Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2023

Vì sao Vietjet thường xuyên có lãi và VNA luôn luôn lỗ ?

Vì sao Vietjet thường xuyên có lãi và Vietnam Airlines luôn luôn lỗ ?
Báo cáo tài chính quý 1/2023 cho biết, trong những tháng đầu năm nay, hãng Vietjet lãi sau thuế 168 tỷ đồng trong tổng doanh thu 12.880 tỷ đồng. Ngược lại, hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam có doanh thu hơn 23.490 tỷ đồng, nhưng lại lỗ ròng 104 tỷ đồng. Được biết trong 13 quý trước đó, hãng Vietnam Airlines liên tục báo lỗ.

Báo cáo tài chính kinh doanh quý I năm 2023 của nhóm ngành hàng không ghi nhận Vietjet có lãi, Vietnam Airlines giảm lỗ và Bamboo Airways gần như đạt điểm hoà vốn.

Cụ thể, Vietjet ghi nhận doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 12.898 tỷ đồng và 173 tỷ đồng. Riêng doanh thu vận chuyển hàng không đạt 12.880 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỷ đồng, tăng lần lượt 286% và 320% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu hoạt động phụ trợ đạt 4.312 tỷ đồng, đóng góp hơn 33% tổng doanh thu.

Vietjet là hãng hàng không luôn dẫn đầu trong việc mở các đường bay quốc tế mới đến nhiều vùng đất trên khắp thế giới. Vì vậy, doanh nghiệp này thường xuyên đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần thu hút đầu tư và du lịch từ các nước đến Việt nam.

Về phía Vietnam Airlines, báo cáo tài chính quý I cho thấy lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty mẹ và hợp nhất giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty mẹ hơn 137 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ năm trước. Về số liệu hợp nhất, lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 37 tỷ đồng, giảm 99% so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện Vietnam Airlines lý giải, lỗ sau thuế hợp nhất quý I giảm so cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giảm lỗ của công ty mẹ, hãng hàng không Pacific Airlines và các công ty con kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước.

Tại thời điểm này, Vietnam Airlines đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa và khai thác trở lại 90% số đường bay quốc tế so với thời điểm trước dịch. Vietjet cũng đã mở thêm 10 đường bay gồm 4 đường bay nội địa, 6 đường bay quốc tế, nâng tổng số đường bay lên 105 đường bay, gồm 55 đường bay nội địa, 50 đường bay quốc tế.

Mới đây nhất, với việc khai thác đường bay thẳng kết nối Hà Nội - Cà Mau, Bamboo Airways đã hoàn thành kết nối toàn bộ mạng lưới 22 sân bay nội địa, về mạng bay quốc tế đang khai thác 14 đường bay thẳng quốc tế thường lệ.

Cũng theo báo cáo tài chính, trong quý I/2023, công ty Vietnam Airlines đã vận chuyển hơn 5,1 triệu lượt khách, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khách quốc tế tăng 11,5% và khách nội địa tăng 23%.

Nhìn vào các thông số có thể thấy hãng Hàng không Quốc gia đang ngày càng phát triển và “ăn nên làm ra”. Tuy nhiên mức lợi nhuận vẫn là con số âm.

Giá vé của Vietnam Airline luôn ở mức đắt đỏ nhất so với càng hãng bay trong nước, và thậm chí hơn nhiều hãng nước ngoài. Trong khi Vietjet lại được sinh viên, công nhân, nông dân ưu tiên lựa chọn vì giá thành rẻ hơn phân nửa.

Mặc dù dịch Covid-19 đã tạm xem như dẹp yên, ổn định, nhưng lương của nhân viên hãng Vietnam Airline vẫn chỉ ở mức 50% lương cơ bản.

Thu cao và chi thấp hơn rất nhiều so với Vietjet, chưa kể những ưu tiên của nhà nước dành cho hãng là rất lớn, thế nhưng nhiều năm trở lại đây, Vietnam Airline càng làm càng lỗ, dù gần đây lỗ bắt đầu có xu hướng giảm.

Đặc điểm quan trọng nhất của Vietnam Airline là sử dụng vốn nhà nước. Dù có thất thoát, thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng thì người chịu trách nhiệm bù đắp khoản thua lỗ đó chính là nhà nước; do đó Vietnam Airline không cần đổi mới sáng tạo, không cần tính đến hiệu quả hoạt động. Nhà nước vận hành nhờ tiền thuế do người dân đóng góp vào ngân sách.

Vậy nên suy cho cùng, Vietnam Airline cũng như các doanh nghiệp nhà nước khác như Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn dầu khí, Tập đoàn than và khoáng sản... làm ăn thua lỗ, thì chính dân VN sẽ là người phải còng lưng gánh vác.

Đúng là một cơ chế quản lý kinh tế rất buồn. Lãi thì tiền chui vào túi các quan, người dân chẳng được hưởng một đồng; nhưng lỗ thì bày ra đủ thứ thuế và tăng mạnh giá vé để bù lại. Thế nhưng mỗi khi người dân lên tiếng phê phán và đòi hỏi quyền lợi, thì họi lại được chụp cho cái mũ “phản động”. Vậy có phải là quá bất công cho người dân hay không?

Quan điểm của tôi là ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào, độc quyền nhà nước trong kinh tế đều kém hiệu quả, do đó nên loại bỏ. Đối với những lĩnh vực quan trọng có ảnh hưởng lớn tới dân sinh và an ninh quốc phòng, có thể tiếp tục duy trì doanh nghiệp nhà nước để tác động vào những điểm, những khâu, những nơi khu vực kinh tế tư nhân không muốn làm mặc dù đất nước cần, nhưng bên cạnh đó cần ủng hộ sự tham gia, phát triển của các doanh nghiệp ngoài nhà nước để hai bên có sự cạnh tranh.

Nguồn: Tổng hợp từ trên mạng
https://vtv.vn/kinh-te/buc-tranh-ket-qua-kinh-doanh-nganh-hang-khong-sang-dan-20230504193153923.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét