Thứ Ba, 9 tháng 4, 2024

Họa Bì (Bộ da vẽ) - Phần 2

Họa Bì (Bộ da vẽ) - Phần 2
Vương Sinh về đến nhà thì thấy cổng đóng then cài. Lạ thật, cô nương cả ngày đều ở nhà, sao lại phải khóa trái cổng thế này? Không còn cách nào, anh đành phải trèo tường vào trong.
Vương Sinh nhòm qua cửa sổ, thấy con quỷ đang tô vẽ lên tấm da người (Ảnh: Wikipedia)

Nhưng vào trong lại thấy cửa phòng cũng khóa. Sao kỳ lạ như vậy? Người còn ở trong, sao phải khóa trái cửa? Có gì khuất tất chăng?

Lúc này anh mới giật mình cảm thấy có điều đáng ngờ, bèn rón rén tới trước cửa sổ nhòm vào. Nhìn vào trong, thấy bức tranh thiếu nữ treo trên tường của vị cô nương hôm nào. Nhưng lạ chưa, thiếu nữ trong tranh đã quay mặt lại.

Lại nhìn sang bàn sách, anh kinh ngạc há miệng chết lặng một hồi lâu… Cảnh tượng trước mắt khiến anh kinh hồn khiếp đảm!

Đứng bên bàn là một con quỷ! Con quỷ ấy nửa thân trên đen sì, nửa thân dưới trắng toát, mặt xanh như tàu lá, mắt đỏ lòm như máu, răng vàng khè nhọn hoắt, lởm chởm thò ra khỏi miệng như lưỡi cưa, bên khóe miệng chảy ra thứ nước dãi màu vàng sẫm.

Con quỷ trải một bộ da người lên mặt bàn rồi cầm bút tô tô vẽ vẽ. Sau một hồi tô vẽ, nó nhấc bộ da lên ngắm nghía, hết nhìn trái lại nhìn phải, nhìn xa rồi nhìn gần, đến lúc cảm thấy hài lòng mới tung bộ da lên người như khoác một chiếc áo. Chỉ trong chớp mắt con quỷ đã biến thành vị cô nương khả ái ngọt ngào!



Vương Sinh sợ hãi đến mức mặt trắng bệnh, chân tay rụng rời, toàn thân run rẩy, hai chân lảo đảo như sắp ngã. Anh thật không ngờ cái bộ mặt gớm ghiếc ấy lại có thể hóa trang thành dung nhan kiều diễm, cái hình thù ma quái ghê tởm kia lại có thể biến thành tiên nga! Thì ra phía sau đôi môi đào chúm chím, sau ánh mắt đưa tình ấy lại là yêu quái mặt xanh nanh vàng!

Nghĩ rằng vị cô nương mà anh mặt ấp tay gối, ngày ngày cùng chung chạ chiếu chăn lại là yêu tinh quỷ mị, anh chợt thấy rờn rợn sống lưng, toàn thân lạnh toát. Anh sợ hãi đến cùng cực, chỉ mong sao có thể biến ngay khỏi đây, chạy trốn khỏi nanh vuốt của quỷ dữ.

Định thần lại, Vương Sinh sực nhớ tới lời Đạo sĩ, đến lúc này anh mới hiểu được dụng ý của ông. Anh nhón chân lẻn ra ngoài và chạy như bay đi tìm Đạo sĩ. Chỉ có ông mới cứu được anh. Nhưng biết tìm ông ở đâu đây?

Anh điên cuồng chạy khắp nơi: trong thành, ngoài chợ, bên bờ sông… nhưng tìm khắp cả đông tây nam bắc mà không thấy bóng dáng Đạo sĩ. Cuối cùng, khi đến gần miếu Thanh Đế anh mới may mắn gặp lại tôn nhan.

Vương Sinh hổn hển gọi: “Đạo sĩ, xin hãy cứu tiểu sinh!”

Đạo sĩ vuốt chòm râu mỉm cười: “Ta biết thể nào cậu cũng đến tìm ta mà. Cậu không cần lo lắng, đã có ta ở đây, cứ thong thả mà nói”.

Vương Sinh vội quỳ xuống: “Quả đúng ả ta là yêu quái! Cầu xin ngài hãy cứu vãn sinh”.

Đạo sĩ đáp: “Con quỷ ấy thật không dễ dàng mới tìm được con mồi thay thế. Ông Trời có đức hiếu sinh, ta cũng không nỡ hại mạng nó, vậy ta sẽ nghĩ cách đuổi nó đi giúp cậu”.

Nói rồi, Đạo sĩ liền đưa cây phất trần trong tay cho Vương Sinh, dặn Vương Sinh về nhà treo cây phất trần lên trước cửa phòng ngủ, con yêu quái ấy hễ nhìn thấy thì sẽ sợ hãi bỏ chạy.

Trước khi cáo từ, Đạo sĩ dặn Vương Sinh rằng nếu sau này có gì cần giúp đỡ thì hãy đến miếu Thanh Đế tìm ông.

(Tranh Bình Minh)

Vương Sinh vẫn chưa hết kinh hồn bạt vía, không dám quay lại thư phòng lần nữa. Anh vội về nhà kể hết mọi chuyện cho vợ anh là Trần Thị nghe. Sau đó, hai người làm theo lời căn dặn của Đạo sĩ, treo cây phất trần lên cửa phòng ngủ, rồi ở lì trong đó không dám ló mặt ra ngoài.

Đến canh một đêm ấy, bỗng nghe thấy có tiếng động lạ bên ngoài, Vương Sinh run rẩy thu mình vào một góc không dám ra mở cửa. Dưới ánh trăng dát bạc, Vương Sinh nhìn qua khung cửa thấy bóng hình vị cô nương ấy. Cô gái vẫn xinh đẹp mỹ miều, vẫn yêu kiều khả ái, nhưng giờ đây vẻ đẹp ấy lại khiến anh rùng mình ớn lạnh. Cô gái bước đến trước phòng ngủ, vừa định tiến vào thì bỗng “Á” lên một tiếng rồi lùi lại. Thì ra là sức mạnh phát ra từ chiếc phất trần trên cửa. Nhìn thấy cây phất trần cô ả liền nghiến răng ken két, hai mắt đỏ ngầu vì giận dữ.

Cô gái đứng rất lâu bên ngoài cửa, không dám tiến vào nhưng cũng không chịu rời đi. Cô ả ngẫm nghĩ một lát rồi lên tiếng: “Vương Sinh chàng ơi, đã lâu không gặp, chàng không còn muốn thiếp nữa ư? Chẳng lẽ chàng nhẫn tâm bỏ thiếp mà đi hay sao?”

Cô ả lại gọi tên Vương Sinh hết lần này tới lần khác, nhưng anh không dám ló mặt ra, cũng không dám trả lời.

Thấy Vương Sinh không chịu ra, cô ả lại cố níu kéo: “Vương Sinh chàng à, hai ta đã có bao nhiêu ngày ân ái bên nhau, chẳng lẽ chàng quên cả rồi sao? Người ta chỉ nói với chàng vài câu mà chàng đã không còn muốn thiếp nữa, sao chàng thay lòng đổi dạ nhanh quá vậy?”

Dứt lời, cô ả lại khóc thút thít.

Vương Sinh đã có phần hoảng loạn, toàn thân run rẩy không cách nào bình tĩnh lại được. Trần Thị vội chạy đến bên chồng trấn an: “Lang quân, đã có thiếp ở đây, cho dù chuyện gì xảy ra thiếp cũng sẽ ở bên chàng, sẽ không rời chàng nửa bước”.

Nép mình trong vòng tay của vợ, Vương Sinh dần dần trấn tĩnh lại, cố gắng bỏ ngoài tai những lời nỉ non đường mật của yêu nữ.

Yêu nữ thấy Vương Sinh nhất quyết không ra, bèn nghiến răng nghiến lợi mắng: “Gã Đạo sĩ thối tha nhà ngươi, ngươi dám làm hỏng chuyện của ta, ta cũng không khách khí nữa! Miếng ăn đã lên đến miệng chẳng lẽ ta lại nhả ra dễ dàng như thế sao? Hừ, hãy xem đây!”

Dứt lời, yêu nữ cố chịu đau giật cây phất trần xuống bẻ nát đi, sau đó đạp cửa sấn vào, lên thẳng giường xé toạc bụng Vương Sinh, móc lấy quả tim rồi bỏ đi.

Trần Thị sợ hãi la lên. Người nhà nghe thấy tiếng hét thất thanh thì lục đục soi đèn chạy tới. Đến nơi thì Vương Sinh đã chết, chỉ thấy bụng mở phanh ra, máu me bê bết, Trần Thị ở bên cạnh mặt cắt không còn giọt máu, đứng chết lặng rồi ngã vật xuống đất…

Sáng hôm sau khi ánh mặt trời còn chưa ló rạng, Trần Thị liền nhờ em chồng là Nhị Lang đi tìm Đạo sĩ. Nhị Lang đến miếu Thanh Đế và kể lại hết thảy mọi chuyện. Đạo sĩ nghe xong tức giận nói: “Yêu nghiệt thật không biết điều! Ta đã thương tình cho ngươi cơ hội sống mà nhà ngươi lại dám làm càn. Nhà ngươi tàn hại sinh linh, tất sẽ không tránh khỏi bị Trời trừng phạt, hôm nay ta sẽ thay Trời hành Đạo!”

Đạo sĩ cầm thanh kiếm gỗ, theo Nhị Lang đến nhà họ Vương.

Bạn đọc thân mến, bạn có biết vì sao Đạo sĩ lại mang kiếm gỗ đi diệt yêu quái, mà không phải là kiếm báu, kiếm ngọc, kiếm vàng như trên phim ảnh không?

Trong “Phong Thần Diễn Nghĩa” có câu chuyện kể rằng, năm xưa trên núi Chung Nam có vị Tiên đã tu luyện ngàn năm tên là Vân Trung Tử. Một ngày kia, Vân Trung Tử xách giỏ đi hái thuốc bỗng thấy yêu khí ngùn ngụt bốc lên từ phía thành Triều Ca của nhà Thương, liền than thở: “Con hồ ly tinh đã nhập vào xác người tác quái, nếu không sớm diệt trừ thì nhân gian sẽ lắm chuyện khổ đau”.

Than rồi liền gọi học trò là Kim Hà đồng tử đến bảo: “Con đi bẻ cho ta một khúc cây tòng khô để ta đẽo chiếc gươm trừ yêu”.

Kim Hà đồng tử hỏi: “Sao sư phụ không dùng guơm báu chém yêu cho dứt hậu hoạn?”

Vân Trung Tử đáp: “Hồ ly ngàn năm, nếu không phải là gỗ khô ngàn năm thì không thể động đến hình thần của nó”.

Sau đó, Vân Trung Tử liền mang theo kiếm gỗ đến Triều Ca diệt trừ hồ yêu.

Kể đến đây có lẽ bạn đọc đã minh bạch cả rồi, vậy chúng ta hãy trở lại với vị Đạo sĩ và câu chuyện còn dang dở.

Khi Đạo sĩ đến dinh thự của nhà họ Vương thì yêu nữ đã biết mất, Đạo sĩ nhìn quanh rồi nói: “May mà nó trốn chưa xa”.

Đạo sĩ lại chỉ tay về phía nam và hỏi dãy nhà kia của ai, Nhị Lang đáp: “Đó là nhà tiểu sinh”.

Đạo sĩ nói: “Yêu quái đang trốn ở nhà cậu đó".

Nhị Lang tròn xoe mắt ngạc nhiên: “Yêu quái sao có thể trốn ở nhà tôi được?”

Đạo sĩ hỏi: "Vậy sáng nay có người lạ nào tới nhà cậu không?”.

Nhị Lang đáp: "Tiểu sinh tới miếu Thanh Đế từ sớm nên không biết chuyện ở nhà, để tôi về hỏi lại vậy”.

Lát sau Nhị Lang quay lại nói với Đạo sĩ: “Trong nhà tiểu sinh quả là có người lạ. Sáng nay có một bà già tới xin làm thuê, vợ tôi bảo là không cần thêm người giúp việc nữa, nhưng nói thế nào bà ta cũng không chịu đi, hiện vẫn còn ở đó".

Đạo sĩ nói: “Chính nó đấy, mụ ta chính là yêu quái đấy!”

Đạo sĩ lập tức đến nhà Nhị Lang, giơ thanh kiếm gỗ lên gọi lớn: "Yêu nghiệt, ra đền phất trần cho ta!"

Bà già trốn ở trong phòng nghe thấy tiếng Đạo sĩ thì hốt hoảng tái mặt, ra cửa toan chạy trốn. Đạo sĩ hét lên một tiếng rồi đuổi theo, chém bà già ngã lăn ra, tấm da người cũng tuột xuống. Bà ta liền hiện nguyên hình là một con yêu quái gớm ghiếc, nằm bò dưới đất kêu rống như heo.

Đạo sĩ lấy kiếm gỗ chặt đầu, thân yêu quái liền biến thành làn khói xoáy tròn trên mặt đất. Ông lại lấy ra bầu hồ lô, mở nút đặt xuống sàn, “vù vù vù”, chỉ trong chớp mắt làn khói bị hút hết vào trong, sau đó ông nút hồ lô lại rồi bỏ vào túi. Người trong nhà chạy xúm lại xem thì thấy tấm da người vẽ đủ cả tay chân mặt mũi, ai nấy đều sợ hãi không thốt nên được lời nào. Đạo sĩ cuốn tấm da lại như cuốn tranh, bỏ vào ống tay áo rồi từ biệt toan đi.

Trần Thị vội vã quỳ xuống trước cổng, khóc lóc thỉnh cầu Đạo sĩ cứu sống Vương Sinh. Đạo sĩ lắc đầu từ tạ, Trần Thị lại càng đau xót, quỳ rạp hồi lâu không đứng dậy.

Đạo sĩ thở dài nói: “Thương thay, thương thay, chỉ tiếc là pháp lực của ta kém cỏi, không cách nào làm người chết sống lại được”.

Rồi ngẫm nghĩ một lát, ông nói tiếp: “Nay ta chỉ cho phu nhân một người may ra có thể làm được, chỉ có điều…”

***

Yêu quái biết mình đã để lộ chân tướng, bèn mổ bụng Vương Sinh cướp lấy quả tim rồi bỏ đi. Theo lời Đạo sĩ chỉ dẫn thì chỉ duy nhất một bậc cao nhân mới có thể cứu Vương Sinh sống lại, vậy đó là ai? Mời quý độc giả đón xem phần 3, cũng là phần cuối của loạt truyện “Họa Bì”: Rượu là độc xuyên dược, sắc là dao cạo xương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét