chung cho khu vực.
2) Bài “Israel ít thương vong hơn phía Iran, đằng sau là gì?” cho biết:
Tính đến ngày 16-6, các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran nhằm vào Israel đã khiến ít nhất 17 người thiệt mạng và hơn 400 người bị thương, theo tờ The Times of Israel. Trong khi đó, thiệt hại nhân mạng tại Iran nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần: hơn 220 người đã thiệt mạng và hơn 1.200 người bị thương kể từ khi xung đột bùng phát hôm 13-6.
Sự chênh lệch lớn về thương vong ở Israel và Iran không chỉ phản ánh mức độ tàn khốc của các đợt không kích do Israel tiến hành mà còn cho thấy sự khác biệt đáng kể về khả năng phòng thủ, cơ sở hạ tầng và hệ thống ứng phó khẩn cấp giữa hai quốc gia.
Đó là Israel có hệ thống hầm trú ẩn, Iran thì không
Thủ đô Tehran của Iran không có các hầm trú bom hiện đại, theo đài CNN. Thay vào đó, người dân phải tận dụng các đường hầm, tầng hầm hoặc những hầm trú cũ từng được sử dụng trong cuộc chiến Iran-Iraq những năm 1980 - lần gần nhất quốc gia này đối mặt tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng như hiện nay. "Ở Tehran không có hầm trú ẩn nào cả, người dân chỉ có thể xuống các tầng hầm". Hệ thống tàu điện ngầm có thể được dùng làm nơi trú ẩn “trong trường hợp khủng hoảng nghiêm trọng”, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc “sẽ phải ngừng toàn bộ hoạt động của hệ thống”.
Trong khi đó, theo tờ The Wall Street Journal, Israel thì sở hữu hệ thống hầm trú bom hiệu quả. Hiện tại, khoảng 65% người dân Israel đã có nơi trú ẩn cố định – từ các phòng kiên cố trong căn hộ (mamadim), khu trú ẩn tầng (mamakim), đến các hầm cộng đồng (miklatim) gần khu dân cư. Những nơi trú này đều được thiết kế bằng bê tông cốt thép, lắp cửa và cửa sổ chống áp lực nổ, có thể chịu được sóng chấn và mảnh đạn từ các vụ tấn công bằng tên lửa, kể cả với đầu đạn lớn như Scud hay tên lửa hành trình hiện đại.
Các hầm này hoạt động như “pháo đài độc lập” trong lòng tòa nhà, được thiết kế để vẫn đứng vững nếu toàn bộ công trình sụp đổ. Dẫu biết rằng không có nơi trú ẩn nào là tuyệt đối an toàn, giới chức quốc phòng Tel Aviv khẳng định các phòng kiên cố này mang lại cơ hội sống sót cao nhất cho người dân.
Tại Tel Aviv, người dân có khoảng 60 giây để chạy đến nơi trú ẩn sau khi còi báo động vang lên. Những người sống sát Gaza hay Lebanon chỉ có vỏn vẹn 10 giây. Thành phố hiện có 168 hầm tránh bom công cộng và 356 hầm trú trong trường học và tòa nhà dân sự. Vị trí các hầm đều được công khai trên trang web thành phố, với bảng chỉ dẫn màu cam đặt khắp đường phố, dẫn lối sinh tồn trong thời khắc sống còn.
Vẫn có khoảng 1/3 người Israel không có điều kiện tiếp cận hầm trú. Nhóm này đa phần là người sống ở vùng nông thôn, cộng đồng người Ả Rập thiểu số, hoặc dân cư ở các khu phố nghèo, nơi các tòa nhà được xây dựng từ trước khi luật về hầm trú có hiệu lực.
3) Hệ thống hầm trú ẩn ở Việt Nam
Gọi là Hệ thống hầm trú ẩn cho vui chứ thực chất Việt Nam chúng ta làm gì có hệ thống này. Tôi thường viết thế giới có cái gì, nhà nước Việt Nam cũng đặt ra cái đó để tự hào Việt Nam luôn luôn theo kịp thời đại, nhưng tên thì giống nhau mà nội dung, bản chất thì hoàn toàn khác nhau.
Ở Việt Nam, nhà nước cũng có quy định về phòng thủ dân quân tự vệ nhưng chưa bắt buộc và các cơ quan dân sự và người dân hiếm khi quan tâm, thực hiện. Luật Quốc phòng và Luật Xây dựng hiện hành quy định: Các công trình trọng điểm quốc phòng, an ninh phải có phương án phòng thủ. Một số khu vực đặc biệt: Các công trình quân sự, sân bay, nhà máy điện... có thiết kế chống đạn, chống nổ.
Như vậy, luật không bắt buộc tất cả tòa nhà dân dụng phải có hầm trú ẩn hay phòng chống bom nguyên tử. Thậm chí luật cũng không bắt buộc công trình trọng điểm quốc phòng, an ninh phải thực hiện quy định này.
Trong giáo dục dân phòng, các chương trình học phổ thông đã có một số quy định, hướng dẫn, nhưng chưa phổ biến trong thực tế. Các cán bộ giảng dạy quốc phòng đôi khi cũng điểm qua sự cần thiết của loại hầm trú ẩn chống bom nguyên tử và vũ khí hiện đại, nhưng tôi tin chắc chẳng mấy học sinh, sinh viên quan tâm.
Việc Việt Nam không bắt buộc tất cả các tòa nhà dân dụng phải có hầm trú ẩn hoặc khả năng chống bom nguyên tử là một thực tế đáng quan tâm, thậm chí đáng báo động, vì tôi thường xuyên nhấn mạnh những năm tháng hòa bình thường rất hiếm và rất quý ở Việt Nam. Thêm nữa từ khi còn đi học phổ thông đến tận bây giờ, tôi luôn luôn khẳng định chắc chắn sẽ có chiến tranh thế giới lần thứ 3. Và thực tế nó đang lơ lửng trên đầu nhân loại.
Nếu đột nhiên nổ ra chiến tranh ở Việt Nam, việc không quy định bắt buộc xây dựng hầm trú ẩn hoặc phòng chống bom hạt nhân trong công trình dân dụng tại Việt Nam sẽ có những hậu quả vô cùng tai hại sau:
a) Nguy cơ về an toàn tính mạng khi xảy ra xung đột vũ trang
Nếu xảy ra chiến tranh, việc không có hệ thống hầm trú ẩn hay phòng tránh bom đạn sẽ khiến người dân ở các thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...) rất dễ tổn thương trước các cuộc tấn công bằng tên lửa, bom thông thường hay thậm chí là vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đặc biệt ở các khu đô thị đông đúc, việc sơ tán khẩn cấp rất khó khăn, thiếu nơi trú ẩn an toàn sẽ làm tăng thiệt hại về người. Số người chết và bị thương sẽ lớn hơn ở Iran rất nhiều vì các thành phố của Việt Nam đều nằm ở đồng bằng bằng phẳng.
Nguy cơ từ vũ khí hiện đại: Các nước láng giềng hoặc thế lực khác có thể sử dụng vũ khí chính xác cao, vũ khí hóa học, sinh học hoặc hạt nhân chiến thuật – những thứ mà hạ tầng dân sự Việt Nam chưa được chuẩn bị để đối phó – để tấn công Việt Nam bất cứ lúc nào, như Israel vừa bất ngờ tấn công Iran, hay Trung Quốc bất ngờ tấn công Việt Nam năm 1979.
b) Thiếu khả năng ứng phó với thảm họa quy mô lớn
Hầm trú ẩn không chỉ dùng cho chiến tranh mà còn hữu ích trong các trường hợp thảm họa thiên nhiên như: siêu bão, lũ quét, động đất, sóng thần... Trong tình huống mất điện, sập cầu đường, không gian trú ẩn kiên cố sẽ giúp bảo vệ người dân và duy trì sinh hoạt tối thiểu trong vài ngày đầu.
c) Khó triển khai kế hoạch phòng thủ dân quân tự vệ toàn dân
Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, Việt Nam theo đuổi quốc phòng toàn dân , nhưng nếu hạ tầng dân sự không hỗ trợ thì việc triển khai hiệu quả sẽ gặp nhiều khó khăn. Dân cư đô thị không có nơi trú ẩn an toàn sẽ tạo áp lực lên lực lượng cứu hộ, y tế và quân đội khi xảy ra khủng hoảng.
d) Tốn kém hơn khi sau này thấy cần phải xây dựng
Việc xây dựng hầm trú ẩn hoặc thiết kế công trình có khả năng chống chịu tốt phải được tính toán từ đầu, khi thi công móng và kết cấu nền tảng. Nếu không làm ngay từ đầu, sẽ rất khó và tốn kém để cải tạo thêm sau này, nhất là với các công trình cao tầng.
Thậm chí việc không bắt buộc tất cả tòa nhà dân dụng phải có hầm trú ẩn hay phòng chống bom nguyên tử có thể làm siảm sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư hạ tầng bền vững. Một số nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là từ châu Âu hoặc Israel, rất chú trọng đến các tiêu chuẩn an toàn tổng thể của dự án, bao gồm cả yếu tố phòng thủ dân sự. Việc thiếu tiêu chuẩn này có thể làm giảm độ tin cậy và khả năng hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào các dự án hạ tầng lớn.
4) Kết luận:
Việc không bắt buộc xây dựng hầm trú ẩn có khả năng chống bom nguyên tử trong các công trình dân dụng ở Việt Nam hiện nay là một khoảng trống pháp lý và quy hoạch hạ tầng. Từ không có các quy định pháp luật và quy hoạch hạ tầng dẫn tới không mấy ai quan tâm đến xây dựng hầm trú ẩn có khả năng chống bom nguyên tử. Chắc chắn hậu quả trong thời chiến sẽ rất khủng khiếp vì vũ khí thời nay vô cùng hiện đại, có năng lực hủy hoại triệt để, thậm chí khoét rất sâu đi đôi với san phẳng các thành phố và trung tâm đông người ở Việt Nam.
Chúng tôi đề nghị nhà nước nên ban hành quy định pháp luật về Hệ thống hầm trú ẩn theo tiêu chuẩn gần như các nước phương Tây. Chúng không chỉ cần thiết khi nổ ra chiến tranh với nước láng giềng và chiến thế giới thứ ba, mà còn rất cần thiết trong các kịch bản khẩn cấp khác như thảm họa hạt nhân (ví dụ nổ ra thảm họa hạt nhân tại các nhà máy nguyên tử ở Việt Nam, ở Trung Quốc hay ở một nước nào đó gần Việt Nam, tương tự như Thảm hoạ Chernobyl ở Nga năm 1986, hoặc các vụ khủng bố bằng hạt nhân hay tên lửa hạt nhân, hoặc các vụ ô nhiễm môi trường sinh học...
Một số việc có thể sớm thực hiện là:
a) Thí điểm xây dựng hầm trú ẩn bắt buộc tại một số phường đông dân tại các thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Huế.
b) Khuyến khích các dự án chung cư cao tầng có thiết kế "phòng tránh rủi ro" thay vì bắt buộc xây hầm trú ẩn; nhưng trong tương lai dài hạn sẽ chuyển sang bắt buộc.
c) Bắt buộc xây dựng hầm trú ẩn công cộng tại các khu dân cư đông đúc, kết hợp với ga tàu điện ngầm, bãi đỗ xe,...
d) Đưa giáo dục phòng tránh và trú ẩn hạt nhân, tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt vào chương trình học phổ thông và diễn tập phòng thủ định kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét