Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2023

Niger: Quân đội được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu

Tình hình trong nước không có gì đặc biệt nên tôi chỉ quan tâm tới cuộc xung đột Nga - Ukraine và sự vùng lên của các nước đang phát triển chống lại ách áp bức của các nước đế quốc phương Tây. Rất mong thắng lợi thuộc về nhân dân Nga, nhân dân Niger và nhân dân các nước bị áp bức bóc lột. Chúc tất cả các bạn một ngày chủ nhật vui vẻ, tốt lành và hiệu quả.
Đảo chính tại Niger: Quân đội được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu
27/08/2023 VOV.VN - Lệnh báo động mức cao nhất vừa được chính quyền quân sự tại Niger ban hành đối với các lực lượng vũ trang nước này nhằm đảm bảo sẵn sàng ứng phó với kịch bản bị tấn công quân sự từ bên ngoài.
Chính quyền quân sự của Niger dưới sụ lãnh đạo Tướng Abdourahamane Tchiani đã đặt các lực lượng vũ trang trong tình trạng báo động ở mức cao nhất. (Nguồn: France24)

1. Trong lệnh báo động, chính quyền quân sự nêu rõ các mối đe dọa thù địch nhằm vào Niger đang gia tăng. Vì vậy, toàn bộ các lực lượng vũ trang được yêu cầu duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất, nhằm đảm bảo có thể lập tức đáp trả cuộc tấn công quân sự bất ngờ từ bên ngoài cũng như tránh rơi vào thế bị động trong tình huống khẩn cấp.

Lệnh báo động được công bố trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) vừa tái khẳng định không loại trừ khả năng tiến hành biện pháp quân sự vào Niger nhằm khôi phục trật tự Hiến pháp. Chủ tịch Ủy ban ECOWAS, ông Omar Alieu Touray nhấn mạnh rằng can thiệp quân sự vẫn là một trong những lựa chọn mà ECOWAS đang thảo luận, dù bác bỏ việc khối này đã chuẩn bị xong kế hoạch tấn công vào Niger.

Cũng trong ngày 26/8, hàng nghìn người Niger đã tập trung biểu tình bên ngoài một căn cứ của quân đội Pháp ở thủ đô Niamey, để bày tỏ sự ủng hộ dành cho chính quyền quân sự và yêu cầu chấm dứt hoàn toàn sự hiện diện của quân đội Pháp trên lãnh thổ Niger.

Được biết, Pháp đang duy trì khoảng 1.500 binh sỹ đồn trú tại một số căn cứ quân sự ở Niger theo thỏa thuận hợp tác đã ký với chính quyền Niger từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum đêm 26/7 vừa qua, chính quyền quân sự Niger tuyên bố hủy bỏ toàn bộ các thỏa thuận hợp tác quốc phòng đã ký với Pháp.

Hôm 25/8, chính quyền quân sự Niger cũng ra quyết định trục xuất Đại sứ Pháp tại Niamey với lý do thiếu hợp tác và Paris có nhiều hành động đi ngược lại lợi ích của Niamey.

2. Một tháng sau đảo chính tại Niger: Người dân ủng hộ 
chính quyền quân sự Niger; nguy cơ xung đột giảm dần

VOV.VN - Một tháng sau cuộc chính biến lật đổ chế độ cầm quyền làm chấn động đất nước Niger và cả châu Phi (ngày 26/7), nguy cơ xung đột vũ trang tại Niger và khu vực Tây Phi đang dần lùi xa.

Thế nhưng, hàng loạt thách thức nặng nề đang đặt ra với chính quyền quân sự, người dân và toàn thể đất nước Niger, cũng như cả khu vực này.

Cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Niger Mohamed Bazoum: Cuộc binh biến không tiếng súng do lực lượng cận vệ của Tổng thống Niger Mohamed Bazoum tiến hành và lật đổ chính nhà lãnh đạo này đêm 26/7 vừa qua, là cuộc đảo chính quân sự thứ 7 liên tiếp tại khu vực Tây Phi chỉ trong 3 năm qua, phản ánh cục diện chính trị đầy bất ổn tại một trong những khu vực ngèo đói và mất an ninh nhất của thế giới. Biện minh cho hành động này, phe đảo chính cáo buộc bộ máy cầm quyền do ông Bazoum lãnh đạo thiếu năng lực quản trị, khiến cho nền kinh tế đất nước suy kiệt và mất an ninh.

Cảnh sát Niger tại một khu vực người biểu tình tập trung để ủng hộ chính quyền quân sự ở Niamey ngày 30/7. Ảnh: AFP

Ngay lập tức, Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) và nhiều nước phương Tây, đứng đầu là Pháp, đã đưa ra phản ứng mạnh mẽ. Trong đó, ECOWAS hôm 30/7 ra tối hậu thư cùng lời đe dọa sử dụng biện pháp can thiệp quân sự, nhằm gây sức ép buộc phe đảo chính tại Niger phải khôi phục quyền lực cho Tổng thống bị lật đổ và trật tự Hiến pháp.

Tham mưu trưởng quân đội các nước ECOWAS ngày 17-18/8 nhóm họp tại Ghana để thống nhất kế hoạch can thiệp quân sự vào Niger. Sau cuộc họp, Cao ủy phụ trách Đối ngoại, Hòa bình và An ninh của ECOWAS, ông Abdel-Fatau Musah tuyên bố: kế hoạch can thiệp vào Niger đã sẵn sàng và thời gian tiến hành cũng đã được ấn định, đồng thời không quên nhắc lại rằng ECOWAS sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để khôi phục trật tự Hiến pháp tại Niger, bao gồm cả giải pháp quân sự.

Thế nhưng, trái ngược với phản ứng giận dữ của các nước láng giềng, đông đảo người dân Niger lại bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho chính quyền quân sự do phe đảo chính lập ra. Các cuộc biểu tình ủng hộ chính quyền quân sự đã diễn ra gần như hàng ngày tại thủ đô Niamey với hàng nghìn người tham gia, nhất là trong những ngày đầu tiên sau cuộc đảo chính. Đáng chú ý, trước nguy cơ ECOWAS có thể can thiệp quân sự vào Niger, hàng nghìn thanh niên nước này đã đăng ký gia nhập lực lượng cứu quốc, sẵn sàng cầm súng chiến đấu bảo vệ đất nước.

Trong bối cảnh đó, hai quốc gia láng giềng đang bị đình chỉ tư cách tại ECOWAS là Mali và Burkina Faso, đã cam kết chiến đấu cùng Niger chống lại mọi lực lượng can thiệp từ bên ngoài. Ngày 31/7, giới quân sự cầm quyền tại hai nước này, vốn cũng được hình thành sau các cuộc đảo chính quân sự gần đây, ra tuyên bố chung khẳng định coi mọi hành động can thiệp quân sự vào Niger là lời tuyên chiến với hai quốc gia này.

3. Tiến trình đàm phán

Theo các chuyên gia khu vực và quốc tế, chính sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng trong nước cùng các đồng minh láng giềng, đã tiếp thêm động lực và quyết tâm để chính quyền quân sự Niger không khuất phục trước lời đe dọa tấn công từ ECOWAS cũng như sức ép từ phương Tây. Bởi vậy, mãi 3 tuần sau tối hậu thư của ECOWAS, đến ngày 20/8, chính quyền quân sự Niger mới chịu đón tiếp và có cuộc đàm phán chính thức đầu tiên với phái đoàn của ECOWAS tại Niamey.

Tuy nhiên, tại cuộc đối thoại này, chính quyền quân sự Niger tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn, đã bác bỏ hoàn toàn hai yêu cầu cơ bản của phái đoàn ECOWAS là trả tự do và khôi phục quyền lực cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum. Phe đảo chính đồng thời yêu cầu ECOWAS phải công nhận chính quyền mới tại Niger cũng như dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt áp đặt chống nước này. Lập trường cương quyết của chính quyền quân sự Niger khiến đàm phán rơi vào bế tắc và phái đoàn ECOWAS phải trở về Abuja, Nigeria, ngay trong đêm 20/8.

Đặc biệt, ngay trước cuộc đàm phán với phái đoàn ECOWAS, người đứng đầu chính quyền quân sự Niger, Tướng Abdelrahamane Tiani, Chủ tịch Hội đồng quốc gia bảo vệ Tổ quốc Niger, đêm 19/8 đã công bố lộ trình chuyển giao quyền lực kéo dài không quá 3 năm, đồng nghĩa với việc tuyên bố chính quyền quân sự Niger sẽ tiếp tục nắm quyền lãnh đạo đất nước ít nhất là cho đến khi một bộ máy cầm quyền mới được hình thành tại nước này.

Tuy nhiên, phản ứng của phía ECOWAS mới là điều đáng quan tâm hơn cả. 

Trưởng đoàn đàm phán ECOWAS, cựu Tổng thống Nigeria Abdulsalami Abubakar, đánh giá kết quả đối thoại tại Niamey hôm 20/8 là “rất hữu ích”, coi đó là sự khởi đầu cần thiết trong tiến trình xử ly khủng hoảng Niger. Đặc biệt, hôm 23/8, Cao ủy Abdel-Fatau Musah nói rằng cánh cửa đối thoại với chính quyền quân sự Niger vẫn mở, dù cảnh báo rằng khối này sẽ không lãng phí thời gian theo đuổi các cuộc đàm phán vô ích. 

Đây được xem là sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận cuộc khủng hoảng của ECOWAS so với giai đoạn trước đó, khi khối này nhất quyết yêu cầu lập tức khôi phục quyền lực cho ông Bazoum và trật tự Hiến pháp tại Niger.

Trước đó, ngay sau khi đảo chính xảy ra tại Niger, ECOWAS đã vạch ra ranh giới đỏ, thể hiện lập trường cứng rắn hơn so với các cuộc đảo chính Mali, Burkina Faso và Guinea. Nigeria được cho là nhân tố then chốt trong vấn đề này.


Các lãnh đạo ECOWAS đều tin rằng cuộc đảo chính ở Niger là một "giọt nước tràn ly", và nếu họ không phản ứng thì vô hình trung sẽ tạo ra hiệu ứng domino trong khu vực, ông Musah cho biết. Mặc dù các cuộc đàm phán trực tiếp và đàm phán thông qua trung gian đang diễn ra, cánh cửa ngoại giao cho chính quyền quân sự Niger không thể mở mãi mãi.

"Chúng tôi sẽ không tham gia vào cuộc mặc cả kéo dài và tốn thời gian. Chúng tôi đã đi theo con đường đó ở Mali, ở Burkina Faso và những nơi khác, và chúng tôi chẳng đi đến đâu cả”, ông Musah nhấn mạnh.

4. Nguy cơ xung đột bị đẩy lùi, nhiều thách thức đặt ra


ECOWAS gồm 15 nước châu Phi - Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo. Tuy nhiên, Mali và Burkina Faso, hai nước hiện cũng do chính quyền quân sự lãnh đạo, đã bị ECOWAS đình chỉ tư cách thành viên sau các cuộc đảo chính. Hai nước này đã tuyên bố sẽ trợ giúp nếu Niger bị can thiệp quân sự.

Nhiều nhà quan sát khu vực và quốc tế thống nhất quan điểm rằng, động thái của các bên, đặc biệt là phản ứng mới nhất của ECOWAS, cho thấy khả năng can thiệp quân sự của ECOWAS vào Niger ngày càng bị thu hẹp, thậm chí gần như bị loại trừ trong ngắn hạn. Cũng có nghĩa là trong bước đi tiếp theo, các bên sẽ theo đuổi các cuộc đối thoại hoặc trực tiếp hoặc có sự tham gia của một hoặc nhiều bên khác.

Nội dung thương lượng sẽ xoay quanh tiến trình chuyển giao quyền lực tại Niger và các vấn đề liên quan, trong đó không loại trừ sự tham gia của ông Mohamed Bazoum nhưng không phải với tư cách Tổng thống Niger với đầy đủ quyền lực như trước khi đảo chính xảy ra. Trong tiến trình này, thách thức đặt ra với cả ECOWAS và chính quyền quân sự Niger là rất lớn.

Với ECOWAS, khó khăn lớn nhất là làm sao có thể gây sức ép hay thuyết phục chính quyền quân sự Niger, hay bằng cách nào đó, để đạt được một thắng lợi, chí ít là mang tính biểu tượng có tính chất “giữ thể diện” cho khối này sau khi đã đưa quá nhiều tuyên bố cứng rắn liên quan đến cuộc khủng hoảng. Mặc dù vậy, nhiệm vụ này vẫn được đánh giá là có tính khá thi tương đối hơn và đặc biệt là có sự an toàn, không phải đối mặt với những rủi ro an ninh và nhân đạo khó lường như lựa chọn giải pháp quân sự.

Thách thức thực sự là ở phía chính quyền quân sự Niger. Tướng Tiani và phe đảo chính phải đương đầu và xử lý cùng lúc hàng loạt nan đề cả về đối nội và đối ngoại. Về đối ngoại, phải thuyết phục được cộng đồng quốc tế chấp nhận một lộ trình chuyển giao quyền lực khả thi với đầy đủ cam kết, để được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, tiếp nhận lại viện trợ và hội nhập trở lại với thế giới.

Về đối nội, khó khăn lớn nhất không chỉ là việc lập nên một chính quyền dân sự mới được đa số người dân ủng hộ, mà là nhiệm vụ vực dậy nền kinh tế đất nước đang kiệt quệ và khôi phục an ninh tại nhiều vùng lãnh thổ đang nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền trung ương.

Nếu không thể vượt qua được những thách thức này, xã hội và đất nước Niger có thể lại đối mặt với những biến động phức tạp khó lường, trong đó không loại trừ khả năng lại xảy ra một cuộc đảo chính lật đổ mới trong tương lai như đã từng nhiều lần xảy ra trong quá khứ.

Tổng hợp từ VOV
https://vov.vn/the-gioi/dao-chinh-tai-niger-quan-doi-duoc-dat-trong-tinh-trang-san-sang-chien-dau-post1041947.vov

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét