Đất dữ Yên Bái?
Lê Trọng Hiệp - Gì thì gì, những gì đang diễn ra tại Yên Bái cho thấy nó là một mô hình thu nhỏ của chế độ toàn trị trên đất nước ta. Đó là tình trạng xâu xé với các thủ đoạn gài bẫy, thanh toán giữa các phe nhóm, nào là tình trạng xâu xé tài nguyên, tình trạng gia đình trị. Đó là bản chất “tham ăn”, tranh giành hết quyền lợi nhưng cực kỳ vô trách trách nhiệm: thành công thì là nhờ sự lãnh đạo của đảng ta, thất bại thì đó là lỗi của tập thể, là do… dân tộc tính!Yên Bái là một tỉnh trung du, có trung tâm cách Hà Nội 189km, những di chỉ khảo cổ học cho thấy đây là một điểm quần cư của người Việt cổ. Trong lịch sử hiện đại thì Yên Bái đánh dấu sự trỗi dậy của chủ nghĩa quốc gia qua cuộc khởi nghĩa thất bại của Việt Nam Quốc Dân Đảng vào thượng tuần tháng 2 năm 1930 va sau đó thấm máu của Lãnh tụ Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí trong cuộc hành hình ngày 17 tháng 6 năm 1930.
Như vậy chúng ta có thể nói Yên Bái là đất thiêng nhưng suốt mấy chục năm xây dựng chủ nghĩa xã hội Yên Bái lại ngủ yên. Yên Bái chẳng lập nên kỳ tích nào xuất sắc ngoài những tin xe cán chó mãi đến cuối năm ngoái khi xảy ra chuyện “cán” bí thư tỉnh ủy, tức vụ thanh toán bí thư tỉnh ủy Phạm Duy Cường giữa phòng làm việc.
Càng ngày, Yên Bái càng trở thành đề tài bàn tán của truyền thông nhà nước là điểm hội tụ hay bức tranh thu nhỏ cho những “nết xấu” đặc trưng nhất của chế độ.
Lỗi chung của… dân tộc: người Việt bình thường
Ngày 9.6.2017 Quốc hội nước CHXHCNVN tiến hành phiên họp về các vấn đề kinh tế - xã hội và tại đây Yên Bái bị nêu tên trong danh sách những địa phương “bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định”.
Trò này diễn ra tại 9 tỉnh Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng, trong đó có 58 trường hợp “bổ nhiệm người nhà”; 10 trường hợp “bổ nhiệm không đúng tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục”.
Riêng Yên Bái thì “dính” hai. Nếu các quan tỉnh bổ nhiệm người nhà mà là cán bộ thực sự có năng lực thì không nói. Như chúng ta sẽ thấy ở dưới đây, Yên Bái đã dẫm lên các “tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục” để bổ nhiệm người nhà.
Tham dự cuộc họp có đại biểu Dương Văn Thống, là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái. Dĩ nhiên Thống phải thấy nóng mặt và nhột người, do đó không thể không đứng lên… giải trình!
Đầu tiên, để các đại biểu khác hạ hỏa, Thống “nhập đề” rất bài bản, rất đúng quy trình: “Là lãnh đạo địa phương, trước hết tôi xin cùng tiếp thu, cùng tập thể lãnh đạo tỉnh xem xét khắc phục, rút kinh nghiệm những sơ suất, một số vấn đề không đúng trong bổ nhiệm cán bộ”.
Xong xuôi “khâu” tiếp thu, Thống lần lượt “giải trình” từng điểm một.
Đầu tiên Thống phân tích lý do tại sao nhiều cơ quan thuộc UNBD tỉnh Yên Bái nhiều cấp phó so với quy định:
“Hiện nay Yên Bái còn có 4 sở là thừa một cấp Phó Giám đốc. Trong đó, một Phó Giám đốc sở là do sáp nhập vào, nhiều năm nay nhưng không phân công anh em đi đâu được, phải để lại hay hạ xuống cũng không được. Người Việt Nam chúng ta hiện nay là thế! Một sở thì do vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra nên chúng tôi phải bố trí lại cán bộ thì lại thừa còn hai sở thì đúng là 2013, 2014 có đề bạt anh em thì thừa và xin rút kinh nghiệm, xin khắc phục”.
Ca dao có câu:
Toét mắt là tại hướng đình
Cả làng toét mắt, có mình em đâu
Nếu Yên Bái có khuyết điểm thì đây cũng chỉ là khuyết điểm chung của người Việt: Người Việt Nam chúng ta hiện nay là thế!
Nếu chính quyền tỉnh Yên Bái làm gì xấu thì đó là thói tật thường tình của người Việt mình: là người Việt, chúng ta bình đẳng với nhau cả mà!
Nhưng nếu có gì gọi là quyền, là lợi, sẽ không có chuyện bình đẳng như thế đâu. Sẽ không có câu nói giả lả “người Việt Nam chúng ta” mà chỉ là một thiểu số “bình đẳng hơn”.
Bình đẳng hơn: người Việt đặc biệt
Chính quyền Yên Bái bị tố là “bổ nhiệm người nhà” nên cần biết rõ “người nhà” này là ai.
Hiện người có quyền lực cao nhất tại Yên Bái là bà Phạm Thị Thanh Trà, bí thư tỉnh ủy. Trước đây là chủ tịch kiêm phó tỉnh ủy, nhờ bí thư tỉnh ủy Phạm Duy Cường bị bắn chết vào ngày 18.8.2016 mà bà lên bí thư.
Chính vụ ám sát này đã khiến nhiều bí thư tỉnh ủy khác lo sợ, mè nheo quốc hội ra luật để phải bố trí cảnh vệ cho mình. Tuy nhiên với bà Trà thì vụ ám sát này là cơ hội, là cái bệ để bà phóng cao hơn!
Còn người nhà của bà là Phạm Sỹ Quý, 46 tuổi, em trai bà Trà, hiện là Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh.
Quý được bà chị ruột ký quyết định bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường vào ngày 9.9.2016, tức chỉ vài tuần sau khi Bí thư tỉnh ủy bị bắn chết, lúc chị ruột mình vừa giữ chức chủ tịch tỉnh, vừa kiêm nhiệm quyền bí thư tỉnh ủy!
Quyết định bổ nhiệm người nhà này bị tố và Bộ Nội vụ phải điều tra.
Ngày 17.2.2017, Thanh tra Bộ Nội vụ khẳng định trường hợp bổ nhiệm này là “chưa đúng quy định”: Quý chưa đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính, hiện đang học lớp quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính.
Nhưng Thống giải trình: “Cơ chế của chúng ta là Đảng lãnh đạo, là định hướng, là giới thiệu hoặc quyết định thì tập thể chúng tôi - Ban thường vụ quyết định đề nghị lấy giới thiệu bổ nhiệm một đồng chí có đủ về cao cấp, học chính quy liên quan đến ngành, công tác 21 năm, gần 5 năm là Phó Giám đốc, 3 tháng là phụ trách ngành. Bây giờ đưa lên thì đồng chí ký quyết định bổ nhiệm hành chính. Đảng phân công giới thiệu, Hội đồng nhân dân bầu, Chính phủ phê duyệt thì thực hiện những việc đó, đó là trường hợp đặc biệt thôi không có vấn đề gì”.
“Đảng lãnh đạo, là định hướng” mà “đảng” tại Yên Bái là ai nếu không phải là bà Bí thư tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà?
Nếu tỉnh có làm gì “coi không được”, ấy là do “Người Việt mình là thế”, bình đẳng với nhau cả.
Còn nếu bà bí thư– từ đây xin gọi là bà đảng Yên Bái - bổ nhiệm thằng em chưa đủ năng lực vào vị trí béo bở, ấy lại là “trường hợp đặc biệt”.
Lập luận của Thống nhắc lại lời của con heo mang tên Napoleon trong tiểu thuyết Animal Farm của George Orwell: “Mọi con thú sinh ra đều bình đẳng, tuy nhiên có một số loài thú bình đẳng hơn”!
Em của bà đảng Yên Bái là trường hợp đặc biệt, và như sẽ thấy ở phần dưới, đã được “bình đẳng hơn” rất nhiều.
Phần bà đảng Yên Bái thì trước sự chất vấn của báo chí, bà khẳng định việc bổ nhiệm Quý “không có gì để gọi là ưu ái”: “Đây là quyết định của tập thể Thường trực Tỉnh ủy và Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái, theo quy trình cực kỳ chặt chẽ.”
Chúng ta thấy gì ở đây?
Theo Thống thì đảng lãnh đạo, định hướng. Thêm vào đó thì em của bà đảng Yên Bái là một trường hợp đặc biệt, do đó các ban bệ phụ thuộc của tỉnh phải đồng ý.
Nhưng bà đảng Yên Bái, thì bảo em trai mình chẳng phải là trường hợp đặc biệt vì đây là chọn lựa của tập thể.
Phó Thống “nấp” vào “người Việt mình” trong việc bổ nhiệm cán bộ sai, còn bà đảng Yên Bái nấp vào Thường trực tỉnh ủy trong vụ bổ nhiệm em trai!
Tuy nhiên vấn đề không chỉ là ở đó.
Thống cho hay “không có vấn đề gì” nhưng thực ra vẫn có vì báo chí dang làm ầm chuyện tài sản của Quý, một biệt phủ 13000 m2 đứng tên vợ là Hoàng Thị Huệ, khởi đầu từ một phóng sự trên báo Giáo dục Việt Nam (GDVN).
Bình đẳng hơn
Nếu bà đảng Yên Bái cho rằng việc bổ nhiệm cậu em diễn ra theo quy trình chặt chẽ thì cậu em này giải thích việc sở đắc tài sản trên là nhờ các quy trình… thiếu chặt chẽ!
Ngày 8.6.2017 báo Đất Việt đăng bản tin của Hà Hoàng “Biệt phủ GĐ Sở Yên Bái: Ông Phạm Sỹ Quý phân trần”:
“Chiều 8/6, trả lời Đất Việt, ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) tỉnh Yên Bái xác nhận diện tích đất trên do vợ mình đứng tên.
Theo ông Quý, vợ ông làm kinh doanh và có tài sản riêng của cá nhân cùng với mấy người chị em trong gia đình.
Ông Quý khẳng định, đất được cấp từ năm 2015 và việc này làm đúng theo quy định cũng như pháp luật cho phép.
“Bây giờ tôi trả lời ở góc độ cá nhân thì cũng không khánh quan. UBND tỉnh Yên Bái đã giao cho Thành phố Yên Bái trả lời rõ nội dung này để cho khách quan”, ông Quý khẳng định.
Về thông tin UBND TP Yên Bái trong cùng 1 ngày ký liên tiếp 6 văn bản chuyển đổi đất cho gia đình ông, vị Giám đốc Sở TNMT cho biết cơ quan chức năng sẽ có văn bản trả lời rõ việc này.
“Tuy nhiên hồ sơ phải nộp rất lâu rồi. Họ cũng có cấm 1 ngày ra 6 hay 10 quyết định đâu”, ông Quý nói thêm.”
Đất rừng là tài sản quốc gia và nó đã vào tay Quý một cách chóng vánh, ít nhất có hai điểm rút ra tại đây!
Thứ nhất, ai cũng ngán cho tình trạng quan liêu của chế độ ta, do đó để lấy được như thế, Quý phải là hạng người cực kỳ “bình đẳng hơn”!
Thứ hai, Quý muốn gì được đó do quy trình thiếu chặt chẽ, dẫn đến việc chỉ một ngày anh ta lấy được sáu văn bản để thâu tóm tài sản quốc gia vào tay vợ mình!
Yên Bát, đất tình, đất nghĩa?
Điểm sáng duy nhất mà chúng ta có thể vin vào để lạc quan ở Yên Bái là tình nghĩa gia đình, lòng đoàn kết của chính quyền địa phương.
Thứ nhất, Thống một lòng bảo vệ Trà.
Thứ hai, Quý tận dụng mọi quan hệ để chạy giấy cho vợ.
Thứ ba là tấm lòng hiếu thảo của Thiếu tướng công an Đặng Trần Chiêu, giám đốc công an Yên Bái. Làm giám đốc công an tỉnh, Chiêu có cả núi công việc để giải quyết, thế nhưng Chiêu vẫn đều đặn về nhà thăm cha mẹ và thăm em, đều đặn đến độ dân chúng tưởng rằng căn nhà đứng tên cha mẹ Chiêu là nhà của Chiêu.
Ngày 19.6.2017 báo GDVN đăng phóng sự “Tướng Công an Yên Bái phủ nhận sở hữu biệt thự lớn trên khu đất hơn 10.000m2” của Hải Ninh - Minh Thệ:
“Thời gian vừa qua, nhiều nguồn tin của người dân phản ánh đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về một công trình biệt thự lớn của gia đình Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái đang đi vào giai đoạn hoàn thiện.
Tuy nhiên, ông Chiêu đã phủ nhận sở hữu công trình này mà cho biết, công trình trên là của bố mẹ (đã gần 90 tuổi) và các em ruột mình (doanh nghiệp vận tải), ông chỉ thường xuyên ghé thăm người nhà chứ không ở lại.
Người dân cho rằng, công trình “tư gia” này được xếp vào hàng lớn nhất tỉnh Yên Bái hiện nay. Kể cả nhiều trụ sở của Nhà nước ở tỉnh cũng không thể sánh với công trình này.
Khu biệt thự trên có địa chỉ nằm gọn trên một quả đồi, bên cạnh đường đôi Nguyễn Tất Thành, tổ 44, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái.
Hiện công trình đang đi vào hoàn thiện, mức đầu tư có thể lên đến nhiều tỷ đồng.
Để làm rõ thông tin phản ánh, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến trực tiếp hiện trường để ghi nhận thực tế.
Qua quan sát từ phía bên ngoài, tòa nhà đang được sơn màu trắng toát trên quả đồi có diện tích khá rộng, vây xung quanh là những hàng cây xanh lâu năm.
Xung quanh công trình có tường bao bọc và rất nhiều công trình phụ khác cũng đang được xây dựng dần đi vào hoàn thiện.
Bên trong khu đất được gia chủ bố trí cây cảnh, đá quý, đèn điện cao áp rất đẹp mắt và sang trọng.
Người dân sống quanh tòa nhà trên cho biết, ngay cả họ cũng khó có thể tiếp cận được khu biệt phủ trên vì lực lượng canh phòng rất nghiêm ngặt và nhiều lớp.
Để xác thực hơn, phóng viên đã lần theo con đường nhựa dẫn vào khu biệt thự. Tuy nhiên, bất ngờ xuất hiện một đối tượng với nét mặt bặm trợn ra chặn đường, xua đuổi quát: “Đây là nhà của tao, mày lên đây làm gì?”.
Sau khi bị đe dọa, phóng viên phải “rút” ngay khỏi công trình.
Tuy nhiên, một số đối tượng khác lại tiếp tục sử dụng các phương tiện để bám theo phóng viên.
[... ]
Để tìm hiểu rõ về khu đất trên, ngày 15/6 phóng viên đã có buổi làm việc với ông Hoàng Trung Phi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Yên Thịnh.
Tuy nhiên, ông Phi có thái độ e ngại khi nói về khu đất và công trình này.
Ông Phi cho rằng: “Đất đấy thì có sổ đỏ rồi, chắc là có từ lâu rồi người ta mới có phép xây dựng công trình.
Diện tích đất đấy thì phải kiểm tra sổ đỏ mới nắm được. Tôi về đây mới có 2 năm thì cũng không rõ.
Còn về hồ sơ, sổ sách cán bộ địa chính nắm rõ, nhưng đồng chí ấy đang bị trưng tập mất 6 tháng ở Uỷ ban nhân dân thành phố rồi.
Để rõ hơn thì anh ra Uỷ ban nhân dân thành phố Yên Bái tìm hiểu”.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Yên Hiền, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Yên Bái cũng tiếp tục “né” trả lời phóng viên với lý do: “Bây giờ tôi bận đi tiếp dân rồi, có gì anh để lại giấy giới thiệu và nội dung làm việc tại văn phòng ủy ban, chúng tôi sẽ trả lời sau”, ông Hiền nói.
Để thông tin được khách quan, đa chiều, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi riêng với Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái.
Tướng Chiêu cho biết, công trình trên là tài sản của bố mẹ ông và 02 người em trai làm doanh nghiệp vận tải. Bản thân ông và vợ, con đều đang sinh sống tại ngôi nhà ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái.
Tướng Chiêu cho biết thêm, vào năm 2010, bố ông từ Lý Nhân (Hà Nam) lên Yên Bái ở với gia đình ông (phường Đồng Tâm), nhưng do nhà chật chội nên muốn con cái xây riêng một khu đất. Khu đất ở phường Yên Thịnh có diện tích khoảng hơn 10.000m2.
“Gia đình tôi mua lại khu đất của người dân, lúc ấy chỉ có 300 triệu đồng. Trước đây đất đó chỉ là đất rừng sản xuất thôi, Nhà nước đã giao cho các hộ dân và có cấp sổ xanh.
Gia đình tôi chuyển đổi sang đất ở khoảng năm 2011, nhưng chỉ chuyển đổi phần xây dựng thôi, số còn lại thì vẫn để nguyên mục đích là đất cũ.
Tôi thường xuyên lui tới đây (khu biệt thự) thăm bố mẹ nên người dân cứ nghĩ nhà của tôi, nhưng không phải vậy”, Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu giải thích.
Chỉ là căn nhà của “cha mẹ và hai em” của giám đốc công an tỉnh mà phải bố trí mấy lớp bảo vệ và phủ một không khí khủng bố lên các quan chức địa phương, không rõ nhà riêng của ông tướng công an này được bảo vệ kỹ càng đến mức độ nào?
Nhưng Chiêu là công an, Chiêu có cách làm của ông an: chỉ ba ngày sau (22.6.2017) thì phóng viên Trần Duy Phong bị tóm.
Ông Phong là tác giả hai loạt bài điều tra trên báo GDVN liên quan đến biệt phủ của Quý và tư dinh của Chiêu. Ngày 23.6.2017 Công an Yên Bái tổ chức họp báo cung cấp thông tin và hình ảnh về vụ bắt giữ ông Phong ngày hôm trước: “tên phóng viên” này bị bắt quả tang giữa lúc đang nhận 250 triệu đồng của một doanh nghiệp, tại một nhà hàng.
Ngay sau đó Tổng biên tập báo GDVN Nguyễn Tiến Bình liên tiếng về những “điều bất thường” trong diễn biến này.
Theo ông thì sau khi đăng tải các loạt bài điều tra của phóng viên Trần Duy Phong về những chuyện bất thường ở Yên Bái, báo GDVN “liên tục phải tiếp khách, nhận điện thoại, đề nghị gỡ bỏ các bài đã đăng và dừng các cuộc điều tra”, tuy nhiên tờ báo này không chấp nhận.
Theo ông thì báo GDVN không hề nhắm vào một công ty nào tại Yên Bái mà chỉ nhắm vào bí thư tỉnh ủy và giám đốc công an tỉnh. Theo ông thì Bộ Công An rút hồ sơ vì “để công an tỉnh Yên Bái điều tra thì tôi e rằng sẽ không khách quan.”
Trong khi đó thì trên mạng xã hội xuất hiện bản chụp bản tường trình của nữ sinh viên thực tập sinh đi cùng ông Lê Duy Phong, cũng là một trong những nhân chứng. Theo đó thì trong bữa ăn tại nhà hàng trưa 22/6, ông Phong và những người xung quanh chỉ nói chuyện vui đùa, không bàn công việc. Sau đó, một người đàn ông tên T. cố dúi tiền vào túi quần ông Phong. Ít phút sau, công an ập vào, bắt giữ ông Phong, lập biên bản.
Tin sau đó cho hay ông Phong lên Yên Bái chơi, được Đỗ Viết Công - hiện công tác tại Đài Truyền hình Yên Bái và là bạn học cũ thời ở Cao đẳng PTTH Hà Nam mời ăn cơm. Bữa cơm có Thực, giới thiệu là công an về hưu, hiện kinh doanh vận tải ở YB. Đây là lần đầu Thực và Phong gặp nhau, cả 2 không ân oán, hận thù trước đó.
Sau khi cơm rượu no say, Thực cố dúi vào túi Phong 50 triệu, và tiền đã nằm gọn trong túi Phong. Sau đó, Công giả vờ nghe điện thoại, cũng là lúc công an TP YB ập vào bắt tất cả.
Nếu những văn bản này là thật, và lời nhân chứng là chính xác, thì rõ ràng đây là một vụ cài bẫy thô sơ và vụng về.
Trong khi đó thì báo chí ráo riết săn tìm Thực và Công để hỏi cho ra lẽ, nhưng cả hai đều trốn biệt, tắt hết điện thoại di động và cả mạng xã hội Facebook.
Nhưng Bộ Công an thì thông báo tờ trình của Công an Yên Bái, theo đó phóng viên Phong đã khai nhận việc tống tiền Giám đốc Sở kế hoạch Yên Bái Vũ Xuân Sáng, lấy được 200 triệu đồng.
Mọi thông tin hiện tại còn hỗn độn, đây chỉ là đơn thuần là hành trình của một phóng viên muốn tìm kiếm sự thật hay kiếm ăn? Hay đây là cuộc chiến giữa các nhóm lợi ích, trong đó ông Phong được một nhóm nào đó mớm thông tin để đánh đối thủ chính trị của mình?
Gì thì gì, những gì đang diễn ra tại Yên Bái cho thấy nó là một mô hình thu nhỏ của chế độ toàn trị trên đất nước ta. Đó là tình trạng xâu xé với các thủ đoạn gài bẫy, thanh toán giữa các phe nhóm, nào là tình trạng xâu xé tài nguyên, tình trạng gia đình trị. Đó là bản chất “tham ăn”, tranh giành hết quyền lợi nhưng cực kỳ vô trách trách nhiệm: thành công thì là nhờ sự lãnh đạo của đảng ta, thất bại thì đó là lỗi của tập thể, là do… dân tộc tính!
Lê Trọng Hiệp
(Dân Luận)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét