Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

LS tố giác thân chủ: Bước lùi của tư pháp hình sự

LS có nghĩa vụ tố giác thân chủ: Sẽ là bước lùi của tư pháp hình sự
Tranh luận xung quanh việc luật sư có nghĩa vụ tố giác thân chủ, GS.TS Lê Hồng Hạnh đã đưa ra quan điểm riêng cho rằng đó là bước lùi được báo trước của tư pháp hình sự. Báo Người Đưa Tin xin chia sẻ với bạn đọc quan điểm của GS.TS Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN, Tổng Biên tập tạp chí Pháp luật và Phát triển.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá 14 đang xem xét 
sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015.
Có nên quy định luật sư phải tố giác thân chủ?
Trong phiên họp vừa rồi của Quốc hội, Đại biểu Bắc Kạn Nguyễn Thị Thủy đề nghị đưa vào Bộ luật Hình sự 2015 nghĩa vụ của luật sư phải tố giác thân chủ mình khi phạm một số tội nghiêm trọng, đặc biệt là tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Cũng không chịu kém trong việc thể hiện sáng kiến lập pháp, Đại biểu Bắc Ninh Nguyễn Thị Xuân đề nghị hình sự hóa hành vi nói xấu lãnh đạo. Đây là những đề xuất khá bất thường. Đáng lo lắng là những đề xuất bất thường này xem ra được sự ủng hộ của không ít đại biểu Quốc hội.

Với tư cách là một nhà khoa học, tôi xin phép được trao đổi một số vấn đề liên quan đến những đề xuất mà tôi cho là bất thường này. Đây là quan điểm cá nhân tác giả muốn đóng góp ý kiến phản biện đa chiều để những nhà lập pháp của đất nước cân nhắc việc luật hóa trách nhiệm hình sự của luật sư đối với hành vi không tố giác thân chủ phạm tội.

Tôi mong Bộ luật Hình sự sau khi được ban hành sẽ không một lần nữa trở thành đề tài phê phán của xã hội, đồng thời để nền dân chủ và hệ thống tư pháp hình sự của đất nước không phải trải nghiệm những bước lùi được báo trước. Bài viết này trao đổi một số vấn đề về hình sự hóa việc luật sư không tố giác thân chủ phạm tội.

Người đề xuất áp dụng trách nhiệm hình sự đối với luật sư không tố giác thân chủ phạm tội tuyên bố rằng đề xuất này là vì nhân dân, vì sự bình yên của nhân dân. Đó có thể là mong muốn thật của Đại biểu Nguyễn Thị Thủy. 

Nếu xét ở góc độ nào đó thì đây là đề xuất dễ được nhiều cán bộ lãnh đạo tán đồng trong bối cảnh tình trạng phạm tội, an ninh, an toàn trật tự xã hội đang có những cảnh báo đỏ. Phát hiện nhanh, xử lý nhanh các hành vi phạm tội thông qua việc các cơ quan điều tra có được những thông tin nhanh nhất về tình trạng phạm tội là điều mà nhiều người nghĩ đến. Giá trị của đề xuất có lẽ gắn với cách nghĩ này của nhiều người. Nếu phân tích một cách biện chứng thì đề xuất này cũng sẽ có những giá trị nhất định. Mọi sự vật và hiện tượng đều có hai mặt. Không có gì tuyệt đối có và tuyệt đối không. Theo tôi, nếu luật hóa đề nghị của Đại biểu Nguyễn Thị Thủy thì chỉ có một điểm lợi cho cơ quan điều tra. Họ gặp thuận lợi hơn vì có thêm những thông tin về tội phạm do các luật sư cung cấp. Ở chừng mực nhất định, điều này có thể giúp thúc đẩy nhanh hoạt động điều tra và sẽ có tác động nào đó đối với việc đảm bảo an ninh, trật tự.

Tuy nhiên, nếu phân tích toàn diện, việc luật hóa trách nhiệm hình sự của luật sư do không tố giác thân chủ phạm tội không thể mang lại giá trị lớn lao như người đưa ra đề xuất và những người ủng hộ nó mong muốn, đó là đất nước sẽ an ninh hơn, nhân dân bình yên hơn. Như đã phân tích ở trên, cái lợi cũng có thật nhưng rất nhỏ và không chắc chắn. Trái lại, việc luật hóa trách nhiệm hình sự của luật sư do không tố giác thân chủ phạm tội có thể tạo ra cho hệ thống tư pháp hình sự, cho nền dân chủ của đất nước nhiều bất cập.

Những bất cập khi luật hóa nghĩa vụ của luật sư tố giác tội phạm

Trước hết, ngay trong cái lợi như nêu trên vẫn tiềm ẩn những bất lợi. Việc luật sư tố giác thân chủ phạm tội có thể làm giảm trách nhiệm của cơ quan điều tra. Các cơ quan điều tra sẽ định kiến và không làm hết sức để xác định rõ các tình tiết phạm tội. Đáng nói hơn là việc luật sư tố giác thân chủ sẽ làm giảm sự đối trọng trong tố tụng hình sự giữa cơ quan điều tra và hoạt động phản biện của luật sư. Đối trọng giữa buộc tội của cơ quan công tố và phản biện của luật sư là yếu tố vô cùng quan trọng để xác định công lý. Thiếu sự đối trọng đó khó đạt đến sự thật của vụ án, khó mang lại công lý cho người dân và vì thế nền dân chủ bị tổn hại.

Mặt khác, việc luật sư tố giác thân chủ sẽ đẩy luật sư về phe buộc tội và trong hệ thống cơ quan điều tra của đất nước sẽ được điền thêm: Các văn phòng luật sư. Tranh tụng không còn nhiều ý nghĩa trong bối cảnh đó. Mặt khác, đặt trong yêu cầu quy định của Điều 98, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 theo đó “không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội” thì lời tố giác của luật sư cũng không có nhiều giá trị đối với cơ quan điều tra, công tố trong việc buộc tội.


GS.TS Lê Hồng Hạnh

Thứ hai, nếu cho rằng việc luật hóa nghĩa vụ của luật sư tố giác thân chủ phạm tội sẽ mang lại an ninh, trật tự xã hội tốt hơn, bảo vệ nhân dân tốt hơn thì đấy là sự ngộ nhận do thiếu thông tin toàn diện. Nếu sự bình yên của nhân dân, việc chống trả hiệu quả nạn khủng bố đang phủ bóng châu Âu, nhất là Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga v.v được đảm bảo theo cách này thì các quốc gia trên thế giới chắc đã thay đổi pháp luật của mình theo hướng buộc luật sư phải tố giác thân chủ phạm tội.

Cục Điều tra liên bang Hoa Kỳ (FBI) chắc không phải đau đầu trong cuộc chiến pháp lý với Google và Facebook nhằm giải mã các thông tin liên quan đến các nhóm khủng bố và đặc biệt là tổ chức IS vốn là khách hàng của họ. Các công ước quốc tế về quyền con người cho đến thời điểm hiện nay vẫn không thay đổi trong cách tiếp cận về mối quan hệ giữa luật sư và thân chủ. Theo đó, các quốc gia thành viên phải tạo điều kiện cho luật sư đảm bảo bí mật thông tin về thân chủ. Pháp luật của các quốc gia trên thế giới cũng đều tuân theo nguyên tắc luật sư phải giữ bí mật thông tin về thân chủ.

Ở Việt Nam, từ trước đến nay, an ninh đất nước, sự bình yên của nhân dân vẫn được đảm bảo cả khi trong pháp luật hình sự không có các quy định buộc luật sư tố giác thân chủ phạm tội. Hiện tại, chưa có bất cứ một số liệu hay đánh giá thực tế nào cho thấy sự gia tăng tình trạng mất an ninh, hỗn loạn trật tự xã hội có nguyên nhân từ việc luật sư không tố giác tội phạm.

Thứ ba, đề xuất nêu trên nếu được luật hóa sẽ phá vỡ mối quan hệ giữa thân chủ và luật sư trong tố tụng vốn được tạo dựng trên niềm tin và sự cần thiết phải đảm bảo quyền của người dân tiếp cận công lý. Nó phá vỡ nền tảng tố tụng dựa trên sự bình đẳng của các bên trước tòa án, trước công lý.

Trách nhiệm và nghĩa vụ của luật sư là phải đảm bảo cho thân chủ của mình được tiếp cận công lý bằng việc tranh luận, phản bác những buộc tội không có căn cứ hoặc chưa có đầy đủ căn cứ, thậm chí những buộc tội dựa trên những chứng cứ ngụy tạo như trong các vụ án Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn... đang là những vết nhơ của nền tư pháp nước ta. Thử hình dung vai trò của luật sư trong tranh tụng sẽ ra sao khi trước đó luật sư đã tố giác thân chủ của mình phạm tội.

Luật sư không còn con đường nào khác là phải im lặng trong tình huống như vậy. Không còn có sự đối trọng nào để công lý được thực thi. Trước đây, tòa án, kiểm sát viên, cơ quan điều tra đã phối hợp, bàn bạc nhau về các vụ án trước khi đưa ra xử. Với việc luật hóa nghĩa vụ của luật sư tố giác thân chủ phạm tội thì nay trong thành phần đó sẽ có thêm sự tham gia của luật sư. Tố tụng hình sự liệu còn có ý nghĩa gì không?

Để có công lý, tòa án phải độc lập, cơ quan kiểm sát thực hiện quyền công tố dựa trên những chứng cứ thu thập được và luật sư tham gia để bảo vệ người bị buộc tội, đảm bảo cho họ quyền được bào chữa quy định trong Hiến pháp, bộ luật TTHS. Các công ước quốc tế về quyền con người cũng quy định như vậy về luật sư và thân chủ. Nếu luật sư phải tố giác thân chủ, cho dù chỉ đối với một vài tội đặc biệt nghiêm trọng thôi cũng đã là điều không thể chấp nhận được chứ chưa nói đến hàng loạt tội phạm như liệt kê trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung BLHS 2015.

Thứ tư, đề xuất luật sư phải tố giác thân chủ phạm tội là rất không phù hợp xét ở khía cạnh đạo đức nghề nghiệp luật sư. Thân chủ tin luật sư như bệnh nhân tin thầy thuốc, không nói hết sự thật sẽ chịu hậu quả bất lợi. Họ phải nói hết những gì họ đã phạm phải với mong muốn luật sư sẽ mang lại công lý cho họ, để họ bị xử đúng tội, chịu đúng hình phạt họ đáng phải chịu và đó chính là công lý. Nếu luật sư tố cáo thân chủ thì không còn tồn tại đạo đức nghề nghiệp luật sư. Xét ở khía cạnh đạo đức nghề nghiệp và tính nhân văn, cần phải có cách tiếp cận như Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi năm 2009.

Theo Điều 314, Bộ luật Hình sự này, cha, mẹ, vợ, chồng, anh chị em ruột của người phạm tội bị truy tố về tội không tố giác tội phạm trừ đối với một số tội nghiêm trọng và đặc biệt nghiệm trọng. Bộ luật này không quy định trách nhiệm hình sự của luật sư đối với việc không tố giác thân chủ. Đấy là cách tiếp cận chuẩn xác của Quốc hội các nhiệm kỳ trước. Việc luật hóa đề xuất luật sư phải tố giác thân chủ phạm tội sẽ đẩy nền tư pháp nước ta rời xa hơn các giá trị đạo đức và nhân văn so với trước đây.

Thứ năm, khoản 3, Điều 19 Dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung BLHS 2015 thiếu tính khả thi nếu không nói là bất khả thi. Luật sư, khác với linh mục. Linh mục biết được con chiên của mình phạm tội khi con chiên tự nguyện đến nhà thờ xưng tội. Không có người phạm tội nào, nhất là phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng, tìm đến luật sư để nói rằng mình phạm tội khi chưa bị khởi tố, bắt giam. Những người phạm tội chỉ tìm đến luật sư khi họ bị khởi tố, bị xét xử. Luật sư biết về việc phạm tội của thân chủ sau cơ quan điều tra. Do đó, việc luật sư phải tố giác thân chủ liệu có cần thiết hay không. Mặt khác, cơ quan điều tra có nhiều phương tiện kỹ thuật, kỹ năng, được đào tạo và huấn luyện chuyên nghiệp nên có thể xác định hành vi phạm tội mà không cần đến sự tố giác của luật sư.

Giả sử, luật sư trong quá trình tham gia bảo vệ cho thân chủ, nếu có thông tin về việc thân chủ của mình đang chuẩn bị phạm một tội nghiêm trọng nào đó thì liệu luật sư có đủ căn cứ xác thực để xác định thông tin đó chính xác không? Chắc chắn luật sư không thể làm được điều này một cách hiệu quả vì họ không có quyền hạn như cơ quan điều tra. Khi không đủ điều kiện để xác định thông tin có chính xác hay không thì luật sự dễ trở thành kẻ phạm tội vu khống khi thân chủ quay lại kiện luật sư. Hơn nữa, khi người phạm tội đang bị tạm giam, tạm giữ chờ xét xử thì việc luật sư có tố giác tội phạm thì cũng chẳng giúp được cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn.

Người phạm tội chỉ chia sẻ với luật sư những thông tin liên quan đến tội đã, đang bị điều tra, truy tố chứ không bao giờ chia sẻ thông tin về tội khác mà họ đã thực hiện hoặc tội mà họ có kế hoạch thực hiện cùng những đồng phạm khác đang ở ngoài đời. Trong trường hợp này, sẽ rất khó để buộc tội luật sư không tố giác thân chủ vì các cơ quan điều tra cũng khó chứng minh rằng luật sư đã biết về những tội phạm mà thân chủ đã, sẽ thực hiện ngoài những gì họ biết từ hồ sơ vụ án mà họ được tiếp cận.


Luật sư trong một vụ án hình sự.

Thứ sáu, việc buộc luật sư phải tố giác thân chủ phạm tội sẽ mang đến các hệ lụy khác mà hệ thống tư pháp phải đối mặt. Không phải người phạm tội nào cũng trực tiếp tiếp xúc với luật sư. Trong trường hợp người đại diện của người phạm tội, nhất là người phạm tội vị thành niên, tiết lộ những gì mà Bộ luật Hình sự muốn luật sư phải tố giác thì không chỉ mối quan hệ giữa luật sư với người phạm tội mà ngay cả quan hệ giữa người phạm tội với người thân của mình cũng bị đặt trước những sự xung đột.

Trong thời kỳ cải cách ruộng đất trước đây, việc buộc người thân đấu tố lẫn nhau đã làm không biết bao nhiêu gia đình lâm cảnh tan nát, họ hàng cạch mặt nhau. Viễn cảnh này chắc sẽ lặp lại nếu luật sư buộc phải tố giác tội phạm dựa trên những thông tin do thân nhân của người phạm tội cung cấp, chia sẻ. Người phạm tội sẽ nghi ngờ người thân đã tố giác họ.

Thứ bảy, việc tôn trọng nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp được quy định trong cả những lĩnh vực khác. Ví dụ, luật Trọng tài thương mại không buộc trọng tài viên (TTV) phải tố giác hành vi phạm pháp luật, hành vi phạm tội mà TTV biết được từ những thông tin mà các bên cung cấp. Luật Tôn giáo số 02/2016/QH13 cũng không quy định nghĩa vụ của linh mục phải tố giác tội phạm tội mà họ biết được qua các nghi lễ xưng tội, rửa tội. Điều này cho thấy vẫn có những ngoại lệ mà pháp luật dành cho một số nghề nghiệp hoặc những hoạt động xã hội đặc thù.

Thử hình dung xem xã hội sẽ phản ứng như thế nào nếu chúng ta quy định trong Bộ luật Hình sự linh mục phải tố giác hành vi phạm tội của tín đồ mà họ biết được từ nghi lễ xưng tội, rửa tội, dù đó là tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội đặc biệt nghiêm trọng. Có người lập luận rằng trước khi làm nghĩa vụ luật sư thì hãy làm nghĩa vụ công dân. Liệu có thể đặt vấn đề: Trước khi làm nghĩa vụ tôn giáo, linh mục trước hết phải làm nghĩa vụ của công dân, tức là phải tố giác tội phạm của người xưng tội.

Thứ tám, Việt Nam hội nhập như thế nào về pháp luật và tư pháp vì đi ngược lại các cam kết quốc tế bằng việc quy định trong BLHS rằng luật sư phải tố giác thân chủ của mình phạm tội. Khó hình dung được hệ thống tư pháp của Việt Nam vận hành như thế nào để đáp ứng các nguyên tắc và quy định của Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. Thực sự là rất khó hình dung.

Kiến nghị loại bỏ luật sư ra khỏi chủ thể phải tố giác tội phạm

Loại bỏ luật sư ra khỏi các chủ thể phải tố giác tội phạm theo Điều 19, Dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung BLHS 2015. Đó là phương án tối ưu để đảm bảo cho hệ thống pháp luật Việt Nam không mâu thuẫn với các công ước quốc tế đã ký và đặc biệt là đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013, với chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, về thúc đẩy và phát triển dân chủ. Phương án này cũng cho thấy giá trị đạo đức và nhân văn của pháp luật hình sự Việt Nam.

Với xu hướng nhiều quốc gia đang quan tâm đến việc thay đổi một số quy định pháp luật để ứng phó với khủng bố quốc tế, Bộ luật Hình sự có thể buộc luật sư phải chia sẻ thông tin cho cơ quan có thẩm quyền về nguy cơ của tội khủng bố khi có được những thông tin tin cậy về nó.

Ngay cả với việc luật sư phải chia sẻ thông tin về nguy cơ tội khủng bố, Bộ luật Hình sự cũng không nên quy định như nghĩa vụ tố giác tội phạm của luật sư. Tội tiếp theo có thể được đưa vào phạm vi các tội mà luật sư phải tố giác là tội Phản bội Tổ quốc.

Đây là tội mà luật Hình sự của tuyệt đại đa số các nước coi là đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, cần quy định điều này dưới dạng trách nhiệm hình sự của luật sư vì đã biết có những tội phạm như vậy xảy ra nhưng không thông tin cho cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn. Quy định như vậy nhấn mạnh đến yếu tố lỗi của luật sư. Toàn bộ những liệt kê các tội mà luật sư phải tố giác theo Dự thảo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi là không phù hợp và sẽ tạo ra những bất cập như phân tích ở trên.

Pháp luật hình sự chỉ nên luật hóa trách nhiệm hình sự của luật sư khi không tố giác thân chủ phạm tội khủng bố, phản bội Tổ quốc như là ngoại lệ. Đã là ngoại lệ thì không nên bao gồm cả hàng chục tội khác nhau như liệt kê của Dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung BLHS 2015”.

GS. TS Lê Hồng Hạnh
http://www.nguoiduatin.vn/ls-co-nghia-vu-to-giac-than-chu-se-la-buoc-lui-cua-tu-phap-hinh-su-a327645.html

1 nhận xét:

  1. Vậy thì phải tố giác hai thân củ tham ô, Dũng và Phúc để làm gương.

    Trả lờiXóa