Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Sợi bún đời người

Sợi bún đời người
19/06/2017 - Thương hiệu Bún Thủ Đức - Nguyễn Bính có xưởng sản xuất đặt tại quận 12. Bún Thủ Đức định danh lâu đời. Còn Nguyễn Bính là tên bà chủ, rớt chữ “Thị” cho hợp tạng người xốc vác như đàn ông. Đời nhiều lận đận. Áo cơm dồn đuổi bà quay về với nghề tổ, dựng nên cơ nghiệp. Hai năm trước, một doanh nghiệp nước ngoài ngỏ ý rót vốn vào doanh nghiệp của bà, sau khi định giá lò bún 100 tỷ đồng. Phía sau câu chuyện lò bún bạc tỉ là một hành trình tổn thương, nhiều nước mắt và cả máu...

Bà Bính định hướng cạnh tranh bằng thay đổi công nghệ. Ảnh: Quang Định

Đi đâu loanh quanh...

Nguyễn Bính là người (xã) Liên Bạt, (huyện Ứng Hòa - Hà Tây, nay là Hà Nội). Xứ này có nghề làm bún lâu đời, được dân gian truyền khẩu rằng “Bún bánh kẻ Bặt, dưa gang kẻ Đình” (Bặt là thôn thuộc xã Liên Bạt). Nghề gia truyền, đến bà, là thế hệ thứ năm. Bà Bính không ưa nghề tổ. Thường, 1 giờ sáng, Bính lúc ấy mới 10 tuổi, bị cha đánh thức dậy phụ việc. Làm cật lực đến khi mẻ bún theo cha mẹ ra chợ, cô bé Bính mới tắm rửa, ăn quàng để kịp đến trường. Lại thêm cha Bính không biết chữ. Bính thường xuyên bị “chúng” ký đầu, kêu xách mé tên cha.

“Tôi ghét làng” - bà Bính nhắc vanh vách từng chi tiết người ta hành xử với gia đình mình. Ý định bứt khỏi quê nhà định hình. Lối thoát là học vấn. Thi hết lớp 7, Bính thiếu nửa điểm để vào cấp ba (hệ lớp 10). Trộm của gia đình 10kg gạo, Bính nhờ chị gái đầu đem bán làm lộ phí ra tỉnh, gặp Trưởng ty Giáo dục xin chiếu cố...

Hết cấp ba, Bính nhất quyết đi Nam, học trung cấp lắp máy ở Long Thành - Đồng Nai dù cha không đồng ý. Gia đình không còn khả năng chu cấp, Bính tự xoay xở. Việc chi cũng nhận: chẻ điều, chặt mía, dỡ củ mì, vác đá, xuống gạch (phụ hồ), bế em...

Tốt nghiệp trung cấp, Bính thất nghiệp. Không còn đường lùi, cô gái trẻ dạt về Sài Gòn, kiếm bà con. Người dì họ giới thiệu Bính giúp việc nhà cho người quen bên quận 6. Nhà chủ bán cà phê, lại đông người, việc không ngơi tay. Ngày dọn dẹp, giặt giũ, cơm nước, rửa ly tách... Đêm ẵm em. Ráng đến tháng thứ ba, Bính đổ bệnh, đầu đau như búa bổ. Bính nhờ dì lên xin chủ nhà cho Bính nghỉ. Thời may, một người bạn của dì kiếm người phụ cửa hàng bán cám công nghiệp, gà giống... vừa khai trương. Công việc mới mang lại cho Bính thu nhập 110 ngàn đồng/tháng, gấp hơn năm lần chỗ cũ.

Rảnh cuối tuần, Bính gặp lại người quen của anh trai, từng đưa Bính xuống trường dưới Long Thành nhập học. Người này là trưởng phòng tổ chức một doanh nghiệp nhà nước, giới thiệu Bính làm tạp vụ cho tòa nhà công ty bảy tầng lầu trên đường Hồ Tùng Mậu, quận 1. Lương 1,8 triệu đồng/tháng. Bính hăm hở làm việc, chờ đến cuối tháng. Lương thực nhận vỏn vẹn 100 ngàn đồng, phần còn lại bị kế toán trưởng ăn chặn. Bính không dám kêu. Tan sở, Bính đi phụ quán thịt cầy, tháng có thêm 50 ngàn đồng, được bao bữa tối.



Bà Bính bộc bạch: "Tôi chiều công nhân như con. Tôi đã có những ngày cơ cực, nên hiểu phận làm công ăn lương". Ảnh: Quang Định

Sau hai năm tích góp, Bính đăng ký học ca tối trang điểm, làm tóc, làm móng... Thành nghề, Bính thuê mặt bằng mở tiệm. Việc tạp vụ Bính thuê lại người khác làm, buổi sáng chỉ đáo qua điểm danh rồi lo tiệm. Kinh doanh được năm tháng, chủ nhà bất ngờ đòi tăng giá. Bính dẹp tiệm, xách đồ đi mần lưu động. Một lượng khách hàng ổn định là những chị em đang làm việc tại bảy tầng lầu. “Ngày lấy chồng, tôi dư hai lượng vàng” - Bính tự hào. Khoản tiết kiệm này một phần để trang trải chi phí đám cưới, phần dư mua thêm đất, mở rộng căn nhà bên chồng.

Chứng đau đầu tái phát khi cuộc sống hôn nhân bắt đầu. Bính sụt hơn chục ký. Tim biến chứng. Khủng hoảng tinh thần khiến Bính quẫn, uống thuốc ngủ quyên sinh. May mà người chồng về kịp.

Trên cánh tay trái của bà Bính vẫn còn vết sẹo, dấu tích những ngày học lóm cách “liếc dao” mở sạp thịt heo. Chân ướt chân ráo ra chợ, bà bị “ma cũ” ăn hiếp. “Tôi bị đánh hội đồng, xé hết quần áo, phải trùm áo mưa về nhà” - bà Bính nhớ lại. Chồng bà khuyên dẹp sạp, kiếm nghề khác nhưng bà không chịu. Sự lì lợm khiến “ma cũ” chùn tay. Căn nhà gia đình bà đang ở cũng xây lên từ tiền lời bán thịt heo. Khi đứa con trai đầu lòng được hơn một tuổi, bà nằm mộng thấy sư khuyên bớt sát sanh. Kinh doanh tự nhiên ế ẩm. Bà sợ. Bà lần lượt sang hai sạp, thâu vốn. Suy đi tính lại, thuận nhất là quay lại với cái nghề bà từng ghét cay ghét đắng: làm bún.

Cạnh tranh bằng công nghệ

Ẵm theo con trai đầu, bà Bính về làng cũ, vừa ôn lại nghề, vừa chuẩn bị đồ nghề cần thiết. Cha bà mừng hết lớn, hăm hở chặt ba cây tre làm quà tặng cô con gái bướng bỉnh. Nhưng chưa kịp vót nan, đan phên thì ông bất ngờ đổ bệnh, qua đời.

Những mẻ bún đầu tiên làm kiểu thủ công truyền thống ký gửi đều bị trả về. Khách chê bún không trắng, xấu mã. Nhưng trong cái rủi có cái may. Giai đoạn này cơ quan chức năng vào cuộc rốt ráo, phát hiện hàng loạt cơ sở sản xuất bún sử dụng chất huỳnh quang (tinopal) nhằm tẩy trắng bún. Bà Bính không dây với tinopal. Thậm chí, hơn một lần, bà Bính tuyên bố sẵn sàng công khai dây chuyền sản xuất bún của mình. Nhưng đấy là câu chuyện sau này.



Bà Bính tự mày mò nghiên cứu, chế ra quy trình - công nghệ làm bún riêng. Ảnh: Quang Định

Việc mối trả bún hàng loạt “ăn” gần hết vốn liếng. Bà Bính quyết định tự ôm hàng ra chợ. Bán không đắt thì mời khách lại biếu, ăn thử. Một đồn mười, mười đồn trăm. Hàng ra chợ là hết. Tình trạng chơi xấu tái diễn. Sạp bún của bà bị người ta lén bỏ phân tươi 10 ngày liên tục. Người ta bỏ đến đâu, bà nhẫn nhịn hốt đến đó. Nhưng khi người ta hù hất giỏ bún thì bà Bính hết chịu nổi, sẵn sàng móc dao, hăm “chơi khô máu”. Tiếng dữ đồn cũng xa. Nhờ vậy mà yên ổn...

Bà Bính kiên quyết không hé lộ doanh số và sản lượng. Nhìn vào kênh phân phối, ngoài chợ truyền thống, bún Thủ Đức - Nguyễn Bính đã xuất hiện tại nhiều siêu thị. Ngoài bún, bà Bính còn sản xuất thêm bánh ướt, bánh canh, bánh phở, hủ tiếu mềm, hủ tiếu xào, từ hai năm nay.

Bún bán chạy, bà Bính phải kêu thêm người cháu ra đứng sạp, còn mình đi chào mối, thuê công nhân, mở rộng sản xuất. Cuối năm 1999, Phó chủ tịch quận ra quyết định xử phạt bà Bính về tội kinh doanh không phép. Bà Bính gửi 24 câu hỏi chất vấn lên ủy ban nhưng không có hồi âm. Sau 15 ngày kể từ khi có quyết định, toàn bộ đồ nghề, thiết bị bị tịch thu kèm biên bản nộp phạt hàng chục triệu đồng.

Một tháng trời, hai vợ chồng bà “canh me” trước cổng ủy ban, kiếm ông phó chủ tịch đối chất. Bất thành, bà tìm tới nhà riêng. Nhận ra bà, ông phó chủ tịch xếp lịch làm việc ngay trong buổi sáng. Không chỉ hạ mức phạt xuống mức tượng trưng, ông phó chủ tịch còn chỉ đạo bộ phận liên quan hướng dẫn bà hoàn tất thủ tục giấy phép kinh doanh.

Danh chính ngôn thuận, bà Bính bắt đầu tính đến chuyện gia tăng hàm lượng công nghệ trong quy trình làm bún truyền thống. Đầu tiên là nồi hơi. Tri thức tích lũy trong ba năm ở Long Thành - Đồng Nai giờ mới xài tới. Bà bỏ công tìm kiếm đơn vị gia công. Không ngờ gặp lại lãnh đạo từng làm việc tại tòa nhà bảy lầu ở Hồ Tùng Mậu. Anh đã rời nhà nước ra mở công ty riêng chuyên chế tạo nồi hơi. Sau năm lần thử nghiệm, lò bún bà Bính trở thành cơ sở đầu tiên tại TP.HCM đưa lò hơi vào sản xuất bún truyền thống. Công nghệ cho phép làm nóng từ xa, tăng cường an toàn lao động, không phát thải khí carbon trực tiếp vào người lao động, giảm khói bụi...

Xong nhân họa, đến thiên họa. Hệ thống sông Sài Gòn đứt gãy (ngày 8.11.2005), gây dư chấn trên diện rộng. Tầng nước ngầm bị phá hủy, nhiễm nặng PH. Nước máy lại chưa kéo về tới khu vực này. Bún làm ra có mùi thối, vị đắng. Hư 80 tấn gạo. Thiếu nợ ngân hàng 300 triệu đồng. Khoan đến mũi thứ tư (trên 80m) mới đụng được mạch nước sạch để gầy lại sản xuất. “Mạch này giờ cũng hư rồi” - bà Bính cho biết đã chuyển sang dùng nước máy sản xuất.



Nhờ gia tăng hàm lượng công nghệ trong quy trình làm bún truyền thống mà bà Bính thành công với thương hiệu bún Thủ Đức - Nguyễn Bính. Ảnh: Quang Định

Tiếp tục với câu chuyện công nghệ. Thành công bước đầu là cơ sở để bà Bính mạnh dạn tìm tòi, nghiên cứu tự động hóa dây chuyền sản xuất. Lên ý tưởng trên bản vẽ, bà mời mười mấy kỹ sư chế tạo về cùng thảo luận. Phiên bản đầu tiên công suất 200kg bún/giờ. Khi mô hình được nhiều lò nhân rộng, bà Bính ra phiên bản thứ hai 600kg bún/giờ. Thị trường rượt theo, bà nâng công suất lên 1,2 tấn bún/giờ, chính là dây chuyền hiện hữu. Đến giờ, toàn bộ trang thiết bị đều được gia công trong nước.

Bún có đặc tính không bảo quản được lâu (công bố thời hạn sử dụng trong ngày), khiến đầu ra chủ yếu tiêu thụ tại thị trường thành phố. Cầu thị trường tới hạn khiến cuộc đua công suất đến một lúc nào đó không còn mang lại hiệu quả tối ưu. Nhìn về tương lai, bà Bính úp mở về khả năng đưa vào vận hành một dây chuyền mới sau Tết Đoan ngọ, cho phép kéo dài thời hạn bảo quản sợi bún lên gấp đôi, giảm tiêu hao nước đầu vào cũng như chi phí xử lý nước thải đầu ra cùng chi phí nhân công.

“Còn một số chi tiết trong dây chuyền đang đặt gia công” - bà Bính tự tin khả năng thành công tuyệt đối. Nếu điều đó xảy ra, cấu trúc thị trường sẽ thay đổi đáng kể. Nghĩa là bà Bính có thêm lý do để khước từ những đề nghị từ giới đầu tư tài chính. Nhắc lại cuộc đàm phán đổ vỡ với nhà đầu tư Thái Lan, bà Bính cho biết nhà đầu tư đề nghị tỷ lệ cổ phần 50-50 kèm điều kiện hai thương hiệu song hành trên thị trường. Tức là ngoài Bún Thủ Đức - Nguyễn Bính, bún đóng gói thêm thương hiệu Thái Lan. Bà Bính khước từ. Bà đưa ra hai lựa chọn: hoặc bán hết 100% cổ phần, hoặc chỉ bán 30% cổ phần. Nhà đầu tư rút lui. “Còn một số nhà đầu tư tài chính khác nữa nhưng tôi không ham. Làm một mình vất vả, nhưng dễ quản lý” - bà Bính giãi bày.

Điểm lại mới thấy, người đàn bà sinh năm 1970 này chưa từng hùn hạp. Bao năm nay bà đã quen với việc xoay xở một mình. Ngay cả chồng bà cũng không hề nhúng tay vào hoạt động kinh doanh.

Mộc Công - Trọng Văn

http://www.nguoidothi.vn/vn/news/kinh-doanh/doanh-nhan/8630/soi-bun-doi-nguoi.ndt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét