Thứ Tư, 23 tháng 8, 2023

Nga và Mỹ không bao giờ có thể là Bạn với nhau!

Nga và Mỹ không bao giờ có thể là Bạn với nhau!
Cuộc chiến ủy nhiệm giữa Moscow và Washington để giành quyền kiểm soát địa chính trị đối với Ukraine đã vượt qua mốc 550 ngày và nhiều nhà phân tích an ninh tin rằng, các bên đang tiến gần đến bờ vực của thế chiến 3. Putin, rõ ràng đang tìm cách vô hiệu hóa việc phô trương sức mạnh của Mỹ, đã biến nó thành chính sách đối ngoại chính thức của Nga, để chống lại sự can thiệp quân sự vào các quốc gia có chủ quyền, dưới chiêu bài bảo vệ nhân quyền.
Tổng thống Biden gặp Vladimir Putin tại Geneva vào ngày 16 tháng 6 năm 2021. Hoa Kỳ và Nga từ lâu đã coi nhau là đối thủ chính.

Trong một diễn biến leo thang gần đây, một cây cầu nối bán đảo Crimea với Nga đã bị quân đội Ukraina cho nổ tung, sau khi Moscow đe dọa tấn công “mắt xích yếu nhất” của NATO, đó là hành lang Suwalki chiến lược, chạy dọc biên giới Litva-Ba Lan giữa Belarus ở phía đông và Kaliningrad của Nga ở phía tây.

Nó diễn ra sau quyết định của tổng thống Biden cử 3.000 quân dự bị đến châu Âu để hỗ trợ NATO và Ukraina. Người Mỹ đã mệt mỏi với thói quen tham gia vào các cuộc xung đột nước ngoài – lần này là với cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. 

1. Mỹ và Nga có thể sống hòa thuận hay không?

Dưới đây là 3 lý do chính, tại sao họ sẽ không bao giờ là bạn của nhau!

Đầu tiên, Mỹ và Nga đã tồn tại một sự ‘ngờ vực sâu xa’ hàng thế kỷ. 

Thứ hai, Mỹ và Nga tự xem mình là ngoại lệ, được chúa ‘xức dầu’ để định hình thế giới theo cách của riêng minh. 

Và thứ 3, các nhà lãnh đạo Mỹ và Nga xác định lợi ích quốc gia là tối thượng – thông qua quyền kiểm soát địa chính trị đối với Ukraina một nước thuộc Liên Xô cũ.

Trên thực tế, cuộc đụng độ địa chính trị giữa Mỹ và Nga đã xảy ra từ lâu, trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Putin. Các sự kiện xảy ra chỉ là biểu hiện của xung đột giữa họ.

Mỹ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với chế độ Bolshevik của Nga vào tháng 12 năm 1917, ngay sau khi họ giành chính quyền từ tay Sa hoàng Nicholas II trong cuộc cách mạng tháng 10/1917 đẫm máu. Mỹ đã không công nhận Liên Xô cho đến khi Franklin Roosevelt trở thành tổng thống vào năm 1933.

Trong suốt chiến tranh lạnh sau thế chiến 2, Nga và Mỹ xem nhau là đối thủ chính. Mỗi bên đều lo sợ một cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ từ bên kia. Nền chính trị toàn cầu được thúc đẩy bởi các mối quan hệ đối kháng này và phần lớn bị chi phối bởi học thuyết “sự hủy diệt được đảm bảo bởi cả hai bên”.

Các bên đã chuẩn bị một phần ‘kho vũ khí hạt nhân’ khổng lồ, đảm bảo cuộc tấn công trả đũa nhanh nhất có thể, đó là ngày tận thế và đe dọa cả thế giới.

Theo một báo cáo tuyệt mật của CIA được giải mật vào năm 1993, Liên Xô đã sẵn sàng bắt đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân và giành chiến thắng.

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, trong đó Liên Xô triển khai vũ khí hạt nhân ở Cuba để ngăn chặn cuộc xâm lược của Hoa Kỳ sau một chiến dịch thất bại của CIA nhằm lật đổ chế độ Castro, được coi là thời điểm thế giới đứng trước bờ vực xung đột hạt nhân giữa 2 siêu cường.

Di sản của mối quan hệ này, đầy ngờ vực, thù địch và sợ hãi, vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Mặc dù nỗi sợ chiến tranh hạt nhân của công chúng đã lắng xuống nhưng vũ khí vẫn chưa biến mất và sẵn sàng phóng đi bất cứ lúc nào. Nga và Mỹ sở hữu hơn 90% lực lượng hạt nhân trên thế giới và hệ thống của họ luôn trong tình trạng báo động cao. Putin coi kết quả của chiến dịch đặc biệt ở Ukraina là một trận chiến sống còn, vì ngày tận thế, hóa ra, có thể sắp cận kề.

Cuối cùng, nền văn hóa Nga và Mỹ được đặc trưng bởi ý thức truyền thống về tính độc đáo và ưu việt, quyết định các cách tiếp cận an ninh quốc gia. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, sự khác biệt về văn hóa ở mọi người bắt đầu xuất hiện ngay từ khi 3 tuổi, thời điểm hình thành nhận thức của họ về thế giới và thái độ đối với nó.

2. Nước Nga và Putin: Quan điểm của họ

Người Nga là một dân tộc vô cùng kiêu hãnh. Họ có diện tích lớn nhất thế giới (hơn 17 triệu km2), trải dài trên 11 múi giờ và có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên. Người Nga đã gửi vệ tinh đầu tiên và con người đầu tiên vào vũ trụ, tạo ra bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, giới thiệu với thế giới vở ballet ‘Kẹp hạt dẻ’ và Hồ thiên nga, đồng thời để lại một di sản lớn trong văn học thế giới. Họ cũng là người đánh bại chủ nghĩa phát xít với ‘cái giá’ quá lớn, hơn 20 triệu người đã ngã xuống.

Trong suốt lịch sử, các nhà lãnh đạo Nga đã nuôi dưỡng ý tưởng về một nền văn minh độc nhất vô nhị, không thuộc về phương đông hay phương tây. Ý thức về tính dân tộc được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, ngay cả dưới chế độ cộng sản.

Sa hoàng và các chính ủy cộng sản đều rao giảng về sự thần bí và tính không thể đoán trước của nước Nga, điều đã được Winston Churchill xác nhận. Vào năm 1939, ông đã gọi nước Nga là “một bí ẩn được bao bọc trong bí ẩn và chìm trong bí ẩn”. Ông cũng khuyến nghị một giải pháp: Mấu chốt nằm ở lợi ích quốc gia.

Putin, “Sa hoàng Vladimir” thời hiện đại, đã làm sống lại ở Nga cảm giác độc quyền bị suy yếu nghiêm trọng sau thất bại trong chiến tranh lạnh và sự sụp đổ của Liên Xô. Người dân Nga, những người đã trải qua một cuộc khủng hoảng bản sắc nặng nề sau sự sụp đổ của đế chế Xô Viết – và các chính trị gia Mỹ chưa bao giờ đánh giá ‘sâu sắc’ quy mô của thảm họa tâm lý này – đã đáp lại lời kêu gọi của Putin để đưa Nga trở lại đúng vị trí của nó trên bản đồ thế giới.



3. Nước Mỹ tự do và nước Nga tập thể

Người Mỹ tin vào giá trị và phẩm giá của cá nhân, vào truyền thống và niềm tin Chúa đã trao cho mọi người “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Những khái niệm này, quá rõ ràng đối với người Mỹ, lại xa lạ với người Nga, những người ưu tiên cho hạnh phúc của tập thể. Người Nga tin rằng an ninh của đất nước quan trọng hơn quyền của cá nhân.

Nước Nga, trong suốt lịch sử hàng nghìn năm đã bị tàn phá bởi chiến tranh. Họ rất chú trọng đến an ninh và coi sự tự do quá mức sẽ mang lại sự hỗn loạn và phá vỡ sự cân bằng ổn định. Người Nga hoài nghi sâu sắc về động cơ của Washington, tin rằng Mỹ đang “xuất khẩu” nền dân chủ sang các nước khác, thông qua can thiệp quân sự để kiểm soát chính trị và kinh tế của họ.

Nga đang tiến hành một cuộc chiến gay gắt với Ukraina để duy trì vùng đệm chiến lược bảo vệ nước này khỏi đối thủ chính – NATO – kẻ mong muốn đánh bại Nga về mặt chiến lược, như nhiều chính trị gia Washington, bao gồm cả tổng thống Biden, đã tuyên bố.

Mỹ tin rằng, bất kỳ quốc gia nào, bất kể quy mô lớn nhỏ, đều có quyền độc lập về chính trị và kinh tế. Do đó, người Mỹ coi các hành động của Nga đối với các nước hậu Xô Viết là độc đoán và vô đạo đức, hơn là một chính sách cân bằng quyền lực. Hệ thống chính phủ Mỹ, hướng tới niềm tin đạo đức, mâu thuẫn với chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa thực dụng chính trị của Nga.

4. Putin sẽ không trả lại Crimea cho Ukraina, bất kể giá nào.

Đó là lý do tại sao Putin tái bố trí lực lượng sẵn sàng chiến đấu – nhóm Wagner, đến một vị trí tối ưu về mặt chiến lược – ở Belarus. Hơn nữa, gần đây Belarus đã nhận được vũ khí hạt nhân chiến thuật từ Nga. Từ vị trí này, lực lượng Wagner đã ở trong tầm tấn công Kiev và biên giới NATO.

Nga nhận thức rõ rằng, kể từ những năm 1940, chiến lược chính trị-quân sự của Mỹ đã tập trung vào việc răn đe, tức là ngăn chặn sự thống trị của Liên Xô và Nga ở Á-Âu.

Nhà Trắng dưới thời tổng thống Ronald Reagan, theo các tài liệu được giải mật, đã tìm cách tránh chiến tranh hạt nhân, đồng thời ngăn chặn sự thống trị của một thế lực hoặc liên minh thù địch ở lục địa Á-Âu và các khu vực chiến lược khác. Và nếu có thể, giúp đỡ các phong trào dân chủ và dân tộc chủ nghĩa trong cuộc chiến chống lại các chế độ toàn trị.

Tương tự, chính quyền của tổng thống George W. Bush, sau khi Liên Xô sụp đổ, đã tìm cách ngăn chặn một thế lực thù địch thống trị khối Xô Viết cũ và “có khả năng củng cố quyền kiểm soát tài nguyên của một thế lực thù địch như vậy” trong một khu vực mà họ xem là quan trọng đối với an ninh của Mỹ.

Putin, rõ ràng đang tìm cách vô hiệu hóa việc phô trương sức mạnh của Mỹ, đã biến nó thành chính sách đối ngoại chính thức của Nga, để chống lại sự can thiệp quân sự vào các quốc gia có chủ quyền, dưới chiêu bài bảo vệ nhân quyền.

5. Xung đột Nga – Mỹ: Chìa khóa Trung Quốc

Cả Nga và Mỹ đều không có động cơ làm mềm đường lối chính trị của họ. Với Trung Quốc, Mỹ có mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ, đóng một vai trò quan trọng trong quan hệ, nhưng không có lợi ích như vậy với Nga.

Điện Kremlin kỳ vọng cả 2 quốc gia và cả 2 tổng thống sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia của chính họ, bao gồm cả việc đấu tranh để giành quyền kiểm soát cuối cùng đối với Ukraina, nếu cần, cho đến người Ukraina cuối cùng.

Chính sách bài Mỹ của Putin được phản ánh trong đánh giá sau đây của một think tank có quan hệ mật thiết với Điện Kremlin: “Mỹ sẽ tìm cách làm suy yếu và chia cắt phần còn lại của thế giới, và trên hết là Đại lục địa Á Âu. Chiến lược này không phụ thuộc vào việc Nhà Trắng có một chính quyền bảo thủ hay tự do, có sự đồng thuận giữa giới tinh hoa hay không”.

Các khái niệm trái ngược nhau về lòng tin khiến mục tiêu bình thường hóa quan hệ giữa Nga và Mỹ không thể đạt được. Không, chúng ta sẽ không bao giờ làm bạn với Putin và nước Nga của ông ta, nhưng chúng ta vẫn phải cố gắng bằng mọi cách để tránh thế chiến 3.

Nguồn: Trên mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét