Ở Âu Mỹ tại sao người ta phân biệt được học sinh giỏi hay kém ?
Lê Việt Đức - Hôm qua tôi đã bình luận chuyện nhà văn Nguyễn Danh Lam giải thích nguyên nhân ở Mỹ "không cần phải quay cóp bài", "không có ai chép bài của ai cả!”.Hôm nay tôi muốn viết thêm một chút về cách ra đề thi ở Âu Mỹ để phân biệt được học sinh giỏi hay học sinh kém, qua đó thấy thêm một lý do tại sao ở Âu Mỹ "không có ai chép bài của ai cả!”.

1. Trước hết nói về cách ra đề thi ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, từ lớp 1 đến hết học đại học, đề thi được ra rất dễ để học sinh sinh viên dễ làm và dễ tốt nghiệp. Đôi khi trong đề thi cũng có 1-2 câu hỏi khó, nhưng không nhiều.
Vì đề thi rất dễ, nên thi 90 phút, học sinh sinh viên giỏi làm 30-45 phút là xong. Học sinh sinh viên trung bình cứ cần mẫn làm thì hết giờ cũng làm xong bài. Đối với học sinh sinh viên giỏi, làm xong ngồi chơi không biết làm gì, thế là học sinh sinh viên giỏi quay sang giúp bạn, hoặc đưa bài của mình cho bạn chép.
Kết quả học sinh sinh viên trung bình hoặc dốt cũng làm xong bài trong 90 phút. Vậy là tất cả học sinh sinh viên đều thành học sinh sinh viên giỏi.
Khi có 1-2 câu hỏi khó, nếu học sinh sinh viên giỏi làm được, đưa cho các bạn khác chép, thì tất cả học sinh sinh viên đều thành học sinh sinh viên giỏi. Nếu học sinh sinh viên giỏi không làm được, thì cả lớp không làm được. Kết quả điểm cũng y như nhau.
Cuối năm học, vì điểm của tất cả các học sinh sinh viên như nhau nên để phân biệt học sinh sinh viên giỏi, khá và trung bình, người ta phải tính điểm chuyên cần. Ai chuyên cần thì thành học sinh sinh viên giỏi. Ai không chuyên cần thì thành học sinh sinh viên khá. Ai lười biếng nghỉ học nhiều, vi phạm kỷ luật nhiều thì thành học sinh sinh viên trung bình hoặc kém.
Điều kinh khủng nhất là đến các kỳ thi quốc gia, việc trông thi nghiêm ngặt hơn, học sinh sinh viên khó cóp bài và hỏi nhau hơn. Cả bộ máy công an, chính quyền đều vào cuộc. Trường học như nhà tù, lớp học như phòng giam, nội bất xuất ngoại bất nhập. Công an, bảo vệ khắp trong và ngoài trường. Hơi một tý là dọa lập biên bản... Cả nước như vào một chiến dịch đánh nhau trên toàn quốc.
Tôi đã có một số lần đi trông thi ở các tỉnh; năm nay được phân đi trông thi ở Bắc Kạn vào tuần tới, nhưng may mắn vì tôi đi du lịch Trung Quốc đúng dịp này nên trường cử người khác đi thay. Mỗi lần đi trông thi là mỗi lần tôi khiếp sợ vì cách thi cử của Việt Nam. Đi mới biết nhiều chuyện, nhưng không dám viết ở đây.
2. Cách ra đề thi ở Âu Mỹ
Ở Âu Mỹ, người ta cũng ra đề thi gồm 2 phần dễ và khó, nhưng chủ yếu là dễ. Điểm đặc biệt là đề thi khá dài, phủ gần kín tất cả các bài học của môn học. Càng những câu hỏi cuối, đề càng khó hơn, nhưng không quá khó.
Vì đề thi khá dài, nên khi thi 90 phút, học sinh sinh viên giỏi phải tập trung làm bài ngay từ đầu và trong suốt 90 phút. Đề không khó nhưng vì dài nên gần hết giờ họ mới làm xong được bài. Và dĩ nhiên họ được điểm cao.
Điểm đặc biệt là do cắm cúi làm bài trong cả 90 phút, rồi phải đọc lại nội dung bài làm xem có sai sót gì không nên học sinh sinh viên giỏi không có thời gian rảnh rỗi để giúp bạn. Nếu bạn muốn nhìn trộm thì họ cũng không cho nhìn vì sẽ ảnh hưởng đến việc tập trung làm bài của họ. Như vậy sẽ không có hiện tượng cóp bài của nhau.
Đối với học sinh sinh viên trung bình, vì không quay cóp được nên họ phải tập trung tự làm bài. Và vì đề thi khá dài nên có làm đủ 90 phút thì họ cũng không thể làm xong. Kết quả họ chỉ được điểm trung bình và khá.
Đối với học sinh sinh viên kém, vì không quay cóp được, họ cũng đành phải tập trung tự làm bài. Và vì đề thi khá dài nên có làm đủ 90 phút thì họ chỉ có thể làm được 10-20-30% bài. Kết quả họ chỉ được điểm kém hoặc trung bình.
3. Như vậy cách ra đề thi ở Âu Mỹ rất khoa học, nó không chỉ làm cho học sinh sinh viên không thể quay cóp, không có điều kiện giúp nhau làm bài thi..., mà còn giúp phân biệt được đâu là học sinh sinh viên giỏi, đâu là học sinh sinh viên trung bình và đâu là học sinh sinh viên kém.
Cho nên ở Âu Mỹ không có chuyện 1 lớp thi phải có 2-3 giáo viên trông thi, bắt học sinh sinh viên phải quét hình ảnh kiểm tra khuôn mặt khi vào phòng thi, bỏ hết túi xách điện thoại... ở ngoài. Ngoài hành lang thì giám thị hành lang liên tục đi tuần tra để canh không cho tuồn đề thi từ trong lớp ra bên ngoài hoặc đưa lời giải từ bên ngoài vào. Thậm chí, học sinh sinh viên đi đái cũng phải có giám thị đi theo để giám sát...
Ở Âu Mỹ, thông thường giáo viên vào lớp công bố đề thi, sau đó ra khỏi phòng thi, về phòng làm việc ngồi làm việc. Còn lớp tự quản, học sinh sinh viên ai nấy đều chăm chú làm bài, không có một tiếng động. Cuối giờ lớp trưởng thu bài mang vào phòng giáo viên để nộp cho giáo viên.
Các bạn thấy môi trường học tập và thi cử như vậy có sướng hơn và văn minh hơn ở nước ta không ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét