Thứ Hai, 8 tháng 4, 2024

Họa Bì (Bộ da vẽ) - Phần 1

Họa Bì (Bộ da vẽ)
“Họa Bì” là truyện ngắn nổi tiếng trong bộ sách “Liêu Trai Chí Dị” của Bồ Tùng Linh. Tác phẩm truyền tải các đạo lý nhân sinh sâu sắc, nhưng dưới nhãn quan của người hiện đại, lại bị lầm tưởng là câu chuyện tình lãng mạn giữa người và yêu quái. Vậy ý nghĩa đích thực đằng sau đó là gì?

Ở phía bắc Trung Quốc có một thành thị phồn hoa náo nhiệt từng được mệnh danh là “cửu triều cổ đô”, đó chính là Thái Nguyên. Xưa kia, ở nơi đây có một người học trò trẻ tuổi tên là Vương Sinh. Vương Sinh mặt mũi khôi ngô, dáng người cao ráo, là một nam sinh nho nhã anh tuấn. Nhà họ Vương rất giàu có, sở hữu hai tòa dinh cơ bề thế: một bên là chỗ ở của cả gia đình, còn một bên là thư phòng dành cho Vương Sinh chuyên tâm đèn sách.

Từ khi còn nhỏ Vương Sinh đã không phải đến trường, cha mẹ anh mời về một lão tiên sinh rất có tiếng trong vùng làm thầy giáo dạy anh học trong ngôi nhà ấy. Sau này lớn lên, Vương Sinh vẫn tiếp tục nghiệp bút nghiên, thuộc nằm lòng không ít thi thư, cũng đọc qua biết bao nhiêu kinh điển và các sách Thánh hiền. Cả nhà họ Vương đặt hy vọng vào anh, mong rằng một ngày không xa anh sẽ tham gia khoa cử, có tiền đồ rộng mở, quang minh.

Một buổi sáng mùa xuân, Vương Sinh dậy sớm, thấy bầu trời trong xanh nắng ấm, khí hậu ôn hòa, anh vô cùng cao hứng liền ra ngoài đi dạo. Gần nhà có một con sông nhỏ, dòng nước trong xanh, từng đàn cá tung tăng bơi qua bơi lại. Bên bờ tây có một ngọn đồi, trên đồi trồng rất nhiều cây và hoa. Cây tươi xanh, hoa rực rỡ, có màu đỏ, màu vàng, màu tím, các loại hoa đua nhau khoe sắc. Mỗi khi gió nhẹ thổi, cây và hoa lại phất phơ đung đưa giống như đang nhảy múa.

Vương Sinh thấy cảnh xuân tươi đẹp thì lòng cũng lâng lâng, khẽ cất lên tiếng hát.

Đột nhiên, anh phát hiện trên mặt đất có một chiếc túi. Chiếc túi này của ai? Vì sao ban nãy không thấy? Anh bèn nhặt chiếc túi lên, thấy bên trong có một bức tranh, trong tranh vẽ một người thiếu nữ quay mặt đi. Tuy không nhìn rõ, nhưng có thể đoán ra đó là một khuôn mặt vô cùng xinh đẹp. Hơn nữa, hình ảnh trên bức tranh vô cùng sống động, cảm tưởng như chỉ cần gọi một tiếng là thiếu nữ sẽ quay lại và bước ra khỏi trang giấy.

Nhìn trước ngó sau không thấy ai, trời vẫn còn sớm, vậy ai đã làm rơi chiếc túi này ở đây? Vương Sinh vô cùng yêu thích bức họa, cứ ngắm đi ngắm lại mà không biết chán, trong lòng tự hỏi: Nếu thiếu nữ quay mặt lại thì sẽ trông thế nào? Anh thầm nghĩ: Bức tranh đẹp thế này, người làm rơi chiếc túi hẳn sẽ tiếc lắm đây. Ta cứ ngồi đây đợi, xem xem có ai đến tìm đồ thất lạc hay không.

Một lát sau, từ phía xa có người bước đến, dáng vẻ trông rất vội vàng, vừa đi vừa nhìn đông ngó tây, dường như đang tìm kiếm thứ gì đó. Vương Sinh nhận ra đó là một cô gái trẻ, có lẽ chỉ mới khoảng 15, 16 tuổi. Cô nương ấy mảnh mai yêu kiều, dáng người thon thả, trên thân khoác áo vàng điểm xanh, mặc một chiếc váy trắng, trên đầu cài một bông hoa đỏ, mỗi bước đi đều duyên dáng, phong tư thoát tục khiến lòng người ngất ngây.

Khi cô gái đến gần, anh nhận ra nàng là một tiên nữ xinh đẹp tuyệt trần, đôi mắt đen nũng nịu, làn da trắng nõn nà, hai má phơn phớt hồng, đôi môi đỏ thắm trông thật là khả ái.

(Hình minh họa: Ảnh chụp màn hình video)

Cô nương ấy đã đi qua rồi mà Vương Sinh vẫn còn ngây dại nhìn theo, ánh mắt anh mải ngắm nhìn nàng đến mức cảnh vật xung quanh đều nhòa đi, trong mắt anh chỉ còn lại hình bóng một nàng thiếu nữ. Bất giác chiếc túi trong tay rơi bộp xuống đất, lúc này Vương Sinh mới định thần sực nhớ ra điều gì đó. Anh vội chạy theo cô gái: “Tiểu thư xin hãy gượm đã, xin hỏi có phải nàng đang tìm thứ này không? Đó có phải của nàng không?”

Cô gái ấy dừng lại, vừa nhìn thấy bức tranh liền mừng rỡ: “Đúng rồi, đúng là của tiểu nữ, cảm ơn huynh”.

Vị cô nương giọng thỏ thẻ oanh vàng, miệng cười chúm chím, nụ cười như hút hồn người đối diện. Vương Sinh như ngây như dại: Trên đời lại có một thiếu nữ xinh đẹp vậy sao?

Vương Sinh cảm thấy cô gái này rất giống với nhân vật trong tranh, định hỏi lại thì nàng đã xua tay: “Xin lỗi huynh, tiểu nữ phải đi gấp, không tiện nấn ná tại đây”.

Vương Sinh có phần hụt hẫng, anh tự hỏi: Cô nương xinh đẹp ấy từ đâu tới? Nàng sẽ đi về đâu? Vì sao lại vội vội vàng vàng đến thế? Trong lòng anh có biết bao thắc mắc muốn biết tất cả về nàng. Anh cũng rất muốn được cùng nàng trò chuyện, nhưng lại sợ nếu để nàng đi mất thì sẽ không còn cơ hội nào nữa. Anh vội hỏi: “Tiểu thư, xin hỏi nàng muốn đi đâu? Vì sao lại chỉ đi một mình thế này?”

Cô gái nhìn anh không đáp, ánh mắt ấy khiến anh như muốn bỏ mặc cả thế gian chỉ để theo nàng.

Vương Sinh thầm nghĩ: Nàng không biết ta là người thế nào nên mới e dè như vậy. Anh bèn nói: “Giới thiệu với tiểu thư, tôi họ Vương, sống trong nội thành. Nàng đi có một mình mà vội vàng thế, có thể cho tiểu sinh biết nàng định đi đâu không? Có lẽ tiểu sinh giúp được nàng chăng”.

Cô gái đáp: “Chuyện của tiểu nữ rất buồn, chẳng có gì vui vẻ cả. Thôi huynh đừng hỏi nữa, cảm ơn huynh”.

Vương Sinh hỏi: “Tiểu thư có chuyện gì không vui, xin cứ việc nói ra, tôi nhất định sẽ giúp nàng”.

Cô gái dừng chân lại nhìn Vương Sinh rồi nói: “Nhà tôi rất nghèo, nhưng bố mẹ tôi lại rất tham tiền, họ coi trọng đồng tiền hơn hết thảy mọi thứ trên đời. Vì tiền mà cha mẹ đã gả bán tôi cho một phú ông, họ nói: Vị phú ông này rất giàu có, dinh cơ nguy nga lộng lẫy, của ăn của để nhiều vô số, mâm vàng đĩa bạc, hải vị sơn hào thực là không thiếu thứ gì. Con được gả về nhà đó là may mắn nhất đời rồi, còn đắn đo gì nữa”.

Vương Sinh vội hỏi: “Vậy sau đó thì sao?”

Cô gái đáp: “Tôi không muốn đi, nhưng còn cách nào chứ? Tôi biết cha mẹ rất cơ cực, để kiếm được đồng tiền thật chẳng dễ dàng gì”.

Cô gái nhận thấy Vương Sinh vẫn đang lắng nghe chăm chú, liền tiếp tục kể: “Phú ông kia mua tôi về, nói là cho tôi làm tiểu thiếp nhưng thực tế lại bắt tôi làm rất nhiều việc nặng nhọc. Từ cơm nước, giặt giũ, lau dọn, đến bưng bê, bốc vác… ngày nào tôi cũng phải làm, cả khi mưa gió tuyết rơi cũng không được nghỉ. Mỗi ngày tôi đều phải dậy sớm quần quật làm việc cho đến tận đêm khuya mới được ngủ. Ấy vậy mà vợ cả của ông ta vẫn không hài lòng, ngày nào cũng kiếm cớ gây rắc rối, có lúc còn đánh tôi thậm tệ. Đến bữa thì sợ tôi ăn nhiều, giờ làm thì sợ tôi làm vẫn còn ít quá, lúc ngủ thì sợ tôi ngủ sớm, đến khi dậy lại sợ tôi dậy muộn. Tôi thường xuyên phải chịu đói chịu mệt, ngay cả lúc ốm nặng cũng không được nghỉ ngơi, nói chi đến chuyện mời thầy thuốc? Nếu còn ở lại nhà ông ta thì tôi sẽ chết mất, vì thế nhân lúc ông ta không chú ý tôi liền trốn ra ngoài”.

Vương Sinh thật không ngờ vị cô nương xinh đẹp như thế lại chịu biết bao ủy khuất, anh cảm thấy rất xót xa và tự nhủ: Nhất định ta phải giúp nàng.

Anh hỏi: “Giờ thì nàng định đi đâu? Sau này sẽ làm gì?”.

Cô gái đáp: “Tôi cũng không biết, người đi trốn thì làm sao có nơi mà định trước được? Tôi chỉ muốn rời khỏi gia đình ấy, đến một nơi càng xa càng tốt, để họ vĩnh viễn không bao giờ tìm thấy tôi”.

Anh nói: “Ngay cả đi đâu nàng cũng không biết, sao có thể thế được! Hay là thế này đi, nhà tôi cách đây không xa, vậy trước tiên cứ đến nhà tôi, nàng thấy thế nào?”

Cô gái mừng rỡ gật đầu đồng ý. Có được một cô nương xinh đẹp như vậy đi theo mình, Vương Sinh vô cùng cao hứng, liền dẫn cô gái về thư phòng.

Cô gái bước vào thư phòng, thấy giữa phòng kê một chiếc bàn, trên bàn đặt vài cuốn sách, một xấp giấy và cây bút lông, trên tường treo vài bức họa và thư pháp. Rồi nàng nhìn xung quanh, thấy trong phòng không có ai thì bèn hỏi: “Mọi người trong nhà huynh đi đâu cả rồi?”

Vương Sinh đáp: “Người nhà tôi không ở đây, họ sống ở tòa nhà phía bên kia, còn tòa bên này chỉ dành cho tôi học mà thôi”.

“Nhà huynh còn những ai nữa?”

“Cha, mẹ, một người em trai và vợ tôi”

“Ồ, huynh đã có vợ rồi sao?” - cô gái tròn mắt nhìn anh.

“Đúng vậy, là cô dâu bé từ khi chúng tôi còn rất nhỏ. Nhưng mà không xinh đẹp lộng lẫy như nàng, so với nàng thì còn kém xa. Cô ấy không đọc sách, không giỏi đàm luận thi thư, chỉ biết làm chút việc nhà và chăm sóc cha mẹ già mà thôi”.

“Cô ấy đối với chàng thế nào?”

“Đối với tôi rất chu đáo ân cần, mỗi khi thấy tôi về cô ấy thường hay hỏi những câu như: ‘Hôm nay lang quân thế nào, ăn uống có ngon miệng không, chàng nhớ chú ý giữ gìn sức khỏe…’ Những câu như thế tôi nghe đến mức nhàm tai rồi”.

Vương Sinh đưa vị cô nương đi tham quan một lượt. Tòa nhà này ngoài thư phòng thì còn có phòng ngủ, bên ngoài còn có một phòng bếp nên sinh hoạt rất thuận tiện. Vương Sinh những lúc học hành bận rộn thì không trở về với gia đình mà nghỉ lại ở đây, thi thoảng vợ anh vẫn đến đây giúp anh dọn dẹp, sắp xếp lại đồ đạc trong phòng.

Vương Sinh nói: “Nàng hãy coi như nhà mình, cứ yên tâm ở lại đây chớ có khách khí. Nếu nàng cần thứ gì, hoặc có yêu cầu gì thì đừng ngại nói với tôi”

Cô gái đáp: “Cảm ơn huynh cho tôi ở lại đây. Có điều, xin chàng chớ tiết lộ cho bất cứ ai biết, ngộ nhỡ gã nhà giàu đó biết được thì tôi sẽ gặp rắc rối mất!”

Vương Sinh vội nói: “Nàng cứ yên tâm, chuyện này tôi nhất định sẽ giữ kín, nửa lời cũng không hé răng”.

Từ đó về sau, cô gái ở cùng với Vương Sinh. Anh rất đắc ý, liền treo bức tranh thiếu nữ lên bức tường trong thư phòng, hàng ngày mỗi khi bước vào phòng anh đều ngắm bức tranh này trước tiên.

Vương Sinh có người đẹp ở bên, ngày ngày đều cùng nàng
cùng nàng chung chạ, chung vui hưởng lạc đến thâu đêm, cuộc sống thật không còn gì thú bằng. Vương Sinh ngất ngây hạnh phúc, say trong biển tình, tới mức quên hết cả bút nghiên, quên hết cả Nho gia quy củ, quên hết cả luân thường đạo lý, quên hết các đạo lý Thánh hiền, thậm chí quên luôn cả cha mẹ và thê tử ở nhà…

Từ ngày về ở trong thư phòng của Vương Sinh, cô gái không bao giờ ra khỏi cửa, Vương Sinh cũng không kể chuyện này cho bất cứ ai. Có lần về nhà thăm cha mẹ và vợ, anh chỉ nói với người nhà rằng mình đang nỗ lực học tập, ngày ngày đều rất bận rộn.

Cha mẹ thấy anh vẫn khỏe mạnh thì yên tâm cho rằng anh đã trưởng thành, ngày nào cũng chăm chỉ đèn sách chuẩn bị cho kỳ thi Hương sắp tới. Thế nhưng, thê tử của anh là Trần Thị lại bồn chồn trong dạ chẳng yên. Nàng nghĩ: Chồng ta không có người chăm sóc, không có ai giúp chàng nấu cơm, dọn dẹp, sao nói là vẫn ổn cho được? Càng nghĩ Trần Thị càng không yên lòng, liền đích thân đến thư phòng, muốn biết chồng tự chăm lo một mình ra sao.

(Hình minh họa: Vision Times)

Thấy vợ đến bất ngờ, Vương Sinh không cách nào giấu được nữa, đành phải thú nhận tất cả. Trần Thị nghe nói chồng giấu tiểu thiếp trong nhà thì bàng hoàng choáng váng, bưng mặt khóc nức nở. Trần Thị dù không muốn, nhưng ý chàng đã quyết, nàng cũng chẳng còn cách nào.

Trần Thị nghĩ: Cô gái ấy vốn là tiểu thiếp nhà phú hộ, nếu phú ông kia biết được vợ mình ẩn náu ở đây, nhất định sẽ làm to chuyện. Nghĩ vậy, nàng bèn có lời với chồng. Nhưng dù nàng có khuyên nhủ thế nào Vương Sinh vẫn không nghe, cứ nhất quyết giữ cô ấy lại. Trong lòng anh giờ chỉ có hình bóng tiên nga, lưu luyến dáng hình yểu điệu, nào có nghe lời vợ nữa đâu?

Một thời gian sau, Vương Sinh ra ngoài có chút việc, khi đang đi trên đường thì bỗng một Đạo sĩ bước đến. Đạo sĩ nhìn chằm chằm Vương Sinh một hồi lâu, sau đó lắc đầu buột miệng: “Đáng thương thay!”.

Ông lại gần hỏi Vương Sinh: “Gần đây cậu có thấy gì lạ xảy ra không? Hoặc có làm điều gì khuất tất hay không?”

Vương Sinh đáp: “Đâu có, cuộc sống của tiểu sinh vẫn rất ổn mà”.

“Vậy cậu có làm chuyện gì đặc biệt khác trước hay không? Hoặc có qua lại với người lạ nào không?”

Vương Sinh nghĩ một lát rồi lắc đầu: “Không có”.

Đạo sĩ nói: “Người cậu đầy tà khí, khắp trong ngoài đều là tà khí, sao có thể nói là không? Cậu hãy nghĩ kỹ đi, trong những ngày qua cậu có thấy thứ gì đặc biệt không, có gặp ai lạ không? Hãy nghĩ kỹ xem, không thể xuề xòa coi nhẹ mọi việc như thế được!”

Vương Sinh vẫn không hiểu ý của Đạo sĩ, ông lại nói tiếp: “Ngay từ khi vừa nhìn thấy cậu, tôi đã phát hiện tà khí xâm nhập vào bên trong cơ thể cậu rồi. Chắc chắn cậu đã gặp yêu quái, nếu cứ tiếp tục thế này thì cậu cách cái chết không còn xa nữa đâu”.

Vương Sinh cảm thấy thật nực cười. Ta đây còn rất khỏe mạnh, cuộc sống lại rất tốt, mỗi ngày đều vui vẻ sung sướng, sao có thể xảy ra vấn đề gì được? Nào đâu có tà khí? Nào đâu có yêu quái chứ? Anh không tin lời Đạo sĩ, chỉ cho là Đạo sĩ nói xằng. “Ngài đừng đùa nữa, sao có thể như vậy được?”

Đạo sĩ chép miệng than rằng: “Mê muội thay, trên đời vẫn còn có kẻ sắp chết đến nơi mà chưa chịu tỉnh ngộ!”

Nói rồi, Đạo sĩ quay người đi về phía đông. Vương Sinh thấy câu nói lạ lùng thì máy động trong lòng: Ta thực là có vấn đề gì sao? Anh cứ đăm chiêu tự hỏi, cố mường tượng lại những việc đã qua rồi đột nhiên nghĩ đến vị cô nương mà anh đưa về hôm ấy. Liệu có phải điều Đạo sĩ nói là ám chỉ việc này? Nhưng nghĩ lại, cô nương ấy xinh đẹp dịu dàng, mong manh yếu ớt, sao có thể là yêu quái được? Nàng xinh như tiên nga, những tháng ngày sống với nàng luôn khiến anh ngây ngất, ngày nào cũng là ngày hạnh phúc nhất, vậy thì có gì là hiểm họa chứ? Hơn nữa nàng rất dịu dàng với anh, luôn chiều lòng anh, sao có thể là yêu quái cho được?

Vương Sinh càng nghĩ lại càng không tin lời Đạo sĩ. Anh tự nhủ: Giới Đạo sĩ toàn mượn cớ trừ tà để kiếm ăn, nói ra những thứ yêu tinh quỷ mị để dọa người! Ta chẳng cần phải để ý đến lời ông ta nói làm gì.

***

Vương Sinh đang sống những ngày bình yên hạnh phúc, cớ sao Đạo sĩ lại thấy trên người anh có tà khí? Liệu có thực anh đã gặp yêu quái như lời Đạo sĩ nói? Và vị cô nương xinh đẹp kia có liên quan đến chuyện này hay không? Câu trả lời sẽ được hé lộ trong phần 2 của loạt truyện “Họa Bì”: Biết người, biết mặt, chẳng biết lòng.

Đoạn kết lấy trong sách “Liêu Trai Chí Dị” của Bồ Tùng Linh

Lát sau Sinh về tới nhà học, thấy bên trong đóng chặt không vào được lấy làm ngờ vực, bèn trèo qua chỗ tường lở vào thì cửa phòng cũng đóng. Sinh rón rén tới trước cửa sổ nhìn vào, thấy một con quỷ hung ác mặt xanh lè, răng chơm chởm như lưỡi cưa đang trải một tấm da nguời ra giường, lấy bút màu tô lên. Tô xong ném bút nhấc tấm da như tấm áo khoác lên người, liền biến thành cô gái. Sinh thấy thế cả sợ, bò xuống lẻn ra, vội vàng đi tìm đạo sĩ thì không biết đã đi đâu, tìm kiếm khắp nơi mới gặp ngoài đồng, quỳ xuống xin cứu mạng.

Đạo sĩ nói "Xin sẽ đuổi đi giúp ông. Con quỷ ấy cũng khốn khổ mới tìm được người thay, ta cũng không nỡ hại mạng nó”. Liền lấy chiếc phất trần đưa Sinh, dặn treo ở cửa phòng ngủ rồi từ biệt, hẹn gặp lại ở miếu Thanh Đế. Sinh về không dám tới nhà học bèn vào phòng vợ ngủ, treo phất trần lên cửa. Khoảng canh một nghe ngoài cửa có tiếng lạch cạch, không dám nhìn bèn bảo vợ ra nhìn xem. Chỉ thấy cô gái tới, thấy chiếc phất trần thì không dám bước tới nữa, đúng nghiến răng hồi lâu rồi bỏ đi. Giây lát lại quay lại mắng "Đạo sĩ chỉ dọa ta! Chẳng lẽ miếng ăn đã đến miệng lại nhả ra à?" Rồi chụp chiếc phất trần bẻ nát, phá cửa sấn vào, lên thẳng giường Sinh nằm xé bụng móc lấy quả tim bỏ đi.

Vợ Sinh la lên, tỳ nữ vào soi đèn thì Sinh đã chết, khoang bụng máu me bê bết, Trần thị sợ khóc không thành tiếng. Hôm sau sai em chồng là Nhị Lang chạy tới kể với đạo sĩ, đạo sĩ tức giận nói “Ta đã thương tình mà con quỷ này lại dám làm thế”. Lập tức theo em Sinh tới thì cô gái đã biến mất, bèn ngẩng đầu nhìn quanh rồi nói “May là nó trốn chưa xa”. Lại hỏi dãy nhà phía nam là nhà ai, Nhị Lang đáp “Đó là nhà tiểu sinh”. Đạo sĩ nói “Nó đang ở nhà ông", Nhị Lang ngạc nhiên nói là chưa hề có. Đạo sĩ hỏi "Vậy có ai không quen tới chưa?”. Nhị Lang đáp "Ta tới miếu Thanh Đế nên không biết, để về hỏi lại”.

Rồi đi một lúc thì quay lại nói "Quả là có. Sáng nay có một bà già tới xin làm thuê, vợ ta giữ lại, hiện còn ở đó". Đạo sĩ nói “Chính nó đấy”, liền cùng đi qua, cầm kiếm gỗ đứng giữa sân gọi "Yêu nghiệt ra đền phất trần cho ta!". Bà già trong nhà hốt hoảng tái mặt, ra cửa toan chạy. Đạo sĩ đuổi theo chém ngã lăn ra, tấm da người tuột xuống, bà ta hóa thành con quỷ nằm kêu rống như heo. Đạo sĩ lấy kiếm gỗ chặt đầu, thân nó biến thành đám khói dày xoáy tròn trên mặt đất. Đạo sĩ lấy ra một cái hồ lô mở nút đặt vào giữa đám khói, nghe kêu vu vu như huýt sáo, trong chớp mắt đám khói mất hết, đạo sĩ nút hồ lô lại bỏ vào túi. Cùng nhìn lại tấm da người thấy đủ cả mày mắt tay chân, đạo sĩ cuốn lại, tiếng kêu như cuốn trục tranh, cũng bỏ vào túi rồi từ biệt toan đi.

Trần thị đón lại lạy lục trước cổng, khóc lóc xin cứu chồng sống lại, đạo sĩ từ tạ là không làm được. Trần thị càng đau xót, quỳ rạp không đứng dậy, đạo sĩ ngẫm nghĩ rồi nói “Phép thuật của ta kém cỏi, thật không làm người chết sống lại được. Ta chỉ cho một người may ra có thể làm được, tới cầu chắc có kết quả”. Hỏi là ai, đạo sĩ đáp “Trong chợ có một người điên hay nằm trên đống phân, thử tới khẩn cầu xem. Nếu y buông tuồng làm nhục phu nhân, xin phu nhân cũng đừng tức giận".

Nhị Lang cũng biết người ấy bèn từ biệt đạo sĩ, cùng chị dâu đi tìm. Thấy người ăn mày đang ngu ngơ ca hát trên đường, nước mũi lòng thòng, vô cùng bẩn thỉu. Trần thị lê gối tới trước mặt, quỳ xuống. Y cười nói “Người đẹp yêu ta à?", Trần thị kể mọi chuyện xong y lại cười lớn nói "Ai cũng làm chồng được mà, cứu sống lại làm gì?”. Trần thị cố kêu van, y nói “Lạ thật, ai đâu chết mà nhờ ta cứu sống, ta là Diêm Vương à?", rồi tức giận lấy gậy đánh Trần thị.

Trần thị cắn răng chịu đau, người trong chợ dần xúm lại xem đông nghẹt. Người ăn mày khạc một vốc đờm vào tay rồi dí vào miệng Trần thị nói “Ăn đi!". Trần thị đỏ bừng mặt tỏ vẻ ngần ngại, nhưng nhớ lại lời đạo sĩ dặn bèn nhắm mắt nuốt vào, tới cổ họng thấy vướng như nắm bông, nghèn nghẹn trôi xuống rồi dừng lại ở ức không xuống nữa. Người ăn mày cười lớn nói "Người đẹp yêu ta thật!" rồi đứng lên đi thẳng không ngoái lại. Trần thị theo sau thấy y vào trong miếu, bước mau theo để khẩn cầu thì không biết y đã đi đâu mất, tìm khắp trước sau không thấy tăm hơi đành vừa thẹn vừa giận trở về.

Đã xót chồng không may chết thảm, lại hối mình chịu nhục nuốt đờm, ôm mặt kêu khóc chỉ muốn chết ngay. Kế chùi máu liệm xác chồng, người nhà cứ đứng xa nhìn không ai dám tới gần, Trần thị ôm thây nhặt ruột, vừa xếp vừa khóc. Khóc đến lúc thất thanh chợt cái vật vướng trong ức trào ra, chưa kịp quay đi nó đã rơi vào trong khoang bụng xác chết. Hoảng sợ nhìn lại thì là một quả tim người đang đập thon thót, hơi nóng bốc nghi ngút như khói, lấy làm lạ vội lấy hai tay khép bụng chồng lại, cố sức giữ chặt, hơi nới tay thì hơi nóng từ khe hở bốc ra, bèn xé lụa buộc mau lại. Sờ vào xác chồng thấy dần dần ấm lại bèn lấy chăn đắp lên, nửa đêm mở ra xem thì thấy mũi có hơi thở.

Đến sáng thì Sinh sống lại, nói vừa giật mình như nằm mơ tỉnh dậy, chỉ thấy bụng nhoi nhói đau. Nhìn lại chỗ bị xé rách thấy đóng vẩy to như đồng tiền, sau dần lành lại.

Dị Sử thị nói: Người đời ngu thay! Rõ ràng là yêu quái mà cho là người đẹp. Người ngu mê muội thay! Rõ ràng là lời ngay mà cho là nói bậy. Nhưng mê đắm sắc đẹp mà muốn chiếm lấy, thì vợ cũng phải chịu cái nhục nuốt đờm của người khác. Đạo trời tuần hoàn, nhưng người ngu vẫn mê muội không tỉnh ngộ, đáng thương lắm thay.


Họa bì (tiếng Hoa: 画皮; bính âm: Huà Pí, tiếng Anh: Painted Skin) là một bộ phim điện ảnh thuộc thể loại chính kịch/hành động/võ thuật của Hồng Kông - Trung Quốc năm 2008 do Trần Gia Thượng làm đạo diễn kiêm sản xuất và viết kịch bản, dựa trên một câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết cổ điển Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Tác phẩm có sự góp mặt của các diễn viên gồm Trần Khôn, Châu Tấn, Triệu Vy, Tôn Lệ, Chân Tử Đan và Thích Ngọc Vũ.[1]

Phim chính thức ra rạp vào ngày 26 tháng 9 năm 2008 tại Trung Quốc.

Thời Tần Hán, tướng Vương Sinh (Trần Khôn) thống lĩnh đội quân chiến đấu với thổ phỉ sa mạc Tây Vực. Trong một cuộc truy sát, anh đã cứu sống một mỹ nhân tên là Tiểu Duy (Châu Tấn) và đưa cô về nhà mình cưu mang. Tiểu Duy thực chất là một con hồ ly tinh phải ăn tim của con người để sống; công việc lấy tim người do tắc kè tinh (Thích Ngọc Vũ) đảm nhiệm vì hắn ta vốn yêu Tiểu Duy.

Tiểu Duy đem lòng yêu Vương Sinh và cảm thấy ghen tỵ khi nhìn thấy Vương Sinh rất mực yêu vợ là Bội Dung (Triệu Vy). Vương Sinh bị Tiểu Duy dùng ma thuật khiến bản thân thường tơ tưởng ái ân cùng mỹ nữ khi ngủ. Nhưng thực tâm vẫn một lòng chung thủy với Bội Dung. Phần Bội Dung, cô nhận ra Tiểu Duy không phải là cô gái bình thường nhưng Vương Sinh lại bênh vực hồ li.

Từ khi có Tiểu Duy, địa bàn của Vương Sinh xảy ra hàng loạt vụ giết người thê thảm, người chết thường mất quả tim. Nghi ngờ đó là do Tiểu Duy, Bội Dung đã tìm Bàng Dũng (Chân Tử Đan) – một kiếm khách võ nghệ cao cường, từng là người yêu của cô để nhờ diệt hồ ly tinh. Bàng Dũng cùng nữ pháp sư Hạ Băng (Tôn Lệ) vào cuộc truy lùng tìm diệt hồ ly. Hạ Băng đã dùng mọi cách khiến Tiểu Duy phải hiện nguyên hình nhưng với phép thuật cao cường, Tiểu Duy đã không để Hạ Băng phát hiện ra. Một lần tắc kè tinh đã giết chết một quân lính của Vương Sinh, Bàng Dũng bị nghi oan vì quân lính chết ngay trước mặt Bàng Dũng. Vương Sinh vốn có hiềm khích với Bàng Dũng vì cùng yêu Bội Dung nên nghi oan Bàng Dũng chính là thủ phạm giết người hàng loạt.

Một buổi tối Bội Dung đến tìm Tiểu Duy, đúng lúc hồ ly lột da hiện nguyên hình là một yêu tinh với đầy giòi bọ trên cơ thể, Bội Dung sợ hãi bỏ chạy. Sau đó cô quay lại một lần nữa và lại chứng kiến Tiểu Duy moi tim một vị tướng họ Cao của Vương Sinh ăn ngay trước mặt cô. Bằng tình yêu đối với phu quân và không muốn để xảy ra các vụ giết người cướp tim tiếp theo, Bội Dung đồng ý cho Tiểu Duy biến mình thành một yêu tinh tóc trắng, hai mắt nhỏ dòng máu đỏ khiến mọi người cho rằng cô là yêu tinh, giết cô để Tiểu Duy có thể trở thành Vương phu nhân như ý hồ ly muốn.

Tuy nhiên sau đó Bàng Dũng lại cứu lấy Bội Dung chạy đến nơi treo quan tài những người bị moi tim mà chết, và hứa với cô sẽ tiêu diệt hồ ly để cứu cô. Vương Sinh cũng tìm đến nơi đó, các quân lính của Vương Sinh một mực đòi giết yêu quái – tức Bội Dung hiện tại – để trả thù cho vị tướng họ Cao kia. Bội Dung đã tự sát ngay trước mặt Vương Sinh, Vương Sinh tiếc nuối vô cùng. Tiểu Duy khi đó cũng đã cảm nhận được tình yêu vô cùng sâu đậm mà Vương Sinh dành cho Bội Dung đến nỗi không tránh nhát đao của Bàng Dũng dẫn đến việc bị lộ thân phận là yêu quái của mình. Vương Sinh vỡ lẽ, quỳ gối trước mặt Tiểu Duy và xin cô mang Bội Dung trở lại. Trước khi tự sát, Vương Sinh tiết lộ đã yêu Tiểu Duy khiến cô day dứt rung động. Tiểu Duy định dùng linh khí của mình để cứu sống Vương Sinh, đồng nghĩa với việc cô sẽ phải hy sinh. Tuy nhiên bị tắc kè tinh ngăn cản, và một cuộc chiến khốc liệt xảy ra.

Cuộc chiến giữa người và yêu diễn ra đến đỉnh điểm. Bội Dung, Vương Sinh, Bàng Dũng và tắc kè tinh đều chết, chỉ còn nữ pháp sư và hồ ly tinh sống. Vì quá yêu Vương Sinh, Tiểu Duy đã hy sinh tính mạng của mình để cứu sống Vương Sinh cũng như tất cả mọi người. Tiểu Duy tan biến, tất cả mọi người đều sống lại, cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Bàng Dũng cùng Hạ Băng đi tìm diệt yêu quái, còn Vương Sinh và Bội Dung lại tiếp tục cuộc sống hạnh phúc bên nhau.

Diễn viên
Chân Tử Đan trong vai Bàng Dũng (龐勇)
Châu Tấn trong vai Tiểu Duy (小唯)
Trần Khôn trong vai Vương Sinh (王生)
Triệu Vy trong vai Bội Dung (佩蓉)
Tôn Lệ trong vai Hạ Băng (夏冰)
Thích Ngọc Vũ trong vai Tiểu Dịch (tắc kè tinh) (小易)

Doanh thu của Họa bì đã vượt qua 100 triệu nhân dân tệ, tương đương 14 triệu USD trong vòng sáu ngày sau khi phát hành. Nó đã tạo ra một kỷ lục mới trong nền điện ảnh Trung Quốc.[2]

Trang web Văn học điện ảnh đã đánh giá Họa bì là: "Tạo hình nhân vật, bối cảnh, diễn xuất, nhịp điệu màu sắc cảnh vật và lựa chọn tông màu hình ảnh của Họa bì cho thấy sự tích hợp của các yếu tố văn hóa Trung Hoa và phương Tây. Mặt khác, khâu thiết kế mỹ thuật đã biến hình ảnh trở nên lộng lẫy, mang đậm yếu tố thời đại. Hình ảnh khi thì thể hiện sự quyến rũ của một bức tranh cổ điển, khi thì mông lung mộng ảo, khi thì ma mị một cách lạ thường. Sự kết hợp của các đặc điểm văn hóa dân tộc ngầm trong cách kể chuyện và phong cách thời trang là một điểm nổi bật của bộ phim."

Năm 2011, đạo diễn Trần Gia Thượng tuyên bố rằng phần phim tiếp theo sẽ được sản xuất, và Trần Khôn, Châu Tấn và Triệu Vy sẽ góp mặt trở lại, ngoại trừ Chân Tử Đan. Các diễn viên khác như Dương Mịch, Phùng Thiệu Phong và Tiên Cẩm Hi lần lượt gia nhập vào dàn diễn viên của phim. Tiên Cẩm Hi được chọn đóng vai cha của nhân vật Trần Khôn, trong khi Dương Mịch và Thiệu Phong sẽ vào vai một cặp tình nhân. Trần Gia Thượng đã chọn Dương Mịch và Thiệu Phong vì sự nổi tiếng của họ trong loạt phim truyền hình năm 2011 Cung tỏa tâm ngọc.

Phần tiếp theo, Họa bì 2, được phát hành vào năm 2012. Bộ phim đã thu về 115,7 triệu USD và nhanh chóng trở thành bộ phim nội địa có doanh thu cao nhất tại Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét