Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

Văn hoá quạt của châu Âu

Văn hoá quạt của châu Âu
Quạt là một công cụ giúp giảm bớt cái nóng bức, tuy nhiên tại châu Âu cổ xưa, nó được coi như một tác phẩm nghệ thuật để sưu tầm. Đồng thời, nó cũng là biểu tượng cho địa vị vua chúa quý tộc. Quạt tại Châu Âu được sản xuất tinh xảo tuyệt mỹ khiến mọi người trong giới hoàng cung quý tộc đều ưa thích.

Văn hóa về quạt của châu Âu chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Trung Quốc. Quạt Trung Quốc thời đó rất thịnh hành ở châu Âu, nên các nước châu Âu dựa theo quạt Trung Quốc để chế tạo ra những loại quạt vô cùng lộng lẫy. Quạt của châu Âu trông như thế nào? Những ‘ngôn ngữ quạt’ được phụ nữ sử dụng để thể hiện tình cảm ra sao?



1. Nguồn gốc quạt châu Âu

Theo các di tích khảo cổ và những ghi chép lịch sử cổ, người Hy Lạp cổ đại đã sử dụng quạt từ ít nhất là thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Trong Cơ Đốc giáo châu Âu, cách sử dụng sớm nhất là nghi lễ quạt, nhưng từ thế kỷ thứ 6 là dùng quạt chế tạo từ kim loại, da, lụa, da cừu, lông công, v.v. Trong các nghi lễ Kitô giáo, chiếc quạt flabellum được dùng để đuổi ruồi và muỗi tới gần bánh mì và rượu (đây là những đồ được coi là Thánh Thể và Máu Thánh). Sau đó, việc sử dụng quạt flabellum đã biến mất ở Tây Âu thời trung cổ, nhưng nó vẫn tiếp tục được sử dụng trong các nhà thờ Chính Thống giáo và Ethiopia.

2. Quạt Trung Quốc truyền vào châu Âu

Quạt Trung Quốc truyền nhập vào Châu Âu (Ảnh: miền công cộng)

Vào thế kỷ 13 và 14, quân Thập tự chinh đã mang quạt tay từ Trung Đông đến châu Âu. Vào thế kỷ 15, các thương nhân Bồ Đào Nha đã mua những chiếc quạt gấp từ Trung Quốc và vận chuyển chúng đến châu Âu qua Con đường Tơ lụa. Những món đồ với số lượng hạn chế và rất đặc biệt này đến từ đất nước phương Đông bí ẩn đã thu hút người châu Âu một cách mạnh mẽ. Vào thế kỷ 16, những chiếc quạt gấp từ Trung Quốc trở nên phổ biến ở châu Âu.

Năm 1699, công ty Đông Ấn Anh đặt mua 80.000 chiếc quạt chế tác ở Trung Quốc, và chúng đã được bán hết ngay lập tức ở thị trường châu Âu. Vào thời nhà Thanh, những chiếc quạt dành riêng cho xuất khẩu này là sự kết hợp hoàn hảo giữa nhiều loại vật liệu quý và tay nghề thủ công độc đáo: màu sắc lộng lẫy, trang trí hoa mỹ và chế tác tinh xảo, khiến người ta phải kinh ngạc thán phục!

Khi đó, Quảng Châu là cầu nối thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu. “Made in Canton” (Sản xuất tại Quảng Đông) trở thành thương hiệu nổi tiếng ở châu Âu. “Yếu tố Trung Quốc” trở thành danh từ thời trang châu Âu.


3. Quạt do châu Âu tự chế tác

Vào thời đó, giao thông chưa phát triển và quạt khá khan hiếm, thường xuyên không thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Vì vậy, vào thế kỷ 17, nhiều nước ở Châu Âu bắt đầu tự sản xuất quạt.

Dưới thời vua Louis XIV của Pháp, năm 1678, Liên minh Nghiệp đoàn Thợ thủ công Quạt xếp được thành lập, quy tụ những nghệ nhân làm quạt lành nghề từ khắp nơi trên cả nước, chỉ riêng ở Paris đã có hơn 150 người. Kể từ đó, việc sản xuất quạt xếp của Pháp đã đạt đến đỉnh cao cả về tay nghề lẫn tính thẩm mỹ nghệ thuật. Xương quạt được làm bằng gỗ tuyết tùng, gỗ trầm, gỗ đàn hương, ngà voi, xà cừ, đồi mồi, vàng bạc, kim cương, đá quý và kết hợp với các kỹ thuật thủ công tinh xảo như chạm khắc và khảm thủy tinh thủ công.

Mặt quạt được làm bằng lụa, tơ tằm, sợi và giấy màu của Trung Quốc, trang trí bằng những bức tranh đẹp, thêu và thêu hạt, hun khói bằng tinh dầu hoa huệ và hoa hồng. Những hình vẽ trên quạt thường là những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết tôn giáo, cảnh trong kinh Thánh, hôn lễ hoàng gia, những cảnh trong kịch Hy Lạp cổ đại, phong cảnh đồng quê, v.v. Nhiều họa sĩ nổi tiếng đã tham gia sáng tạo quạt, để lại nhiều tác phẩm nghệ thuật tinh xảo. Sau này, phong cách Rococo với phong cách trang trí mạnh mẽ như ren cũng được sử dụng trong thiết kế quạt khiến người ta thán phục ngay từ cái nhìn đầu tiên.


Vào thế kỷ 17 ở Anh, dưới sự lãnh đạo của Nữ hoàng Anne, Công Hội quạt gấp được thành lập với sự tham gia của gần 200 nghệ nhân London. Họ đã cho ra đời nhiều kiểu quạt gấp với các kiểu dáng khác nhau. Trong thời kỳ Georgia, sự phổ biến của quạt gấp đã đạt đến đỉnh điểm.

Chiếc quạt nhỏ là sự hội tụ những nỗ lực của vô số thợ thủ công và các nghệ thuật gia, đồng thời thể hiện gu nghệ thuật tao nhã và nội hàm văn hóa phong phú. Trong các dịp lễ nghi thức cung đình châu Âu, vẻ ngoài cao quý, sang trọng và lộng lẫy của quạt đã dần trở thành đồ trang trí và quà lưu niệm, được hoàng cung và phụ nữ quý tộc mong muốn sở hữu. Việc phụ nữ châu Âu sử dụng quạt là biểu tượng cho thân phận, địa vị và lễ nghi, đồng thời nó cũng là biểu hiện của sự thanh lịch, trí tuệ và thời trang.
Quạt trở thành đồ vật sưu tầm

Trong hoàng gia Anh có một số phụ nữ rất đam mê quạt. Nữ hoàng Victoria là một người như thế. Sau khi lên ngôi hai năm, Nữ hoàng Louise-Marie của Bỉ đã tặng bà một chiếc quạt ngà voi. Chiếc quạt này cũng là một món đồ của Marie Antoinette, nữ hoàng cuối cùng của nước Pháp. Năm 1840, khi Nữ hoàng Victoria kết hôn với Hoàng tử Albert, món quà cưới của Hoàng tử Albert là 4 chiếc quạt cổ đến từ Gotha, Đức.


Chịu ảnh hưởng của Nữ hoàng Victoria, con dâu của bà, Alexandra, cũng rất yêu thích quạt, và có bộ sưu tập hàng trăm chiếc quạt.

Nữ hoàng Mary (còn được gọi là Mary of Teck) được mệnh danh là "người sưu tầm quạt cuồng nhiệt nhất". Trong những bộ sưu tập của bà, thứ bà yêu thích nhất là quạt. Bà sở hữu từ 300 đến 400 chiếc quạt. Trong bộ sưu tập của bà, một chiếc quạt lông vũ có tên "May" được khảm kim cương đi kèm với một chiếc vương miện tráng men đính kim cương. Năm 1949, bà mua một chiếc quạt khác, chiếc quạt này đã góp mặt thêm trong bộ sưu tập của bà. Đây là một chiếc quạt giấy hoa văn màu, xương quạt làm bằng đồng thau, trên đó có khảm vài viên đá quý. Những bức tranh trên quạt mô tả cảnh cuộc sống gia đình trong cung đình thế kỷ 18, ngụ ý nhấn mạnh tầm quan trọng và sự bảo vệ của gia đình.

Hiện nay, chiếc quạt đắt nhất thế giới được sản xuất ở Đức cách đây 180 năm, xương quạt được làm bằng xà cừ chạm khắc tinh xảo, trang trí hình chim bằng vàng ròng và khảm đá quý xanh đỏ. Năm 1980, tại một cuộc đấu giá ở Zurich, Thụy Sĩ, chiếc quạt được mua với giá 20.000 franc Thụy Sĩ.

Năm 1991, tại Greenwich ở phía đông nam London của Anh, Bảo tàng về quạt đã chính thức được khai trương. Đây là bảo tàng đầu tiên trên thế giới chuyên bảo tồn và trưng bày những chiếc quạt. Bảo tàng có hơn 4.000 chiếc quạt, chiếc cổ nhất có niên đại từ thế kỷ thứ 10. Những người quan tâm có thể cân nhắc ghé thăm để chiêm ngưỡng.

Địa chỉ: 12 Crooms Hill, London SE10 8ER UK
Link: https://www.thefanmuseum.org.uk/



5. Ngôn ngữ quạt: Phụ nữ thể hiện cảm xúc của mình bằng "thông điệp của quạt"

Từ thế kỷ 19, trong các hoạt động xã hội ở một số nước châu Âu, phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu đã sử dụng quạt như một công cụ để bày tỏ tình cảm, gọi là thông điệp của quạt. Ngôn ngữ độc đáo này đã dần trở nên phong phú và phổ biến.



Duvelleroy là công ty sản xuất quạt và đồ da được đánh giá cao. Nó được thành lập vào năm 1827 bởi Jean-Pierre Duvelleroy tại Paris, Pháp. Sau này, chi nhánh của Duvelleroy ở London, Anh đã cho ra đời những thông điệp của chiếc quạt, tóm tắt những hàm nghĩa được phụ nữ thể hiện qua chiếc quạt trong nhiều thế kỷ, chẳng hạn như:

Nhẹ nhàng phất quạt qua má: Tôi yêu bạn
Quay quạt bằng tay trái: Chúng ta đang bị theo dõi
Tay phải cầm quạt phía trước: Đi theo tôi

Mở quạt che tai trái: Đừng tiết lộ bí mật của chúng ta
Ngón tay chạm nhẹ vào đầu quạt: Tôi muốn nói chuyện với bạn

Đặt quạt bên má phải: Có
Quạt tựa bên má trái: Không

Mở và đóng quạt: Bạn thật độc ác
Bỏ quạt xuống: Chúng ta sẽ là bạn

Quạt chậm rãi: Tôi đã kết hôn rồi
Quạt nhanh: Tôi đã đính hôn
Chạm cán quạt vào môi: Hôn em đi



Tây Ban Nha cũng có ngôn ngữ quạt riêng, thể hiện các ý nghĩa sau:

Quạt chậm rãi: Anh thờ ơ với em
Rời đi với chiếc quạt đang mở: Xin đừng quên em
Ngón trỏ đặt lên xương quạt: Chúng ta phải nói chuyện

Lắc quạt bằng tay trái: Đừng tán tỉnh tôi
Xếp quạt gấp khi vào phòng khách: Hôm nay tôi sẽ không ra ngoài
Vừa quạt vừa đi ra ban công: Lát nữa tôi sẽ ra ngoài

Quạt nhanh tay: Rời bỏ tôi đi, nếu không chồng tôi sẽ làm anh đau khổ
Mở quạt che phần dưới mặt: Bạn có thích tôi không
Mở và đóng quạt: Nhớ em nhiều lắm

Tay cầm quạt lật đi lật lại: Ghét
Gấp quạt lại: Không đáng yêu
Dùng quạt chỉ vào cái bàn: Em không thích anh, em yêu người khác
Mở quạt và đỡ cằm: Mong lần sau sớm gặp lại bạn



Ngoài ra còn có một số ngôn ngữ quạt phổ biến ở Châu Âu như:

Bắt chéo tay dưới quạt: Xin hãy quên em đi
Dùng quạt vẽ một đường rõ nét trong lòng bàn tay: Ghét anh
Từ từ mở quạt và khẽ vuốt nó: Luôn ở bên cạnh bạn

Dùng quạt che mặt và chỉ lộ ra hai mắt: Cẩn thận, có người đang theo dõi chúng ta
Dùng quạt phẩy qua mắt: Tha cho em

Xếp quạt lại và đặt trước ngực: Anh đã giành được tình yêu của em rồi
Mở quạt rồi từ từ gấp lại: Nhất định sẽ lấy anh



Quạt Trung Quốc thuộc văn minh phương Đông, được du nhập vào châu Âu và có tác động sâu sắc đến sự hình thành và phát triển của văn hóa quạt tại châu Âu. Trên cơ sở đó, các nước châu Âu cũng sản xuất ra những chiếc quạt tinh xảo mang đặc trưng châu Âu và được lưu truyền cho đến ngày nay.

Theo SOH
https://www.soundofhope.org/post/703919

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét