Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

Làm rõ nhiều vấn đề trong những cuộc đối thoại tương lai

Cần làm rõ nhiều vấn đề trong những cuộc đối thoại tương lai
10/06/2017 - Trong hai tuần vừa qua, từ nào được nhắc đến nhiều nhất trên các trang mạng xã hội, thậm chí cả các hãng tin, báo chí trong ngoài nước bàn về chính trị Việt Nam? Tôi khẳng định ngay, đó là từ “đối thoại”. Ngày 18/5/2017, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đã nói: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”
Image result for Võ Văn Thưởng
Ông Thưởng cho biết, Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước.


Chỉ một ngày sau, trên google, đánh từ khóa “đối thoại” chỉ trong 0,44 giây đã có trên 8,3 triệu mục từ. Gần như tất cả các bản tin tiếng Việt của các hãng tin trên thế giới, các báo chí từ nghiêm túc đến lá cải, các trang mạng chính trị, các nick nổi tiếng đều lên tiếng bàn về ý kiến của ông Võ Văn Thưởng. Ngay lập tức, có rất nhiều người hoan nghênh chủ trương này của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều người xin được tham gia đối thoại. Bên cạnh đó cũng có hàng ngàn ý kiến tiêu cực, chửi bới chủ trương này. Hầu hết trong đó là những kẻ lưu manh về chính trị, những kẻ phản bội, vài người thuộc đối tượng thiếu hiểu biết thường được gọi là “trẻ trâu”, những kẻ có truyền thống thù địch với Việt Nam. Dĩ nhiên, những kẻ này cũng biết thừa, chẳng bao giờ chúng có thể bén chân tới các cuộc đối thoại bởi tư cách kém cỏi của chúng cũng như sự hạn hẹp về kiến thức, thậm chí gọi đúng chữ là sự ngu xuẩn của chúng.

Thật ra chủ trương đối thoại với tất cả những người có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước đã có từ lâu, thể hiện sự cầu thị vì sự phát triển Đất nước. Nhưng mong muốn đó đã không thành hiện thực bởi nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là do sự chống đối quyết liệt của những thế lực phản động đã ngăn cản nhiều người có quan điểm khác biệt nhưng có lòng yêu nước, muốn tận hiến cho sự phát triển đất nước tham gia đối thoại. Tình hình hiện nay đã tốt hơn nhiều. Với chủ trương minh bạch chính sách và hoạt động của Đảng và Nhà nước, sự phân liệt giữa các tổ chức chống đối càng ngày càng quyết liệt, những người yêu nước đã có thể công khai thể hiện quan điểm chính trị của mình. Và việc tổ chức các cuộc đối thoại phản biện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đã có điều kiện để tổ chức. Tuy nhiên, cũng cần làm rõ những nội hàm của đối thoại sắp tới.

Điều kiện cần quan trọng nhất cho tất cả mọi người tham gia không chỉ cuộc đối thoại này mà mọi cuộc đối thoại là những người tham gia phải cùng chung mục đích. Vậy thì trước hết phải xác định được mục đích của cuộc đối thoại. Có mục đích rồi mới đến thành phần tham gia đối thoại. Không cùng mục đích thì đối thoại vô ích, các thành phần không liên quan đến lĩnh vực cần đối thoại mà có mặt thì chỉ tổ loạn, không đối thoại được. Bàn về mục đích của cuộc đối thoại tương lai là gì? Không ai điên bàn về chuyện đúng sai của chủ nghĩa cộng sản, hay Mác đúng hay sai, chuyện ấy các nhà triết học thế giới đã làm, còn làm. Cũng không ai điên để đối thoại với mục đích đưa ông Đào Minh Quân hay bất kỳ đám cờ vàng ba sọc về Việt Nam cầm quyền. Cũng không thể đối thoại để hủy bỏ hệ thống pháp luật hiện hành ở Việt Nam, chắc chắn vậy, cho nên cũng đừng hy vọng đối thoại để nhà nước thả các tù nhân được tòa án xác định phạm tội ra khỏi tù… Có những giá trị mà cả dân tộc đã trả bằng máu để giành lấy cũng không bao giờ được đem ra bàn thảo đối thoại. Đó là Độc lập, Thống nhất, Quyền tự chủ không phụ thuộc ngoại bang. Đó là nền kinh tế thị trường đầy đủ với mục tiêu xã hội mang tính xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là hòa bình, ổn định xã hội, nền tảng cho mọi sự phát triển. Đó là một xã hội pháp quyền với một hệ thống các quy định pháp luật đảm bảo cho mọi người bình đẳng trước pháp luật.

Vậy mục đích của các cuộc đối thoại là gì? Là làm sao để Đất nước chúng ta phát triển cả về kinh tế, cả về xã hội, làm sao để con người Việt Nam phát triển cả về kiến thức, cả về kỹ năng, để giá trị người Việt tương bằng với mọi dân tộc văn minh trên thế giới. Hãy đối thoại để có những phương cách đạt được điều đó.

Về thành phần tham gia đối thoại là tất cả công dân VN nói chung quan tâm tới hiện tình đất nước và dĩ nhiên có khả năng trong từng lĩnh vực đối thoại. Điều này không có nghĩa là nhà nước công nhận một tổ chức đối lập nào đó. Phải nói thẳng, cho đến nay chưa có một tổ chức, một phong trào, một hệ thống quan điểm xã hội nào có năng lực làm đối lập với Đảng Cộng sản. Để có một tổ chức đối lập, lực lượng chống, hay khác biệt, với Đảng Cộng sản còn phải cố gắng nhiều năm nữa. Trước hết những người đối lập cần làm ngay một việc để quần chúng có thể tin cậy, dù là tối thiểu vào họ: Đó là nói thật, nói đúng, đừng nói dối, đừng trá ngụy, lừa mỵ. Vậy thành phần tham gia đối thoại hãy hạn chế trong những công dân Việt có năng lực và có lòng với Đất nước. Và dĩ nhiên, họ cần phải có kiến thức trong lĩnh vực họ định đối thoại. Không thể bàn những vấn đề về khoa học hạt nhân, nền tảng của điện hạt nhân với một ông chuyên nghiên cứu dã sử. Đó là nguyên tắc.

Vậy cuối cùng, đối thoại cái gì? Theo tôi, cái có thể là đối thoại về chính sách. Từ chính sách phát triển kinh tế đến chính sách ổn định xã hội. Đó là lĩnh vực có thể đối thoại và sẽ mang lại lợi ích lớn bởi có sự đóng góp của nhiều trí thức đang ở nước ngoài, ở ngoài hệ thống chính quyền. Họ có nhiều trải nghiệm, nhiều kiến thức từ các nước phát triển. Hy vọng, họ sẽ mang lại hơi thở mới, những tư vấn tốt để chính sách tiệm cận được với cuộc sống, hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của kinh tế – xã hội Việt Nam. Và cũng cần nói thêm, để những cuộc đối thoại mang lại lợi ích thực sự cho Đất nước, còn cần thêm nhiều thời gian và những điều kiện để công tác tổ chức có thể hoàn chỉnh. Dĩ nhiên là không vội vàng.

Việt Long
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 452

http://tuanbaovannghetphcm.vn/can-lam-ro-nhieu-van-de-trong-nhung-cuoc-doi-thoai-tuong-lai/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét