Việt Nam thành ‘đối tác’ của BRICS trong lúc đang đàm phán với Mỹ
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Chính phủ Brazil công bố Việt Nam chính thức được công nhận là “quốc gia đối tác” của BRICS, gồm các nền kinh tế mới nổi trong bối cảnh khối này đang thúc đẩy quá trình mở rộng.Theo Reuters hôm 14 Tháng Sáu, Việt Nam là quốc gia thứ 10 nhận quy chế cho phép các nước được mời tham gia các Hội Nghị Thượng Đỉnh BRICS và các phiên thảo luận khác.
Hồi đầu năm nay, Bộ Ngoại Giao Việt Nam bày tỏ rằng “sẵn sàng thảo luận về quan hệ đối tác với BRICS,” với các thành viên ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
Bản thông cáo báo chí của chính phủ Brazil cho biết: “Những nỗ lực của Việt Nam trong việc ủng hộ Hợp Tác Nam-Nam (hợp tác và trao đổi giữa các nước đang phát triển ở Nam bán cầu) và phát triển bền vững cho thấy sự tương thích của Việt Nam với lợi ích của nhóm.”
Được thành lập vào năm 2009 và sớm kết nạp thêm Nam Phi, gần đây khối BRICS bao gồm Ai Cập, Ethiopia, Indonesia, Iran và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, khiến khối này trở thành đối trọng ngoại giao ngày càng tăng đối với các cường quốc Tây phương.
Ngoài Việt Nam, các nước Belarus, Bolivia, Kazakhstan, Cuba, Malaysia, Nigeria, Thái Lan, Uganda và Uzbekistan cũng được xác nhận là “quốc gia đối tác” của khối này.
Tuy vậy, theo giới quan sát, tin Việt Nam thành “quốc gia đối tác” của khối BRICS được cho là “khá nhạy cảm” trong bối cảnh Hà Nội cần tăng tốc đàm phán thuế quan đối ứng với Mỹ trước hạn chót vào đầu tháng tới.

Trong một diễn biến khác, trang tin The Wire của Ấn Độ hôm 10 Tháng Sáu cho hay, kể từ hồi Tháng Mười Một năm ngoái, ông Donald Trump, tổng thống Mỹ, đã cảnh báo các quốc gia BRICS về khả năng phi đô la hóa, đe dọa áp mức thuế quan đối ứng nặng nề nếu khối này tiếp tục theo đuổi một loại tiền tệ chung hoặc một hệ thống tài chính thay thế.
Sự thống trị của đồng đô la Mỹ trong hơn 90% các giao dịch toàn cầu nhấn mạnh sự bất an của Washington, nhất là khi Nga và Iran, bị các lệnh trừng phạt của SWIFT (Hiệp Hội Viễn Thông Liên Ngân Hàng và Tài Chính Quốc Tế) hạn chế, ủng hộ giao dịch bằng tiền tệ của chính họ.
Ấn Độ không dẫn đầu quá trình phi đô la hóa của khối BRICS nhưng tìm kiếm các giải pháp thay thế để duy trì giao thương với các đối tác bị Mỹ áp lệnh trừng phạt, chẳng hạn như Nga trong việc nhập cảng dầu.
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/viet-nam-thanh-doi-tac-cua-brics-trong-luc-dang-dam-phan-voi-my/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét