Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024

“Tinh gọn” bằng cách nào?

“Tinh gọn” bằng cách nào?
Dương Quốc Chính 26-11-2024 - Tin đồn về tinh gọn bộ máy đang rất dồn dập, đủ các tin. Tin nhập tách mấy bộ nghe còn có lý. Nhưng tin nhập quá nhiều tỉnh thì thấy ngáo. Rất duy ý chí, quay lại máng lợn cũ kiểu Hà Sơn Bình, Bình Trị Thiên…

Cần hiểu rằng nhập cơ quan chính phủ hay Ban đảng nó rất khác với nhập địa giới hành chính. Vì địa giới hành chính ngoài quy mô, dân số nó còn là văn hóa, lịch sử. Như trường hợp nhập Hà Nội với Sơn Tây đã là ngáo rồi, vì văn hóa xứ Đoài nó rất khác với Hà Nội. Hà Nội nhập với Hà Đông thì còn có lý. Như cái tin đồn vừa rồi thì nhập rất khiên cưỡng luôn.

Địa giới hành chính hiện nay đa phần là dựa trên địa giới thời Minh Mạng, trừ miền Nam. Miền Nam thời Tự Đức cũng chỉ có 6 tỉnh mà thôi. Nhưng vì thời đó Nam Kỳ quá hoang vu, đất rộng người thưa, tỉnh tuy to mà dân ít. Người ta chia tỉnh đã tính tới yếu tố văn hóa lịch sử rồi.

Việc nhập các cơ quan và các tỉnh lại để giảm biên chế thực ra không phải là cách làm triệt để, bền vững. Vì có thể một bộ to sau lại có biên chế bằng 2-3 bộ cũ cộng lại, chỉ giảm được độ hơn chục sếp. Như Hà Nội hồi mới nhập mình nhớ mang máng là có tới 8 phó chủ tịch. Tức là giảm được mỗi cấp trưởng, thì có giảm được bao nhiêu đâu.

Tinh gọn bộ máy phải được quyết bởi những người lãnh đạo vừa có tâm vừa có tài, để biết được bộ phận nào có thể cắt bỏ mà chả cần thông qua sát nhập. Nhiều cán bộ, công chức từng tâm sự với mình là bộ máy của chính họ hoàn toàn có thể cắt bỏ 20-30% mà chả ảnh hưởng gì đến công việc. Thậm chí một số cơ quan cắt 50% hoặc xóa luôn cũng được.

Trước mình đã từng tham gia thiết kế cơ quan hành chính cấp tỉnh (liên cơ kiểu UBND-HĐND-Tỉnh ủy) phải đọc nhiệm vụ thiết kế, nên hiểu bộ máy nhân sự. Thấy rằng có một số phòng/ban chỉ có 1-3 nhân sự. Tức là nó sinh ra để có đủ ban bệ. Có bộ phận toàn sếp (trưởng, phó), không có lính lác gì, hoặc lính ít hơn sếp! Đó mới là những bộ phận cần tinh giảm.

Các cánh tay nối dài của đảng mới là thành phần ăn bám ngân sách nhiều nhất, đó là các đoàn thể, hội hè, ăn hại đái khai, thì đợt tinh gọn này lại không nhắc đến qua các tin đồn.

Cái nguy hiểm nhất khi tinh gọn bộ máy là khi những người được quyền quyết định thì vừa ngu vừa tham. Vì sếp ngu sẽ chọn lính ngu, lính khôn không muốn theo sếp ngu. Sếp tham thì chọn lính chạy ghế nhiều tiền chứ không ưu tiên lính giỏi.

Thế nên rủi ro là việc tinh gọn mà còn lại toàn bọn ngu thì bộ máy lại khó vận hành, vì bọn ngu lại phải một người làm việc bằng ba. Như vậy mấu chốt là tinh gọn phải kèm với việc những người trụ lại phải là người giỏi, loại được đúng bọn ngu. Nhưng làm thế nào để thực hiện điều đó thì ai dám chắc? Liệu có phải duy ý chí không? Tiêu chí nào để chọn người ở lại và người phải ra đi?

Công chức ăn hại nhất là bọn ngu mà COCC (Con ông cháu cha), mà bọn đó lại khó bị đuổi việc nhất.

Ở lại phải làm nhiều việc gấp 2-3 lần mà lương không tăng thì sao có người giỏi? Lại phải “xã hội hóa” lương thưởng à? Rồi lại bị đốt thì sao? Thế là lại thành vòng luẩn quẩn làm nhiều, làm tốt thì ăn nhiều và sai nhiều, lại bị đốt. Muốn khó bị đốt thì phải có súng.

Mình thấy việc tinh gọn bộ máy hợp lý nhất, cần làm trước, là loại bỏ các hội đoàn ăn bám ngân sách, cơ quan đảng cần tối thiểu và nên kiêm nhiệm chứ lượng chuyên trách phải tối thiểu. Ví dụ như Ban tổ chức nên nhập vào cơ quan Nội vụ. Một số khác có thể nhập với HĐND. Tránh kiểu 2-3 cơ quan cùng làm một việc gần giống nhau kiểu Tuyên giáo (đảng) với Truyền thông (chính quyền). Bí thư kiêm chủ tịch tỉnh luôn, phó bí thư kiêm chủ tịch HĐND, giảm số lượng cấp phó. Như Tổng thống Mỹ kiêm việc của Thủ tướng, nhưng chỉ có một phó Tổng thống, trong khi Việt Nam có 5 phó Thủ tướng một phó Chủ tịch nước.

Cách tinh gọn như tin đồn hiện nay nó thiên về kiểu phép cộng trừ mà thôi. Rồi dự một tỉnh, bộ lại có 7-8 cấp phó, nhân sự mỗi cơ quan lại gấp đôi.

1 nhận xét:

  1. ba Nhan nay that su bat tai cho ve vuon duoc roi ---ba nay duoc ong Trong uu ai qua .

    Trả lờiXóa