Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

'Với đồng lương thì trăm năm cũng không thể làm được như thế'

Với đồng lương quan chức thì ở cấp nào, dù là Tổng bí thư, tiền lương trăm năm cũng không đủ xây. Nhưng nhìn nhà của các quan ở Hà Nội, Sài Gòn và khắp nơi xem, kể cả nhà riêng các các lãnh đạo quốc gia, có cái nào xây được bằng tiền lương không ?
Biệt phủ 'khủng' ở Yên Bái: 'Với đồng lương quan chức cấp tỉnh thì trăm năm cũng không thể làm được như thế'
Nói về biệt thự "khủng" của một số quan chức tỉnh Yên Bái, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, với đồng lương của một quan chức cấp tỉnh thì đến cả trăm năm cũng không thể làm được biệt thự hoành tráng như thế.

Biệt phủ "khủng" của Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Yên Bái đang gây bức xúc trong dư luận. Liên quan đến thông tin về biệt phủ “khủng” của một số quan chức tỉnh Yên Bái gây xôn xao dư luận, PV VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Dương Trung Quốc - đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam.

 - Ông nhận xét thế nào về những vụ việc “nóng” xảy ra ở Yên Bái vừa qua, đặc biệt là biệt phủ “khủng” của Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh này đang bị thanh tra?

Theo tôi nên nhìn rộng hơn ra một chút, không chỉ có Yên Bái mà ở nhiều địa phương khác cũng đã xuất hiện hàng loạt biệt thự “khủng” của một số quan chức tỉnh được báo chí đề cập trong thời gian qua. Tất nhiên, nhìn vào hiện tượng trên, ngay cả người dân bình thường cũng sẽ dễ dàng nhận ra là những tài sản này “có vấn đề”.

duongtrungquoc
ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng: "Với đồng lương của cán bộ Nhà nước hiện nay thì cả trăm năm cũng không thể đủ tiền để xây biệt phủ "khủng" như thế".
Có thể kể ra đây như biệt thự ở vị trí đất "vàng" tại tỉnh Lào Cai mà chủ nhân toàn là những người nắm giữ cương vị chủ chốt của tỉnh này, hay nguyên Trưởng phòng Sở Xây dựng Thanh Hóa là Trần Vũ Quỳnh Anh dù gia cảnh “thường thường bậc trung” nhưng cũng sở hữu biệt thự nhiều tỷ đồng. Rồi gia đình ông Nguyễn Sỹ Kỷ - Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk bị phát hiện xây biệt thự hai tầng trái phép trên đất nông nghiệp...
 Với đồng lương của một quan chức cấp tỉnh, dù có cao như thế nào đi nữa thì đến cả trăm năm cũng chưa chắc đã đủ để làm những biệt thự hoành tráng như thế. - ĐBQH Dương Trung Quốc
Bất động sản là tài sản quan trọng của mỗi gia đình, nó cũng thể hiện phần nào tiềm năng kinh tế của con người. Với các quan chức thì ai cũng biết là họ ăn lương Nhà nước. Cũng có quan chức với nguồn thu nhập chính đáng khác như tham gia các hoạt động kinh tế, thừa kế tài sản.

Thế nhưng, khối bất động sản vượt quá suy nghĩ của người dân thì câu hỏi đặt ra là có chính đáng hay không? Tốt nhất là nên làm sáng tỏ điều mà dư luận băn khoăn. Làm được điều này không khó bởi chúng ta có đầy đủ pháp lý và hơn nữa các quan chức đều là đảng viên.

Như vậy, rõ ràng những khối tài sản này "có vấn đề. Bởi một quan chức cấp tỉnh, với đồng lương dù có cao như thế nào đi nữa thì tôi tin chắc rằng đến cả trăm năm cũng chưa chắc đã đủ để làm những biệt thự hoành tráng như thế. Nên việc thanh tra là cần thiết.

- Có thể thấy, tài sản "khủng" của quan chức mà báo chí nêu gần đây không còn là vấn đề cá biệt của mỗi địa phương mà nó mang tính phổ biến. Vậy theo ông nguyên nhân của tình trạng này là do đâu?

Tôi cho rằng vấn đề kê khai tài sản của cán bộ, công chức Nhà nước của ta hiện nay đang có những bất cập. Bất cập lớn nhất và dễ nhìn thấy nhất là thiếu công khai, thiếu minh bạch, cơ chế giám sát, kiểm tra cũng còn hạn chế.

Ở nhiều quốc gia, Nhà nước của họ đã thu thuế tài sản, thuế thu nhập còn chúng ta mới bắt đầu triển khai thu thuế thu nhập, còn tài sản chúng ta mới đang chuẩn bị. Và như vậy đang có khoảng trống.

Bởi thế hiện nay, vấn đề kê khai, kiểm tra tài sản, thu nhập của cán bộ công chức Nhà nước cũng có có vấn đề khi còn duy trì một hệ thống tài chính tiền mặt lớn và sự thiếu minh bạch, đồng bộ.

Nên đòi hỏi lúc này là chúng ta phải giải tỏa bằng cách minh bạch hóa. Đây cũng là cơ hội cho những người có tài sản chân chính làm rõ, còn mù mờ sẽ không có lợi. Đây là công việc mà Trung ương phải làm. Quyền tài sản là quyền hết sức chính đáng nhưng tài sản phải minh bạch.

Theo tôi, thời gian tới, khi chúng ta triển khai những việc liên quan đến thuế về tài sản thì chắc chắn sẽ có cơ chế pháp luật rõ hơn. Còn bây giờ, nên chủ động làm trước, nhất là đối tượng này đều liên quan đến lãnh đạo.

- Vậy theo ông, để giải quyết những bất cập trong việc kiểm tra và giám sát tài sản của cán bộ, công chức Nhà nước chúng ta cần làm gì?

Theo tôi, vấn đề đầu tiên và cũng quan trọng nhất là phải xây dựng cho được cơ chế công khai minh bạch, trong đó minh bạch về tài sản công dân, đặc biệt là của công chức Nhà nước, là một trong những nội dung đó.

Phải khẳng định rằng, trong một xã hội với thể chế Nhà nước pháp quyền “của dân, do dân và vì dân”, thì tính minh bạch trong hoạt động quản lý là lẽ đương nhiên, cũng có thể coi là lẽ sống, nguồn sức mạnh của bộ máy công quyền.

Đối với công tác phòng chống tham nhũng, tính minh bạch trước hết phải được thực hiện thông qua chế độ công khai, minh bạch về các hoạt động quản lý của Nhà nước, minh bạch trong quá trình hoạch định và thi hành các cơ chế chính sách và minh bạch ngay trong lĩnh vực kinh tế.

Công khai, minh bạch về kinh tế là quan trọng nhất. Đầu tiên là công khai, minh bạch các quy hoạch, mà quan trọng nhất hiện nay là công khai, minh bạch trong quy hoạch sử dụng đất, trong việc cấp đất, sử dụng đất - nguồn tài nguyên quý giá của đất nước đang bị sử dụng lãng phí và bị tham ô, chiếm đoạt nghiêm trọng.

Cùng với cơ chế công khai, minh bạch thì cần phải tập trung xây dựng cơ chế giám sát.

Giám sát cán bộ, đảng viên hiện nay đang là một bài toán nan giải. Trên thực tế, chỉ riêng việc công khai tài sản cán bộ đảng viên để nhân dân giám sát mà mấy chục năm nay vẫn chưa làm được.

Cán bộ đảng viên của Đảng trước hết họ cũng là công dân, cùng sống, cùng sinh hoạt trong cộng đồng dân cư. Vì vậy, họ luôn bị dân giám sát. Nhỏ như cái kim, sợi chỉ có thể thu giấu được nhưng cái biệt thự, trang trại, ô tô, hàng chục lô đất, con cái du học... thì không thể che giấu qua mắt người dân được.

Thực tế cho thấy, những vụ việc sai phạm của nhiều cán bộ từ cấp Trung ương đến cấp địa phương trong thời gian qua phần lớn đều được phát hiện bởi nhân dân và truyền thông, báo chí. Nhờ có nhân dân, truyền thông phản ánh mà Đảng mới kịp thời kiểm tra và xử lý.

Minh bạch và giám sát theo tôi là biện pháp quan trọng để hạn chế tình trạng tham nhũng, chuyên quyền, lạm quyền.

- Xin cảm ơn ông!

Lưu Thủy 
(VTC)

2 nhận xét:

  1. Từ giờ trở đi sẽ có phong trào các quan chức mang tiền ra nước ngoài mua nhà ,thế là tiền thuế của dân Việt Nam sẽ được dùng để nuôi dân nước khác.
    Quả là dân nước ta có truyền thống rất anh hùng .

    Trả lờiXóa
  2. Từ giờ trở đi sẽ có phong trào các quan chức mang tiền ra nước ngoài mua nhà ,thế là tiền thuế của dân Việt Nam sẽ được dùng để nuôi dân nước khác.
    Quả là dân nước ta có truyền thống rất anh hùng .Vãi !

    Trả lờiXóa