Tại sao Việt Nam phát triển, còn Ukraine tan nát ?
Một bài báo thú vị của Rostislav Ishchenko đăng trên ấn phẩm “Ngày mai” (Завтра). Rostislav Vladimirovich Ishchenko là một nhà khoa học chính trị, chuyên gia về “vấn đề Ukraina”. Hiện nay là chủ tịch của “Trung tâm Phân tích và Dự báo Hệ thống” – LB Nga. Xin giới thiệu cùng các anh chị.Trong những ngày cuối tháng Tám này, và trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraina đang diễn ra khốc liệt, tôi lại nhớ đến một đất nước rất xa, và nảy ra trong đầu những suy nghĩ về Ukraina hiện tại.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” lịch sử do chính ông soạn thảo, tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới sau gần một thế kỷ dưới ách thống trị của thực dân: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Nhưng nền độc lập non trẻ đó không tồn tại được lâu, trong một quá trình lâu dài sau đó, từ 1946 đến 1975, Việt Nam đã phải chiến đấu với Pháp và Hoa Kỳ để giành lại độc lập.
Vào thời điểm Việt Nam lần đầu tiên giành được độc lập (1945), có khoảng 21,5 triệu người sống trên toàn Đông Dương, khoảng 2/3 trong số đó sống ở Việt Nam. Nền kinh tế nước này gần như hoàn toàn là nông nghiệp-thuộc địa. Công nghiệp hầu như không có. Quân đội (thực chất là dân quân) được trang bị thô sơ, gồm vũ khí nhẹ và số lượng không đáng kể lựu pháo, sơn pháo. Không có vũ khí hạng nặng và không quân, hải quân. Không có nhân viên khoa học, công nhân lành nghề, chuyên gia cấp cao cũng như các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Vấn đề mù chữ trong quần chúng nhân dân là phổ biến.
Bây giờ, ta hãy nhìn sang Ukraina từ ngày đầu độc lập (1991). Dân số là 52 triệu, với nền kinh tế đứng thứ 5 ở châu Âu. Kế thừa ngành công nghiệp nặng và quốc phòng hùng mạnh của Liên Xô. Nông nghiệp rất phát triển. Có 5 nhà máy điện hạt nhân với 23 tổ máy cùng hệ thống thủy điện hoành tráng trên toàn bộ sông Dnepr do Liên Xô để lại. Cơ sở khoa học hùng mạnh với nhiều trung tâm khoa học lớn: Kiev, Kharkov, Dnepropetrovsk, Odessa, Donetsk. Hàng triệu công nhân và chuyên gia lành nghề, nhiều cơ sở vững chắc và tiên tiến cho việc giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học. Quân đội gồm 1 triệu quân nhân, được trang bị vũ khí hiện đại nhất vào thời điểm đó.
Nếu so sánh Việt Nam và Ukraina hiện nay (sau 32 năm Ukraina độc lập) thì giống như so sánh Cung điện Mùa đông với cái hang của người hái lượm nguyên thủy, chưa học được cách xây những túp lều. Hiện tại, dân số Việt Nam đã tăng lên nhiều lần (hiện có 100 triệu người). Còn ở Ukraina, dân số đã giảm 2 đến 3 lần (hiện tại là khoảng 18 triệu người, dù con số đó vẫn là ở mức lạc quan).
Ngay từ những năm đầu độc lập, ở Ukraina, cuộc xung đột dân sự đã bắt đầu bùng lên khi giới tinh hoa bắt đầu xây dựng một nền dân chủ Galicia đi ngược lại với quyền và lợi ích của đại đa số nhân dân. Năm 2014, chính Ukraina đã gây ra cuộc nội chiến trên lãnh thổ của mình và hệ quả của nó là xung đột với Nga 8 năm sau.
Việt Nam không hề chuẩn bị cho cuộc chiến mà Hoa Kỳ đã áp đặt lên nước này, nhưng người Việt Nam đã giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại cường quốc quân sự-kinh tế số 1 thế giới. Trong cuộc chiến đó, cuộc chiến mà người Việt Nam gọi là “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, Việt Nam đã được Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ về vũ khí và cố vấn. Tuy nhiên, Hải quân và Không quân Mỹ vẫn kiểm soát gần như toàn bộ vùng biển, vùng trời. Trong thập niên 60, quan hệ Liên Xô-Trung Quốc xấu đi, việc cung cấp vũ khí, trang bị, vật tư cho Việt Nam rất khó khăn. Người Việt Nam chưa bao giờ có đủ trang thiết bị, đạn dược… để chiến đấu.
Ukraina đã chuẩn bị cho cuộc chiến tranh với Nga trong suốt thời kỳ tồn tại độc lập. Hoa Kỳ và NATO đã tích cực giúp đỡ họ trong việc chuẩn bị này. Chính Kiev đã chọn thời điểm để khiêu khích. Đây là thời điểm mà Ukraina tự coi mình có khả năng gây thất bại quân sự cho Nga. Sự tự tin đó của Ukraina đã được các đồng minh phương Tây xác nhận.
Trong toàn bộ quá trình chiến sự, Hoa Kỳ và NATO đã đảm bảo cung cấp cho Ukraina gần 10.000 xe tăng, xe bọc thép, xe chiến đấu bộ binh các loại, khoảng gần 2.000 khẩu pháo (bao gồm cả pháo tự hành và MLRS), vài nghìn súng cối, hơn 100.000 vũ khí nhỏ, hàng triệu quả đạn pháo các loại, gần 200 máy bay và trực thăng, hơn 1.000 máy bay không người lái… Đây là chưa kể những gì Ukraina đang có trong kho vũ khí của mình.
Với tất cả những điều kiện này, phương Tây đã đánh giá rằng Ukraina hoàn toàn có thể chiến thắng Nga trong cuộc chiến thông thường. Nhưng sau một năm rưỡi, họ buộc phải thừa nhận rằng Ukraina đã thua. Chế độ Kiev không thể thực hiện được bất kỳ mục tiêu nào đã đặt ra. Phương Tây bắt đầu nói về sự cần thiết phải sớm đạt được hòa bình để cứu lấy những gì còn lại của Ukraina.
Làm thế nào mà một quốc gia đang có mọi điều kiện cần thiết để xây dựng đất nước trở nên hùng mạnh lại xuống cấp với tốc độ nhanh chóng như vậy? Chỉ sau 32 năm, nó đạt đến trạng thái bán nguyên thủy? Ukraina bây giờ giống như các thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha (Angola, Mozambique) vào những năm 70.
Câu trả lời không có gì khó hiểu: Không ai cần độc lập ở Ukraina. Giới lãnh đạo Ukraina nhanh chóng nhận ra rằng phương Tây cần tư tưởng Bandera ở đó, và thế là họ tự nguyện trở thành những “Bandera thuần hóa” của phương Tây. Họ cần có một chủ sở hữu. Họ tuyên truyền cho người dân về một tương lai tươi sáng ở EU, và họ đương nhiên sẽ là thành viên EU với hàng trăm loại xúc xích và bia. Vì thế, một sự đồng thuận sùng bái phương Tây trên toàn quốc đã xuất hiện.
Nhưng phương Tây chỉ cần Ukraina và người Ukraina như một nguồn tài nguyên có thể sử dụng cho nhu cầu riêng của họ, hơn nữa, nguồn tài nguyên này là miễn phí. Thật phí khi không tận dụng cơ hội hiếm có như vậy, vì cái giá để mua đứt Ukraina quá rẻ. Người Ukraina đã trở thành nô lệ lý tưởng. Họ đã cho đi lãnh thổ, cùng với tất cả tài sản. Còn bản thân họ trở thành người hầu chung, nhưng vẫn tự coi mình là người châu Âu, tin rằng họ đang ở thiên đường.
Còn người Việt Nam thì sao? Họ thực sự muốn sống theo luật lệ riêng của họ, trên đất nước của họ. Trong khi người Ukraina lại mơ về một món quà miễn phí. Người Việt Nam sẵn sàng hy sinh để đất nước họ được sống. Còn người Ukraina sẵn sàng chết cho “thế giới tự do”, và họ xứng đáng với điều đó.
Hài kịch hay bi kịch?
(Dịch: Hà Huy Thành; Fb Hà Huy Thành )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét