Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

Phát biểu của tướng Chiêm và bức tranh kinh tế quân đội

Nhân phát biểu của tướng Lê Chiêm, thử soi bức tranh kinh tế quân đội
25/06/2017 YẾN THANH - 

Viettel vẫn là "chim đầu đàn" trong lĩnh vực kinh tế quân đội.
(VNF) - Như VietnamFinance đã đưa tin, tại cuộc làm việc về tình hình KTXH - an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm của TP. HCM, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết việc chấm dứt hoạt động kinh tế của quân đội là “một chủ trương mới đặc biệt quan trọng mà Bộ Quốc phòng đang xem xét”.

“Quân đội không làm kinh tế nữa mà tập trung cho xây dựng chính quy hiện đại để bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân. Tất cả các doanh nghiệp quân đội phải cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển ra ngoài hết, còn cái nào là phục vụ quốc phòng chứ không để làm kinh tế”, Thượng tướng Lê Chiêm cho biết.

Phát biểu của tướng Lê Chiêm đã làm nóng công luận những ngày cuối tuần vì nếu ý tưởng này được thúc đẩy, một nguồn lực khá lớn về vốn, đất đai, con người đang do quân đội quản lý có thể được "dân sự hóa", qua đó hỗ trợ cho sự phát triển chung của nền kinh tế.

Để bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về sự việc, VietnamFinance xin giới thiệu những nét chính trong bức tranh kinh tế của quân đội nhân dân Việt Nam


Theo Đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng được phê duyệt từ năm 2013, lực lượng kinh tế quân đội khá hùng hậu. Và toàn bộ khối doanh nghiệp quân đội này hiện đang được quản lý bởi Cục kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng.

Quy mô lớn nhất trong khối doanh nghiệp quân đội chính là Tập đoàn Viettel. Báo cáo kinh doanh của Tập đoàn này cho thấy mặc dù năm 2016 là một năm tương đối khó khăn tuy nhiên Viettel vẫn tiếp tục giữ vững vị trí số 1 trên thị trường viễn thông trong nước về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách.

Theo báo cáo, doanh thu của Viettel năm 2016 đạt 226.558 tỷ, hoàn thành 100% kế hoạch; Lợi nhuận trước thuế của nhà mạng đạt 43.200 tỷ, hoàn thành 101% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước 40.396 tỷ, hoàn thành 105% kế hoạch; Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/Vốn chủ sở hữu 34,1%, hoàn thành 100,4% kế hoạch.

Trong năm 2016, nhà mạng Viettel tăng thêm 7,4 triệu thuê bao, lũy kế toàn mạng 90 triệu thuê bao (Trong nước 62,3 triệu; nước ngoài 27,7 triệu thuê bao).

Một chi tiết đáng chú ý là từ năm 2006, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó đã có ý kiến đồng ý việc cổ phần hóa Công ty điện thoại di động Viettel (Viettel Mobile) thuộc Viettel (khi đó mới là Tổng công ty), mặc dù Nhà nước vẫn sẽ giữ cổ phần chi phối Viettel Mobile.

Tuy nhiên, theo Đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng được phê duyệt năm 2013, không chỉ Viettel Mobile mà toàn bộ Viettel được xác định vẫn sẽ là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Bên cạnh Viettel, lực lượng kinh tế quân đội có tới 17 Tổng công ty khác do Nhà nước giữ 100% vốn bao gồm Tổng công ty Kinh tế - kỹ thuật công nghiệp quốc phòng; Tổng công ty Hợp tác kinh tế; Tổng công ty 15; Tổng công ty 789; Tổng công ty 319; Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô; Tổng công ty Xây dựng công trình Hàng không ACC; Tổng Công ty Thành An; Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn; Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn; Tổng công ty 28; Tổng công ty Thái Sơn; Tổng công ty Xăng dầu Quân đội; Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Bộ Quốc phòng; Tổng công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân; Tổng Công ty Đông Bắc; Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam.


Các tổng công ty này đều có quy mô hoạt động khá lớn, chẳng hạn như Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn năm 2016 đã đạt doanh thu trên 17 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 2.000 tỷ đồng. Lưu ý rằng đến thời điểm hiện tại thì một số đơn vị hoặc công ty con của các đơn vị trên cũng đã và đang được cổ phần hóa.

Ngoài 1 tập đoàn và 17 công ty trên, quân đội cũng đang quản lý hơn 70 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khác theo mô hình công ty TNHH 1 thành viên, hoạt động trong các lĩnh vực như cơ khí, điện, điện tử, thương mại…

Ngoài các doanh nghiệp trên, có hai doanh nghiệp khá lớn khác đã và đang được cổ phần hóa gồm Công ty mẹ - Tổng công ty 36 và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Trường An.

9 doanh nghiệp khác đã và đang được thoái vốn nhà nước (quân đội) gồm Công ty cổ phần Phú Tài; Công ty cổ phần Hương Giang; Công ty cổ phần NPK; Công ty cổ phần An Bình; Công ty cổ phần Thanh Bình HCM; Công ty cổ phần Thanh Bình HN; Công ty cổ phần Misoft; Công ty cổ phần Hà Đô; Công ty cổ phần Đông Đô.

Còn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, hai cái tên đáng chú ý nhất là Ngân hàng Quân đội (MB) và Tổng công ty bảo hiểm Quân đội (MIC), đều có cổ phần của các doanh nghiệp quân đội.

Tuy nhiên, một thực tế là các thông tin, đặc biệt là thông tin về tình hình tài chính của các doanh nghiệp quân đội được giữ khá kín. Phải tới cuối năm 2016 vừa qua, Bộ Quốc phòng mới có chủ trương công bố công khai, minh bạch tình hình hoạt động và thông tin tài chính của các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng và doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do Bộ Quốc phòng làm chủ sở hữu.

Theo Thông tư 182 (2016) do Bộ Quốc phòng ban hành, mục đích công khai thông tin tài chính các doanh nghiệp quân đội là để đảm bảo sự minh bạch, trung thực và khách quan tình hình tài chính của doanh nghiệp quân đội; cũng như để phát hiện kịp thời hành vi vi phạm chế độ quản lý tài chính, chế độ kế toán của doanh nghiệp.

Đồng thời, công khai tài chính các doanh nghiệp quân đội là để thực hiện quyền hạn và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước, người lao động trong việc giám sát, kiểm tra và thực hiện quy chế dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước; thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chống tham nhũng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.

http://vietnamfinance.vn/tieu-diem/nhan-phat-bieu-cua-tuong-le-chiem-thu-soi-buc-tranh-kinh-te-quan-doi-20170625023317171.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét