Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

Mơ con có tên, mơ con được đi học...

Mơ con được đi học
Hỷ Long - June 17, 2017 - Khi bước vào xóm Việt kiều Cam Bốt, cảm giác mạnh nhất đập vào tôi có lẽ là tôi đang đi lạc vào một bộ lạc nào đó; đây là bộ lạc hiền, họ có mặt ở nhà 100% bởi sau giờ đi đánh cá, dường như tất cả đang quây quần ở nhà, bộ lạc này cũng không có ai say rượu để mình phải sợ họ gây sự vì cơm không có mà ăn thì lấy đâu ra tiền mua rượu? Và đáng nói hơn cả, có lẽ là những đứa trẻ ở đây.
Trẻ không khai sinh bên những mái nhà tạm bợ
Trẻ bộ lạc?
Cái cảm giác bước vào một bộ lạc bị bỏ quên còn mạnh hơn nữa khi chúng tôi tiếp xúc với những đứa trẻ, hỏi thăm và nghe trả lời.
“Cháu năm nay mấy tuổi?”
“Dạ cháu hai mươi ba tuổi?”.
“Sao lại hai mươi ba, cháu bao nhiêu tuổi trả lời thật nào! Chú hứa sẽ cho kẹo!”.

“Không, cháu không cần kẹo, cháu chỉ cần tiền thôi, tiền để mua gạo đó! Năm nay cháu 23 tuổi thật mà, cháu hay nghe ba mẹ nói là hai ba, hai ba gì đó, chắc là tuổi của cháu thôi!”.

“Cháu tuổi con gì?”

“Con kiến”.

“Không phải, bộ cháu không biết mười hai con giáp à?”.

“Dạ không, cháu hay bị kiến bâu mông nên cháu nghĩ chắc mình tuổi con kiến”.

Cô Việt kiều Cam Bốt không tên

Ðứa bé chừng 10 tuổi này cứ nói lòng vòng mãi, cuối cùng tôi cũng không biết nó bao nhiêu tuổi, cha mẹ của nó cũng cố ngồi nhớ nó được sinh ra cách đây bao nhiêu năm nhưng hình như họ nhớ cũng không chính xác gì mấy!

Gặp một đứa khác chừng 15 tuổi, có mặc đầy đủ áo quần và coi bộ sáng sủa nhất so với đám trẻ mà nó đang chơi đùa cùng, tôi hỏi: “Cháu tên gì?”.

“Việt Kiều”.

“Cháu họ gì?”

“Việt Kiều”.

“Ủa, cháu có nhầm cái người ta thường gọi cháu với lại tên cháu không vậy?”.

“Dạ không, lầm sao được mà lầm, họ tên cháu là Việt Kiều, khi cháu đi chơi trong khu xóm của người dân ở đây, mỗi khi chó sủa, họ cũng nói chó sủa thằng Việt Kiều, khi bị mất cái gì, họ cũng bảo thằng Việt Kiều lấy và rượt cháu, khi cho cháu cái gì, họ cũng gọi ‘ê Việt Kiều, tao cho mày cái này nè’. Cháu tới thì họ cho, bữa cái bánh, bữa lon gạo, tên của cháu là Việt Kiều đó chú!”.

“Ờ… chú hiểu rồi, vậy cháu biết cháu bao nhiêu tuổi không?”.

“Dạ không biết được đâu, khó lắm, ở đây chỉ có cháu là hay qua xóm bên ngoài nên cháu có tên Việt Kiều chớ mấy đứa này cha mẹ nó gọi lung tung. Nhưng mấy đứa lớn lớn thì có tên. Con này tên là Bẻm, con kia tên là Lu, con này tên là Bờm. Còn mấy đứa nhỏ thì chưa có tên. Tuổi thì cháu không biết, tuổi cháu cũng không có nữa mà!”.

“Cháu biết chữ không? Cháu có đến trường học không?”.

“Cái vụ này cháu mù, thôi chú hỏi mẹ cháu đi!”. 

Những đứa trẻ chưa bao giờ được đặt tên

Không khai sinh

Thằng bé dắt tôi về gặp mẹ nó, một phụ nữ trạc ba mươi, tóc nhuộm vàng hoe. Có một điều rất lạ là hình như phụ nữ trong xóm Việt Kiều ai cũng nhuộm móng tay, xăm mi mắt, xăm chân mày và xăm môi, hình dong tiều tụy, mọi thứ xăm trổ nổi lên rõ nét nhất. Và họ nói năng lúc nào cũng cho cảm giác mệt mỏi, có chút gì đó mếu máo như đang khóc… Cô gái mà tôi hỏi cũng có xăm mi mắt, chân mày, nhưng có vẻ khá hơn những người kia, cô chưa đến nỗi tiều tụy và còn trẻ. Tôi hỏi:

“Chị là mẹ của cháu bé này phải không?”.

“Dạ đúng rồi, em là mẹ của nó, tên nó không phải là Việt Kiều nhưng dân quanh đây họ gọi vậy thành chết tên, tụi em toàn Việt kiều Cam Bốt không à!”.

“Vậy cháu tên gì vậy chị? Và cháu bao nhiêu tuổi?”.

“Dạ nó cũng chưa có tên, em nhớ là sinh nó ra chừng 10 năm rồi, vì hồi ở bên Biển Hồ, tụi em cũng chẳng có nhớ ngày nhớ tháng, cứ chuyển bụng thì đưa tới bệnh viện mà sinh con, sinh xong lại về nghỉ ngơi vài ngày rồi làm việc nuôi con. Chẳng có khai sinh được mà cũng chẳng nhớ nổi con mình bao nhiêu tuổi, em nhớ mang máng thôi, nó chừng 13 tuổi thì phải, hình như nó tuổi con khỉ hay con gà gì đó!”.

“Còn cháu bé này (chỉ đứa con chị đang bế) sinh ở đâu, có tên không chị?”

“Dạ thằng bé này cũng không có tên, tụi em về Việt Nam năm ngoái, có bầu thằng cu này tại Việt Nam, hy vọng là sinh nó ở đây sẽ có khai sinh Việt Nam, vì em nghe đồn vậy nên mừng lắm. Ai dè khi đến bệnh viện sinh nó thì người ta chỉ viết cho cái giấy chứng sinh sơ sài, làm khai sinh không được, mà ủy ban xã ở đây họ không cho làm khai sinh, cuối cùng thằng nhóc này cũng chưa có tên tuổi gì!”.

Khi chiếc taxi là giấc mơ của trẻ

“Ở đây trẻ con có được đến trường không chị?”.

“Làm gì được anh, trăm phần trăm ở nhà phụ giúp cha mẹ hoặc là chạy đi chơi ở đâu đó quanh quẩn trong xóm này thôi. Chứ có trường nào cho học đâu! Mà có cho học thì mỗi năm lên cả triệu đồng, tiền ăn mình còn không có thì lấy đâu ra tiền mà học hả anh!”.

“Vậy anh chị và mọi người ở đây có hy vọng gì trong chuyện này không? Hay là…?”.

“Hy vọng gì đâu anh ơi! Giờ mình tan nát rồi, còn gì nữa. Sống bên Cam Bốt người ta đuổi mình như đuổi chó, gặp đâu sợ đó, lây lất qua ngày đoạn tháng, đang làm lưới mà nghe truy quét một phát là lo chạy tán loạn, rồi cuối cùng cũng hết đất sống, lại trôi dạt về đây, cũng lênh đênh vậy thôi!”.

“Anh chị sang bên Cam Bốt bao giờ? Hay là theo cha mẹ?”.

“Không, tụi em sinh ra bên đất Cam Bốt. Hồi đó ông bà em sang bên đó trước, dắt theo con cái. Rồi con cái sau này mới dựng vợ gả chồng, đẻ ra tụi em. Mà hồi đó nói là dựng vợ gả chồng chứ có cưới hỏi gì đâu! Vì mình là thân ăn nhờ ở đậu, đâu có dám làm đám cưới!”.

“Hồi đó vì sao lại sang bên đó anh chị có biết không?”.

“Nghe đâu là chạy mấy ổng, khi mấy ổng tiến về Sài Gòn thì ông bà em sợ quá, dắt díu nhau chạy sang Cam Bốt, rồi dạt dần ra Biển Hồ sinh sống, giấy tờ gì cũng mất sạch. Mình là người gốc Việt nhưng chẳng có gì chứng minh mình nói thật hết. Khổ lắm, em lo nhất là con cái tụi em mai mốt thất học, muốn đi làm công nhân cũng phải có cái bằng tốt nghiệp lớp 12, mà ở đây thì có ai học tới lớp 6 đâu! Giờ con cái tụi em lại tiếp tục không có giấy khai sinh, không có trường học. Ðời sao mà khổ!”.

Câu chuyện tạm dừng khi một trận mưa lớn khác lại kéo đến, tôi lo co giò chạy để tránh bị ướt máy (giống lần trước). Và mặc dù đã đến đây lần thứ hai, sau gần một tuần giong ruổi ở các tỉnh khác, giờ quay lại, điều làm tôi cảm thấy áy náy nhất vẫn là không có gì khác ngoài vài đồng lẻ tặng cho những ai mình gặp, khi mình trò chuyện. Những tiếng kêu xin gạo, xin muối của người bộ lạc Việt kiều khiến cho tôi đôi khi nghĩ lại rùng mình. Bởi tôi đang sống trong thế kỷ 21, và họ cũng đang sống trong thế kỷ giống tôi!

http://baotreonline.com/mo-con-duoc-di-hoc/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét