Nhiều người mong việc ‘tinh gọn bộ máy’ thời TBT Tô Lâm sẽ thực chất, hiệu quả
27/11/2024 VOA Tiếng Việt - Những tuần gần đây, sau khi Tổng Bí thư (TBT) Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm công bố chủ trương xây dựng hệ thống chính trị “tinh, gọn, mạnh, hiệu quả…”, nhiều người dân trong nước bày tỏ trên mạng xã hội họ ủng hộ và hy vọng chương trình của ông sẽ thực chất và thành công, khác với những nỗ lực tương tự của các nhà lãnh đạo khác trong quá khứ.Từ cuối tháng 10 đến nay, ông Lâm, nhà lãnh đạo có thực quyền lớn nhất của Việt Nam, có nhiều phát biểu hay đăng xã luận đưa ra thông điệp phải gỡ “điểm nghẽn thế chế” và “tinh gọn hệ thống chính trị”, mà ông xem là “đột phá chiến lược” để tăng tốc độ phát triển của đất nước.
Mới đây nhất, hôm 25/11, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp bất thường trong đó xác định rằng thực hiện “cuộc cách mạng” về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được xem là một “nhiệm vụ đặc biệt quan trọng”.
Tại cuộc họp, TBT Lâm đặt ra yêu cầu phải “thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính” và bộ máy mới sau khi được tinh gọn phải “tốt hơn bộ máy cũ” và đi vào hoạt động ngay để không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân.
Theo quan sát của VOA, những quan điểm và lời chỉ đạo của ông Lâm nhận được nhiều sự tán đồng, ủng hộ, hy vọng từ người dân, thể hiện trên các diễn đàn mạng xã hội hay các trang cá nhân của những Facebooker có đông người theo dõi như Quy Hoạch Toàn Quốc, Mạc Văn Trang, Lưu Trọng Văn, Huỳnh Ngọc Chênh, Hà Phan, Nguyen Khanh Trinh, v.v…
Nhà báo đã nghỉ hưu Chu Vĩnh Hải, người cũng thường bình luận về thời cuộc thu hút nhiều sự chú ý, nói với VOA rằng “Tôi tin tưởng rằng TBT Tô Lâm có thể thực hiện tương đối tốt đến tốt việc tinh giản bộ máy” và đưa ra những lý do theo góc nhìn cá nhân:
“TBT Tô Lâm là người rất thực tiễn. Từ khi ông lên làm chủ tịch nước rồi tổng bí thư, ông có cách nhìn không lý thuyết, ý thức hệ, mà bằng con mắt của người kỹ trị, hành động. Việc TBT Tô Lâm sẽ tinh giản bộ máy thì hoàn toàn có cơ sở để hy vọng”.
Trước khi trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam, ông Lâm đã giữ chức bộ trưởng Bộ Công an và gây tiếng vang khi hoàn tất việc tinh giản bộ này, được báo chí trong nước ca ngợi là bộ “đi trước, mở đường” về cải cách, tinh gọn bộ máy.
Bộ Công an cho biết sau vài năm “kiện toàn” kể từ 2018, bộ này đã giảm 6 tổng cục, gần 60 đơn vị cấp cục và hơn 800 đơn vị cấp phòng, hàng nghìn đơn vị cấp đội. Đội ngũ cán bộ ở bộ giảm 35 lãnh đạo tổng cục, 55 cục trưởng và tương đương, 287 trưởng phòng và tương đương.
“Bộ trưởng Tô Lâm thời đó làm tốt vì họ đã tinh gọn bộ máy lại. Về an ninh cơ sở, Bộ trưởng Tô Lâm đã chính quy hóa, chuyên nghiệp hóa lực lượng công an”, ông Chu Vĩnh Hải nhận xét.
Cựu nhà báo, cựu đại tá công an Nguyễn Như Phong, từng là tổng biên tập của PetroTimes và phó tổng biên tập báo Công An Nhân Dân, đánh giá về TBT Tô Lâm với VOA:
“Ông Tô Lâm là người trưởng thành từ cơ sở cho nên ông hiểu rõ hơn ai hết. Ông đi tiên phong trong việc cải cách một bộ lớn như Bộ Công an, nâng cao hiệu suất chiến đấu, bám dân, gần dân hơn, có hiệu quả rõ ràng”.
Ông Nguyễn Như Phong chỉ ra rằng bên cạnh ông Tô Lâm, cũng cần ghi nhận một nhân vật nữa đã đi đầu về cải cách bộ máy là ông Phạm Minh Chính ở thời điểm còn làm bí thư của tỉnh Quảng Ninh, trước khi trở thành thủ tướng.
Tỉnh này dưới sự lãnh đạo của ông Chính đã phát triển nhanh, đồng thời nhảy vọt lên đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và giữ vị trí đó trong 7 năm liền, trong khi trước đây chỉ đứng ở giữa bảng xếp hạng gồm 63 tỉnh, thành.
“Bài học kinh nghiệm trong việc cải tổ bộ máy của Bộ Công an, của các tỉnh, thành phố khác càng làm ông Tô Lâm thêm quyết tâm phải cải tổ bộ máy hành chính hiện nay đang rất cồng kềnh, kém hiệu quả”, ông Phong đưa ra quan sát.
Cựu nhà báo, cựu đại tá công an dùng từ “tê liệt” để mô tả bộ máy các cơ quan, các địa phương, và nêu ra cơ sở để ông nói như vậy:
“Đó là cái gì bây giờ thủ tướng cũng phải có công điện gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, yêu cầu khẩn trương làm cái nọ cái kia, thì họ mới làm, nếu không cứ lì ra. Bộ máy chính quyền hiện nay có thể nói là rất tệ hại. Chính quyền không phải là con rối, thủ tướng mà không giật thì không ai động gì cả. Cho nên là phải sắp xếp lại, phải tinh gọn lại bộ máy”.
Cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam và truyền thông nhà nước chưa công bố cụ thể cơ cấu các bộ và các tỉnh, thành sẽ được thu gọn, sáp nhập… ra sao hay khung thời gian là như thế nào.
Ông Phong chia sẻ thông tin chưa chính thức mà ông có được cho thấy vào khoảng quý 1/2025, Việt Nam sẽ hoàn thành đề án sáp nhập các bộ, ngành, các tỉnh, thành và từ đó sẽ dành 1 năm rưỡi để thực hiện, với dự báo sẽ có nhiều hệ lụy mà các nhà chức trách phải giải quyết, nếu không thì “chết dân”.
Chẳng hạn như một bộ bị sáp nhập vào bộ khác, không còn tên và không tồn tại nữa, vậy các hợp đồng đã ký với các đối tác sẽ xử lý như thế nào; hay 3 xã nhập vào thành 1 xã, các thủ tục hành chính với người dân sẽ ra làm sao, ông Phong nêu lên một số tình huống.
Vẫn cựu nhà báo này cho rằng các nhà hoạch định chính sách đang thận trọng, chưa công bố thông tin chi tiết còn vì một số lý do khác:
“Việc sáp nhập này sẽ ảnh hưởng rất to lớn đến tư tưởng của nhiều cán bộ, đảng viên, vì anh đang từ cấp trưởng xuống cấp phó, đang từ cấp phó xuống cấp phòng. Và sẽ không loại trừ các yếu tố tiêu cực. Đó là khiếu kiện, là lợi dụng việc sáp nhập để đẩy đuổi những người không ăn cánh…”
“Việc cải cách bộ máy có nhiều vấn đề nhạy cảm cho nên họ còn đang ném đá dò đường, vì TBT Tô Lâm mới lên, thời gian còn ngắn. Nhưng rõ ràng là dư luận rất ủng hộ việc TBT Tô Lâm tinh giản bộ máy”, ông Hải nhận định.
Mặc dù vậy, ông Phong cho rằng Việt Nam không còn có thể trì hoãn việc cải cách, tinh giản được nữa:
“Không làm là chết. Không làm là đất nước không phát triển được. Ai cũng nhận thấy điều ấy. Trung ương [Đảng] rất thận trọng. Thận trọng là cần thiết nhưng phải quyết liệt. Một khi đã quyết tâm làm, tôi nghĩ ông Tô Lâm và bộ máy chính quyền này sẽ làm được”.
Tin tưởng công cuộc này sẽ thành công, ông Phong tiên đoán Việt Nam sẽ có bộ máy “tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp, ít người, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, của người thi hành công vụ”.
Cựu nhà báo Hải dự báo rằng thời gian tinh gọn bộ máy sẽ ngắn nhưng sẽ phải cần từ 1-4 năm mới có thể thấy rõ kết quả của công cuộc này như giảm ngân sách, tăng hiệu suất...
Việt Nam với 100 triệu dân và Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) gần 430 tỷ đô la có tổng số công chức, viên chức các cấp tính đến tháng 7/2023 là hơn 2,2 triệu người, ngang bằng số nhân viên thuộc chính quyền liên bang Mỹ, cường quốc số 1 thế giới với GDP gần 27,4 nghìn tỷ đô la và dân số là gần 335 triệu người.
https://www.voatiengviet.com/a/nhieu-nguoi-mong-tinh-gon-bo-may-thoi-tbt-to-lam-thuc-chat-hieu-qua/7878369.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét