Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2023

Chuyện ông Tính, ông Toán và Đất nước sẽ đi về đâu

Chuyện ông Tính, ông Toán và Đất nước sẽ đi về đâu
Ông Tính và ông Toán là người cùng làng. Ông Toán hơn ông Tính vài tuổi.Ông Tính là thành phần cố nông, thuộc diện “Không một tấc đất cắm dùi, mấy đời ăn bát sứt”.
Ông Toán thành phần địa chủ, được ăn học, có cái bằng “đít lôm”. ”Đít lôm” lúc ấy hiếm lắm, cả tỉnh cũng chỉ có vài chục người.

Ông Toán theo Việt Minh hoạt động bí mật từ trước tháng 8/1945, sau cướp chính quyền ông sang giải phóng quân lúc ấy đã là đại đội trưởng.

Mấy năm sau, ông Tính nhập ngũ loanh quanh thế nào lại được phân về đại đội ông Toán.

Ông Tính ấm ức, trong làng mình cố nông, nhà nó địa chủ, nay vào bộ đội nó vẫn làm thủ trưởng của mình.

Chín năm kháng chiến chống Pháp kết thúc.

Lúc này ông Toán đã lên tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn của ông về giải phóng thủ đô Hà Nội năm 1954.

Theo Hiệp định Genevo, quân đội Việt Minh vào tiếp quản Hà Nội thay quân Pháp. Các khu gia binh cho sỹ quan mọc lên. Ông Tính lúc này là trung đội trưởng.

Một hôm, ông Tính gặp ông Toán trình bày, ông muốn đưa vợ con ở dưới quê lên Hà Nội, nên xin Tiểu đoàn bố trí cho một căn hộ.

Theo quy định lúc đó, cán bộ cấp đại đội trở lên mới được đưa vợ con cùng ở trong khu gia binh. Dù trái quy định, nhưng người cùng làng với nhau nên ông Toán cũng quyết định cấp cho ông Tính một căn buồng để đưa vợ dưới quê lên.

Khu gia binh là một binh xưởng do Pháp để lại. Các nhà xưởng nằm phía ngoài mặt phố, được ngăn lại cho từng hộ sỹ quan cấp dưới.

Khu văn phòng của binh xưởng nằm riêng biệt yên tĩnh phía bên trong dành cho các hộ gia đình trong ban chỉ huy tiểu đoàn.

Thấm thoát mấy chục năm trôi đi.

Đánh pháp xong lại đánh Mỹ, đất nước thống nhất lại đánh Miên, đánh Tàu.

Chiến tranh kết thúc, đói nghèo tả tơi. Đảng hô hào cải cách mở cửa, lúc này ông Tính và ông Toán đã nghỉ hưu.

Ông Toán nghỉ hưu với quân hàm thiếu tướng.

Ông Tính thành phần cố nông, được cử theo học hết lớp nọ lớp kia cũng gọi là có tý lý luận chính trị, nghỉ hưu cấp hàm thiếu tá.

Đất nước mở cửa, chẳng biết trước đó bị ai trói mà nghị quyết Trung ương bắt đầu viết “Cởi trói cho các thành phần kinh tế”.

Cách mạng về, hết cải cách ruộng đất lại cải tạo các thành phần kinh tế. Tài sản, nhà máy đồn điền bị tịch thu đưa vào tập thể. Các ông bà địa chủ, tư sản bị đày đi cải tạo, ngoài thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa con cưng của nhà nước thì còn thành phần kinh tế nào bị trói mà cởi.

Tướng, tá, binh lính, cán bộ, nhân dân hơn nhau chỉ tý thịt, tý sữa, tý đường, mét vải... theo tem phiếu. Xã hội chỉ một màu xám xịt, tất cả cuộc sống của mấy chục triệu người Việt Nam, mọi hy vọng đều hướng lên Ba Đình.

Gọi là “Mở cửa” cho nó “oách”, lấy cái gì để mà phát triển kinh tế.

“Mở cửa” mà cửa nhà không mở ra phố thì tài giỏi mấy cũng đói nghèo.

Thời thế thay đổi, “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Khu bên gia binh cho sỹ quan cấp dưới, họ phá tường mở cửa ra ngoài phố biến nhà ở thành cửa hàng, cửa hiệu. 

Lúc đầu khó khăn, bán nước, tạp hoá. Sau khá lên quán ăn, quán phở, nhà hàng... Đất mặt phố lên hàng chục, hàng trăm lần không thể tưởng tượng nổi.

Nhà ông Tính cũng vì thế mà ăn nên làm ra. Giá trị thoắt cái cũng lên đến mấy chục tỷ.

Trong khi đó, khu các tướng bên trong ngày xưa cửa đóng then cài, vệ binh canh gác, oai phong lẫm liệt. Nay bỏ bao cấp, các tướng vẻn vẹn mấy đồng lương, cửa hàng, cửa hiệu chẳng có, nhìn tụi sỹ quan cấp dưới mà thèm.

Ông Tính từ hồi có tiền, tham gia công tác phường nhiệt tình, hai đứa con trượt đại học suốt ngày lêu lổng được ông cho ra ngoài phường làm tất
. Dưới sự dìu dắt của ông, chỉ sau mấy năm, thằng cả đã lên Phó chủ tịch phường, con gái thứ hai Bí thư đoàn phường...

Ông Tính đi đâu cũng được gọi là lão thành cách mạng, nêu gương, kể chuyện kháng chiến, chiến đấu vanh vách. Huân chương, huy chương, huy hiệu ... đeo đầy ngực, rách cả áo.

Năm nọ, ông Tính đến nhà gặp ông Toán.

Có đến chục năm, từ khi nghi hưu mới thấy ông Tính đến chơi. Ông Toán cũng chẳng lạ, chắc chắn nó lại đến xin xỏ gì thôi.

Quả là vậy, ông Tính lại trình bày xin thủ trưởng xác nhận cho cái bảng kê khai lý lịch để lấy cái Huân chương Quân công.

Ông Toán giật mình, không tin vào tai mình, Huân chương quân công cơ à?

Cấp tướng vào sinh ra tử như ông, xét đi xét lại khối người còn chưa được. Cậu này làm gì mà được xét. Ông nóng hết cả mặt, nhưng vẫn bình tĩnh nói với ông Tính:

- Anh cứ về đi, để tôi đọc. Tôi là thủ trưởng cũ, chỉ xác nhận theo tờ khai cá nhân, không xác nhận được lý lịch.

Bẵng đi ít lâu, kể từ ngày ông không xác nhận lý lịch cho ông Tính, và cũng đã quên chuyện ấy được một năm, ông được cậu bí thư Đảng ủy của phường mời ra dự và trao Huân chương cho cán bộ lão thành cách mạng.

Lúc nghe nói là trao cho ông Tính, lúc này ông mới thức tỉnh thật sự. Than ôi, cách mạng thành công, quyền lực lại rơi vào những loại người như thế này thì hỏng rồi.

Chỉ tiếc máu xương chất lên thành núi, đất nước lại rơi vào lũ “ma tà, ma giáo, lưu manh, cơ hội”.

Cuộc cách mạng mà ông theo đuổi đã hết. Ông đã hình dung cái kết của nó. Mình theo cách mạng phá cái cũ, nhưng đi nhầm theo những người chỉ biết phá cái cũ, mà không biết xây cái mới.

Cách mạng gì mà thay cái mới bằng cái cũ hơn. Một lũ người như lão Tính và con cái dốt nát của họ sẽ dẫn dắt đất nước này đi về đâu... 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét