Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

Việt Nam là quốc gia an ninh nhất thế giới ?

Việt Nam là quốc gia an ninh nhất thế giới ?
Đọc những bản tin như dưới đây tôi thấy xấu hổ cho giới khoa học và chính khách ngày nay. Những thông tin trong bài hoàn toàn vô giá trị, nhưng được đăng lên tất cả các báo lớn và coi như một kết quả nghiên cứu khoa học quan trọng. 

Một góc Thủ đô Hà Nội - Ảnh: TH
Khảo sát khoa học gì mà được thực hiện chỉ với 12.000 người từ 171 quốc gia, vùng lãnh thổ, tức là họ chỉ phỏng vấn 70 người ở mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ rồi đưa ra kết luận như đúng rồi. Đúng là bịp bợm để lừa nhân dân thế giới lấy tiền. 

Đáng nói là không chỉ các báo lá cải kiếm tiền đăng mà cả báo của Chính phủ cũng đăng. 

Tôi ấn tượng nhất là câu "Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia châu Á được người nước ngoài đánh giá cao nhất về chỉ số "an ninh"". Điều này có đúng không ? Tôi cho rằng không đúng. 

Thực tế mỗi ngày mở báo và internet đọc tin, chúng ta đều thấy tội phạm diễn ra ở khắp nơi, trong đủ loại lĩnh vực; và tin trên mạng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khổng lồ. Đã từng sống ở nhiều nước, tôi cảm thấy an toàn ở VN thuộc loại thấp nhất.

Có ba dấu hiệu chỉ có ở Việt Nam mà không thấy ở bất cứ đâu trên thế giới cho thấy rõ VN là quốc gia mất an toàn bậc nhất thế giới. Dĩ nhiên có thể kể thêm hàng chục dấu hiệu khác nhưng không cần thiết.

Một là nhà nào ở VN cũng phải có cửa sắt, cửa sổ nào ở VN cũng phải có cửa sắt, kể cả trên tầng rất cao. Vô cùng tốn kém, lãng phí của cải quốc gia và chứng tỏ trộm cướp ở VN nhiều vô kể.

Hai là ở đâu cũng có nhân viên bảo vệ, từ cơ quan xí nghiệp tới ngân hàng, trường học bệnh viện, cửa hàng cửa hiệu tới các khu đô thị, nhà chung cư và thậm chí cả các nhà dân đơn lẻ và cá nhân có tiền.
Xe để đâu cũng phải có người trông. Thậm chí đi xe vào những nơi rừng sâu nước độc khỉ ho cò gáy ở nông thôn và trên núi cũng thấy bảo vệ ra thu tiền trông xe. Vô cùng tốn kém, lãng phí nguồn nhân lực quốc gia và chứng tỏ trộm cướp ở VN nhiều vô kể.

Ba là ở đâu cũng có công an; tỷ lệ công an tính trên đầu người của VN chắc cao nhất thế giới. Ngoài ra còn có hàng triệu người là cộng tác viên của công an. Chính vì trộm cướp ở VN nhiều vô kể nên mới cần một lực lượng công an và cộng tác viên khổng lồ như vậy.

Vậy tại sao trộm cướp ở VN nhiều vô kể, sểnh ra là mất cắp, là bị cướp giật, nhưng người nước ngoài vẫn thích vào VN và thích đầu tư ở VN ? Đơn giản vì người VN có tâm lý sợ người nước ngoài nên hạn chế phạm tội với người nước ngoài. Đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài rất được Chính phủ ưu ái, bảo vệ. Lực lượng công an đặc biệt ưu tiên bảo vệ người nước ngoài.

Chi phí để nuôi bộ máy công an rất lớn; các bạn so sánh ngân sách dành cho công an với ngân sách dành cho các ngành, lĩnh vực khác, nhất là với giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, thì thấy rõ. Quá chênh lệch, như phượng hoàng so với chim sâu.

Ngân sách tốn kém, của cải và lao động dồn cho công tác trật tự an ninh..., trong khi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài kiếm lợi nhuận rất cao (nên VN mới là điểm thu hút nhiều đầu tư nước ngoài). Vậy tiền đó lấy đâu ra ? Chính là cắt giảm tiền công và các chế độ phúc lợi và an sinh xã hội cho người lao động.

Vòng xoáy "tội phạm nhiều công an tăng → Chi phí lớn → Cắt giảm tiền lương và phúc lợi cho người lao động → Nghèo đói sinh đạo tặc → Tội phạm tiếp tục tăng... cứ thế triền miên hết năm này tới năm khác.

Sống ở VN, tôi rất hạnh phúc vì VN là quê hương tôi, là đồng bào tôi..., nhưng tôi vẫn mơ ước được như ở các nước khác, được như ở các nước công nghiệp phát triển, như ở các nước ASEAN và như ở Lào và Campuchia là: Nhà cửa không cần chấn song sắt bảo vệ; Các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, chung cư... không cần nhân viên bảo vệ, và Hiếm khi nhìn thấy công an lượn lờ hay đứng canh trên các đường phố. Đơn giản vậy thôi.


Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia đáng sống nhất thế giới
(Chinhphu.vn) - 
29/08/2023 - Kết quả khảo sát mới đây của Internations, mạng lưới người nước ngoài toàn cầu với hơn 4 triệu thành viên cho biết, Việt Nam đứng thứ 14 trong danh sách 53 quốc gia tốt nhất cho người nước ngoài.

Internations thực hiện cuộc khảo sát dựa trên 56 yếu tố ảnh hưởng đến cuộc sống ở nước ngoài, điển hình như chi phí sinh hoạt, chi phí nhà ở hoặc khả năng sử dụng Internet tốc độ cao, cơ hội công việc.

Khảo sát được thực hiện với 12.000 người từ 171 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Theo khảo sát, 4 quốc gia dẫn đầu danh sách 2023 gồm Mexico, Tây Ban Nha, Panama và Malaysia.

Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia châu Á được người nước ngoài đánh giá cao nhất về chỉ số "an ninh".

Cùng với đó, Việt Nam được đánh giá là nơi đáng sống bởi chi phí sinh hoạt phải chăng.

"Một trong những điều tôi thích nhất ở Việt Nam là chi phí sinh hoạt thấp", một người Mỹ tham gia khảo sát nói. Các chuyên gia của Internations cũng nhận xét "Việt Nam không thể bị đánh bại" trong hạng mục này.

Ở chỉ số tài chính cá nhân, Việt Nam dẫn đầu danh sách thế giới. Chỉ số này dựa trên 3 yếu tố, bao gồm mức độ hài lòng về tình hình tài chính, chi phí sinh hoạt chung và khả năng thu nhập của người tham gia khảo sát có đủ để sống thoải mái hay không. Cụ thể, 77% số người tham gia khảo sát cho rằng chi phí sinh hoạt thuận lợi. Trong khi đó, mức trung bình toàn cầu là 44%.

Mexico dẫn đầu danh sách và đây là năm thứ 9 lọt vào top 5. Quốc gia này được đánh giá cao ở chỉ số "dễ định cư", "sự thân thiện của người địa phương", từ đó giúp việc kết bạn trở nên dễ dàng hơn. 75% người nước ngoài tham gia khảo sát cho biết họ dễ dàng kết bạn với người địa phương. Tỷ lệ phổ biến toàn cầu là 43%.

Tây Ban Nha xếp thứ hai trong bảng xếp hạng năm nay. Từ năm 2014, Tây Ban Nha luôn nằm trong top 10 nhờ văn hóa, cuộc sống về đêm, dịch vụ giải trí, thư giãn, khí hậu ôn hòa.

Panama xếp thứ ba nhờ yếu tố "dễ định cư", "dễ tìm bạn" và chỉ số "văn hóa", "chào đón".

https://baochinhphu.vn/viet-nam-la-1-trong-15-quoc-gia-dang-song-nhat-the-gioi-102230829084127509.htm#:~:text=Theo%20kh%E1%BA%A3o%20s%C3%A1t%2C%204%20qu%E1%BB%91c,ph%C3%AD%20sinh%20ho%E1%BA%A1t%20ph%E1%BA%A3i%20ch%C4%83ng.


1 nhận xét:

  1. Cứ án nào dù là bé tí ti có yếu tố nước ngoài thì chỉ trong phút mốt là công an tìm ra ngay thủ phạm. Ngược lại nếu là người dân trong nước thì "hãy đợi đấy, thỏ non"

    Trả lờiXóa