Thứ Hai, 1 tháng 5, 2023

KISLOVODSK - NƠI TÌNH BẠN BẮT ĐẦU

Tôi nhận thấy là hầu như tất cả những người VN đã từng sống ở Nga đều yêu quý và dễ dàng hòa nhịp với đất nước và con người Nga, trong khi họ sống ở các nước phương Tây thì dù có cuộc sống sung túc hơn, nhưng họ lại không thích được với những nước này và không hòa nhịp được với người dân ở nơi đó. Một nhận xét nữa là những người học đại học ở Liên Xô về thường có trình độ kiến thức chuyên môn, ngôn ngữ và nhân văn cao hơn so với học ở nơi khác về, trừ chuyên môn trong lĩnh vực kinh tế (vì ở Liên Xô học theo kinh tế XHCN, không phải kinh tế thị trường). Đặc biệt những người học các ngành khoa học tự nhiên thì sau này thường rất giỏi và trở thành những người dẫn đầu các ngành này ở VN, đến nay cũng hiếm người thay thế được họ. Văn phong của họ rất hay, như bài viết dưới đây cho thấy, chỉ là một stt nhỏ của một kỹ sư với nội dung rất giản dị nhưng rất hấp dẫn, dùng ngôn từ và ngữ pháp chính xác và trong sáng. Những câu chuyện như thế này về Liên Xô bao giờ cũng mang đến nỗi nhớ nhưng, thân thương và gần gũi đối với những người VN thuộc thế hệ chúng tôi trở về trước, vì chúng tôi ít nhiều có gắn bó với Liên Xô và có những kỷ niệm tốt đẹp với người Nga. Tôi nghĩ thực sự người Nga rất hiền lành và thân thiện, lương thiện và nhiệt tình, đôn hậu và tốt bụng (đến mức dân mình gọi họ là Nga Ngố). Họ không chỉ giúp người VN rất nhiều mà họ còn có nhiều điểm chung với chúng ta, nhất là vì cả hai dân tộc Nga và VN đều đã phải đương đầu với những cuộc chiến tranh ác liệt với hàng triệu người hy sinh nên giữa 2 dân tộc chúng ta mới có nhiều điểm tương đồng và hiểu nhau như vậy. Dịp lễ 30/4 này, có lẽ chỉ duy nhất Đại sứ quán Nga viết lời chúc mừng nhân dân VN. Không biết thời nay thế nào chứ thời xưa kỷ luật lao động và giờ giấc của Nga cũng nghiêm lắm, không khác gì bên Đức. Đi ăn sáng muộn không được phục vụ như trong bài dưới đây là quá bình thường. Vì biết tính cách của người Nga nên tôi luôn luôn cho rằng khi Nga đã phải thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine thì có nghĩa là Mỹ và phương Tây đã đẩy Nga đến bước đường cùng, không hành động là mất nước. Do vậy, nên tôi tin tưởng và ủng hộ người Nga.
KỶ NIỆM VỀ NƯỚC NGA
PHẦN MỘT: KISLOVODSK - NƠI TÌNH BẠN BẮT ĐẦU
Pham Thi Trinh - Năm 1969, tôi về học tại trường ĐH SPNN Pyatigorsk. Thành phố thuộc miền nam nước Nga, nổi tiếng không những chỉ vì gắn liền với tên tuổi nhà văn, nhà thơ Nga Lermontov, mà còn vì chuỗi những an dưỡng đường có nguồn nước suối nóng, là nơi nghỉ dưỡng của nhân dân lao động LX. 
Không chỉ riêng ở Pyatigorsk đâu các bạn ạ. Suốt dọc tuyến đường sắt từ sân bay Minvody đến Tp. Kílovodsk, nơi nào có Tp. là nơi đó có an dưỡng đường. Chính phủ LX xây dựng hệ thống an dưỡng đường để nhân dân lao động được nghỉ ngơi và hồi phục sức khỏe sau thời gian lao động cống hiến. Chúng tôi, những lưu học sinh VN học ở đây được hưởng lây ân huệ đó.

Mùa hè năm 1973, tôi và hai cô bạn nữa được phiếu đi nghỉ 24 ngày ở Tp. Kislovodsk, cách nơi chúng tôi học 50 km. Thành phố này rất đẹp. Nhiều công viên lớn, nhiều cây xanh. Ba chúng tôi ở chung một phòng. Có cửa sổ lớn nhìn ra vườn cây. Buổi sáng, chúng tôi thường dậy sớm ra trung tâm vật lí trị liệu ngâm mình trong nước khoáng nóng chừng 30’ rồi mới về ăn sáng. Trung tâm này nằm giữa một công viên lớn, khá xa nơi chúng tôi nghỉ. Chúng tôi đi bộ vì không có xe buýt. 

Một hôm, chúng tôi dậy hơi muộn, đến TT VLTL lại phải chờ vì đông người, nên về ăn sáng hơi muộn. Khi chúng tôi bước vào phòng ăn, lác đác đã có người đi ra. Ba cô gái ngồi chờ một lúc lâu mà chẳng có ai ra phục vụ. Một cô bạn tôi, người Thanh Hoá (TH), mạnh bạo nhất trong bọn, nhìn quanh thấy một cô phục vụ bàn liền vẫy tay gọi. Cô phục vụ đi đến gần bàn, hỏi một cách thiếu thiện chí:

- Cần gì ?
Cô bạn tôi nói:
- Chúng tôi chưa ăn sáng.

Cô phục vụ không nói gì, đẩy xe đi, một lát sau mang đến ba đĩa cháo tấm đã nguội. Cháo tấm là món cuối cùng trong bữa sáng. Sau đó còn có bánh ngọt, ca cao hoặc nước chè. Cô bạn tôi nhắc lại:
- Chúng tôi chưa ăn món chính.

Cô phục vụ không nói gì, đẩy xe bỏ đi. Bị chạm lòng tự ái, cả ba đứa bất ngờ xô ghế đứng dậy. Cuộc đối thoại của chúng tôi có lẽ đã gây sự chú ý của những người còn lại xung quanh. Họ im lặng nhìn theo ba cô gái trẻ giận dỗi đi ra khỏi phòng ăn. Tôi và cô bạn kia đi về phòng. Riêng cô bạn người TH đi tìm gặp người phụ trách nhà ăn. Bụng đói meo, chúng tôi lên giường nằm xem TV chờ bữa trưa. Chừng 15’ sau, tôi nghe tiếng gõ cửa. Tôi ra mở cửa. Cô phục vụ lúc nãy đẩy một xe thức ăn vào phòng. Cô ta nói lời xin lỗi và mời chúng tôi dùng bữa sáng. Thái độ hối hận của cô ta làm chúng tôi bối rối. Tôi cảm ơn cô ta rồi cùng hai cô bạn ngồi vào ăn sáng.

Buổi trưa, khi chúng tôi bước vào phòng ăn, vài cặp mắt tò mò nhìn chúng tôi. Ba chúng tôi, có lẽ là trẻ nhất ở đây. Chỉ bằng tuổi con cháu họ. Chắc họ không nghĩ rằng đó là những sinh viên đại học gần ra trường. Một bác ngồi bàn bên cạnh, nhìn tôi nói:
- Cho bác mượn lọ muối.

Từ muối bác nói bằng tiếng Việt. Tôi tròn xoe mắt nhìn bác:
- Bác biết tiếng Việt ?

Bác cười nhân hậu:
- Là bác nghe các cháu nói.

Ra vậy. Tôi thấy có cảm tình với bác. Đợi chúng tôi ăn xong, bác kéo ghế ngồi cạnh bàn và làm quen với chúng tôi. Đó là một người đàn ông chừng 50 tuổi. Dáng người cao, có gương mặt hiền từ, phúc hậu. Bác tự giới thiệu tên bác là Alexandr, kỹ sư, làm việc tại một nhà máy ở Tp. Vladimir. Chúng tôi cũng tự giới thiệu mình. Bác kỹ sư nói nhẹ nhàng:

- Sáng nay các cháu đi ăn sáng muộn. Có lẽ do dậy muộn. Nếu các cháu đồng ý, từ sáng mai bác sẽ đánh thức các cháu sớm hơn.

Chúng tôi nhìn nhau, cảm phục cách phê bình của bác và đồng ý với đề nghị của bác kỹ sư. Trên đường về, tôi chỉ cho bác kỹ sư phòng ở của chúng tôi.

Sáng hôm sau, còn đang say sưa trong giấc ngủ, tôi chợt tỉnh giấc vì nghe thấy có tiếng chim gõ vào cửa sổ. Tôi nhòm dậy nhìn qua cửa sổ đã thấy bác KS ăn mặc chỉnh tề đứng đợi. Bác nhặt một viên cuội nhỏ khẽ ném vào cửa sổ. Tôi vội đánh thức hai cô bạn. Một lát sau, chúng tôi đã cùng bác KS đến TT VLTL. Quả là có sớm hơn mọi ngày. Con đường trong công viên còn ướt đẫm sương đêm. Những bông hồng còn hàm tiếu, chúm chím trong vườn. Chỉ có bốn bác cháu trên đường. Một buổi mai mát mẻ. Ra khỏi TT vẫn còn sớm, chúng tôi thảnh thơi ra về. Bữa sáng đó chúng tôi ăn rất ngon miệng. Bác KS nhìn chúng tôi tủm tỉm cười. Tôi nghĩ, bác đúng là một KS tâm hồn. Những ngày sau đó chúng tôi thường đi dạo chơi với bác KS. Khi thì một công viên, khi thì thung lũng hoa hồng. Bác như một người cha hiền từ vói các cô con gái ngoan. Có hôm, bác đi đâu về cho chúng tôi một gói kẹo sô cô la hiệu Camel, loại kẹo ngon nhất nhì của LX.

Dạo đó, ngoài rạp đang chiếu bộ phim KỊ SĨ KHÔNG ĐẦU của Mỹ. Chúng tôi mời bác KS cùng đi. Hồi đó, xem phim Mỹ là điều cấm kị. Nhưng ở đây chẳng sợ ai bắt gặp. Bác KS lo lắng :
- Đông lắm! Làm sao mua được vé?

Cô bạn TH của tôi cười nhí nhảnh:
- Bác yên tâm, cháu sẽ mua được.

Tôi tin vào sự tháo vát của cô bạn này. Cô bạn bảo chúng tôi đứng chờ, rồi lách đám đông đi thẳng vào phòng bán vé. Một lúc sau, cô trở ra với bốn chiếc vé trên tay trước sự ngạc nhiên của bác KS. Chúng tôi vào phòng chờ. Bác KS thết chúng tôi một chầu kem hết ý.

Bác KS về trước chúng tôi một tuần. Trước ngày bác KS lên đường, bốn bác cháu cùng ra công viên chụp ảnh kỉ niệm bên một con suối nhỏ và trên con đường chúng tôi đến TT VLTL mỗi buổi sáng. Ngày bác KS lên đường, ba chúng tôi cùng đi tiễn bác. Bác xin địa chỉ của chúng tôi, hứa sẽ viết thư. Chúng tôi hứa sẽ gửi ảnh cho bác.

Một thời gian sau, chúng tôi nhận được thư của bác KS. Bác gửi một thư, nhưng nhận được ba hồi đáp. Chúng tôi đã rửa ảnh và chọn những ảnh đẹp nhất gửi cho bác. Sau này, hai cô bạn tôi có người yêu, cũng bận rộn, nên chỉ còn tôi giữ liên lạc với bác. Bác KS gọi tôi là cô bé có mái tóc dài. Sau này về nước rồi , mỗi dịp ngày lễ 1/5 hay 7/11, tôi đều gửi thư chúc mừng ngày lễ tới bác KS. Khi biết tin tôi xây dựng gia đình và làm mẹ, bác đã gửi quà cho tôi. Tôi nghĩ, bác KS là người bạn vong niên rất quý giá đối với chúng tôi. Như tình hữu nghị giữa Việt Nam và Liên Xô vậy.

Dưới đây là một số ảnh kỉ niệm giữa chúng tôi, những cô sinh viên VN với bác KS người Nga.

(Còn nữa)







1 nhận xét:

  1. Day la nhung co gai hoc rat, rat gioi hoac cocc.Qua cau chuyen moi thay ho con tre ma da hong hach ,vo van hoa ,coi thuong noi qui cua xh(gio dong mo cua cua bep an ,dut lot de mua duoc ve trong khi nguoi khac xep hang co trat tu )---the moi thay VN ta nat bet cung vi cac tinh hoa nay .

    Trả lờiXóa