Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

Mai này nếu vắng cồng, chiêng…

Mai này nếu vắng cồng, chiêng…
TP - Giữa vòng xoáy mưu sinh, cơm áo, nhưng vẫn còn đó những nghệ nhân đằng đẵng theo thời gian nặng lòng lo toan cho nhạc cụ dân tộc truyền thống. Họ sợ mai này thứ nhạc cụ mang cái hồn cốt dân tộc ấy sẽ ra sao. Hằng ngày bên cạnh việc đi rẫy, họ vẫn dành thời gian rong ruổi tìm, lưu giữ những nhạc cụ dân tộc để sau này con cháu biết đến nét văn hoá truyền thống của cha ông.
Chiếc trống cái trong bộ chiêng quý được ông A Nol mua ở Kon Tum.
Giữ bảo vật cho buôn làng
Đến buôn Kon H’ring (xã Ea Hđing, huyện Cư M’gar), theo chân trưởng buôn A Nít, lần theo con đường sỏi đá gập ghềnh đến nhà nghệ nhân A Nol (78 tuổi) - người giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc Xơ Đăng.

Trong căn nhà gỗ nhỏ, âm thanh đàn T’rưng vang vọng giữa buổi chiều thanh vắng cho người nghe cảm giác thanh bình, yên ả. Ẩn trong đó có thể cảm nhận được tiếng suối chảy, tiếng chim hót của núi rừng Tây Nguyên. Thanh âm đó khiến tôi đắm chìm như vào cõi thiền thanh tịnh. Ngôi nhà như một “bảo tàng nhạc cụ thu nhỏ” của người Xơ Đăng. Đàn T’rưng, đàn Klông pút và các nhạc cụ được xếp ngay ngắn, trong đó có hai bộ chiêng quý mà ông cùng trưởng buôn A Nít theo chân những nhà quản lí văn hóa lặn lội sang Kon Tum mang về.

Nghệ nhân A Nol không chỉ là người duy nhất của buôn biết đánh và chỉnh chiêng, ông còn đam mê chế tác đàn T’rưng, đàn Klông pút. Theo lời ông, đàn Klông pút chỉ dành riêng cho phụ nữ. Khi đánh người phụ nữ sẽ đứng ở cuối những ống tre dùng tay vỗ để âm thanh như suối nguồn cứ thế tuôn chảy.

Bỏ dở công việc đan gùi, ông tiếp tôi bằng câu chuyện đầy trăn trở. Khi ấy người dân làng Kon H’ring đang sinh sống yên bình ở tỉnh Kon Tum phải ly tán bởi cuộc chiến tranh ác liệt. Sau ngày giải phóng năm 1975, người dân trong làng đã cùng nhau về dưới chân núi Cư Dliê Mnông (huyện Cư M’gar) thanh bình, lập nên một ngôi làng mới - buôn Kon H’ring bây giờ. Đôi mắt nghệ nhân nhìn xa xăm chất chứa một nỗi buồn sâu thẳm: Những tưởng cuộc sống cứ thế êm đềm trôi đi, thế nhưng vào một đêm mưa gió cuối đông năm 2002, ngôi nhà rông duy nhất mà cả làng đã cất công gây dựng bỗng chốc cháy rụi và đổ sụp. 

Mất mát đó đối với người dân Kon H’ring là quá lớn. Kể từ đó, lễ hội trong buôn dường như buồn hẳn, thiếu vắng đi một điều gì đó vừa thân quen vừa thiêng liêng. Tiếng chiêng, tiếng đàn T’Rưng dần chìm vào quên lãng. Để âm vang nhạc cụ hồn cốt ông cha cất lên mãi ở buôn Kon H’ring, ông liền mở lớp dạy đánh chiêng cho trai trẻ trong buôn. Nhờ vậy, giờ Kon H’ring có thêm một đội chiêng trẻ. Và ở Kon H’ring, chính ông cũng là người dạy những điệu múa truyền thống của người Xơ Đăng cho chị em phụ nữ trong làng. Đội chiêng, đội múa của Kon H’ring được mời đi thi và biểu diễn ở các lễ hội văn hóa của huyện và tỉnh, mang về những danh hiệu quý giá cho đội và cho cả buôn làng Kon H’ring.

Truyền hồn cho thế hệ trẻ


Trong ngôi nhà dài truyền thống, nghệ nhân Y Bruắt Êban (sinh năm 1937, buôn Ea Sút, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) say sưa với những thân tre, ống nứa, quả bầu khô. Chỉ sau gần nửa tiếng cùng vài thao tác ông đã cho ra sản phẩm là một ống thổi Đing buốt. Vào những buổi chiều với âm thanh du dương và trầm bổng đã lôi cuốn lớp trẻ trong làng đến quây quần bên góc sân nhà để nghe để cảm, để học làn điệu ấy.

Cuộc sống hiện đại, khi mọi thứ xưa cũ dần chìm vào lãng quên, thì những giá trị truyền thống từ những bản sử thi, câu hát Ay ray, việc thổi Đing buốt, Đing năm... được ông thấm nhuần, thuần thục kể cho dân làng nghe và truyền lại tới bây giờ. “Để khơi nguồn tình yêu với văn hóa truyền thống, buôn tổ chức các buổi gặp gỡ giao lưu giữa nghệ nhân với lớp trẻ , từ đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống bình dị hằng ngày, giúp những người trong buôn làng xích lại gần nhau hơn”, ông Êban cho biết.

Cuối tháng 3/2016, nghệ nhân Y Bruắt Êban tham gia biểu diễn giao lưu văn hóa tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), tham gia hội thi chế tác nhạc cụ dân tộc lần đầu tiên tổ chức tại huyện Cư M’gar và đoạt giải A cuối năm 2016.

Nghệ nhân A Nol (phải) và ông A Thia đang thử chiêng.

Buôn M’nang Dơng, xã Yang Mao (huyện Krông Bông), có ông Y Blễ M’Drang (sinh năm 1957) gốc người dân tộc M’Nông , được bà con nơi đây yêu mến và kính trọng bởi tài năng hiếm có. Ông thuộc tất cả các điệu hát Ay ray và sáng tác lời cho các điệu hát rất nhanh, dễ đi vào lòng người và tâm huyết truyền lại cho thế hệ trẻ.

Ông luôn tâm niệm, bảo tồn văn hóa chính là cách tốt nhất để giữ lấy nguồn cội của dân tộc. Ông cùng vợ là bà H Jũp Niê thường xuyên hát Ay ray, Kư ứt đối đáp với nhau, đó cũng là một cách để truyền dạy cho con cháu. Hai ông bà được mời đến dạy nhiều nơi. Dù dạy miễn phí nhưng thấy học trò đến học đông, ông bà rất vui và phấn khởi. Ông Y Blễ chia sẻ: hát Ay ray, Kư ứt, Khan không khó, bởi chỉ cần dựa trên các điệu có sẵn, người hát có thể sáng tác vô vàn lời ca. Nhưng để học được đòi hỏi người học phải tập trung, kiên trì và có niềm đam mê. Từ năm 2008 phòng Văn hóa Thông tin huyện Krông Bông mở các lớp dạy hát các làn điệu dân tộc cho các em thanh thiếu niên tại nhà văn hóa cộng đồng ở các buôn vào buổi tối. Từ đó đến nay thế hệ học trò mà ông bà dạy ngày một tăng lên song số người có thể hát được thành thạo theo ông, không nhiều. Bằng tình yêu đối với các điệu dân ca ông bà vẫn kiên trì gieo vào lòng thế hệ trẻ cái hay, cái đẹp của văn hóa dân gian.

Anh Y Oanh Byă (buôn Tul) cách nhà văn hoá cộng đồng 10 km, tham gia lớp học của ông bà, chia sẻ: “Mặc dù đường khá xa nhưng tôi chưa vắng buổi học nào, đây là một niềm đam mê, dù không hát được như ông Y Blễ nhưng tôi vẫn học để sau này có thể chỉ dạy cho con mình”.

Huyện vùng biên giới Ea Súp, tiếng chiêng Pên và chiêng Aráp của dân tộc Gia Rai vẫn ngân nga đều đặn trong những buổi học của các bạn thanh thiếu niên. Nghệ nhân Y Ma Lai Kpă sinh ra và lớn lên giữa Tây Nguyên đại ngàn, trong tiếng cồng chiêng, tiếng đing năm, đing puốt... Hầu như tất cả âm thanh của các nhạc cụ đặc trưng ấy đã ngấm vào máu thịt của người nghệ nhân này từ khi còn trẻ. Ông chia sẻ: Giữa bộn bề cuộc sống, sự phát triển của văn minh đô thị đã len lỏi vào từng buôn làng. Hình ảnh các chàng trai, cô gái đánh chiêng, nắm tay nhau nhảy quanh đống lửa bập bùng bên những ché rượu cần đã dần thưa vắng và nhạt phai. Chiêng nếu không được đánh thường xuyên sẽ quên, mình phải lưu giữ nét văn hoá truyền thống của cha ông. Những ai có niềm đam mê nhạc cụ, muốn học đánh chiêng, chế tác nhạc cụ, tôi đều sẵn sàng truyền lại. Năm 2013, Huyện Đoàn đã mở lớp dạy đánh chiêng. Một tuần 3 buổi tối tôi dạy các bạn trẻ đánh chiêng tre và chiêng đồng ở nhà cộng đồng của buôn. Như mạch nguồn âm ỉ, hiện có rất nhiều cậu bé đã ngấm và say mê với nhạc cụ dân tộc mình, có niềm đam mê diễn tấu cồng chiêng.

“Để khơi nguồn tình yêu với văn hóa truyền thống, buôn tổ chức các buổi gặp gỡ giao lưu giữa nghệ nhân với lớp trẻ , từ đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống bình dị hằng ngày, giúp những người trong buôn làng xích lại gần nhau hơn”.
Ông Y Bruắt Êban

Theo số liệu của Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh có trên 3.000 người biết diễn tấu cồng chiêng, khoảng 600 nghệ nhân biết dạy diễn tấu cồng chiêng và 300 nghệ nhân biết chỉnh chiêng.


Cồng chiêng Ê Đê giữa châu Úc
Rời buôn làng ra nước ngoài biểu diễn, giao lưu, đoàn nghệ nhân cồng chiêng buôn Ko Siêr nồng nhiệt thể hiện sự hấp dẫn của nền văn hóa đậm đà bản sắc Ê Đê - Việt Nam. Tiếng chiêng vang lên, mọi khoảng cách địa lý, ngôn ngữ, sắc tộc… như tan biến, chỉ còn lại tình người ấm áp, thân thiện.


Đội cồng chiêng lưu giữ báu vật làng
TP - 20 thanh niên Ca Dong của thôn 5, xã Sông Trà (Hiệp Đức, Quảng Nam) tập hợp lại, học và truyền nhau những nhịp cồng chiêng, điệu múa truyền thống để biểu diễn trong các lễ hội của làng và gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc.

http://www.tienphong.vn/van-nghe/mai-nay-neu-vang-cong-chieng-1156825.tpo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét