9 vấn đề cần làm rõ trong vụ Nga - Mỹ
Hôm qua 29/6, hoa hậu Trương Hồ Phương Nga cùng đồng phạm đã được TAND TP HCM cho tại ngoại. Vụ án đã đi theo hướng bất lợi cho nguyên đơn Cao Toàn Mỹ do có nhiều phát sinh. TAND TP HCM còn trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung 9 vấn đề.
Các chứng cứ được HĐXX niêm phong
Chiều 29-6, HĐXX đã công bố trả hồ sơ cho VKSND TP HCM điều tra bổ sung nhiều vấn đề phát sinh, đồng thời thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các bị cáo Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung. Hai bị cáo được tại ngoại để tiếp tục điều tra hành vi "Lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản".Nhiều cái mới phát sinh
Phương Nga và Thùy Dung bị bắt ngày 9-3-2015. Tính đến ngày 29-6-2017, họ đã bị tạm giam 2 năm 3 tháng 20 ngày.
Tại phiên tòa, Nga và Dung khai bản chất số tiền 16,5 tỉ đồng là tiền ông Cao Toàn Mỹ cho Nga mượn vì có quan hệ tình cảm. Ông Mỹ thì cho rằng số tiền này chuyển theo yêu cầu của Nga vì cô hứa mua nhà giá rẻ hơn giá thị trường. Nga khẳng định các văn bản thỏa thuận mua bán nhà một phần là do cô viết dưới sự hướng dẫn của bà Nguyễn Mai Phương (bạn của Nga), một phần do bà này soạn sẵn đưa cô ký. Toàn bộ các thỏa thuận mua bán nhà được tạo lập sau khi biết ông Mỹ có đơn tố cáo.
Ông Mỹ khẳng định tin lời hứa của Nga và giấy thỏa thuận sau cùng được ký ngày 5-10-2013 nên mới ký hợp đồng mua bán căn nhà số 7 Nguyễn Trãi, quận 1, TP HCM và chuyển thêm 10 tỉ đồng sau khi ký thỏa thuận. Sau khi mua, ông đến xem nhà trước khi ký thỏa thuận nhưng không nhớ rõ kết cấu, không liên hệ tiếp tân hay quản lý nhà, có bấm thang máy lên các tầng nhưng tầng nào không nhớ... Do vậy, cần kiểm tra thực tế, chụp hình để đối chiếu thực tế lời khai của ông Mỹ về căn nhà.
Đối với các giấy thỏa thuận mua bán nhận từ Nga, nội dung thỏa thuận do cô lập, ông Mỹ không có ý kiến. Quá trình điều tra, ông Mỹ có lời khai không nhất quán về số tiền 16,5 tỉ đồng cũng như nội dung đơn tố cáo và thỏa thuận mua bán căn nhà số 7 Nguyễn Trãi.
Tại phiên tòa, Dung thay đổi lời khai so với lời khai trong quá trình điều tra. Cô cho rằng lời khai trong quá trình điều tra không đúng. Bị cáo khai việc mua bán nhà là do Phương hướng dẫn. Khi nhận tiền từ ông Mỹ chuyển, Nga nói với Dung đó là tiền ông Mỹ cho mình. Phương phủ nhận lời khai của Nga và Dung.
Như vậy, tài liệu trong hồ sơ, lời khai các bên liên quan và người làm chứng có nhiều điểm mâu thuẫn cần làm rõ.
Nga và ông Mỹ 17 lần đi nước ngoài chung
TAND TP HCM yêu cầu: Thứ nhất, điều tra thời điểm tạo lập các văn bản, thỏa thuận mua bán nhà; giấy thỏa thuận nguyên tắc ngày 5-10-2013 giữa Phương Nga và bà Dương Thị Kim Phi (chủ căn nhà số 7 Nguyễn Trãi); làm rõ việc Cao Toàn Mỹ nhận các bản thỏa thuận, hợp đồng mua bán nhà từ ai, chứng minh nguồn gốc các giấy tờ này.
Thứ hai, cần chứng minh Thùy Dung tham gia thế nào trong việc tạo lập hợp đồng mua bán nhà, giấy nhận tiền; ý thức chủ quan của bị cáo liên quan đến khoảng tiền 16,5 tỉ đồng để chứng minh Dung phạm tội như thế nào.
Thứ ba, trường hợp kết quả điều tra vụ án chứng minh được bản chất số tiền 16,5 tỉ đồng của ông Mỹ chuyển cho Phương Nga không phải là tiền thỏa thuận mua bán nhà thì cần điều tra làm rõ ai là người đã tạo lập những hợp đồng mua bán nhà, giấy tờ liên quan, nhằm mục đích gì.
Thứ tư, điều tra làm rõ lời khai của Phương Nga và Thùy Dung cùng một số người làm chứng, nội dung xét hỏi tại phiên tòa và địa chỉ một số địa chỉ khách sạn do luật sư của bị cáo Nga cung cấp để xem xét có hay không nhằm xử lý hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
Thứ năm, làm rõ lời khai của Phương Nga và các cá nhân liên quan về việc thuê người đe dọa ông Mỹ cũng như lời tố cáo của Nga tại phiên tòa rằng ông Mỹ cũng có hành vi đe dọa đối với cô, nếu đủ căn cứ thì xử lý.
Thứ sáu, yêu cầu trích xuất dữ liệu trong các email mà Phương Nga cho rằng đây là nội dung thỏa thuận hợp đồng tình cảm giữa cô và ông Mỹ. Cần làm rõ các địa chỉ email này là của ai, thời điểm tạo lập để làm rõ lời khai của Nga.
Thứ bảy, các nhân chứng khai quá trình Dung bị tạm giam, Lữ Minh Nghĩa có thông qua một cán bộ trại giam để thông cung với Dung. Theo Nghĩa, sau khi nhận những thư này đã chuyển cho Phương. Ngoài ra, bà Hồ Mai Phương (mẹ Nga) khai được bà Nguyễn Mai Phương dịch nội dung viết trên nền ni-lông, đồng thời cung cấp đoạn ghi âm ghi lại nội dung trao đổi với bà này. Các chứng cứ này được HĐXX niêm phong để đính kèm nội dung hồ sơ vụ án. Mẹ Phương Nga khẳng định cán bộ quản giáo là do Nguyễn Mai Phương quen biết thông qua một cán bộ Công an TP HCM.
Dung khai việc viết thư ra ngoài có sự chứng kiến của các nữ phạm nhân cùng phòng nên cần làm rõ Dung có phải là người viết những thư này không. Việc điều tra lại cũng cần làm rõ tính khách quan trong lời khai của Nga và Mỹ vì hai lời khai được lấy cách nhau khá xa nhưng giống nhau từng dấu chấm, phẩy.
Thứ tám, cần làm rõ 17 lần xuất cảnh giữa Phương Nga và Cao Toàn Mỹ. Nga khẳng định có đi chung, ở chung phòng còn ông Mỹ cho rằng đi chung là do sự tình cờ.
Thứ 9, tại phiên tòa, luật sư của Phương Nga trình bày rằng có một số tài liệu, chứng cứ cần được thu thập để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Từ 9 vấn đề này, HĐXX đã trả hồ sơ cho VKSND TP HCM điều tra bổ sung để làm rõ những vấn đề còn khuất tất trong vụ án.
Therealtz © VietBF
http://vietbf.com/forum/showthread.php?t=1077043
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét