Biến Cố Đồng Tâm -
Truyện Ngụ Ngôn Về Hai Con Dê Cùng Qua Chiếc Cầu Hẹp?
Truyện Ngụ Ngôn Về Hai Con Dê Cùng Qua Chiếc Cầu Hẹp?
Nguyễn Trọng Bình
1. Nín thở chờ đợi
Những ngày này có lẽ, người dân Đồng Tâm đang nín thở chờ đợi kết quả thanh tra của chính quyền Hà Nội theo như cam kết của ông Nguyễn Đức Chung. Không biết có phải mọi chuyện đã được sắp đặt sẵn rồi hay không khi mà mới đây, người đứng đầu Chính phủ cũng đã tuyên bố trong chuyện này sẽ “Xử quan trước, phạt dân sau”. Phải chăng với tuyên bố này thì sắp tới đây đằng nào thì người dân Đồng Tâm cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm? Không những vậy, sẽ là thảm hại hơn nữa nếu kết luận cuối cùng cho rằng đất mà bà con khiếu kiện, tranh chấp là đất Quốc phòng?
Trong bài viết trước đây, tôi có phân tích rằng: “ông Chung và chính quyền Hà Nội thật ra đã tính toán rất kỹ cũng như rất sành sõi trong cuộc “thương lượng” và “đối thoại” với người dân Đồng Tâm. Lời hứa thanh tra toàn diện vấn đề đất đai trong 45 ngày của ông Chung đã nói lên tất cả điều ấy. Thử nghĩ xem, sau thời hạn 45 ngày thanh tra, chính quyền Hà Nội đưa ra kết luận cuối cùng rằng đất mà người dân Đồng Tâm quyết giữ lâu nay là đất thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng thì có phải mọi sai trái lúc này hoàn toàn thuộc về bà con Đồng Tâm không? Điều đó cũng có nghĩa sau này bà con sẽ không được phép khiếu kiện gì nữa dù những mất mát và thiệt thòi là điều ai cũng nhìn thấy.
Đây có thể nói là những bước đi đã được toan tính kỹ lưỡng và cẩn thận của cả một “êkip chính trị” mà ông Nguyễn Đức Chung chắc chắn là một thành viên trong đó” (…). Vậy nên, hạn 45 ngày thanh tra đã gần hết, những ai thật lòng nghĩ và lo cho bà con ở Đồng Tâm thì nên cầu nguyện cho họ; hãy cầu mong cho tất cả mọi hồ sơ, sổ sách giấy tờ không bị ai đó tác động làm cho sai lệch đi. Nếu không cụ Kình và người dân Đồng Tâm chắc chắn sẽ mất tất cả!”
Và thật trùng hợp làm sao, sau đó không bao lâu thì Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 129/PC44-Đ2, để điều tra về 2 tội danh: “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” (theo điều 123 bộ luật Hình sự) và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (theo điều 143 bộ luật Hình sự).
2. Kịch bản nào sẽ được lựa chọn?
Do tính chất nhạy cảm của vụ việc; cùng với sự “lãnh đạo toàn diện” theo nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” thì một kịch bản nào đó dưới sự chỉ đạo và dàn dựng của Đảng là điều rất có khả năng xảy ra. Trên cơ sở này, người viết thử đặt ra giả thuyết về 4 kịch bản như sau:
Kịch bản 1: Kết luận của đoàn thanh tra về phần đất tranh chấp ở Đồng Xênh là đất Quốc phòng; đồng thời CA Hà Nội tiến thêm bước nữa là ra quyết định khởi bố bị can đối với những người dân Đồng Tâm. Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền Hà Nội quyết định đánh đổi “sinh mạng chính trị” của tướng Chung (dù sao ông Chung hiện tại cũng đang có bệnh và đang điều trị), biến tờ cam kết của tướng Chung với bà con Đồng Tâm thành tấm giấy lộn không hơn không kém.
Kịch bản 2: Kết luận của đoàn thanh tra về phần đất tranh chấp ở Đồng Xênh là đất nông nghiệp; CA Hà Nội ra quyết định đình chỉ vụ án hình sự đã khởi tố đối với bà con Đồng Tâm; đồng thời ra quyết định khởi tố bị cán đối với những quan chức sai phạm trọng vụ bắt người và gây thương tích cho cụ Kình. Nghĩa là chính quyền Hà Nội tôn trọng tờ cam kết và không đánh đổi “sinh mang chính trị” của tướng Chung.
Kịch bản 3: Kết luận của đoàn thanh tra về phần đất tranh chấp ở Đồng Xênh là đất Quốc phòng; tuy vậy chính quyền Hà Nội vẫn tôn trọng tờ cam kết và không đánh đổi “sinh mang chính trị” của tướng Chung.
Kịch bản 4: Kết luận của đoàn thanh tra về phần đất tranh chấp ở Đồng Xênh là đất nông nghiệp; nhưng đồng thời Chính quyền vẫn phá bỏ tờ cam kết của tương Chung và tiếp tục truy tố người dân Đồng Tâm.
Phân tích, nhận xét:
Có thể nói, dù sao thì mọi chuyện cũng đã xảy ra rồi và quan trọng là không có để lại hậu quả gì nghiêm trọng. Thế nên, nếu muốn mọi chuyện kết thúc trong êm thắm, thiển nghĩ lãnh đạo Đảng và chính quyền Hà Nội hãy cho chính họ và người dân một cơ hội để sửa sai. Cá nhân tôi, cho đến giờ vẫn bảo lưu quan điểm lãnh đạo chính quyền Hà Nội phải tuyệt đối tôn trọng tờ cam kết của ông Chung với người dân Đồng Tâm. Và nhất là phải tiếp cận và xử lý tờ cam kết này như một biệt lệ để tránh những tranh cãi không đáng có. Vì thế, lãnh đạo và chính quyền Hà Nội hãy dám dũng cảm lựa chọn kịch bản 2. Với kịch bản này không những danh dự và uy tín của tướng Chung không bị sứt mẻ gì mà cơ hội để lãnh đạo chính quyền lấy lại niềm tin với dân chúng lại được mở ra.
Ngược lại, nếu chọn kịch bản 1 thì cái niềm tin vốn đã rất mong manh của người dân dành cho chính quyền chắc chắn sẽ không còn. Và khi ấy, chưa biết những hệ lụy khôn lường nào sẽ diễn ra (rất có thể không chỉ ở Đồng Tâm mà còn trên cả nước khi có những tranh chấp tương tự). Đừng ngây thơ nghĩ rằng nếu truy tố và xử lý người dân Đồng Tâm sẽ có tác dụng răn đe người dân ở các địa phương khác (một khi vẫn cố chấp duy trì chính sách đất đai như hiện nay). Hơn nữa, “thượng bất chính hạ tắc loạn”, một khi tinh thần thượng tôn pháp luật của ngay bản thân các quan chức lãnh đạo, chính quyền lâu nay chỉ là một con số không tròn trĩnh thì đừng ở đó cao giọng dọa nạt, răn đe, yêu cầu người dân phải nghiêm chỉnh chấp hành. Nếu tờ cam kết của tướng Chung với người dân không được tôn trọng thì rất có thể sẽ là hành động đổ thêm dầu vào lửa. Khi ấy, hai con dê chắc chắn sẽ rơi xuống suối và ngỏm củ tỏi (vì không con nào chịu lùi lại để nhường nhau).
Còn nếu chọn kịch bản 3 hay kịch bản 4, nhìn chung đây là những kịch bản có tính trung dung. Về cơ bản và trước mắt tuy không bên nào bị thua (vì được cái này mất cái kia) nhưng trên thực tế và lâu dài cũng là một sự thất bại cho cả hai. Bởi đây chỉ là những giải pháp mang tính tình thế; nó không đảm bảo cho một sự “thấu cảm” giữa chính quyền và người dân một cách căn cơ, trọn vẹn.
3. Thay lời kết
“Quan nhất thời, dân vạn đại”. Nếu thực sự là “đầy tớ”, “vì dân phục vụ” thiết nghĩ trong chuyện này lãnh đạo và chính quyền Hà Nội không nên dây dưa kéo dài thời gian; cò kè bớt một thêm hai với người dân. Tất cả mọi sự “câu giờ” chỉ làm tăng thêm sự nghi ngờ đối với dân chúng về tính khách quan, minh bạch mà thôi.
Ngoài ra, nếu sắp tới đây, Quân đội đã có chủ trương không làm kinh tế nữa thì cho dù Đồng Xênh có là đất quốc phòng đi nữa thì chính quyền cũng nên ứng xử thật đàng hoàng và tử tế với người dân. Dù sao họ cũng quanh năm suốt tháng cày bừa, làm lụng vất vả để nuôi lãnh đạo, chính quyền.
Bên cạnh đó, đối với cá nhân ông Nguyễn Đức Chung, lãnh đạo, chính quyền Hà Nội cũng không nên mang ông ấy ra để làm con chốt thí cho những toan tính hơn thua với người dân. Xét riêng trong chuyện này, nếu chính quyền để cho ông ấy bị người đời nguyền rủa thì thật là bất nhẫn và vô lương. Dù sao thì ông ấy không đáng bị như vậy!
Cuối cùng, nói gì thì nói dù sao tất cả chỉ là những giả thuyết ở thì hiện tại; mọi chuyện vẫn còn ở phía trước, mọi khả năng đều có thể xảy ra. Nhưng dù thế nào thì cũng hi vọng chính quyền và người dân sau vụ này sẽ thực sự tìm được tiếng nói chung; coi như cho nhau một cơ hội để cả hai cùng tự vấn lại bản thân mình nhất là về tinh thần thượng tôn pháp luật.
Đặc biệt là về phía chính quyền, một lần nữa phải nhấn mạnh rằng, nếu nói về bài học kinh nghiệm gì đó sau vụ này thì điều quan trọng nhất là đừng bao giờ để xảy ra những cuộc “đối thoại trực tiếp” (kiểu “ba mặt một lời” với dân trong hoàn cảnh bất thường như vừa rồi) mà phải luôn là sự “đối thoại gián tiếp” thông qua hệ thống pháp luật minh bạch, rõ ràng và nhất là không bị chi phối bởi các “nhóm lợi ích” nào đó. Và trong hoàn cảnh nếu cái quy định“đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân” rất khó có sự thay đổi từ hệ thống chính trị trong tương lai gần thì những điều luật về thu hồi đất đai của người dân cần phải nhanh chóng điều chỉnh theo hướng có lợi nhất cho dân (cho dù đó là dự án phục vụ lợi công cộng hay an ninh quốc phòng đi nữa). Đây là việc hoàn toàn có thể làm ngay nếu lãnh đạo, chính quyền Nhà nước thật sự vì dân; thành tâm muốn “đối thoại” với dân cũng như không muốn bị đau đầu về những vụ việc tương tự trong tương lai.
----------
Nguồn tham khảo:
- “Thủ tướng nói về Đồng Tâm: Xử quan trước, phạt dân sau”. http://plo.vn/thoi-su/thu-tuong-noi-ve-dong-tam-xu-quan-truoc-phat-dan-sau-711362.html
- “Khởi tố điều tra vụ bắt người trái pháp luật ở xã Đồng Tâm”. http://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ho-so-vu-an/khoi-to-dieu-tra-vu-an-hinh-su-bat-nguoi-trai-phap-luat-o-dong-tam-378150.html#inner-article
- “Biệt lệ Đồng Tâm, điển hình Đinh La Thăng và một số vấn đề có liên quan khác”. http://www.viet-studies.net/kinhte/NTrongBinh_DongTamDinhLaThang.htm
CT, 29/6/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét