Thứ Ba, 24 tháng 6, 2025

Hỗ trợ tài chính cho con khi chúng ở tuổi trưởng thành

Hỗ trợ tài chính cho con khi chúng ở tuổi trưởng thành
Lê Việt Đức - Bài này nói về cách nuôi dạy con và hỗ trợ tài chính cho con khi chúng ở tuổi trưởng thành; ở phương Tây đó là thời điềm chúng phải hoàn toàn tự lập, cha mẹ không chu cấp tiền bạc cho chúng nữa. Điều này rất phổ biến trong thời kỳ phát trên hoàng kim của chủ nghĩa tư bản 1960-2000.
Tuy nhiên từ đầu thế kỷ 21, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đi đôi với suy thoái kinh tế và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở các nước công nghiệp phát triển, các bậc cha mẹ nhận thấy cần phải cho con mình học cao hơn, nhiều hơn mới hấp thụ được các thành tựu khoa học và công nghệ mới, từ đó mới tồn tại được trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Mặt khác, thanh niên mới lớn ngày càng khó kiếm được việc làm trong khi chính phủ xiết chặt chính sách cho thanh niên vay tiền để sống… Vì vậy, cha mẹ có xu hướng kéo dài thời gian chu cấp tiền cho các con sau 18 tuổi.

Về lý, tôi ủng hộ cách nuôi dạy và hỗ trợ tài chính cho các con của người phương Tây. Về tình, tôi vẫn muốn hỗ trợ cho các con trong nhiều năm nếu:

1) Chúng cần tiền để học lên cao. Quan điểm của tôi là học càng nhiều càng tốt. Do đó nếu chúng cần tiền để tiếp tục học thì tôi sẵn sàng hỗ trợ.

2) Chúng cần tiền để phát triển sự nghiệp của chúng trên con đường nghiên cứu khoa học mà tôi thấy chúng có dự án tốt và quyết tâm thực hiện. Tiền đối với người già như tôi chỉ cần giữ một mức nào đó là đủ. Còn dư thừa thì giúp chúng để làm đòn bẩy ban đầu cho sự nghiệp của chúng.

Đối với các dự án kinh doanh thì không nên giúp; muốn thực hiện chúng phải tự tìm nguồn tài trợ khác, ví dụ vay ngân hàng.

3) Do đặc thù Việt Nam còn quá nghèo, tiền lương của người mới đi làm không đủ trang trải cho cuộc sống thì trong những năm đầu cũng nên giúp đỡ tài chính để giảm bớt sức ép đặt lên vai chúng.

Dưới đây là bài viết trên mạng:

Tôi nhớ hồi còn học với đám mũi lõ, nhiều đứa kể: 18 tuổi là bị bố mẹ tiễn ra đường. Có cả những đứa được ở nhà, nhưng phải nộp tiền thuê hàng tháng — năm đầu trả 50%, năm sau 75%, rồi sau đó là trả đủ. Tiền ấy không nộp cho ai khác, mà nộp thẳng cho chính bố mẹ của mình. Để làm được điều đó, chúng nó đều phải đi làm thêm từ rất sớm: phục vụ bàn, bán hàng siêu thị, dọn dẹp nhà cửa… Nghe thì có vẻ hà khắc, nhưng phần lớn những đứa như vậy sau này đều rất trưởng thành và thành công.

Vì sao? Vì chúng được dạy rằng học là một phần, còn thực hành, trải nghiệm và rèn luyện mới là thứ tạo nên bản lĩnh. Nền giáo dục Tây Âu vốn nhấn mạnh vào tính thực tiễn. Người trẻ không chỉ học để thi, mà học để sống, để làm, để tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình. Họ bị đẩy ra ngoài từ sớm không phải vì bị bỏ rơi, mà vì cha mẹ muốn cho con cơ hội va vấp, biết giá trị của đồng tiền, biết quý trọng sức lao động và hiểu rằng tự do luôn đi kèm với trách nhiệm.

Ấy thế mà ở xứ ta, không ít “cô bé, cậu bé” vẫn chẳng chịu lớn, dù đã 3x hay 4x. Trong khi đó, thế hệ trẻ bây giờ lại quá nhạy cảm, quá mong manh. Chỉ cần gặp chút việc khó là than thở, trầm cảm. Sếp góp ý vài câu thì bỏ việc. Có người mang tâm lý: “Khó chịu thì nghỉ, ở nhà có bố mẹ nuôi, sợ gì!”, rồi cả ngày trốn trong phòng, đến bữa mới ló mặt ra ăn, xong lại cắm đầu vào game, mạng xã hội, mộng mị… Thanh xuân và tuổi trẻ cứ thế trôi tuột trong vô thức.

Giáo dục ở ta vẫn còn coi trọng thi cử, điểm số, bằng cấp, nhiều khi lại vô tình bỏ quên việc dạy con người ta cách sống. Trẻ em được bao bọc, lớn lên trong sự bảo vệ đến mức nhiều người không học được cách thất bại, càng không biết tự đứng dậy. Gia đình lo hết mọi thứ, từ bữa ăn đến định hướng tương lai. Nhưng đời thật không giống như vậy — và đến khi đối mặt với thực tế, sự hụt hẫng là không tránh khỏi.

Tuổi trẻ không phải là một khoản tiền gửi có thể rút ra khi ta sẵn sàng. Nó đến rồi đi, không bao giờ quay lại. Mỗi ngày trôi qua là một cơ hội để học hỏi, để rèn luyện, để trở nên tốt hơn — hoặc là một ngày bị lãng phí.

Trân quý tuổi trẻ không có nghĩa là sống vội, mà là sống có định hướng, có sự rèn luyện. Là biết học không chỉ để biết, mà còn để thực hành. Là biết lao động không chỉ để kiếm tiền, mà còn để trưởng thành nữa. Bớt ảo tưởng và hãy hành động ngay đi, các cô cậu ạ !!

Nguồn: Trên mạng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét