‘Kẻ khóc người cười’ khi BRICS có thêm 6 thành viên mới
Tác giả: Darren Taylor • 25/08/23 Trung Quốc, Nga và Nam Phi đã giành chiến thắng trong cuộc chiến mở rộng khối BRICS. Tuy vậy, kế hoạch thiết lập một loại tiền tệ được đảm bảo bằng vàng để cạnh tranh với đồng đô-la Mỹ của những nước này đang bị hoãn lại.Các tình nguyện viên BRICS cầm biển hiệu chào đón các phái đoàn, tại ga đến quốc tế ở Sân bay Quốc tế OR Tambo, Ekurhuleni, Nam Phi, ngày 21/8/2023. (Ảnh: Marco Longari/AFP qua Getty Images)
1. Mỹ lo lắng
BRICS hiện tại gồm các thành viên: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Họ đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 15 tại Johannesburg (Nam Phi) từ ngày 22/8 đến ngày 24/8. Bắc Kinh, Moscow và Pretoria muốn BRICS lớn mạnh hơn, có khả năng “đối trọng” với phương Tây như một phần của “trật tự thế giới mới”.
Vào ngày 24/8, các nhà lãnh đạo BRICS thông báo họ đã chính thức mời 6 nước gia nhập khối. 6 quốc gia đó là: Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Ảrập Xêút, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Tư cách thành viên của 6 nước này sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2024.
Bà Sanusha Naidoo - nhà phân tích chính sách đối ngoại độc lập tại Johannesburg - cho biết: “Việc đưa chế độ độc tài Hồi giáo Iran - quốc gia có kế hoạch trở thành cường quốc hạt nhân - vào BRICS rõ ràng là đang đe dọa Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ”.
“Điều đó, cùng với việc cường quốc dầu mỏ Ảrập Xêút và UAE cực kỳ giàu có - nơi mà phần lớn hoạt động kinh doanh của thế giới đang được thực hiện tại đó - sắp trở thành thành viên, là một thông điệp mạnh mẽ báo hiệu rằng BRICS hoàn toàn có ý định chống lại phương Tây về kinh tế, chính trị và thậm chí có thể về quân sự”, bà nói .
Các thành viên hiện tại của BRICS nói rằng các tổ chức như G7, G20, Liên Hợp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đều “thân phương Tây” và không đại diện cho lợi ích của Nam bán cầu.
2. Trung Quốc, Nga, Nam Phi mừng chiến thắng
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã mô tả việc mở rộng BRICS là sự kiện có tính “lịch sử”.
“Nó thể hiện quyết tâm của các nước BRICS trong việc đoàn kết và hợp tác với các nước đang phát triển rộng lớn hơn”, ông Tập nói. “Nó đáp ứng sự mong đợi của cộng đồng quốc tế và lợi ích chung của các nước thị trường mới nổi cũng như các nước đang phát triển. Nó sẽ mang lại sức sống mới cho cơ chế hợp tác BRICS, đồng thời tăng cường hơn nữa động lực cho hòa bình và phát triển thế giới”.
Nhà lãnh đạo Brazil Lula da Silva thì cho biết, với việc bổ sung 6 thành viên mới, BRICS sẽ đại diện cho 46% dân số toàn cầu và chiếm 37% GDP thế giới.
Một quan chức Nam Phi tại hội nghị thượng đỉnh nói việc mở rộng BRICS được thúc đẩy chủ yếu bởi Trung Quốc và được hỗ trợ mạnh mẽ bởi Nga và Nam Phi. Ông cho biết Ấn Độ và Brazil đã “do dự” trong việc bổ sung “một số” thành viên mới tiềm năng; hai nước này cũng lo ngại rằng Bắc Kinh và Moscow sẽ sử dụng BRICS để “đối đầu” với Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, ông nói thêm, Tổng thống Da Silva và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cuối cùng đã đồng ý mở rộng khối, sau khi nhận được sự đảm bảo rằng một BRICS lớn hơn sẽ thúc đẩy sự phát triển của các quốc gia nghèo hơn, thay vì “bị vũ khí hóa”.
3. Căng thẳng Trung - Ấn, căng thẳng Nga - Ấn
Ông Moeletsi Mbeki - nhà phân tích chính trị người Nam Phi - cho hay: “Căng thẳng” giữa Trung Quốc và Ấn Độ được nhìn thấy “rất rõ ràng” tại hội nghị thượng đỉnh. “Tôi nghĩ Ấn Độ đã trở nên gần gũi hơn với các cường quốc phương Tây, chủ yếu là do tranh chấp biên giới với Trung Quốc. Sự việc đã đẩy Ấn Độ vào vòng tay của phương Tây”, ông nói.
“Đối với khối BRICS, đây là một vấn đề. Nhưng đối với Ấn Độ, do tính chất của mối đe dọa, đây là một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia. Trung Quốc là cường quốc quân sự lớn hơn nhiều so với Ấn Độ, vì vậy Ấn Độ đang hướng đến các nước phương Tây để mua thiết bị quân sự - chủ yếu là từ Mỹ và Pháp".
Ông Mbeki tiết lộ rằng, điều đó cũng làm dấy lên căng thẳng giữa New Delhi và Moscow. “Nga đã cung cấp vũ khí cho Ấn Độ trong nhiều thập kỷ. Nhưng bây giờ Điện Kremlin đang mất đi các hợp đồng vũ khí với Ấn Độ”.
"Ấn Độ nói rằng nước này không ủng hộ phía nào trong cuộc chiến tại Ukraine, nhưng gần đây, họ đã chỉ trích một cách công khai hơn hành động xâm lược của [Tổng thống Nga] Vladimir Putin… Vì vậy, Ấn Độ dường như đang rút lui khỏi mối quan hệ thân thiết trước đây với Nga", ông nói.
Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền hàng nghìn dặm đất tại dãy Himalaya, nằm ở biên giới của hai quốc gia đông dân nhất thế giới. Đã xảy ra một số cuộc đụng độ chết người trong những năm gần đây giữa quân đội hai bên.
4. Bắc Kinh không vui khi trước đó Mỹ - Ấn thắt chặt quan hệ
Vào tháng 6, khi Thủ tướng Modi đến thăm Washington, Tổng thống Joe Biden đã mô tả Ấn Độ là một trong những “đối tác thân thiết nhất trên thế giới” của Mỹ. Ông Biden và ông Modi đã đưa ra một tuyên bố chung mà Bắc Kinh hết sức phản cảm.
Theo tuyên bố chung, Ấn Độ sẽ lên kế hoạch sản xuất chất bán dẫn, linh kiện thiết yếu cho hầu hết các thiết bị điện tử hiện đại. Ông Biden và ông Modi cũng đã công bố Quan hệ Đối tác về Đổi mới và Chuỗi cung ứng Chất bán dẫn giữa Washington và New Delhi.
Tuyên bố có đoạn: “Điều này sẽ thúc đẩy các cơ hội thương mại, nghiên cứu, phát triển tài năng và kỹ năng”. "Các nhà lãnh đạo hoan nghênh thông báo của Micron Technology [công ty hàng đầu của Mỹ về giải pháp lưu trữ và bộ nhớ tiên tiến] về việc đầu tư lên tới 825 triệu USD để xây dựng cơ sở thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn mới ở Ấn Độ, với sự hỗ trợ từ chính phủ Ấn Độ. Khoản đầu tư tổng hợp trị giá 2,75 tỷ USD sẽ tạo ra tới 5.000 cơ hội việc làm trực tiếp mới và 15.000 cơ hội việc làm trong cộng đồng trong 5 năm tới".
Trung Quốc là nhà sản xuất chất bán dẫn lớn thứ 5 thế giới, nhưng tất cả các nhà sản xuất hàng đầu khác, bao gồm Nhật Bản và Đài Loan, đều là đồng minh của Mỹ.
Ông Biden và ông Modi cũng đã công bố các thỏa thuận cho phép chuyển giao nhiều hơn công nghệ quân sự của Mỹ sang Ấn Độ, tăng cường “hợp tác công nghiệp quốc phòng” và cùng sản xuất các hệ thống phòng thủ tiên tiến.
Họ còn công bố một “sáng kiến tiên phong” để sản xuất động cơ máy bay chiến đấu F-414 ở Ấn Độ, đồng thời cho biết chính phủ hai bên sẽ “làm việc với tinh thần hợp tác và nhanh chóng để hỗ trợ việc hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ chưa từng có này”.
Ông Mbeki cho hay, Trung Quốc vẫn luôn “tức giận” khi Ấn Độ – cùng với Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ – là thành viên của Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD). QUAD được thiết kế để bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “khỏi sự xâm lược của Trung Quốc”.
Cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc Ashok Kantha nói quốc phòng đã nổi lên như “một lĩnh vực rất quan trọng” trong quan hệ Ấn - Mỹ. “Hai bên có nhiều thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo và gần đây đã tiến hành một số cuộc tập trận quân sự chung rất quan trọng. Một vụ việc mà đặc biệt làm tức giận chính quyền Trung Quốc đã xảy ra vào tháng 11 ở khu vực biên giới tranh chấp”, ông nói.
Vào ngày 23/8, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới có tàu vũ trụ hạ cánh xuống mặt trăng và là quốc gia đầu tiên làm như vậy ở khu vực cực nam mặt trăng.
Bà Naidoo tin rằng, “đối với Trung Quốc, cuộc đổ bộ lên mặt trăng này là bằng chứng nữa cho thấy Ấn Độ đang phát triển thành một siêu cường châu Á, trong khi trước đó Bắc Kinh là ông lớn duy nhất trong khối tại đó”.
Trong chuyến thăm Tòa Bạch Ốc của ông Modi, ông và Tổng thống Biden cũng đã cam kết rằng Ấn Độ và Hoa Kỳ sẽ “đặt ra lộ trình để đạt đến những giới hạn mới trong tất cả các lĩnh vực hợp tác không gian”. Một phần trong tuyên bố chung của họ có nội dung: “Các nhà lãnh đạo hoan nghênh sự hợp tác ngày càng tăng về khoa học trái đất và vũ trụ, cũng như công nghệ vũ trụ. Họ hoan nghênh quyết định của NASA và ISRO trong việc phát triển khuôn khổ chiến lược cho hợp tác du hành vũ trụ vào cuối năm 2023".
Trong cuộc hội đàm với ông Biden, ông Modi cam kết chống lại mọi nỗ lực “lật đổ” hệ thống đa phương. Tuyên bố chung có đoạn: “Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường và cải cách hệ thống đa phương để nó có thể phản ánh tốt hơn thực tế đương đại”. “Trong bối cảnh này, cả hai bên duy trì thực hiện một chương trình cải cách toàn diện của Liên Hợp Quốc, bao gồm cả việc mở rộng nhóm thành viên thường trực và không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chia sẻ quan điểm rằng quản trị toàn cầu phải mang tính toàn diện và mang tính đại diện hơn, Tổng thống Biden đã nhắc lại sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho tư cách thành viên thường trực của Ấn Độ trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau cải tổ".
Bà Naidoo cho biết, trước tình hình này, Ấn Độ có thể sẽ phải giải thích lý do tại sao họ lại đồng ý mở rộng BRICS. “Washington có thể coi một BRICS mở rộng, đặc biệt là một BRICS bao gồm Iran, là một mối đe dọa, là sự lật đổ hệ thống đa phương hiện tại”.
Theo ông Harsh Pant - Phó chủ tịch phòng Chính sách đối ngoại tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên ở Anh, “xung đột” giữa một bên là Ấn Độ với một bên là Trung Quốc, Nga và Nam Phi là kết quả của những bất đồng về định hướng tương lai của các nước BRICS.
“Ấn Độ muốn lãnh đạo miền Nam bán cầu với tư cách là một bên tham gia có trách nhiệm hơn. Họ muốn có chỗ ngồi lớn hơn tại các diễn đàn khác nhau dành cho các nước đang phát triển, nhưng về cơ bản, họ muốn đạt được điều này thông qua việc hợp tác với các cường quốc truyền thống như Hoa Kỳ”. Ông Pant nói thêm: cùng với Nga, “Trung Quốc muốn trở thành nhà lãnh đạo không thể tranh cãi tại Nam bán cầu nhưng với tư cách là một kẻ gây rối, hoàn toàn đối lập với phương Tây”.
5. Chưa thể thiết lập loại tiền tệ được đảm bảo bằng vàng cạnh tranh với đồng đô-la Mỹ
Với việc kết nạp thêm 6 thành viên, BRICS sẽ có các nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới gồm Iran, Nga, Ảrập Xêút và UAE. Các ước tính cho thấy các nước BRICS sẽ kiểm soát khoảng 80% trữ lượng dầu mỏ của thế giới. Điều này được cho là sẽ thúc đẩy quá trình hạ bệ đồng đô-la dầu mỏ.
Tuy nhiên, ông Pant cho biết Ấn Độ “rất thận trọng” với cái gọi là phi đô-la hóa. New Delhi cho rằng sẽ là vô trách nhiệm nếu BRICS vội vàng tạo ra một loại tiền tệ được đảm bảo bằng vàng.
“Liên quan đến vấn đề tiền tệ này, Ấn Độ có nhiều thứ để mất hơn”, theo ông Mbeki. “Nền kinh tế của nước này vẫn đang tăng trưởng, trong khi Trung Quốc, mặc dù đang trong tình trạng suy thoái kinh tế, vẫn có vị thế tốt để thay thế Hoa Kỳ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ấn Độ không muốn làm bất cứ điều gì mà gây ra sự gián đoạn trong hệ thống tài chính thế giới, trong khi một loại tiền tệ mới chắc chắn sẽ tạo ra điều đó”.
Bà Naidoo tin rằng New Delhi đang phải cố gắng cân bằng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
“Theo tôi, ông Modi đồng ý mở rộng BRICS chủ yếu là để xoa dịu Trung Quốc. Ông không muốn mối quan hệ với Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn nữa. Nhưng đồng thời, ông ấy cũng cần phải làm việc với Mỹ và các đồng minh của Mỹ vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề an ninh”.
Cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc Kantha đồng ý với bà Naidoo. Theo ông, việc “tránh xung đột nghiêm trọng” với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Modi.
Nhà phân tích quân sự Nam Phi Guy Martin thì cho rằng, sự hỗ trợ quân sự của phương Tây dành cho New Delhi cho thấy Ấn Độ “hiện là nước láng giềng duy nhất có cơ hội đứng lên chống lại Trung Quốc, và rõ ràng là Trung Quốc không quá hài lòng về điều này”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét