Rằm tháng 7: Giành giật đồ cúng, đánh chém nhau và tàn sát động vật
Giành nhau để nhận quà từ thiện, đánh nhau để giật đồ cúng và tàn sát chim/cá để bán cho người đi chùa ưa phóng sanh… là những tệ nạn chung quanh rằm tháng Bảy ở Sài Gòn.Trên mạng xã hội ngày 1/9/2023 có lan truyền một đoạn video dài hơn ba phút quay cảnh hàng trăm người dân chen lấn, xô đẩy, phá vỡ cổng, giành giật nhau một túi gạo… tại một bệnh viện chuyên khoa về thẩm mỹ trên đường An Dương Vương, phường 13, quận 6 (Sài Gòn).
Nghe đồn trước đó là nhân dịp rằm tháng Bảy, cơ sở này sẽ phát quà từ thiện vào trưa 31 tháng Tám, mỗi người 5 kg gạo và một phong bì 300,000 đồng (= 12,4 USD), thế là đám đông đã túc trực chầu chực từ lúc sáng sớm.
Khi đến giờ, thay vì từng người lần lượt vào theo trật tự, nhưng do ai cũng sợ bị mất phần nên đồng loạt xô đẩy cửa kéo, leo rào… cùng túa vào như đàn ong vỡ tổ, đến mức dù có mặt lực lượng chức năng gồm công an, dân phòng địa phương cũng đành phải thúc thủ, không thể kiểm soát nổi đám đông cuồng loạn này.
Hậu quả là vài người bị ngất xỉu, nhiều người khác bị té ngã, bị chấn thương, một số tài sản của bệnh viện bị hư hỏng, tuyến đường bị tắc nghẽn giao thông. Còn các bao gạo "dành cho người nghèo" thì bị đám đông hốt sạch chỉ trong vòng vài phút!
Sau đó, trên trang Facebook của bệnh viện này, ban lãnh đạo bệnh viện đã đăng thông báo gửi lời xin lỗi vì đã… không có phong bì tiền, do tuân theo lời khuyên của nhà cầm quyền là "không nên phát tiền vì sẽ xảy ra lộn xộn!"
Chỉ vì "lời đồn có tiền" mà đám đông đã gây ra sự hỗn loạn lớn, thiếu điều muốn giẫm đạp lên nhau!
Phá vỡ cổng rào của bệnh viện để ào vào vì sợ mất phần gạo và phong bì tiền, đám đông hoàn toàn hổn loạn, có nhiều người bị ngất xỉu, chấn thương (Ảnh cắt từ video trên Facebook)
Xem video này không khỏi phải rùng mình, dân Sài Gòn vì sao bây giờ lại có nhiều người nghèo đến thế, nghèo kiệt xác đến phải đánh mất luôn nhân cách và lòng tự trọng!
Cũng xảy ra ở Sài Gòn, một đám đông thanh niên chuyên nghề "giật cô hồn" rằm tháng Bảy đã hỗn chiến với nhau, dẫn đến đến ba người bị thương do chém bằng dao, mã tấu.
Ngày 31/8/2023, theo VietnamNet, Công an quận 11, Sài Gòn đang truy tìm nhóm thanh niên gây ra vụ đâm chém nói trên. Trước đó, vào buổi trưa cùng ngày, chủ một cửa hàng trên đường Nguyễn Thị Nhỏ, phường 16, quận 11, tổ chức cúng rằm tháng Bảy.
Một nhóm khoảng năm thanh niên đi trên nhiều xe gắn máy đã chực chờ sẵn, để giật đồ cúng theo phong tục.
Trong lúc chờ gia chủ cúng xong để xông vào "giật cô hồn", nhóm thanh niên này đã cãi nhau với một tài xế xe ba gác đậu trên vỉa hè. Hai bên suýt ẩu đả với nhau nhưng những người chung quanh đã kịp thời can ngăn.
Nhóm thanh niên bỏ đi nhưng lúc sau đã quay lại với hung khí trên tay xông vào tấn công người tài xế xe ba gác. Hậu quả là cả chủ nhà vừa cúng xong cũng bị chém, cùng với ông tài xế xe ba gác và một người dân cư ngụ gần đó.
Nhóm thanh niên này thản nhiên rời đi, còn ba nạn nhân được người dân đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5, Sài Gòn).
Công an quận 11 khi nhận tin báo đã phong toả hiện trường để khám nghiệm, lấy lời khai của các nhân chứng và người liên quan, đồng thời xem lại camera an ninh để nhận diện nhóm thanh niên "giật cô hồn" nói trên.
Mâm cúng rằm tháng Bảy có thêm bao lì xì tiền là nguyên nhân gây ra cảnh giành giật, ẩu đả của các nhóm thanh niên ở Sài Gòn (Ảnh: VietnamNet)
Ghi nhận của Người Lao Động hôm 31 tháng Tám tại tuyến đường Nhiêu Tâm (quận 5, Sài Gòn) đã mô tả có hàng trăm thanh niên đã đến chờ "giật cô hồn" từ sớm trước những cửa hàng buôn bán của người Hoa.
Những thanh niên này mang theo vợt, mâm… thậm chí là chiếc dù to để hứng vật phẩm "giật cô hồn".
Khi chủ cửa hàng buôn bán bắt đầu làm nghi thức để rải tiền cũng là lúc những hình ảnh kinh hoàng xảy ra. Hàng trăm người chen chúc, xô đẩy nhau để "giật cô hồn", thậm chí cãi cọ, ẩu đả lẫn nhau.
Mặc dù lực lượng chức năng địa phương có mặt thì cũng không thể giải tán đám đông "giật cô hồn" này.
Một người dân sống tại đường Nhiêu Tâm ngao ngán: "Năm nào cũng giành giật như vậy, rất mất trật tự. Tôi nghĩ chỉ nên cúng đồ ăn, không nên rải tiền, vì rất dễ xảy ra chuyện đánh nhau, giành giật gây ra nguy hiểm".
Việc cúng rằm tháng Bảy âm lịch đối với những gia đình có buôn bán, kinh doanh giống như một cách để "trả lễ" nên họ thường chọn heo quay, gà quay, vịt quay… làm thức ăn cúng, cùng với tiền thật, hình thành nên hủ tục "giật cô hồn", với niềm tin (sai) là càng có nhiều người đến tham gia giật đồ ăn và tiền thì gia chủ sẽ càng có nhiều lộc.
Trước đây, "giật cô hồn" thường là trò chơi của trẻ con. Vì vậy, trẻ con thường đợi khi gia chủ cúng xong, nhang tàn, sẽ đến giành đồ ăn, bánh kẹo. Theo quan niệm dân gian, mâm cúng bị trẻ con "giật" sạch được xem là điều mang lai may mắn. Ngoài ra, nhiều người cho rằng, trẻ con ăn đồ cúng sẽ luôn mạnh khỏe, không bị ốm đau bệnh tật.
Tuy nhiên, theo thời gian, tục "giật cô hồn" ở Sài Gòn nay đã trở thành "nghề" của nhiều thanh niên thất nghiệp, gây ra nhiều hình ảnh thật bát nháo, hỗn loạn, lắm khi đầy máu me kinh hoàng!
Các nhóm thanh niên "giật cô hồn" mang theo vợt và dù để đựng đồ cúng, giành nhau đến ẩu đả và gây tắt nghẽn giao thông ở quận 5, Sài Gòn (Ảnh: Người Lao Động)
Ngoài thói xấu giành giật đồ cúng và đồ từ thiện, thói quen mua cá, chim… còn sống để phóng sanh nhân rằm tháng Bảy của một số người Việt, khi tin rằng "phóng sanh là tạo phước" cũng là một cách hiểu sai về đạo Phật.
Tuổi Trẻ ngày 31/8 có đưa lên một video ghi lại cảnh hỗn chiến giữa nhóm phóng sanh cá và nhóm chích điện bắt cá vừa phóng sanh trên bờ sông Sài Gòn, cạnh chùa Diệu Pháp (phường 13, quận Bình Thạnh)
Đoạn video mô tả cảnh một nhóm người thả cá "phóng sanh" tại đoạn sông Sài Gòn cạnh chùa. Ngay sau đó, một nhóm người khác đi thuyền đến chích điện, bắt lại số cá vừa được "phóng sanh" này. Một người đàn ông áo trắng sau đó xô xát với nhóm người chích điện bắt cá. Tiếp đó, một phụ nữ lội xuống sông, giật mái chèo của một người trong nhóm chích cá và có hành động đáp trả, giải vây cho người đàn ông áo trắng.
Một số người trên bờ cũng ném đá xuống sông để phản đối hành vi của nhóm người chích điện bắt cá.
Cảnh hỗn chiến trên sông giữa người chích điện bắt cá vừa được "phóng sanh" và nhóm người mua cá "phóng sanh" (Ảnh cắt từ video của Tuổi Trẻ)
Nghĩa là con cá mới vừa được "phóng sanh" xuống bờ sông chưa kịp bơi về "nhà" thì đã bị bọn chích điện bắt lại để… bán tiếp!
Một hành động tưởng là từ bi mà thực ra lại gián tiếp tàn sát con vật.
Khi hỏi ra thì phía bên chùa nói không hề hay biết việc Phật tử đến thả cá để phóng sanh. Còn bọn bắt cá ở đâu đến thì chùa cũng không biết luôn.
Cứ mỗi ngày rằm âm lịch lớn (rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy) là ở chùa Diệu Pháp lại xảy ra tình trạng này. Nhóm chích điện bắt cá luôn thả thuyền gần bờ, canh có người phóng sanh cá là chúng chích điện để bắt thu gom lại.
Trên mạng xã hội tuần qua cũng lan truyền nhiều dòng trạng thái phẫn nộ của những người nổi tiếng như Tang A Pau, Huỳnh Ngọc Chênh, Thái Hạo nói về tập tục phóng sanh chim/cá mà nhiều vị sư quốc doanh cổ vũ, thật ra không phải là hành động từ bi, mà chính là gián tiếp thúc đẩy sự tàn sát động vật trong tự nhiên, đặc biệt là các loại chim trời có ích cho mùa màng.
https://vietnamnet.vn/3-nguoi-bi-chem-trong-vu-tranh-nhau-giat-do-cung-o-tphcm-2184256.html
https://vtc.vn/tram-thanh-nien-o-tp-hcm-thi-nhau-giat-tien-cung-co-hon-ar816616.html
https://giaoducthudo.giaoducthoidai.vn/kinh-hoang-hinh-anh-giat-co-hon-tai-tp-hcm-91417.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét