Thứ Tư, 3 tháng 5, 2023

Thông báo mời đến xem phim Nga: Pháo đài Brest

Thông báo
Đại sứ Nga và Đại sứ Belarus tại VN mời các bạn đến xem phim Nga: Pháo đài Brest
Pháo đài Brest, trước đây gọi là Pháo đài Brest-Litovsk, là một pháo đài của Nga vào thế kỷ 19. Nó là một trong những nơi quan trọng nhất của Liên Xô trong Thế chiến II, là di tích chiến tranh kỷ niệm cuộc kháng chiến của Liên Xô chống lại cuộc xâm lược của Đức bắt đầu 22 tháng 6 năm 1941 (Chiến dịch Barbarossa). 

Sau chiến tranh, vào năm 1965, danh hiệu Pháo đài Anh hùng đã được trao cho các pháo đài để kỷ niệm việc bảo vệ thành lũy biên giới trong những tuần đầu tiên của chiến tranh Đức-Xô. Danh hiệu Pháo đài Anh hùng tương ứng với danh hiệu Thành phố Anh hùng (Liên Xô), đã được trao cho mười hai thành phố, một pháo đài của Liên Xô.

Lịch sử hình thành

Pháo đài Brest là cửa ngõ biên giới giữa Đế quốc Nga và Ba Lan, nằm trên một hòn đảo lớn tại ngã ba sông Bug Tây và sông Mukhavets. Vào thế kỷ thứ 12, tại đây xuất hiện cụm dân cư người Slav có tên là Beresky. Từ đó đến cuối thế kỷ 18, đây là nơi tranh chấp thường xuyên giữa ba quốc gia láng giềng là Nga, Ba Lan và Litva. Khi thuộc Nga, nó được gọi là Brest, khi thuộc Ba Lan, nó được gọi là Brześć Litewski, khi thuộc Litva, nó được gọi là Brest-Litovsk. 

Đến cuối thế kỷ 18, vùng đất này thuộc lãnh thổ của Đế quốc Nga. Sau cuộc Chiến tranh Vệ quốc năm 1812, Sa hoàng đã quyết định xây dựng tại đây một tiền đồn bảo vệ cửa ngõ biên giới phía Tây và pháo đài được khánh thành năm 1842 khi lá quân kỳ của quân đội Đế quốc Nga được kéo lên. Các kỹ sư quân sự Nga đã lợi dụng địa hình tự nhiên trên một hòn đảo cách thành phố Brest - Litovsk hơn 5 km về phía Tây, được bao bọc bởi hai nhánh sông Mukhavets và sông Bug để xây dựng pháo đài này. 

Quanh pháo đài là hai lớp lũy đắp bằng đất, lớp ngoài cao 6 m, lớp trong cao 10 m, hình thành 8 góc nhọn nhô ra phía ngoài theo các hướng Bắc, Đông Bắc, Đông, Đông Nam, Nam, Tây Nam, Tây và Tây Bắc. Tổng chiều dài lớp lũy ngoài lên đến trên 6,4 km. Trong ruột các lũy đất có rất nhiều hầm tránh đạn, kho vũ khí, kho đạn, kho lương thực. Phía ngoài mỗi lớp lũy có hào nước bao quanh. 

Trung tâm pháo đài được bao bọc bởi một vòng nhà hai tầng bằng gạch đỏ dày từ 60 cm (phía trong) đến 1 m (phía ngoài) chạy quanh đảo như một vòng tường thành. Dưới nền các tòa nhà này là 500 căn hầm xây cuốn, có cửa thông nhau từ hầm này sang hầm khác. Bên ngoài lớp tường thành trong cùng là hai nhánh sông Mukhavets và sông Bug. Các lớp lũy và hào nước chia pháo đài thành bốn khu phòng thủ gồm khu trung tâm, đồn Đông, đảo Tây và đảo Nam. Các khu này được nối với nhau bằng các cây cầu được xây bằng gạch. 

Quanh khu trung tâm pháo đài có ba cổng lớn: Cổng Terespolsky ở phía Tây, cổng Brest ở phía Bắc và cổng Kholm ở phía Nam. Trên các lũy ngoài có bốn cổng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Chính giữa khu trung tâm pháo đài là Cung điện Trắng, nơi chính phủ Nga Xô Viết đã ký kết với các nước phe Liên minh Trung tâm (trong đó có Đế chế Đức) hòa ước Brest - Litovsk năm 1918 nhằm đưa nước Nga khỏi cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Khu vực chung quanh pháo đài Brest từng là nơi xảy ra trận Brześć Litewski giữa Ba Lan và Đức trong cuộc tấn công xâm lược Ba Lan năm 1939. Quân Đức chiếm được nơi này từ Ba Lan, nhưng theo "Nghị định thư mật" kèm theo Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau giữa Đức và Liên Xô, khu vực này được trao cho Liên Xô vì nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô. Vì vậy vào mùa hè năm 1941, người Đức lại phải tấn công pháo đài này một lần nữa. Và lần này đối thủ của họ không phải là quân Ba Lan mà là Hồng quân Xô Viết.

Vị trí, vai trò quân sự

Từ khi khánh thành vào mùa hè năm 1842 đến trước chiến tranh thế giới thứ nhất, pháo đài Brest được coi là một trong các căn cứ quân sự có tính năng phòng thủ rất mạnh như các pháo đài khác. Với thành lũy dày, nhiều lớp, có pháo binh riêng bảo vệ, pháo đài chỉ cần một đội quân không lớn vẫn có thể tiêu hao nặng nề các đội quân tấn công nó đông hơn gấp nhiều lần. 

Tuy nhiên, đến khi đại bác nòng rãnh xoắn ra đời với các loại đạn có sức công phá lớn thì pháo đài không còn là thành trì bất khả xâm phạm. Đặc biệt, khi máy bay ném bom ra đời thì pháo đài mất đi rất nhiều khả năng tự bảo vệ. Vào thời đại mới, các cường quốc quân sự đưa ra trận những quân đội đông hàng triệu người, có đầy đủ vũ khí nặng hiện đại như xe tăng, máy bay, đại bác cỡ lớn thì pháo đài hoàn toàn trở nên lỗi thời. Đối phương có thể đi vòng qua pháo đài để tiếp tục tiến công và chỉ để lại một đội quân nhỏ bao vây và vô hiệu hóa nó. 

Ngoài ra, pháo đài còn có thể trở thành nơi tập trung đông quân nhưng địa bàn tác chiến hẹp, dễ bị đối phương cô lập và tiêu diệt một số lượng lớn sinh lực bằng các loại hỏa lực hiện đại. Do gắn với phương thức phòng thủ thụ động, tại chỗ, pháo đài không còn phù hợp với các cuộc chiến tranh hiện đại với phương thức vận động chiến, phòng thủ cơ động và phòng thủ theo chiến tuyến nhiều lớp được áp dụng phổ biến.

Mặc dù không còn tác dụng phòng thủ mạnh mẽ như trước đây nhưng Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô vẫn đặt Pháo đài Brest vào kế hoạch phòng thủ biên giới và coi nó như một khu phòng ngự kiên cố của Quân khu đặc biệt miền Tây. Đây là nơi huấn luyện quân sự cho tân binh của các đơn vị thuộc tập đoàn quân 4, cũng là nơi thực hành các cuộc diễn tập quân sự đồng thời là căn cứ hậu cần, quân y tiền phương.

Bản thân pháo đài và 5 đồn phòng thủ xung quanh pháo đài cũng được gấp rút củng cố để trở thành khu phòng thủ vững chắc. Tuy nhiên, Quân khu đặc biệt miền Tây không kịp hoàn thành kế hoạch này. Các công trình quân sự mới chỉ được bắt đầu đổ móng thì chiến tranh đã nổ ra.

Trận phòng thủ pháo đài Brest là một trận đánh diễn ra giữa quân đội phát xít Đức với lực lượng Hồng quân Xô Viết đồn trú trong pháo đài Brest. Về cơ bản, trận phòng thủ chỉ kéo dài 9 ngày, từ ngày 22 đến ngày 30 tháng 6 năm 1941 khi quân Đức chiếm được khu trung tâm pháo đài. 

Tuy nhiên, một số trận đánh nhỏ vẫn tiếp tục nổ ra trong pháo đài đến ngày 20 tháng 7 năm 1941 bởi các nhóm sĩ quan và binh sĩ Liên Xô không đầu hàng, đã trốn dưới các hầm ngầm và tiếp tục chiến đấu. 

Đối với quân đội Đức Quốc xã thì đây là một trong những trận chiến đầu tiên của Chiến dịch Barbarossa và lực lượng Hồng quân trong trận này đã cầm giữ Pháo đài Brest lâu hơn nhiều so với dự tính của quân đội Đức Quốc xã. 

Trận pháo đài Brest đã cùng với Trận Moskva, Trận Leningrad và Trận Stalingrad được người dân Xô Viết xem là biểu tượng của sức kháng cự kiên cường trước sự tấn công của Đức quốc xã trong chiến tranh Xô-Đức. Ngày 8 tháng 5 năm 1965, pháo đài Brest được phong danh hiệu Pháo đài Anh hùng cùng với thủ đô Moskva và nhiều thành phố Liên Xô khác được phong danh hiệu Thành phố anh hùng theo một sắc lệnh của Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô.

Bộ phim Pháo đài Brest là một bộ phim lịch sử - chiến tranh Nga sản xuất năm 2010 để kỷ niệm 69 năm ngày diễn ra trận phòng thủ Brest - trận đánh mở màn cuộc chiến tranh Vệ quốc của nhân dân Liên Xô (nay là Belarus và Nga).

Năm 1941, vào lúc 4 giờ rạng sáng ngày 22 tháng 6, quân đội phát xít Đức đã phát động tấn công quân sự trên toàn Liên Xô mà không hề tuyên chiến. Những chiến sĩ bảo vệ pháo đài Brest ở biên giới đất nước, là những người hứng chịu đòn tấn công đầu tiên của kẻ thù. 

Ngày 22 tháng 6 năm 2010, bộ phim ra mắt như một sự dâng tặng cuộc chiến đấu ngoan cường bảo vệ pháo đài huyền thoại đã được công chiếu ngoài trời, trên địa bàn pháo đài Brest, nhiều năm nay đã trở thành Viện bảo tàng lịch sử quân sự. 

Khi bộ phim kết thúc, khán giả xúc động đã lấy nước sông đổ đầy chiếc mũ của người chiến sĩ Hồng quân, bức tượng với tư thế chết lặng vĩnh cửu trong nhóm tượng "Khát" trên địa phận bảo tàng.

Khi phát xít Đức tấn công Liên Xô, tại pháo đài Brest có đến gần 8 ngàn chiến sĩ Hồng quân. Họ phải đối đầu với 17 ngàn lính bộ binh và toàn bộ hỏa lực pháo binh, không quân, xe tăng của địch kéo đến biên giới Liên Xô. Quân Đức tin chắc đến trưa ngày 22 sẽ chiếm được toàn bộ pháo đài. Thế nhưng phải đến một tuần sau chúng mới phá vỡ được tuyến phòng thủ này, mà phải tấn công liên tục bằng không quân và pháo binh. Sau khi pháo đài thất thủ, các chiến sĩ Hồng quân còn sống sót tiếp tục chiến đấu ngoan cường gần một tháng nữa, những dòng chữ để lại trên các bức tường ở tầng hầm pháo đài đã chứng tỏ điều đó. "Tôi chết, nhưng quyết không chịu đầu hàng!" - dưới dòng chữ được vạch trên đá ấy là ngày tháng: 20 tháng 7 năm 1941.

Nội dung

Bộ phim tái hiện hình ảnh kiên cường bảo vệ pháo đài Brest của các chiến sĩ Hồng quân trước cuộc tấn công chớp nhoáng của quân Đức vào ngày 22 tháng 6 năm 1941.

Câu chuyện xoay quanh ba khu vực phòng thủ chính được chỉ huy bởi Trung đoàn trưởng Pyotr Mikhailovich Gavrilov, Chính ủy Yefim Moiseyevich Fomin và Chỉ huy Tiền đồn 9 - Andrey Mitrofanovich Kizhevatov.

Nhiều năm sau, cựu chiến binh Aleksandr Akimov hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp thời đó, khi ông chỉ mới 15 tuổi và đang bắt đầu một mối tình thật trong sáng, thơ ngây với cô bé Anya xinh đẹp, đột nhiên thấy mình ở giữa những sự kiện đẫm máu của chiến tranh...


Đúng 4 giờ sáng ngày 22 tháng 6 năm 2010, tại thành phố Brest (nước Cộng hòa Belarus) đã công chiếu bộ phim "Pháo đài Brest". Ngày dài nhất trong năm, được ghi trên lịch Nga là "Ngày tưởng niệm và đau buồn" đã bắt đầu như vậy.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev viết trên blog Twitter cá nhân: "Tối qua xem "Pháo đài Brest" cùng Putin. Đó là một bộ phim rất hay về Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại!".

Khi trả lời phỏng vấn trước giới truyền thông, đạo diễn Aleksandr Kott đã khẳng định chủ đề chính của bộ phim là tái hiện tất cả những nỗi khủng khiếp mà nhân dân Liên Xô đã phải trải qua trong những ngày đầu chiến tranh: "Chính tại Brest, nơi tất cả mọi thứ thể hiện rõ nét nhất - từ hỗn loạn, kinh hoàng đến lấy lại sức mạnh và sự cứng cỏi. Phim rất kiệm lời, đây là bộ phim về trạng thái. Chúng tôi giới thiệu nhân vật trong những thời điểm đau thương bi tráng nhất trong đời họ, khi người ta cần phải lựa chọn. Ở đó có những người nhát gan trở thành mạnh mẽ, và ngược lại, có những kẻ phản bội. Những người bảo vệ pháo đài bị tản mát, họ chiến đấu mà không biết là ở bên cạnh mình, cách đó 100m có ai đó còn sống và cũng đang chống cự. Nhưng chúng tôi đã nghĩ ra một phương pháp liên kết của điện ảnh, bằng cách tạo ra nhân vật cậu bé đã đi khắp nơi tìm cô bạn gái. Nhân vật này có nguyên mẫu trong thực tế là thiếu sinh quân trường quân nhạc, cậu bé Pyotr Klypa - 13 tuổi, rất nghịch ngợm và nhanh nhẹn, như người ta nói là đạn bắn không trúng. Phải nói là kết hợp phim tài liệu với nhân vật phim truyện rất khó thực hiện, bởi vì các nhân vật trong phim đều là người thật việc thật. Ngày nay, tên tuổi và ảnh của những người này được lưu giữ trong Bảo tàng lịch sử Pháo đài Brest. Còn pháo đài thì chỉ còn lại những bức tường đổ nát. Để quay phim, chúng tôi đã phải dựng lên bối cảnh đồ sộ theo các bản vẽ thiết kế pháo đài còn giữ lại được. Nhưng đây hoàn toàn không phải là một bộ phim cổ trang!".

Đạo diễn Aleksandr Kott cũng khẳng định: "Đây là một bộ phim hiện đại, được quay bằng ngôn ngữ có sử dụng kỹ xảo máy tính và kỹ thuật hỏa công. Nhưng không phải dành cho các hiệu ứng hình thức bên ngoài. Đối với tôi, điều chính yếu là để cho khán giả xem xong sẽ suy nghĩ: Mình sẽ làm gì trong trường hợp tương tự như vậy? Hiện nay cuộc sống của chúng ta quá sung sướng. Có thể thời chiến tranh người ta cũng đã sống sung sướng. Bởi vì, bỗng nhiên tất cả mọi thứ biến mất hết thì sao? Để nhớ về điều đó, sao không cho một cuộc chiến tranh nào xảy ra nữa - đó là nguyên nhân khiến chúng tôi làm bộ phim này!".

Nguồn: Wiki.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét