Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024

Việt Nam chuẩn bị “địa bàn” tránh để Trump trừng phạt...

Việt Nam chuẩn bị “địa bàn” tránh để Trump lại coi là “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất”
25/11/2024 - Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. “Trong 10 tháng năm 2024, thương mại Việt-Mỹ đạt gần 111 tỷ đô la, trong đó tăng mạnh mẽ hơn ở chiều xuất khẩu với kim ngạch gần 98,5 tỷ đô la, tăng 24,2% so với cùng kỳ”, theo báo Đầu Tư ngày 06/11. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ sẽ sớm vượt ngưỡng 100 tỷ đô la, sau khi cũng ở mức khoảng 100 tỷ năm 2023. Mỹ chiếm hơn 1/4 tổng khối lượng xuất khẩu của Việt Nam.

Ảnh tư liệu: Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi họp báo tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/11/2017. REUTERS/Kham

Những con số này sẽ không làm tân tổng thống Donald Trump hài lòng. Ông vẫn tuyên bố sẽ “mang việc làm về Mỹ”, tăng thuế hải quan 20% đối với mọi mặt hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ, riêng với hàng Trung Quốc ít nhất là 60%. Việt Nam có thể sẽ là một trong những nước ở châu Á bị tác động nặng nề nhất, theo nhận định của nhiều chuyên gia, được Japan Times trích dẫn ngày 12/11, do thặng dư thương mại với Mỹ quá lớn, gấp đôi so với nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Ngoài ra, Việt Nam chưa hẳn đã được hưởng lợi lớn trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, được cho là sẽ trầm trọng hơn dưới thời ông Trump.

Đọc thêm : Nếu đắc cử tổng thống, Trump sẽ lại "sờ đến" đến thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ

Việt Nam, “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất” theo cách gọi của ông Trump, đang từng bước chuẩn bị đối sách. Ngay ngày 07/11, khi có số liệu chính xác về kết quả bầu cử, tổng bí thư Tô Lâm, chủ tịch nước Lương Cường và thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi điện chúc mừng, khẳng định “Việt Nam coi Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược”. 

Đến ngày 11/11, theo báo Chính phủ, tổng bí thư Tô Lâm đã điện đàm với ông Donald Trump, “đánh giá cao những đóng góp của tổng thống đắc cử trong quá trình phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ”. Ông “cũng trao đổi với tổng thống đắc cử Donald Trump về một số phương hướng lớn nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu”.

Ngoài ra, phải kể đến một sự kiện trùng hợp, có thể giúp Việt Nam “ghi điểm” trong mắt tổng thống tân cử Mỹ: Một tháng trước cuộc bầu cử, ngày 08/10/2024, công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc thông báo tập đoàn Trump (Trump Organization) đã đồng ý đầu tư xây dựng tổ hợp khách sạn, sân golf cao cấp tại tỉnh Hưng Yên, quê nhà của tổng bí thư Tô Lâm cũng như của những người thân cận với ông.

Đọc thêm : Dự án tỷ đô tại quê nhà của tổng bí thư Tô Lâm, lá bài trói buộc Trump của Việt Nam ?

Việt Nam sẽ còn phải có những đối sách nào khác trong khi rất phụ thuộc vào thương mại trên thế giới, xuất khẩu chiếm khoảng 85% nền kinh tế và Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của Việt Nam ? 

Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ, trả lời một số câu hỏi của RFI Tiếng Việt về chủ đề này.

RFI : Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ sẽ vượt qua 100 tỷ đô la Mỹ vào năm 2024. Ông Donald Trump từng gọi Việt Nam là “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất” vào thời điểm mà thặng dư chỉ bằng một nửa hiện nay. Việt Nam sẽ chịu những tác động như thế nào nếu ông Trump thực hiện lời đe dọa nâng thuế nhập khẩu và “rờ” đến những nước xuất siêu sang Mỹ, trong đó có Việt Nam ?

Alexander Vuving : Tôi nghĩ là nếu chính quyền Trump áp thuế xuất nhập khẩu vào hàng hóa của Việt Nam thì đương nhiên nó sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng ảnh hưởng nhiều hay ít thì phụ thuộc vào tỉ lệ mà người ta áp thuế. Ví dụ áp thuế 1-2% khác với cả áp thuế 5-7% và khác với cả áp thuế 10-15%. Bây giờ cũng không thể biết được là chính quyền Trump sẽ áp thuế đến mức độ nào.

Thứ hai, cũng không biết là họ sẽ áp thuế những mặt hàng nào. Có thể họ sẽ áp toàn bộ các mặt hàng ở một mức nào đó. Nhưng khả năng là có thể cho tất cả các nước, cũng có thể là chỉ tùy mặt hàng. Ảnh hưởng đến xuất khẩu Việt Nam chắc chắn là sẽ có, nhưng nhiều hay ít thì chưa thể nói được, vì nó còn phụ thuộc vào những số liệu cụ thể mà người ta sẽ đưa ra.

Các doanh nghiệp Việt Nam, khi mà thị trường của Mỹ eo hẹp như vậy, đương nhiên sẽ phải tìm những thị trường khác. Những thị trường tương đương với Mỹ, để xuất hàng hóa tương đương với Mỹ, thì khả năng lớn sẽ là những thị trường phía châu Âu. Cũng có thể là cả một số thị trường khác ở những nước đang phát triển hoặc cũng có những nước Trung Đông, nhưng chủ yếu chắc sẽ là những thị trường châu Âu.

Đọc thêm : Việt Nam mua vũ khí lớn của Mỹ: Bước ngoặt trong quan hệ quốc phòng song phương?

Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng sẽ có những phản ứng, chẳng hạn tìm cách xoa dịu Mỹ bằng cách có thể là hối thúc các doanh nghiệp Việt Nam mua thêm hàng của Mỹ để cân bằng lại cán cân thương mại. Hoặc là sẽ có những động thái nào đó, có thể không thuộc phạm trù kinh tế, để xoa dịu Mỹ và cho thấy là Việt Nam có những thiện chí đối với Mỹ, để từ đó làm cho họ giảm thuế suất đi chẳng hạn. Thậm chí rất có thể Việt Nam cũng nghĩ đến chuyện mua vũ khí của Mỹ và lấy cái đó để làm một đòn bẩy nhằm giảm mức độ Mỹ áp những chính sách khó khăn về kinh tế đối Việt Nam.

Từ phía các nhà đầu tư chẳng hạn thì tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng mà họ sẽ phải đi tìm những nơi khác để đầu tư, bởi vì họ xem những chỗ nào đầu tư có lãi hơn. Nói chung là hoàn toàn phụ thuộc rất nhiều vào những con số cụ thể.

RFI : Việt Nam bị coi trở thành trung gian cho các sản phẩm của Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Biện pháp này được sử dụng rất nhiều. Việt Nam sẽ phải đối mặt với những rủi ro nào trong trường hợp chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ xảy ra và có thể trầm trọng hơn dưới thời tổng thống Donald Trump, cùng với lời đe dọa của ông là đánh thuế hải quan lên đến 60% đối với sản phẩm của Trung Quốc?

Alexander Vuving : Vâng, cái này cũng phụ thuộc vào việc chính quyền Trump sẽ nhìn nhận như thế nào. Họ sẽ đánh giá mức độ mà Việt Nam làm “trung gian” để đưa hàng Trung Quốc sang Mỹ. Tôi nghĩ là họ sẽ gây áp lực về vấn đề đó, bởi vì trên thực tế, có nhiều mặt hàng mà mức độ “xử lý” ở Việt Nam không nhiều, chủ yếu là hàng từ Trung Quốc, sau đó được xử lý một chút, rồi dán mã Việt Nam và đưa sang Mỹ.

Đọc thêm : Chiến tranh thương mại với Mỹ : Những bước chuẩn bị của châu Á

Thế thì người ta sẽ điều tra ra sao? Thứ nhất là nếu không điều tra được thì họ sẽ đánh thuế theo mức độ “mặc định” và nhiều khả năng là nó sẽ quá lớn, có hại cho Việt Nam. Thứ hai, trong vấn đề này, chính quyền Việt Nam cũng có thể tìm cách hợp tác với Mỹ, để cho Mỹ thấy rằng họ có thiện chí trong việc hạn chế những luồng “thương mại trung gian”, tức là đi từ Trung Quốc sang rồi xử lý phết phẩy một chút ở Việt Nam và đưa sang Mỹ, hoặc trong vấn đề “kiểm soát đầu tư” của Trung Quốc ở Việt Nam, để nâng cao tính nội địa của Việt Nam.

Tôi nghĩ chắc chắn là Việt Nam sẽ tìm cách tỏ thái độ thiện chí và hợp tác với Mỹ, để từ đó phía chính quyền Trump sẽ giảm mức độ trừng phạt. Có thể thấy là còn phụ thuộc rất nhiều. Chính quyền Trump sử dụng cái gì thì mình cũng không biết được, bởi vì họ không theo những mô hình mà mình đã thấy từ trước.

RFI : Việt Nam được cho là hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trong những năm, qua nhưng cuộc chiến này có lẽ sẽ còn nghiêm trọng hơn dưới thời Trump nhiệm kỳ 2. Liệu Việt Nam có tiếp tục được hưởng lợi nữa hay không ?

Alexander Vuving : Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khả năng rất lớn là sẽ xảy ra trong thời của ông Trump. Và như thế Việt Nam đương nhiên là sẽ hưởng lợi, bởi vì vị trí của Việt Nam khiến cho Việt Nam có thể thành một trong những nơi được hưởng lợi lớn nhất. Hễ có xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thì Việt Nam sẽ được hưởng lợi.

Đọc thêm : Việt Nam : Nắm cơ hội, sửa điểm yếu để thu hút doanh nghiệp rời Trung Quốc

Lợi ít hay lợi nhiều thì còn phụ thuộc vào việc Mỹ sẽ có những trừng phạt nhất định đối với những kẻ mà họ cho là hưởng lợi một cách “không chính đáng”. Cho nên điều này còn phụ thuộc vào sự trừng phạt của Mỹ là mạnh hay yếu. Cho Việt Nam đương nhiên hưởng lợi chừng nào có chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng sự hưởng lợi này sẽ đi kèm với sự “bị trừng phạt”. Và “sự trừng phạt” thì như đã nói ở trên, mức độ có thể nhiều hoặc ít.

RFI : Quy chế nền kinh tế thị trường mà Việt Nam kêu gọi Mỹ trao cho từ lâu liệu sẽ không được thực hiện ngay dưới thời của ông Donald Trump ?

Alexander Vuving : Vâng, tôi cũng nghĩ như vậy. Tức là về vấn đề quy chế thị trường, nếu nói về những tiêu chí một cách khách quan, thì khả năng lớn là Việt Nam không đạt được, bởi vì mức độ can thiệp của nhà nước vào thị trường ở Việt Nam là có hệ thống.

Sự can thiệp này không chỉ có hệ thống mà còn nằm trong chủ trương, chính sách. Chủ trương, chính sách của Việt Nam, từ Hiến Pháp, từ nghị quyết, từ tất cả những văn bản chính thức, đều nói đến kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và ngoài ra còn nói rõ thêm về vai trò trụ cột của nền kinh tế quốc doanh. Với những điểm như vậy thì Việt Nam không thể nào đạt được những tiêu chí kinh tế thị trường như Mỹ đưa ra.

Đọc thêm : Được Mỹ công nhận là kinh tế thị trường: Không đơn giản đối với Việt Nam

Vấn đề còn lại chỉ là chính quyền Mỹ, vì những lý do khác ngoài lý do kinh tế, ví dụ do quan hệ ngoại giao, địa-chính trị hay gì đó, mà họ nới lỏng cho Việt Nam, họ công nhận Việt Nam có kinh tế thị trường, để mà có quan hệ như thế nào với Việt Nam. Liệu những lý do chính trị và ngoại giao đấy có đủ mạnh để chính quyền Mỹ chấp nhận để bên bộ Ngoại Giao, rồi phía Nhà Trắng can thiệp vào công việc của bộ Thương Mại, ép bộ Thương Mại cho Việt Nam được hưởng quy chế thị trường hay không, điều này cũng phụ thuộc vào vấn đề đó.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ.

https://www.rfi.fr/vi/tạp-chí/tạp-chí-việt-nam/20241125-vn-chuan-bi-tranh-de-trump-lai-coi-la-ke-lam-dung-thuong-mai-toi-te-nhat

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét