'Con tôi khóc khi tôi giết chó làm thịt'
BBC - "Cao điểm có tháng tôi làm thịt 60-70 con chó, tùy vào khách đặt. Tôi bán lẻ thịt chó cho người dân nữa," ông Kiều Việt Hùng kể với BBC News Tiếng Việt. Ông Kiều Việt Hùng từng là một chủ trang trại nuôi chó thịt ở xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.Nguồn hình ảnh BBC/Humane Society International
Trang trại của ông hoạt động từ năm 2016 nhưng đã ngưng từ hai năm nay, khi ông quyết định giải nghệ để chuyển sang bán vật tư nông nghiệp, phân bón.
"Tôi đã ngưng hoạt động của trang trại nuôi chó từ năm 2022. Có lúc tôi từng nuôi 100 con, thậm chí 200 con chó."
Ông Hùng là một trong những người hoạt động trong một ngành đã có từ lâu, nhưng càng về sau càng có nhiều tranh cãi – kinh doanh thịt chó.
Trong những năm gần đây, có nhiều tổ chức và cá nhân vận động từ bỏ tiêu thụ thịt chó, cũng như lớp trẻ dần ít ăn thịt chó hơn các thế hệ trước. Điều này đã dẫn tới sự lụi tàn của không ít “trung tâm thịt chó” từng nổi tiếng một thời, như khu Nhật Tân ở Hà Nội.
Ngành kinh doanh thịt chó
Những con chó còn lại sau khi quán bán thịt chó của ông Đào Văn Cường ở huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) đóng cửa vào ngày 17/11
"Sống được miếng dồi chó, chết được bó vàng tâm" là “châm ngôn” cho thấy thịt chó từ lâu đã được nhiều người Việt Nam coi là món khoái khẩu như thế nào.
Nhiều đấng mày râu ăn thịt chó, bên cạnh sự khoái khẩu, còn bởi quan niệm cho rằng món ăn này giúp tăng cường sức khỏe sinh lý.
Các quán thịt chó – thường gọi là cầy tơ - một thời từng có mặt khắp nơi và bây giờ còn hiện diện ở nhiều nơi, đặc biệt là các tỉnh thành miền Bắc, với các thương hiệu thường được thực khách truyền miệng nhau, như thịt chó Việt Trì, thịt chó Vân Đình, thịt chó Nhật Tân…
Ở Sài Gòn, ngày trước người ta cũng dễ dàng tìm được các quán thịt chó ở đường Cống Quỳnh, Phạm Văn Hai, khu sân bay…
Đầu vào nguyên liệu các quán đến từ nhiều nguồn: chó bị bắt trộm, từ các trang trại chó thịt, thậm chí cả nguồn cung xuyên biên giới: từ Lào, Campuchia và Trung Quốc.
Dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng ở Việt Nam hiện có những trang trại nuôi chó thương phẩm, có quy mô lên đến hàng ngàn con, theo Humane Society International (HIS, Hội Nhân đạo Quốc tế), tổ chức đang triển khai chương trình vận động chấm dứt hoạt động tiêu thụ thịt chó tại Việt Nam.
Một phóng sự của báo Dân Việt vào tháng 7/2023 mô tả một trang trại chó ở xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên như sau:
“Cảm giác đi xuyên qua, dạo quanh các chuồng chó trong trang trại chó khổng lồ này thật kinh khủng... Hàng trăm, cả nghìn con chó chồm lên cao nhất có thể, cảm giác sắp vọt qua bờ rào dây thép gai..."
Theo một chủ trang trại chó chia sẻ với báo Dân Việt, lúc bấy giờ ông ta có khoảng 1.500 con chó thịt, sau khi vừa xuất bán nhiều đợt, “có xe tải mua tới 6-7 tạ một chuyến”. Có chủ trang trại tiết lộ đầu tư hơn 2 tỷ đồng mới có được khu nuôi chó bài bản với quy mô "xuất bán tới 4 tấn chó thịt một tháng".
Theo thống kê của HIS, ước tính có 5 triệu con chó bị giết mỗi năm tại Việt Nam.
Ông Đào Văn Cường ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, một chủ quán thịt chó vừa “rửa tay gác thớt” sau gần 10 năm hành nghề, chia sẻ:
"Người nhà biết nguồn thịt chó. Ông anh của tôi đi mua dạo, rồi bỏ cho mình. Chiều tôi mua chó, rồi sáng thịt, tôi chỉ mua chó ngon, chó khỏe. Còn chó ốm yếu, già với mập thì tôi không mua. Mỗi ngày ít thì 1-2 con."
Ông Cường là chủ một trong số hàng chục quán bán thịt chó ở huyện Trảng Bom với nguồn thu nhập từ bán thịt chó mỗi tháng từ 30 đến 40 triệu đồng, đây là mức không thấp so với mặt bằng chung ở Việt Nam, ông nói với BBC.
Quán của ông có ngày đón tới hơn 200 khách, khi ít thì 30-40 người.
Ông Nguyễn Vũ Quang, quản lý chương trình động vật đồng hành HSI, ngày 22/11 cho BBC News Tiếng Việt biết ở thành phố Thái Nguyên có 79 cở sở bán thịt chó, theo khảo sát mới nhất của tổ chức này.
"Thị trấn Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, nơi diễn ra với cuộc giải cứu hôm 17/11 vừa rồi, cũng có tới 28 cơ sở bán thịt chó, mèo."
"Mỗi cơ sở đó, hằng ngày họ bán 2 đến 3 con chó, theo số liệu khảo sát của chúng tôi. Từ số lượng này, chúng ta có thể dễ dàng tính được số lượng như thế nào đối với một tỉnh như Thái Nguyên, Đồng Nai..."
Ông Nguyễn Vũ Quang chia sẻ thêm:
"Ở tỉnh Thái Nguyên thì có một điều đặc biệt, đó là có rất nhiều hộ gia đình chăn nuôi chó với số lượng từ 100 đến 200 con."
Humane Society International
Nhiều đêm tôi gặp ác mộng bị chó cắn. Tôi bật dậy trong đêm.Ông Đào Văn Cường
Chủ quán thịt chó ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai
‘Rửa tay gác thớt’
Ông Đào Văn Cường kể, trong thời gian làm nghề, những cơn ác mộng bị chó cắn thường khiến ông giật mình tỉnh giấc giữa đêm. Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo, ông không thể bỏ nghề.
"Trước đây hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên tôi bán thịt chó. Chứ tôi thấy chó cũng tội lắm. Khi đó tôi muốn kiếm công việc khác thì lại chưa được," ông tâm sự. "Tôi cũng thấy sợ khi giết chó. Con gà, con vịt là gia cầm. Còn chó thì nhiều người rất quý mến, là thú cưng."
"Nhiều đêm tôi gặp ác mộng bị chó cắn. Tôi bật dậy trong đêm."
Ông Kiều Việt Hùng ở xã Thái Nguyên chia sẻ câu chuyện tương tự về cái thời mà ông từng nuôi cả trăm con chó để lấy thịt và thực hiện việc giết thịt mỗi ngày để bán.
"Ngày xưa tôi nuôi kín, đằng sau nhà. Thú y không kiểm tra gì hết cả."
"Tôi nuôi và đồng thời cũng lấy chó về lấy thịt. Tùy nhu cầu của khách, có hôm làm thịt nhiều, có hôm thịt ít," ông Hùng kể.
Ông cho biết nguồn thịt chó của ông gồm chó được nuôi từ lúc nhỏ hoặc mua chó to về thịt luôn.
"Lúc làm nghề tôi hay bị ác mộng. Tôi từng nằm mơ thấy chó quay sang cắn lại mình," ông Hùng kể.
Tới một ngày nọ, ông Cường và ông Hùng đã quyết định từ bỏ cái nghề mà họ đã làm suốt nhiều năm qua.
Humane Society International
Chó là bạn, cho nên tôi khuyên mọi người không nên giết mổ chó mèo nữa.Ông Kiều Việt Hùng
Chủ trang trại nuôi chó lấy thịt, tỉnh Thái Nguyên
Ông Cường chia sẻ: "Vừa rồi tôi có gặp mấy anh bên thú y và bên hội giải cứu chó mèo. Họ tư vấn tôi đừng giết mổ nữa. Bên đó nói sẽ hỗ trợ tôi làm ăn. Thế là tôi không giết mổ nữa. Tôi không muốn tiếp tục việc này."
Giờ đây được hỗ trợ chuyển sang bán bình gas gia dụng và sơn, dù mức thu nhập thấp hơn, nhưng ông Cường nói ông thấy tinh thần thoải mái hơn hẳn.
"Tôi chọn nghề này vì cuộc sống khó khăn quá. Chứ không ai muốn đập đầu chó đâu," ông Cường chia sẻ.
Còn ông Hùng cho biết các con ông là một phần nguyên nhân khiến ông bỏ nghề.
"Con cái tôi giờ cũng lớn, không muốn bố cứ chọc tiết chó, làm thịt. Hồi đó con tôi khóc suốt."
"Do kinh tế, cuộc sống thôi, chứ tôi không muốn đập đầu, chọc tiết để giết chó làm thịt đâu. Tôi toàn giết chó lúc con tôi đi học."
"Cao điểm thì có tháng tôi làm thịt 60-70 con chó, tùy vào khách đặt. Tôi bán lẻ thịt chó cho người dân nữa. Khi đóng trang trại, không giết mổ nữa thì tôi cảm thấy thoải mái đầu óc dù thu nhập không được như xưa," ông nói thêm.
Những rủi ro sức khỏe
Nguồn hình ảnh,Humane Society InternationalChụp lại hình ảnh,Tổ chức Humane Society International đưa chó về nơi ở mới sau khi quán thịt chó của ông Đào Văn Cường ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đóng cửa vào ngày 17/11
Việc nuôi và bán chó thịt rất phổ biến, nhưng công tác kiểm tra, kiểm soát không được chặt chẽ nên tiềm tàng nhiều rủi ro về sức khỏe.
Thông cáo của HSI gửi đến BBC vào ngày 17/11 trích lời ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, cho biết:
“Khi nói đến việc giải quyết bệnh dại, chúng ta phải xem xét mọi cách mà căn bệnh này lây lan ở Việt Nam. Bệnh dại có thể phòng bệnh hiệu quả bằng việc tiêm phòng vắc xin dại hằng năm cho chó mèo. Công tác quản lý đàn, tuyên truyền, tiêm phòng sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phòng và kiểm soát bệnh dại."
Theo ông Giang, "việc kinh doanh và buôn bán thịt chó cũng góp phần vào sự lây lan của vi rút”. Thông cáo cũng cho rằng hành động của những người buôn bán chó, vận chuyển, giết mổ chó đặc biệt là bắt trộm chó là nguyên nhân gây ra sự hoảng loạn về tinh thần của chó (sợ hãi, tấn công con người, gia tăng về nguy cơ phát tán mầm bệnh,…).
“Một đứa trẻ khi chứng kiến cảnh giết mổ chó mèo sẽ để lại những ấn tượng xấu khó quên về tình yêu thương, sự đối xử của con người với động vật,” thông cáo cho biết thêm.
Ông Nguyễn Vũ Quang từ HSI cho biết về thực trạng nuôi chó thương phẩm ở tỉnh Thái Nguyên:
"Khi chúng tôi tiếp cận và làm việc thì họ chia sẻ là toàn bộ chó ở đấy không được chăm sóc, nuôi dưỡng đúng cách và đặc biệt là không được phòng các bệnh, nhất là bệnh lây truyền từ động vật sang người như bệnh dại."
Qua điều tra độc lập cách đây khoảng hơn một năm, HIS cho biết có những trang trại nuôi với số lượng lên tới 1.500 con.
Ông Nguyễn Vũ Quang nói rằng đa số các trang trại nuôi chó này đều không có báo cáo với chính quyền địa phương, đồng thời việc kiểm tra cũng gặp nhiều khó khăn do chủ hộ nuôi trong không gian kín, ở sau nhà và rất khó để các cơ quan chức năng kiểm tra.
"Tôi không thể chắc 100%, nhưng hầu hết những trang trại mà chúng tôi đã đến thì chính quyền địa phương đều không thể biết được là có bao nhiêu chó ở đó và họ nuôi như thế nào."
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, ở Việt Nam có 46 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 24/63 tỉnh, thành phố, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2023 (35 ca).
Ông Quang nhấn mạnh đến vấn đề phải giảm cầu về thịt chó mèo, không chỉ vì lý do nhân văn mà còn đóng vai trò quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
"Nếu giảm ăn thịt chó thì việc nuôi chó thịt và buôn bán, tiêu thụ thịt chó, mèo sẽ giảm theo, đồng thời những người làm việc trong ngành này cũng nên nhận thức được việc giết mổ chó mèo không chỉ tàn nhẫn với động vật mà còn tạo nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng.
Thoái trào?
Chụp lại hình ảnh,Một trang trại chó ở tỉnh Thái Nguyên bị đóng cửa vào năm 2023
Tiêu thụ thịt chó tại Việt Nam càng ngày càng giảm, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Các phong trào vận động ngừng tiêu thụ thịt chó ngày càng phát triển, đặc biệt là trên các nền tảng trực tuyến.
Việc giao lưu, mở cửa giúp người Việt tiếp nhận với nhiều xu hướng sống trên thế giới, trong đó có xu hướng coi chó mèo là bạn, là thú cưng, không phải thực phẩm.
Mặt khác, dù chưa có các quy định cấm được ban hành, nhưng chính quyền tại nhiều địa phương, chẳng hạn Hà Nội và Hội An (Quảng Nam), đã thực hiện vận động các chủ quán không kinh doanh thịt chó.
Vào tháng 12/2023, chính quyền thành phố Hội An cho biết đã thành công trong việc vận động những chủ quán cuối cùng ngưng kinh doanh thịt chó, chuyển đổi ngành nghề, để nơi đây trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam không bán thịt chó.
Chính quyền thủ đô Hà Nội cũng có những bước đi tương tự. Vào ngày 23/6, Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành chỉ thị hướng tới loại bỏ buôn bán thịt và tiêu thụ thịt chó mèo trên địa bàn Hà Nội.
Thực ra, trước khi có những động thái chính thức từ chính quyền, tình hình kinh doanh thịt chó cũng đã đi xuống, khi ngày càng có ít người ăn thịt chó hơn.
Báo Tuổi Trẻ vào tháng 8/2023 dẫn lời ông Nguyễn Đình Đảng - Chi cục trưởng Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y - cho hay từ năm 2018 đến năm 2023, các điểm kinh doanh thịt chó mèo trên địa bàn Hà Nội giảm tới 60 - 70%.
Phố thịt cầy Nhật Tân, nơi mà theo một bài báo của Tuổi Trẻ là (trong quá khứ) “dân nhậu mỗi ngày xơi ở phố này cỡ 15 tấn thịt chó”, đã hoàn toàn tàn lụi từ nhiều năm trước.
Ở Sài Gòn, các khu vực như Cống Quỳnh, Thị Nghè, Phạm Văn Hai… trong những năm qua đã giảm rất nhiều về số lượng quán thịt chó.
Dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng ở Việt Nam hiện đã có những trang trại nuôi chó thương phẩm, có quy mô lên đến hàng ngàn con, theo tổ chức Humane Society International
Nhìn lại một thời làm chủ quán thịt cầy và cuộc sống hiện tại, ông Đào Văn Cường tâm sự: "Tôi cảm thấy tinh thần thoải mái hơn khi bỏ nghề. Vợ con tôi cũng đồng tình ủng hộ."
"Tôi cũng gọi điện cho anh em, bạn bè, nhiều người bảo nghỉ được là tốt.”
Còn ông Kiều Việt Hùng kể hiện nhà ông nuôi hai con chó để giữ nhà và bầu bạn.
"Chó là bạn, cho nên tôi khuyên mọi người không nên giết mổ chó mèo nữa."
"Chó còn trông nhà, giữ nhà nên mọi người nuôi thôi, đừng có giết," ông nói thêm.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c2067v2965no
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét