Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2024

Chuyện người yếu thế

Chuyện người yếu thế
Có tuổi rồi, cả cuộc đời được hưởng thụ nhiều rồi nên bây giờ tôi ít quan tâm đến tiền bạc và các loại vật chất; càng về già càng ăn đơn giản và sống giản dị.
Nhìn cái ảnh dưới đây tôi nhớ đến vài lần cho tiền người ăn xin trên phố hay người xin tiền mua vé ở các bến xe buýt. Sau khi nhận được tiền, họ liền bỏ đi, còn tôi thì bị những người xung quanh chê cười vì cho tiền sai đối tượng. Họ bảo những người xin tiền này ngày nào cũng qua lại xin tiền ở đó, đều không phải là người nghèo, người khuyết tật hay người cơ nhỡ…. Họ chỉ là những người lười nhác, ích kỷ.

Tôi không thấy tiếc vài đồng tiền nhỏ cho những người này nhưng tôi nghĩ nếu những người khuyết tật họ biết tôn trọng danh dự của mình họ cũng sẽ trở thành những người tàn nhưng không phế, còn những kẻ ích kỷ lười nhác như họ cho dù lành lặn về thân thể nhưng họ vẫn rách nát về nhân cách, và như thế thì cần gì phải mất thời giờ phê phán hay suy nghĩ về họ.

Khi dạy sinh viên, tôi thường nói công bằng là phân chia thành quả lao động sao cho ai cũng vui lòng. Điều này có nghĩa là (i) phải phân chia theo nguyên tắc người làm nhiều, cống hiến nhiều thì được hưởng nhiều, người làm ít, cống hiến ít thì được hưởng ít, và (ii) phải tính đến lợi ích của những người yếu thế trong xã hội.

Người yếu thế là những người ốm yếu, người già, người khuyết tật, người cô đơn, trẻ em, người ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới hải đảo, người đầu óc không bình thường như những người xin tiền kể trên. Yếu thế không phải lỗi ở họ, mà do tự nhiên hay điều kiện xã hội sinh ra thế; bản thân họ cũng không muốn là người yếu thế nhưng họ không thể và không có cơ hội thoát ra được tình trạng yếu thế.

Còn chúng ta may mắn hơn họ nên không bị yếu thế, và do đó chúng ta có thể khai thác mọi nguồn lực chung của cả đất nước, nhất là tài nguyên thiên nhiên, để làm giầu, thì chúng ta phải có trách nhiệm san sẻ lợi ích kiếm được với người yếu thế.

Mọi của cải chúng ta có đều từ tài nguyên thiên nhiên mà ra. Chúng ta ở Hà Nội, ở Sải Gòn…, chúng ta có tài nguyên thiên nhiên gì ? Chẳng có gì cả. Tất cả điện nước gỗ sắt, xi măng, lương thực thực phẩm… đều từ trung du miền núi đưa về và chúng ta được hưởng hết, trong khi chủ nhân của chúng là đồng bào miền núi thì chẳng có gì. Liệu có quá bất công?

Hãy tưởng tượng nếu chúng ta không san sẻ lợi ích cho người yếu thế thì sao ? Thì người miền núi sẽ kéo nhau về Hả Nội và Sài Gòn sống. Họ sẽ mang theo phong tục tập quán, lối sống và văn hoá của họ. Văn hoá của họ đâu có sai, nhưng không phù hợp với văn hoá của chúng ta. Xung đột giữa các nền văn hoá nổ ra và xã hội sẽ hỗn loạn. Thế giới ngày nay đang khủng hoảng vì tình trạng di dân mất kiểm soát .

Với những người ở lại miền núi, để sinh tồn, họ sẽ phải đốt rừng làm rẫy, tàn phá các nguồn nước và mọi tài nguyên môi trường khác. Khi đó ở miền xuôi chúng ta có thể sống yên ổn không ?

Thế nên giúp đỡ người yếu thế là trách nhiệm của mỗi người chúng ta và vì lợi ích và cuộc sống của bản thân mỗi chúng ta.

Tuy nhiên làm gì cũng cần có tính hệ thống và đồng bộ nên Nhà nước phải là chủ thể chính đứng ra tập hợp sức mạnh và nguồn lực của toàn xã hội để giúp người yếu thế; còn mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm chung tay góp tiền, góp sức với Nhà nước trong sự nghiệp chung này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét