Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Chuyện xưa: THANH LIÊM THÌ KHÔNG CẦN CẢNH VỆ

THANH LIÊM THÌ KHÔNG CẦN CẢNH VỆ
Cao Thám hoa sau khi về hưu thường mặc áo gai, chân mang hài cỏ, lưng đeo bầu rượu, tay cầm gậy trúc tiêu dao khắp xứ. Một lần vào một cao lâu, vừa ngồi xuống mở rượu uống suông thì tiểu nhị mang liền đến một mâm thức ăn đầy ắp sơn hào hải vị, cung kính thưa:
- Kính mời ngài!


Cao Thám hoa:
- Huynh đệ có lầm không vậy? Ta không đủ ngân lượng để trả những thứ quý giá nầy đâu!
- Ngài chớ bận tâm. Chủ nhân tôi bảo mang ra hầu ngài!


Bàn bên, có một vị y phục sang trọng, dáng vẻ một thương gia hơi ngạc nhiên, bèn kêu tiểu nhị tới, cao ngạo hỏi:

- Kẻ rách rưới đó là ai, sao ta thấy mọi người ở đây kính trọng như vậy?

Tiểu nhị nhăn mày, không hài lòng:

- Đó là Cao Thám hoa, cựu huyện lệnh huyện Thanh Mai nầy đó.

Lại ngạc nhiên:

- Cựu huyện lệnh? Cớ sao ra đường nghênh ngang một hình một bóng, không sợ cừu nhân sát hại à?

Tiểu nhị lắc đầu không trả lời, bỏ đi. Bàn bên, một cậu bé còn để chỏm tới vòng tay thưa vị khách sang trọng:

- Trẻ con nầy đoán ngài ở phương xa đến nên chưa hiểu sự tình. Ngài có thể cho một đứa bé miệng còn hôi sữa đây vô phép giải thích được không?

- Tiểu huynh đệ cứ nói; ta rửa tai nghe.
"Ông Thám hoa cầm cành hoa" - Chữ Nôm trên bức tranh khắc năm 1909.


- Hổi nãy ngài nói, cựu huyện lệnh tôi “không sợ cừu nhân sát hại à?”. Thưa ngài, Cao huyện lệnh làm gì có cừu nhân mà sợ sát hại? Khi ngài còn tại chức, ngài yêu dân như con. Lo trước cái lo của dân,vui sau cái vui của dân. Những năm được mùa, dân ăn thịt, thì bữa cơm ngài mới có thịt; những năm thất mùa, dân ăn rau, ngài cũng ăn rau. Dân ấm, ngài mới mặc áo bông; dân lạnh, ngài cũng mặc áo tơi. Ngài thường thị sát dân tình, thấy người thiếu cơm thiếu áo thì không cầm được nước mắt rồi tự trách mình là kẻ làm quan mà không chu toàn cho bá tánh. Chưa hết, ngài luôn chí công vô tư, cần kiệm liêm chính; không hề mảy may tham lạm của công, cho nên công khố luôn đầy ắp; vì vậy mà năm bính thân, Hoàng Hà đê vỡ, rồi ba năm liên tục mất mùa, thế nhưng người dân Thanh Mai không ai đói rét. Khi ngài đến nhậm chức, trên vai chỉ một tay nải, khi về hưu cũng một tay nải trên vai. Ngài về hưu để lại ân đức trùng trùng cho bá tánh; không chút oán cừu, thì cớ gì lại không “nghênh nang một hình một bóng”; cần chi ai bảo vệ?

Vị khách sang trọng gật gù, tỏ ý nghi ngờ:

- Nước Ngu lại có một vị quan đáng kính thế ư?

Chợt một hảo hán râu hàm tua tủa, lưng giắt đao to, vội chạy đến quỳ mọp dưới chân cựu huyện lệnh:

- Ôi! Cao ân nhân! Kẻ thất phu nầy thật có lỗi vì đã không nhận ra ngài!

Cao Thám hoa để vội bình rượu xuống bàn, hai tay đỡ háo hán đứng dậy:

- Mời ngồi! Mời ngồi! Hảo hán không nên quá lễ như vậy làm ta sượng sùng. Chẳng hay hà cớ…

- Kẻ thất phu nầy không dám ngồi ngang hàng với ân nhân! Năm xưa kẻ thất phu từ nước Sái, cõng mẹ lánh nạn đao binh, đến địa phận Thanh Mai thì đói lả, nằm gục bên đường; nếu không nhờ ngài mang về huyện đường chăm sóc thì giờ nầy kẻ thất phu và từ mẫu nay đã làm phân cho cỏ, há còn được quỳ dưới chân ngài để được nói tiếng biết ơn hay sao?

- Chuyện nhỏ! Hơn nữa đó chỉ là bổn phận của kẻ chăn dân mà thôi. Hảo hán hà tất để bụng! Nào! Cùng ta uống vài bầu cho ấm!

Hảo hán vừa đứng dậy thì một người trung niên thân hình vạm vỡ, lưng giắt kiếm dài tới vòng tay:

- Cao huyện lệnh! Lâu ngày không gặp! Kẻ tội đồ nầy cũng không nhận ra ngài, thật có lỗi!

- Huynh đệ là…

- Ngày trước tôi bị ngài cho đánh năm mươi hèo vì tội ăn cướp!

Vị khách sang trọng mỉm cười khó hiểu; còn hảo hán thì trừng trừng nhìn hắn; nhưng Cao Thám hoa vẫn thản nhiên:

- Vậy là hôm nay huynh đệ đến tìm ta báo hận năm xưa?

Người trung niên bỗng quỳ xuống:

- Kẻ tội đồ nầy ngàn lần không dám. Hôm nay đến là để báo ơn ngài!

Thám hoa cười:

- Huynh đệ khéo nói đùa! Bị ta phạt năm mươi hèo mà nay lại báo ơn à? Nếu huynh đệ còn hận trong lòng thì cứ xuống tay!

- Cao huyện lệnh ngài ôi! Tôi là kẻ có tội, đáng lý bị tù đày, mà ngài lại chỉ phạt năm mươi hèo; lại còn cho ba lượng bạc rồi tha về để phụng dưỡng mẹ già, vì ngài biết rằng tôi cướp của chẳng qua vì quá nghèo đói mà thôi! Trong khi bị hình phạt, tôi thấy ngài quay mặt qua bên, lấy tay áo lau nước mắt; còn nói: “Lỗi ở ta! Trong địa hạt ta cai quản mà có kẻ đói nghèo phải cướp giật kiếm ăn, là lỗi ở ta!”. Cùng một hình phạt mà thái độ của quan là trừng trị, một thái độ là giáo dục, hai cái khác nhau. Kẻ thất học nầy cũng biết điều đó, thưa ngài.

Mọi người thở phào. Vị khách sang trong bèn đến bàn Cao Thám hoa, tự kéo ghế ngồi:

- Ta mới chính là kẻ có lỗi đây: Đã bao năm trị vì Ngu quốc mà ta không biết trong hàng quan lại của ta có một vị quan đáng quý như vầy, không đáng trách hay sao?

Nói xong lấy ngọc tỷ trong tay áo để lên bàn. Thám hoa và mọi người trong cao lâu đồng quý xuống:

- Hoàng thượng anh minh! Hoàng thượng vạn tuế! Vạn vạn tuế!

Liền đó, từ ngoài một toán người y phục thương hồ, giáo gươm tua tủa chạy vào. Hoàng thượng khoác tay:

- Các khanh lui ra! (quay sang nói với mọi người trong cao lâu:) Các khanh hãy bình thân! Nay ta mới biết chỉ có bá tánh lê dân mới là những hộ vệ hữu hiệu mà thôi. Nếu làm quan mà hà hiếp dân lành, coi dân là nô dịch, là kẻ thù; thì khi còn quyền bính trong tay, họ có thể vẹn toàn bởi nhờ thiên binh vạn mã; nhưng khi rời khỏi quan trường thì sẽ thế nào? Chớ tưởng lúc lên xe xuống kiệu, khi nghe vạn lời tung hô, khi thấy muôn người khúm núm cúi đầu mà vội tưởng rằng bá tánh quý trọng mình mà lầm! Làm quan mà thương dân như con như Cao Thám hoa đây, khi về hưu dù áo vải hài gai mà mọi người đều yêu mến từ đáy lòng mình, vậy mới đúng là một vị quan đúng nghĩa. Cao Thám hoa! Ta còn phải học hỏi khanh nhiều lắm!

Kha Tiệm Ly

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét