Nhân tình kiểu mới trong một truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư
Trần Doãn Nho/Người Việt – “Gió Không Thèm Nói” của Nguyễn Ngọc Tư là một truyện ngắn, ngắn gọn, cô đọng. Tuy chỉ như những nét chấm phá về những mảnh đời nhỏ nhoi, nhưng lại thu gọn được khung cảnh sống xốc nổi, hài nhưng bi, bi mà lại rất hài, trong xã hội Việt Nam hiện nayTruyện tuy chỉ 2,200 chữ, nhưng lại có đến năm, bảy nhân vật, mà ba trong số đó có thể xem là nhân vật chính.
Tây, thanh niên nghèo, làm nghề xe ôm, chưa vợ, mẹ té lầu chết khi “trèo lên nóc nhà quét dọn lá mục ứ trên máng xối” còn cha thì bán nhà, dọn về sống chung với một người đàn bà khác một năm sau đó.
Hằng, hơn Tây 17 tuổi, làm nghề “thu tiền góp,” là một phụ nữ cá tính mạnh, chẳng ai dọa được, kể cả anh chồng tên Hùm, một tay “giang hồ khét tiếng, người vẫn thường phì phèo điếu thuốc trong lúc chém thiên hạ và (đôi khi) bị thiên hạ chém, cai quản khu vực cảng cá và bến tàu. Dân thị xã vẫn dạt vào lề đường mỗi khi nghe tiếng xe phân khối lớn rùng rùng, điều khiển bởi một anh sọc rằn từ đầu tới đuôi, cổ đeo nanh hổ, trên người khảm khắc đầy sẹo vết.”
Hằng thường kêu Tây chở đi chỗ này chỗ nọ để thu tiền. Trong lúc chồng chị ta, Hùm “coi bặm trợn vậy, nhưng giữa hai ngón cái không bằng trái ớt,” thì Tây trông rất đàn ông, nên chị ta “phát thèm,” thường cho cậu ta thêm tiền mỗi lần thồ. Không những thế, chị ta còn chủ động rủ Tây vào nhà uống nước, “xem thử cái giường có kêu không.”
Được thưởng thức đàn bà miễn phí, Tây “cảm nhận được một cơ thể mát rượi từ mảng mỡ bụng chị luôn sà xuống, chòng chành cuối lưng nó,” gợi trong đầu cậu ta “thứ chất lỏng trong suốt, hơi sóng sánh, có thể khỏa ngập lên nó, giấu lấp nó, nếu chìm vào.” Từ đó, ăn quen bén màu, dù ngán anh chồng giang hồ, cậu ta “không cách nào từ chối lên nhà chị thử giường vài bận nữa, để thả lỏng mình vào thân thể bao dung” và có dịp nhìn thấy “cái bớt son trên sườn trái” của Hằng và da thịt chị ta “có thể hắt sáng cả khi đèn trong phòng tắt ngóm.”
Một ngày nọ, hai người đang vui vầy trong cuộc mây mưa, thì nghe tiếng xe anh chồng chạy về, Hằng lập tức “hốt gọn mớ quần áo vãi trên sàn nhà ấn vào tay” Tây và tống cậu ta lên cái gờ che cửa sổ, đóng sập cửa lại, “lúc hắn chưa kịp mặc gì.” Chỉ trong vòng một phút là Hằng đã “vuốt phẳng vải trải giường, chỉnh trang phục, buộc tóc, rửa mặt bằng nước lạnh cho má bớt hồng, mắt dịu lửa,” để phi tang mọi dấu vết ái ân vụng trộm trước khi anh chồng bước vào.
Tây đột nhiên bị đẩy vào một tình cảnh dở cười dở khóc, khó xử. Gờ che cửa sổ là một “tấm bê tông đâm ra khỏi vách rộng chừng ba tấc, chiều dài hơn nửa thước” ở tầng bốn một chung cư cũ, cách mặt đất gần ba mươi mét. Gờ quá nhỏ, chật chội, không biết xoay trở làm sao, cậu ta đành phải ngồi bó gối chịu trận. Không có quần, nên giữa hai đùi nó, “gió lùa rười rượi,” và cảm thấy tự “xấu hổ khi nhìn thấy nửa dưới cơ thể mình phơi sáng.”
Ở trên cao, nhìn quanh cậu ta chẳng thấy gì, chỉ nghe những tiếng động. Ngồi mãi, cậu ta “thấy người nặng dần,” có cảm giác như gờ che cửa sổ “sắp không đỡ nổi nó.” Loại gờ cửa sổ này, người ta hay làm dối, không dùng vỉ sắt khi đúc bê tông tấm che, không làm cho láng, nên “ngồi lên là mông in sâu những vết hằn.” Cũng may là nhờ “cái áo dài Tây mặc quá nửa mông, nên lần vải cũng đỡ đần cho da thịt nó.”
Cậu ta “đổi tư thế nằm ngửa ra, lấy lưng làm điểm tựa cho đầu và chân, người oặt ngược, cúc cu bệ rạc ngỏng lên trời.” Săm soi, cậu ta “thấy mảng vách chỗ nó tựa lưng vào không chút rêu,” đoán chừng cậu ta không phải là người duy nhất bị ném lên đây.
Ngồi mãi một thế, đôi chân tê rần, cậu ta phải tìm cách đổi thế ngồi, nhưng thân hình dài thượt xếp kiểu gì cũng thừa ra. Thòng chân xuống thì quá sướng, nhưng không thể, vì sợ chồng Hằng sẽ biết và tóm lấy nó. Nhảy xuống lại càng nguy hiểm vì chẳng có gì để đỡ lấy ở phía dưới. Đã thế, “cái quần ka ki rách lai của Tây, trong lúc quýnh lên nó đã làm rơi, vắt lên sợi cáp truyền hình.” Vô phương tẩu thoát.
Tất cả mọi thứ chung quanh, từ “chị Hằng, những nóc nhà bên dưới” cho đến “tiếng người, tổ chim treo tòn teng trên cây gòn chết khô đằng ngã tư” đang ở rất xa mình. Trong những giờ phút vô phương như thế này, cậu ta có cảm giác như “thuộc về một đám mây sũng nước lừ lừ di chuyển tới,” và nghĩ tới cảnh mẹ của Tây đã từ trên cao rơi xuống đất chết thảm một ngày nào khi Tây còn bé.
Với giọng văn tỉnh táo, gợi hình, táo bạo một cách rất hồn nhiên, pha chút chế giễu, “Gió Không Thèm Nói” đề cập đến những mảnh đời nhỏ bé, vô danh trong những sinh hoạt bình thường hằng ngày của họ. Tác giả diễn tả họ như chính-họ-là, thẳng thắn, cụ thể, không lên gân phê phán hoặc đề cao giá trị này hay luân lý nọ. Không dạy đời, không triết lý vụn, và cũng không quan tâm đến việc sử dụng các kỹ thuật tu từ theo trường phái này trường phái nọ.
Chị cứ thả cho giọng văn trôi đi theo mỗi hoàn cảnh con người, theo cuộc sống và theo sự kiện. “Hãy kể câu chuyện này, nó là của bạn. Một khi lời thì thầm cất tiếng, tôi không còn bối rối bởi những ồn ã chung quanh,” theo chị, trong diễn từ nhận giải thưởng văn học LiBeraturpreis của Đức năm 2018. Cuộc sống thế nào thì chị cứ viết như thế. Mọi việc còn lại (ý nghĩa, cảm xúc, đạo đức…) chị để dành cho người đọc.
Với tôi, câu chuyện gợi đến một hiện tượng khá phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện nay: các bà sồn sồn săn tình. Hiện tượng này xuất hiện khá thường xuyên trên báo chí đủ loại trong nước, qua những cái tít, đại loại như: “Quý bà đại gia tìm phi công trẻ,” “Săn tình ở vũ trường, quý bà U50 ngớ người vì phi công trẻ ôm đống tiền bỏ đi tìm đối tác mới,” hay “Trong thế giới ngầm mua bán tình dục qua mạng, có nhóm khách hàng đặc biệt là các quý bà lắm tiền nhưng thiếu thốn tình cảm,” vân vân và vân.
Ngày xưa, ta nghe quý ông có “bồ nhí,” bây giờ đến phiên quý bà đi tìm “trai bao” hay săn lùng “phi công trẻ.” Một nghịch đảo luân lý xã hội lạ lùng và lạ thường.
“Gió Không Thèm Nói” là nêu bật lên một hình ảnh khá điển hình của người phụ nữ hiện nay ở trong nước như thế: chủ động tiền và chủ động tình. Cả chàng thanh niên Tây và anh chồng giang hồ đều là đối tượng để Hằng lợi dụng.
Sau cuộc mây mưa, nhân vật Tây bị Hằng đẩy đến thế kẹt, “hết phương về.” Còn người đàn bà hư hỏng một cách hồn nhiên này, vừa mới đây rúc rích với Tây bây giờ lại “rúc rích với chồng, giọng không chút gượng.” Hóa ra, cậu ta chẳng khác gì những “mảnh rác, bị dọn dẹp bởi một tay chuyên nghiệp, chớp mắt đã bị đổ đi.” Cậu ta giận mình đã không có can đảm, chịu bị đâm vì mình đã làm điều không phải với anh chồng.
Truyện thả lỏng kết thúc với một câu ngắn gọn “Chới với trong nỗi sợ, hay nhắm hờ mắt nghe gió mỏng dần?” diễn tả tình cảnh vô kế khả thi của anh chàng xe thồ ham của lạ.
Nhưng cái kết lơ lửng này làm tôi ngạc nhiên: Chỉ cần dụ cho anh chồng ra khỏi nhà là Tây ung dung leo xuống thôi, đâu có khó gì, tại sao Hằng không làm. Vì nếu Tây kẹt thì chị ta cũng kẹt vậy.
Tôi không biết đây là sơ hở của tác giả hay tác giả cố ý để lửng phần kết cho độc giả tự tìm câu trả lời? [qd]
Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 tại Cà Mau. Chị bắt đầu nổi tiếng với truyện ngắn “Cánh Đồng Bất Tận” kể lại câu chuyện về cha con người chăn vịt trên những cánh đồng khô cháy ở vùng sông nước miền Nam. Truyện này nhận được nhiều giải thưởng, trong đó, có giải thưởng Văn Học Asean 2008 tại Thái Lan.
Các tác phẩm đã xuất bản của Nguyễn Ngọc Tư gồm nhiều tập truyện ngắn, tập tạp bút, tập tản văn và truyện dài, trong số đó, tiêu biểu là: “Ngọn Đèn Không Tắt,” “Ông Ngoại,” “Khói Trời Lộng Lẫy,” “Trôi,” “Trầm Tích,” “Biên Sử Nước”…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét