Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

Số lượng “sách bẩn” có chiều hướng tăng lên

Số lượng “sách bẩn” có chiều hướng tăng lên
Ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành thẳng thắn thừa nhận, trong tháng 6 vừa qua, số lượng sách xảy ra sai sót, sai phạm có chiều hướng tăng lên. Có hai loại sai phạm thường xảy ra nhất đó là sai về kiến thức cơ bản và sai về kiến thức khoa học. Do trình độ. Và phải thừa nhận một điều là, đội ngũ biên tập viên của ta chưa thật sự giỏi và còn trẻ. Bên cạnh đó, một số đơn vị xuất bản chưa thật sự trách nhiệm với xuất bản phẩm của mình, “khoán” cho các đơn vị liên kết, không kiểm duyệt kỹ càng vì thế dễ xảy ra những sai sót.
Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành. Ảnh: Duy Tín.
Vừa rồi, Cục Xuất bản có ra văn bản yêu cầu thu hồi cuốn sách “Một cơn gió bụi” của tác giả Trần Trọng Kim với lý do nội dung cuốn sách không đúng thể loại và tóm tắt nội dung như đăng ký. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, lý do đó chưa thực sự thuyết phục và thỏa đáng. Ông có thể nói gì trước phản ứng này?

Tôi không ngại khi công bố những nguyên nhân trực diện, hoàn toàn đủ thuyết phục để thu hồi cuốn sách “Một cơn gió bụi” theo đúng quy định.
Không chỉ nội dung cuốn sách xuất bản không đúng thể loại như đăng ký mà còn có nội dung sai lệch về lịch sử, làm méo mó hình ảnh về người chiến sĩ cách mạng.
Tôi khẳng định, việc dừng phát hành và thu hồi cuốn sách là hoàn toàn đúng!
Không chỉ có cuốn sách “Một cơn gió bụi”, “Đi tìm sự thật”; thời gian vừa qua cũng có nhiều cuốn sách bị thu hồi vì để xảy ra những sai sót, vi phạm. Điều này, tạo nên dư luận không tốt về ngành xuất bản, ông có thể nói gì?
Việc kết luận về hiện trạng sách vi phạm như thế là chưa chính xác. Thực tế việc sai sót trong xuất bản xảy ra thường xuyên từ trước đến nay. Hễ có xuất bản báo chí, xuất bản sách là có vi phạm, giống như có hoạt động giao thông thì có vi phạm giao thông vậy.
Nếu đánh giá về mức độ, thì trong vòng 5 năm trở lại đây, đặc biệt là từ khi có Luật Xuất bản 2012 có hiệu lực, ngành xuất bản đi từ chỗ lộn xộn, mất trật tự, thậm chí hỗn loạn, nhấn chìm sự nghiệp xuất bản thành điểm lõm thì đến bây giờ đã đi vào trật tự, vươn lên. Sự vươn lên này thể hiện rất rõ.
Bằng chứng là, nếu cách đây 2-3 năm, việc một cuốn sách ra đời và có sự tranh cãi, người ta khó có thể biết hết. Thực tế, có rất nhiều vụ sách vi phạm thì bạn đọc mới phát hiện ra được một vụ.
Có năm Cục Xuất bản, In và Phát hành xử lý đến 300 vụ thì độc giả chỉ biết 2 – 3 vụ. Nhưng bây giờ thì khác, cơ quan nhà nước đổi mới phương pháp, một mặt quản lý chặt hơn nhưng mặt khác lại công khai hóa thông tin trên báo chí.
Trước đây, ngành xuất bản chủ yếu “đóng cửa bảo nhau” nhưng bây giờ chúng tôi chủ trương công khai. Xử lý đến đâu, chúng tôi công khai đến đó. Điều này khiến số vụ sai phạm xuất hiện trên báo chí nhiều hơn, gây cảm giác tình trạng sai phạm nhiều hơn nhưng thực tế lại là giảm đi.
Ví dụ: Trong vòng vài năm trở lại đây, số lượng sách bị xử lý vì vi phạm có chiều hướng giảm đi rõ rệt. 2013 là 190 vụ, 2015 là 160 vụ, 2016 là 130 vụ. Đầu năm 2017 đến nay chỉ có khoảng 40 vụ.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng trong tháng 6, số lượng sách xảy ra sai sót có chiều hướng tăng lên. Phía Cục xuất bản đã ngay lập tức có động thái chấn chỉnh, rà soát, yêu cầu các NXB xem xét lại các hoạt động biên tập, xuất bản của mình. Khâu liên kết xuất bản cũng được rà soát kỹ và báo cáo lên Cục, Bộ.
Số lượng “sách bẩn” có chiều hướng tăng lên ảnh 1Ông Chu Văn Hòa cho biết, cuốn sách bị thu hồi vì nội dung sai lệch về lịch sử...
Cũng cách đây vài năm, Cục Xuất bản đã gửi văn bản yêu cầu các Nhà xuất bản gắt gao chấn chỉnh, nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập viên. Thậm chí, áp dụng việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các biên tập viên. Cho đến thời điểm hiện tại, giải pháp này có hiệu quả ?
Phương pháp quản lý này rất hiệu quả. Điều này sẽ giúp các Nhà xuất bản quản lý tốt hơn các biên tập viên. Khi để xảy ra sai sót cũng có đủ cơ sở để quy trách nhiệm, từ đó việc xử lý sai phạm sẽ trở nên minh bạch, công bằng.
Hầu hết các biên tập viên đã được cấp thẻ. Và hàng năm, các biên tập viên đều phải tham dự lớp tập huấn của cơ quan quản lý nhà nước tổ chức. Năm nay, thực hiện lớp đầu tiên.
Nếu để xảy ra lỗi liên tục, các biên tập viên sẽ bị thu hồi thẻ biên tập viên. Chính quy định này tạo áp lực và nâng cao trách nhiệm của biên tập viên trong công tác rà soát bản thảo.
Ông đánh giá cũng như phân loại nhóm sách vi phạm như thế nào?
Nhóm ẩu trong công tác biên tập để lại những sai phạm- ta có thể gọi là “sách bẩn”. Sai về lịch sử, sai về kiến thức.
Nhóm sai về quan điểm chính trị. Nhóm này vi phạm ít, nhưng có 2 vụ tiêu biểu, trong đó có cuốn “Miếng ngon Hà Nội”.
Có nhóm sách sai phạm chính tả, ngữ pháp đến mức tôi phải lên báo nói: “Nếu như một học sinh cấp 2 viết sai chính tả, ngữ pháp như thế đã bị cô giáo cho điểm xấu rồi. Đây là xuất bản phẩm của Hội Nhà văn, là những người tinh túy về văn chương chữ nghĩa mà để sai sót thế này là rất mất uy tín.”…
Số lượng “sách bẩn” có chiều hướng tăng lên ảnh 2Tập thơ bị thu hồi, hủy vì có chi tiết viết mang tính chủ quan, không hợp lý...
Theo ông, sự cẩu thả trong khâu biên tập sách để xảy ra những sai sót, vi phạm là vì trình độ của người làm công việc biên tập hay vì mục đích lợi nhuận mà bất chấp tất cả của các Nhà xuất bản cũng như các đơn vị liên kết xuất bản?
Có hai loại sai phạm thường xảy ra nhất đó là sai về kiến thức cơ bản và sai về kiến thức khoa học. Do trình độ. Và phải thừa nhận một điều là, đội ngũ biên tập viên của ta chưa thật sự giỏi và còn trẻ.
Bên cạnh đó, một số đơn vị xuất bản chưa thật sự trách nhiệm với xuất bản phẩm của mình, “khoán” cho các đơn vị liên kết, không kiểm duyệt kỹ càng vì thế dễ xảy ra những sai sót.
Với trách nhiệm Cục trưởng Cục Xuất bản, ông nói sao khi có ý kiến cho rằng việc xử lý sai phạm trong ngành xuất bản vẫn còn “giơ cao đánh khẽ”, việc xử phạt hành chính cũng chưa đủ sức ngăn chặn những sai phạm tiếp diễn?
Xử phạt vi phạm phải theo luật, không thể tùy tiện được. Phải nói rằng, chúng tôi rất kiên quyết trong việc xử lý các sai phạm trong ngành xuất bản. Hành động kịp thời và đúng mực. Như trước đây, đã từng có Nhà xuất bản bị xử phạt 1 tỷ đồng và dừng hoạt động vĩnh viễn. Gần đây cũng có nhà xuất bản phải tạm dừng hoạt động trong vài tháng vì những sai phạm trong xuất bản sách.
Nếu như trước đây, việc quản lý ngành xuất bản chỉ có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông là chính, các Sở chưa thực sự vào cuộc thì hiện nay sự phối hợp giữa Bộ và các Sở chặt chẽ, đều tay và ngày càng tốt hơn. Cũng nhờ sự đưa tin nhanh nhạy, kịp thời của báo chí cũng khiến độc giả… tẩy chay những cuốn sách sai phạm ngay lập tức.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dân Trí
http://www.tienphong.vn/van-nghe/so-luong-sach-ban-co-chieu-huong-tang-len-1162347.tpo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét