Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Một hình dung “quân đội sẽ không làm kinh tế nữa”

Một hình dung “quân đội sẽ không làm kinh tế nữa”
Nguyễn Quang Đồng, 29/6/2017, (TBKTSG) - Những thảo luận công khai và cởi mở xung quanh câu chuyện đất sân golf ở sân bay Tân Sơn Nhất đã gợi mở đến những vấn đề chính sách cốt lõi: đất quốc phòng nói riêng, và chủ trương quân đội có nên làm kinh tế hay không nói chung. Chấm dứt vai trò làm kinh tế của lực lượng quốc phòng là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Song song với chấm dứt vai trò kinh tế của doanh nghiệp quốc phòng, cũng cần tiến tới chấm dứt vai trò làm kinh tế của lực lượng an ninh.

Câu chuyện đất sân golf ở Tân Sơn Nhất đã gợi mở đến vấn đề đất quốc phòng và chủ trương quân đội có nên làm kinh tế hay không. Ảnh: TLTBKTSG

Phát biểu gần đây nhất của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm được báo chí trích dẫn rằng quân đội sẽ không làm kinh tế để tập trung vào phát triển nền quốc phòng chuyên nghiệp và hiện đại, đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi - bảo vệ Tổ quốc - không chỉ làm quân đội mạnh lên, khu vực kinh tế dân doanh trong nước rõ ràng cũng được hưởng lợi. Chủ trương trên của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn, nhưng giải bài toán “dân sự hóa” doanh nghiệp quốc phòng, để một mặt nguồn lực và khối tài sản khổng lồ này phát huy được hiệu quả, đồng thời tránh thất thoát tài sản nhà nước, là vấn đề lớn cần tiếp tục được thảo luận rộng rãi.

Dân sự hóa doanh nghiệp quốc phòng như thế nào?

“Cổ phần hóa” được nhắc đến như là giải pháp để Nhà nước rút khỏi các doanh nghiệp quốc phòng. Định hướng là đúng, nhưng cách làm cần có những điểm đột phá. Trước hết, tiến trình “dân sự hóa” các doanh nghiệp quốc phòng cần tránh đi theo cách làm cổ phần hóa nửa vời, chậm trễ và làm thất thoát tài sản nhà nước như tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang vướng phải. Căn bản nhất, Chính phủ cần xác định dứt khoát rằng, nhóm doanh nghiệp nào cần Nhà nước nắm toàn bộ để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng thì giữ lại như một đơn vị quân đội. Nhóm doanh nghiệp nào không phục vụ nhiệm vụ quân sự thì cần bán lại 100% cho khu vực tư nhân.

Nhóm thứ nhất có thể là các doanh nghiệp đang sản xuất vũ khí và phát triển công nghệ quốc phòng. Với nhóm này, sắp tới không nên gắn chức năng làm kinh tế cho họ mà chỉ yêu cầu tập trung phục vụ nhu cầu quốc phòng. Điều này giúp tránh phát sinh các mâu thuẫn giữa nhiệm vụ chính trị (phục vụ quốc phòng) và nhiệm vụ kinh doanh (theo đuổi lợi nhuận và hiệu quả kinh tế) - vốn là hai nhiệm vụ không thể cùng lúc đáp ứng với một tổ chức nhà nước.

Nhóm còn lại, chiếm số lượng lớn, hiện đang sản xuất, kinh doanh như những đơn vị dân sự. Nhóm này cần bán 100% cho tư nhân, Nhà nước tuyệt đối không nên nắm cổ phần trong đó. Quan trọng hơn, không chỉ doanh nghiệp quốc phòng đang kinh doanh xây dựng, kinh doanh viễn thông, ngân hàng cần tư nhân hóa 100%, mà các doanh nghiệp cung cấp những dịch vụ phi quân sự như quân trang, tư trang cho quân nhân cũng không cần Nhà nước nắm cổ phần. Kinh nghiệm cho thấy, quân đội có thể tổ chức đấu thầu công khai để doanh nghiệp tư nhân cung cấp các dịch vụ, nhu yếu phẩm cho quân nhân, với chi phí rẻ hơn và hiệu quả hơn rất nhiều so với doanh nghiệp quốc phòng.

Trong nhóm thứ hai này, để tiến trình bán tài sản diễn ra nhanh mà không thất thoát, cần phân loại doanh nghiệp thành hai nhóm nhỏ, dựa trên tiêu chí là hiệu quả hoạt động để có phương án xử lý hợp lý. Nhóm một là các doanh nghiệp đang thua lỗ, hoạt động không hiệu quả và khó thu hút tư nhân mua lại. Nhà nước cần kiên quyết giải thể những doanh nghiệp này. Tài sản cố định còn lại có thể bán thanh lý. Riêng đất đai - là tài sản có giá trị lớn nhất, sau khi giải thể doanh nghiệp, Quốc hội cần yêu cầu Bộ Quốc phòng trả lại cho chính quyền địa phương. Hội đồng nhân dân địa phương sẽ quyết định sử dụng đất đai này như thế nào: tiến hành bán đấu giá quyền sử dụng đất và thu tiền về ngân sách địa phương; hoặc sử dụng đất đai đó cho các mục đích xã hội, công cộng phục vụ người dân địa phương.

Cần một nghị quyết hướng dẫn từ Quốc hội

Để làm được điều này, Quốc hội cần có một nghị quyết để xác lập quan điểm và nguyên tắc hướng dẫn cho toàn bộ tiến trình này. Theo đó, nghị quyết có thể xác lập những nội dung chủ yếu:

Thứ nhất, xác lập quan điểm ủng hộ của Quốc hội với việc quân đội không làm kinh tế; và các nguyên tắc, lộ trình cho việc xử lý tài sản nhà nước còn do doanh nghiệp quốc phòng nắm giữ.

Thứ hai, Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ tiến hành kiểm toán, đánh giá lại toàn bộ tài sản và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng. Quan trọng nhất trong hoạt động này là rà soát và tổng kiểm kê lại quỹ đất mà các doanh nghiệp này đang nắm giữ.

Thứ ba, hướng dẫn Chính phủ xử lý tài sản nhà nước trong doanh nghiệp quốc phòng thông qua tư nhân hóa và bán tài sản theo các nguyên tắc thảo luận như trên.

Chấm dứt vai trò làm kinh tế của lực lượng quốc phòng là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Song song với chấm dứt vai trò kinh tế của doanh nghiệp quốc phòng, cũng cần tiến tới chấm dứt vai trò làm kinh tế của lực lượng an ninh. Giải được bài toán xử lý tài sản của doanh nghiệp quốc phòng cũng chính là tìm được lời giải cho bài toán hoàn toàn tương tự với doanh nghiệp của lực lượng an ninh. Hy vọng rằng, Quốc hội, trong không khí thảo luận cởi mở và minh bạch như hiện nay, sẽ tiếp tục đánh giá và tiếp thu các khuyến nghị hợp lý nhằm thực hiện tốt chủ trương xác đáng này.

http://www.thesaigontimes.vn/161885/Mot-hinh-dung-quan-doi-se-khong-lam-kinh-te-nua.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét