Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2024

Các mâu thuẫn trong chính sách phát triển kinh tế của Trung Quốc

Các mâu thuẫn trong chính sách phát triển kinh tế của Trung Quốc
Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của Trung Quốc đã được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 11-12/12 năm ngoái. Sau khi người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu vào ngày đầu tiên của hội nghị này, ông này đã dẫn đầu một nhóm quan chức cấp cao rời đi giữa chừng và sang thăm Việt Nam vào ngày hôm sau (12/12/2023).
Bloomberg dẫn lời nguồn tin cho biết, chuyến thăm Việt Nam của ông Tập ban đầu dự kiến ​​diễn ra từ ngày 14-16/12/2023, nhưng chưa rõ vì lý do gì mà đã bị dời sang ngày 12/12.

Theo các phương tiện truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Tập đã đến Hà Nội bằng chuyên cơ vào lúc 11h50 giờ địa phương ngày 12/12.

Bay từ Bắc Kinh đến Hà Nội mất khoảng 4 giờ và chênh lệch múi giờ giữa Hà Nội và Bắc Kinh là 1 tiếng đồng hồ. Theo tính toán này, chuyên cơ của ông Tập đã cất cánh vào khoảng 9h sáng giờ Bắc Kinh nên ông này không thể tham dự Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương vào ngày 12/12.

Đây là lần đầu tiên trong hơn 10 năm kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập đã không tham dự đầy đủ hội nghị kinh tế thường niên và quan trọng này của trung ương ĐCSTQ.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (phải) tham dự lễ tiếp đón tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, Việt Nam vào ngày 12/12/2023. (NHAC NGUYEN/POOL/AFP via Getty Images)

Tại sao ông Tập lại bỏ đi giữa chừng?

Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ Trung Quốc ở hải ngoại, đã giải thích lý do và cho hay những tin nội bộ này đến từ một nguồn tin. Ông Vương là một nhà chính trị học hiện đang sống ở Mỹ và đã quan sát tình hình chính trị của Trung Quốc trong một thời gian dài.

Ông Vương cho biết, ĐCSTQ có hai hội nghị trung ương quan trọng: một là hội nghị về công tác chính trị và pháp luật được tổ chức vào tháng 12 hàng năm, nhằm phân tích tình hình chính trị trong năm tới để duy trì sự ổn định, cũng như để quyết định xem nên nhắm vào những lực lượng nào, nên áp dụng những biện pháp nào trước; hai là hội nghị công tác kinh tế, chủ yếu nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc và cách khắc phục khó khăn.

"Khi hội nghị công tác kinh tế năm ngoái mới tổ chức được một nửa, ông Tập Cận Bình đã tức giận đến mức bỏ đi giữa chừng. Nguyên nhân là do tất cả các bộ ban ngành đều phàn nàn rằng nền kinh tế hiện nay đã xuất hiện rất nhiều vấn đề và họ đều đưa ra giải pháp mà ông Lý Khắc Cường từng nêu ra. Phương án của ông Lý Khắc Cường là bảo vệ sinh kế, việc làm và các hoạt động cơ bản của người dân, thay vì tạo ra lực lượng sản xuất mới hay đột phá [ở lĩnh vực sản xuất] cao cấp", ông Vương cho hay.

Ông Vương Quân Đào đánh giá, ông Tập Cận Bình có lẽ cảm thấy rằng mặc dù ông Lý Khắc Cường đã chết nhưng vẫn còn ‘âm hồn bất tán’, toàn bộ Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc và các ban bộ kinh tế vẫn đang dùng phương án của ông Lý Khắc Cường. Điều này khiến ông Tập tức giận và cảm thấy rằng tân Thủ tướng Lý Cường không kiểm soát tốt tình hình và công việc có phần nằm ngoài tầm kiểm soát.

“Tất nhiên, có lẽ bản thân ông Lý Cường cũng cho rằng, nếu nền kinh tế đi xuống, sẽ không thể tồn tại nếu chỉ dựa vào những đổi mới công nghệ kia, vẫn phải phát triển các doanh nghiệp vì sinh kế của người dân. Ông Lý Cường không tiện đề cập trực tiếp với ông Tập Cận Bình nên đã để những người cấp dưới này bày tỏ ý kiến, vậy nên cuộc họp đó đã kết thúc mà chẳng vui vẻ gì”, ông Vương nói.

Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương được tổ chức vào tháng 12 năm ngoái đã đề cập rằng, các vấn đề kinh tế mà Trung Quốc hiện đang phải đối mặt “chủ yếu là nhu cầu không đủ, năng lực sản xuất dư thừa ở một số ngành, kỳ vọng xã hội yếu, rủi ro và nguy hiểm tiềm ẩn vẫn còn nhiều, vòng nội tuần hoàn trong nước bị tắc nghẽn, và môi trường bên ngoài phức tạp, nghiêm trọng, sự không chắc chắn đang gia tăng".

Theo phương án giải quyết do ông Lý Khắc Cường đề xuất trong Báo cáo Công tác Chính phủ vào tháng 3/2023, ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc không phải là đẩy nhanh xây dựng hệ thống công nghiệp hiện đại, mà nên là:

- Đạt được sự đồng bộ cơ bản giữa tăng trưởng thu nhập của người dân với tăng trưởng kinh tế;
- Tập trung mở rộng nhu cầu trong nước, ưu tiên phục hồi và mở rộng tiêu dùng, tăng thu nhập của người dân ở thành thị và nông thôn thông qua nhiều kênh;
- Đi sâu vào cải cách các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp nhà nước, v.v.

Tuy nhiên, theo bản thảo của hội nghị kinh tế năm đó do kênh truyền thông của ĐCSTQ đăng tải, ưu tiên của Trung Quốc không còn là tăng nhu cầu trong nước và giảm dư thừa năng lực sản xuất, mà là dựa vào việc “đổi mới khoa học công nghệ để dẫn đầu kiến thiết hệ thống công nghiệp hiện đại hóa”, “đặc biệt là, dùng các công nghệ đột phá và tiên phong để thúc đẩy tạo ra các ngành công nghiệp mới, mô hình mới, động năng mới và phát triển lực lượng sản xuất chất lượng mới”.

Thuật ngữ “lực lượng sản xuất chất lượng mới” được ông Tập Cận Bình đề xuất lần đầu tiên vào tháng 9/2023 trong chuyến thị sát tỉnh Hắc Long Giang và cũng đã được đưa vào bản thảo này.

Trong báo cáo công tác chính phủ vào tháng 3 năm nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã nhắc lại thuật ngữ “lực lượng sản xuất chất lượng mới” này và đặt việc thành lập hệ thống sản xuất công nghiệp hiện đại hóa lên vị trí thứ nhất; việc mở rộng nhu cầu trong nước không còn là mục tiêu ưu tiên.

Phóng viên cấp cao của tờ The Wall Street Journal Lingling Wei giải thích rằng, thuật ngữ này là bình mới rượu cũ và chỉ là hô hào khẩu hiệu. Bà Wei nói, sự thực đã chứng minh, khẩu hiệu này không có gì mới cả. Đó là một cách khác để người đứng đầu đảng truyền đạt tới các cấp chính quyền rằng cần tập trung vào việc xây dựng thực lực sản xuất chế tạo và công nghệ cao của Trung Quốc, điều mà họ coi là chìa khóa giúp Trung Quốc có khả năng vượt qua Hoa Kỳ.

Sự mâu thuẫn giữa những vấn đề hiện hữu và những giải pháp được đưa ra đã phản ánh rằng, ông Tập Cận Bình có thể không đồng điệu với một số quan chức trong hệ thống - những người vẫn tin vào kinh tế học của ông Lý Khắc Cường.

Có chuyên gia đã chỉ ra rằng, đại diện cho cái gọi là "lực lượng sản xuất chất lượng mới" chính là xe điện, pin và năng lượng mới, nhưng chúng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong GDP của Trung Quốc, không tạo ra việc làm và không làm tăng nhu cầu trong nước. Việc đầu tư quá mức vào các lĩnh vực này cũng khiến cho sản xuất cung vượt quá cầu, cuối cùng sẽ dẫn đến sự phụ thuộc vào xuất khẩu và làm trầm trọng thêm xung đột thương mại.

Báo cáo mới nhất của cộng đồng tình báo Mỹ cũng đánh giá rằng: “Bắc Kinh hiểu vấn đề nằm ở đâu, nhưng họ đang né tránh cải cách, bởi vì như vậy sẽ là đi ngược lại với phương châm ‘nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong ngành sản xuất chế tạo và đầu tư công nghiệp’ - điều đang được ông Tập ưu tiên cân nhắc”.

Sức ảnh hưởng của ông Lý Khắc Cường vẫn còn; Ông Lý Cường thất sủng 

Trong 10 năm cộng sự với ông Tập, ông Lý Khắc Cường thường xuyên có những phát biểu không đồng điệu với ông Tập. Tại kỳ họp Lưỡng Hội (*) năm 2020, ông Lý Khắc Cường nói rằng vẫn còn 600 triệu người có thu nhập thấp và trung bình ở Trung Quốc có thu nhập hàng tháng chỉ 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,4 triệu VND), đây là một cái tát trực tiếp vào chính sách “toàn diện thoát nghèo” của ông Tập Cận Bình.

Vào tháng 6/2020 trong thời gian dịch bệnh Covid-19, khi ông Lý Khắc Cường đã đi thị sát tỉnh Sơn Đông và tán dương "nền kinh tế hàng rong" vì có thể tạo ra việc làm. Khi đi thị sát thành phố Thâm Quyến vào tháng 8/2022, ông Lý Khắc Cường nhắc lại rằng "cải cách và mở cửa không thể dừng lại, [cũng giống như] nước sông Trường Giang và Hoàng Hà không thể chảy ngược”. Trong bài phát biểu chia tay trước khi rời nhiệm sở vào tháng 3/2023, ông này nói: "Người đang làm, Trời đang nhìn, ông Trời có mắt".

Ông Vương Quân Đào nói khi ông Lý Khắc Cường làm thủ tướng Trung Quốc, ông này luôn muốn bảo vệ sinh kế và việc làm của người dân.

Ông Vương cho rằng ông Lý Khắc Cường vẫn muốn đi theo phương hướng của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình. Quan điểm của ông Lý Khắc Cường là, tham nhũng là do chính phủ có quyền lực lớn, dân chủ và pháp quyền đều không nằm trong tầm kiểm soát của ông ấy, nhưng ông ấy có thể khiến quyền lực của chính phủ thu hẹp lại. Đây thực chất là tư duy của thời kỳ hậu Ôn Gia Bảo, ý tưởng của cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo là tinh giản chính phủ và giao quyền điều hành cũng như quản lý cho các doanh nghiệp để họ nâng cao hiệu quả và năng lực sản xuất.

Cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. (Ảnh: Andrea Verdelli-Pool/Getty)

Kể từ khi nhậm chức, tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã từng bước chấp hành theo người đứng đầu đảng và loại bỏ mạnh mẽ sức ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường trong Quốc vụ viện Trung Quốc, đồng thời cắt giảm chức năng của cơ quan này.

Vào ngày 17/3 năm ngoái, trong Phiên họp toàn thể đầu tiên của Quốc vụ viện mà ông Lý Cường chủ trì, “Quy tắc Công tác của Quốc vụ viện” phiên bản mới đã được thông qua. Trong đó bổ sung rằng, Quốc vụ viện “kiên quyết triển khai công tác dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ của Trung ương Đảng với đồng chí Tập Cận Bình làm nòng cốt … những quyết sách lớn, những vấn đề lớn và những tình huống quan trọng sẽ được kịp thời báo cáo lên Trung ương Đảng để xin chỉ đạo".

Từ ngày 21-22/3 năm ngoái, khi ông Lý Cường lần đầu tiên đến thăm tỉnh Hồ Nam sau khi nhậm chức, ông này đã nhấn mạnh rằng phải coi trọng nền kinh tế thực thể và thúc đẩy sản xuất công nghệ cao. Đây cũng là sự phủ định với chính sách ‘coi trọng sinh kế của người dân’ của ông Lý Khắc Cường.

Ngày 7/11 năm ngoái, tại kỳ họp lần thứ ba Ủy ban Cải cách sâu rộng toàn diện Trung ương ĐCSTQ, chỉ thị mới được đưa ra cho các doanh nghiệp nhà nước là “đẩy mạnh tập trung vốn nhà nước vào các ngành, lĩnh vực quan trọng có liên quan đến an ninh quốc gia và huyết mạch của nền kinh tế quốc gia”... Những biện pháp này nhằm tiếp tục thiết lập vị trí thống trị của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế Trung Quốc và xóa bỏ di sản chính trị của ông Lý Khắc Cường.

Đặc biệt, "Luật Tổ chức Quốc vụ viện" đã được sửa đổi trong kỳ họp Lưỡng Hội năm nay, các quy định mới bao gồm:

- "Quốc vụ viện phải kiên trì đi theo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc … kiên trì giữ gìn, bảo vệ quyền uy của Trung ương Đảng và sự lãnh đạo thống nhất tập trung, kiên quyết quán triệt thực hiện các quyết sách và bố trí của Trung ương Đảng";

- “Các bộ phận, cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện cần phải thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, tăng cường phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ để đảm bảo thực hiện các sắp xếp công việc của Trung ương Đảng và Quốc vụ viện”, v.v.

Giới quan sát cho rằng, Quốc vụ viện đã bị giáng cấp xuống thành một cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nói chuyện với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trong Kỳ họp thứ hai Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIV tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 8/3/2024. (JADE GAO/AFP via Getty Images)

Điều khiến thế giới bên ngoài ngạc nhiên là, chính quyền Trung Quốc đã phá vỡ thông lệ 30 năm khi hủy cuộc họp báo thường niên của thủ tướng nước này sau phiên họp Lưỡng Hội. Nếu không có trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ không tổ chức cuộc họp báo của Thủ tướng trong những năm còn lại của nhiệm kỳ.

Ngoài ra, tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (China Development Forum) vào tháng 3 năm nay, ông Lý Cường cũng không tham gia buổi tọa đàm truyền thống với các giám đốc cấp cao của doanh nghiệp nước ngoài. Đây là diễn đàn quốc tế cấp cao và thường niên được khởi xướng vào năm 2000 bởi Quỹ Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc thuộc Quốc vụ viện.

Ông Vương Quân Đào phân tích rằng, ông Tập Cận Bình có thể đã cảm thấy rằng ông Lý Cường làm chưa đủ và không trung thành nên đã đẩy ông Lý Cường vào thế mất mặt.

Ông Vương chỉ ra, Ủy ban Công nghệ thông tin và An ninh mạng Trung ương hiện đã được giao cho ông Thái Kỳ, điều này cho thấy ông Tập đã yên tâm về ông Thái Kỳ. Nhưng hiện tại Ủy ban Cải cách sâu rộng toàn diện Trung ương vẫn chưa được giao cho ông Lý Cường, điều này cho thấy ông Tập không yên tâm về ông Lý Cường.

"Chỉ vì ông Lý Cường có thể đã xử lý không tốt một số việc nên ông này vẫn đang phải viết kiểm điểm, vẫn chưa qua được quan ải này, vẫn đang phải viết”, nguồn tin trên nói với ông Vương như vậy và nói thêm rằng ĐCSTQ là thế, hễ xảy ra chuyện gì thì nhất định phải viết kiểm điểm.

Chú thích:
(*) Lưỡng Hội: là hai cuộc họp của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (tức Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc) và Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét