Thứ Ba, 9 tháng 4, 2024

Dựa vào Mỹ để cải cách, Nga đã sai lầm chiến lược như thế nào ?

Dựa vào Mỹ để cải cách, nước Nga đã sai lầm chiến lược như thế nào ?
Ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, giới lãnh đạo ở Washington tuyên bố Mỹ là "người chiến thắng" còn Nga là "kẻ chiến bại" trong Chiến tranh lạnh. Chính vì thế, Mỹ luôn buộc Nga phải chấp nhận sự sắp đặt của Washington trong trật tự thế giới đơn cực sau Chiến tranh lạnh và hoàn toàn phớt lờ các lợi ích chính đáng của Nga như một quốc gia có chủ quyền.

Giai đoạn có nghĩa quyết định chiến thắng của Mỹ trong chiến lược diễn biến hòa bình diễn ra từ giữa những năm 1980. Trong giai đoạn này, Mỹ thực hiện hai dự án chiến lược là Dự án Harvard và Dự án Houston.

Dự án Harvard được thực hiện trong những năm Liên Xô tiến hành công cuộc "cải tổ" nhằm làm tan rã Đảng cộng sản Liên Xô và Liên bang Xô Viết. Còn Dự án Houston nhằm làm tan rã nước Nga thành nhiều khu vực chịu sự kiểm soát của Mỹ và đồng minh.

Giúp Mỹ đắc lực để hiện thực hóa Dự án Harvard là các điệp viên ảnh hưởng của Phương Tây đã từng chui sâu, leo cao lên vị trí lãnh đạo cao nhất trong Đảng Cộng sản Liên Xô.

Chính vì thế, quá trình "cải tổ" ở Liên Xô trùng với một trong những giai đoạn trong Dự án Harvard, diễn ra dưới sự điều hành của Mikhail Gorbachev trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô cùng cố vấn đắc lực của ông ta là Alexander Yakovlev, điệp viên của Mỹ.

Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Gorbachev và Yakovlev hiện nguyên hình "kẻ phản bội" Liên Xô. Năm 2001, trong Lời giới thiệu cuốn "Sách đen về chủ nghĩa cộng sản",
 Yakovlev thừa nhận: "Mục tiêu của cải tổ là xóa bỏ hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản Liên Xô và nhà nước Xô Viết".

Ngày Pu-tin lên ngôi

Mikhail Gorbachev tin rằng, từ bỏ chủ nghĩa xã hội và đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, nước Nga sẽ được hội nhập vào nền "văn minh Phương Tây", sẽ cùng với các nước tư bản như Đức, Pháp, Anh và Italia xây dựng "ngôi nhà chung Châu Âu"!

Còn Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga là Boris Yeltsin, trong chuyến thăm Mỹ ngày 17/6/1992, có bài phát biểu trước Quốc hội nước này, chính thức tuyên bố nước Nga tự nguyện từ bỏ chủ nghĩa cộng sản và hội nhập vào thế giới tự do đứng đầu là Mỹ.

Với chủ trương hợp tác toàn diện với Phương Tây, Tổng thống Yeltsin mời các chuyên gia và cố vấn kinh tế, chính trị và an ninh của Mỹ tới Moscow để giúp Nga tiến hành chương trình cải cách toàn diện theo mô hình chủ nghĩa tư bản.

Với sự "giúp đỡ" của các chuyên gia Mỹ, đứng đầu là Giáo sư Jeffrey Sachs thuộc Đại học Havard và là cố vấn đặc biệt của ông Yelsin, chính phủ Nga tiến hành chương trình cải cách toàn diện mang tên "liệu pháp sốc" để đưa nước Nga phát triển tăng tốc và hội nhập vào Phương Tây.

Trong đó, nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bị xóa sổ hoàn toàn và chuyển sang nền kinh tế thị trường tự do không giới hạn; xóa bỏ hệ thống chính trị Xô Viết để xây dựng thể chế chính trị mới; xóa bỏ lịch sử hàng ngàn năm văn hiến của nước Nga, trong đó có lịch sử thời Xô Viết.

Ngoài ra, cũng với sự "giúp đỡ" của các cố vấn pháp lý Mỹ, Hiến pháp Liên bang Nga được soạn thảo với tốc độ "chóng mặt" trong 3 tháng và có hiệu lực từ ngày 25/12/1993. Đáng chú ý là bản Hiến pháp năm 1993 đã tước bỏ chủ quyền của nước Nga.

Thí dụ, không có điều khoản nào hiến định Liên bang Nga có quyền kế thừa vị thế của Liên Xô; Khoản 4 Điều 15 quy định đặt luật pháp quốc tế lên trên Hiến pháp Nga; Khoản 1 Điều 62 quy định công dân Nga được phép có quốc tịch nước ngoài.

Lợi dụng điều khoản này, hàng loạt quan chức chính phủ Nga từ trung ương tới địa phương cũng như trong Quốc hội Nga có hai quốc tịch và được sở hữu tài sản cá nhân tại ở nước ngoài. Đây chính là "gót chân Achilles" trong nền chính trị của Nga để Mỹ và các nước Phương Tây ra sức lợi dụng nhằm thực hiện các biện pháp cấm vận chống lại Nga.

Dựa vào Mỹ để cải cách nước Nga là sai lầm chiến lược của Tổng thống Yeltsin, đã đưa nước Nga lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh và đứng trước nguy cơ tan rã như toan tính của Mỹ. Năm 1996, uy tín của ông Yeltsin giảm xuống chỉ còn 3%.

Ngày 21/08/1998, Hạ viện Nga với 248 phiếu thuận trong tổng số 450 nghị sĩ đề nghị Boris Yeltsin từ chức. Ngày 15/5/1999, Duma quốc gia Nga tiến hành cuộc họp luận tội Yeltsin với cáo buộc ông có tội trong các sự kiện dẫn tới tan rã Liên Xô, gây ra chiến tranh Chechnya, làm suy yếu quân đội Nga và gây ra thảm họa sụt giảm dân số.

Trong bối cảnh "nước sôi lửa bỏng" đó, tháng 8/1999, Tổng thống Boris Yeltsin quyết định bổ nhiệm Vladimir Putin - Cục trưởng Cục An ninh Liên bang Nga - làm Thủ tướng Nga, chính thức đưa ông Putin bước lên vũ đài chính trị Điện Kremlin.

Chỉ bốn tháng sau, ngày 31/12/1999, ông Yeltsin tự nguyện trao chức vụ Quyền Tổng thống Nga cho Vladimir Putin theo quy định của Hiến pháp, với hy vọng "con người này sẽ cứu nước Nga" trước nguy cơ tan rã.

Tuy nhiên, quyết định có ý nghĩa lịch sử này của ông Yeltsin còn theo đuổi một toan tính khác: Vladimir Putin sẽ bảo đảm cho ông không bị luận tội sau khi nghỉ hưu. Đúng như dự tính, văn kiện đầu tiên mà Quyền Tổng thống Vladimir Putin ký là Sắc lệnh bảo đảm chế độ nghỉ hưu an toàn cho Boris Yeltsin.

Nguồn: FB Đại tá Lê Thế Mẫu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét