Thứ Tư, 16 tháng 8, 2023

Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Tây Phi

Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Tây Phi
Andrew Thornebrooke • 16/08/23 Theo các chuyên gia, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tìm cách phô trương sức mạnh hải quân trên quy mô toàn cầu và có khả năng sẽ sớm xây dựng các căn cứ quân sự mới ở hải ngoại để duy trì tốt hơn sự hiện diện quân sự của mình trên toàn thế giới.

Quân nhân Trung Quốc tham dự lễ khánh thành căn cứ quân sự mới của Trung Quốc ở Djibouti, một quốc gia ở Đông Châu Phi (sừng châu Phi), hôm 1/8/2017. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

1. TQ sẽ thiết lập một căn cứ mới ở bờ biển phía tây châu Phi

Theo ông Brent Sadler, một nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn The Heritage Foundation, việc Trung Quốc xây dựng thêm các căn cứ xa xôi ở Thái Bình Dương hoặc trên bờ biển Đại Tây Dương của Châu Phi sẽ cải thiện đáng kể năng lực tác chiến của nước này.

“Mô hình của họ [Trung Quốc] khác, nhưng xét cho cùng, họ sẽ có những căn cứ trông giống như Hoa Kỳ,” ông Sadler nói trong buổi nói chuyện ngày 15/8 tại The Heritage Foundation.

Ông Sadler nói thêm rằng chính quyền Trung Quốc đang trong quá trình xây dựng các nhóm tác chiến tàu sân bay, nhìn chung sẽ hoạt động giống như Hoa Kỳ. Ông lập luận rằng việc duy trì các lực lượng này ở hải ngoại sẽ yêu cầu các căn cứ ngoài khơi khác, ngoài căn cứ đầu tiên của ĐCSTQ, được thành lập ở Djibouti vào năm 2017.

Ông Sadler tin rằng bằng cách thiết lập một căn cứ mới ở bờ biển phía tây châu Phi, có thể là ở Guinea Xích Đạo, ĐCSTQ có thể liên tục cung cấp đạn dược và nhiên liệu cho các nhóm tấn công, cũng như hoạt động di dời ở Đại Tây Dương.

“Đây sẽ là cửa ngõ mới của Trung Quốc. Việc ở xa như vậy sẽ cho phép họ duy trì các hoạt động hải quân, hoạt động quân sự ở Đại Tây Dương", vị chuyên gia cho hay.

Cuối cùng, Sadler cho biết lịch sử giữ bí mật của chế độ này đối với các sáng kiến ​​quân sự liên quan đến các dự án quân sự cho thấy rằng một căn cứ như vậy, hoặc ít nhất là các cuộc đàm phán về việc đặt căn cứ ở đó, đang diễn ra suôn sẻ.

Ông Sadler nói: “Trung Quốc phủ nhận mọi ý định phát triển tàu sân bay cho đến khi họ có một chiếc. Họ đã dành hơn một thập kỷ để nói điều đó cho đến khi sự việc tiến triển đến mức gần như không thể phớt lờ".

"Những gì Hoa Kỳ cần làm là điều chỉnh lại cách tiếp cận của mình đối với nghệ thuật lãnh đạo và tích hợp sự hiện diện hải quân [của mình] với sự phát triển kinh tế và ngoại giao mạnh mẽ hơn”.

2. Trung Quốc xây dựng các căn cứ mới để duy trì sự hiện diện trên toàn cầu

Theo ông Alexander Wooley, một phóng viên hải quân lâu năm, đồng thời là giám đốc quan hệ đối tác và truyền thông của Dự án AidData, một tổ chức tư vấn chuyên nghiên cứu về đóng góp của chính phủ cho các sáng kiến phát triển, dòng tiền và các nguồn lực khác từ Trung Quốc đến các nước Tây Phi ngụ ý rằng sự bành trướng của ĐCSTQ đang tiến triển tốt đẹp.

Ông Wooley nói: “Họ [Trung Quốc] sẽ đặt một căn cứ ở đâu đó trong khu vực này. Tuy nhiên, họ không hé lộ đó là quốc gia nào”.

Thật vậy, dưới sự hướng dẫn của ông Wooley, AidData gần đây đã hoàn tất một báo cáo mới phân tích đầu tư của Trung Quốc vào các cảng nước ngoài và mối quan hệ của họ với giới tinh hoa địa phương trên khắp thế giới trong khoảng thời gian 20 năm.

Báo cáo trên chỉ ra rằng Bata, ở Guinea Xích đạo, là ứng cử viên sáng giá cho một căn cứ quân sự mới của Trung Quốc.

Theo báo cáo, Trung Quốc đã chi hơn 659 triệu USD để cải thiện cảng ở đó. Hơn nữa, một vị tướng cấp cao của Hoa Kỳ năm ngoái đã nói rằng Bata dường như là nỗ lực bành trướng thành công nhất của chế độ này cho đến nay.

3. Hải quân Trung Quốc phát triển vượt trội hơn Hải quân Mỹ

Tuy nhiên, ĐCSTQ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Họ thiếu vô số đồng minh chính thức của Mỹ. Điều đó có nghĩa là họ không thể mong đợi sự hiện diện quân sự của mình được chào đón ở bất cứ đâu trên thế giới cho đến khi họ thực sự có thể xây dựng căn cứ của riêng mình.

“Họ không thuộc về một liên minh phòng thủ điển hình như NATO hoặc AUKUS. Vì vậy họ không có mối quan hệ với các quốc gia có sân chơi bình đẳng về mối quan hệ nơi họ có thể đặt tàu của mình như hạm đội Hoa Kỳ ở Napoli chẳng hạn”, ông Wooley nói.

“Nếu họ muốn triển khai tàu xa hơn, họ không có những mối quan hệ như vậy với một đồng minh, với một căn cứ hải quân của quốc gia sở tại. Họ không có nhiều tàu tiếp tế như các lực lượng hải quân hiện đại khác, vì vậy thật hợp lý khi họ tìm một nơi để thành lập căn cứ hải quân”.

Cuối cùng, ông Wooley nói rằng ĐCSTQ có thể sẽ tiếp tục mở rộng hạm đội hải quân của mình trong thập kỷ tới. Trong khi đó, ưu thế về số lượng sẽ làm tăng nhu cầu về các cơ hội đặt trụ sở mới ở hải ngoại.

“Tôi nghĩ rằng sự phát triển của hải quân Trung Quốc sẽ tiếp tục trong thập kỷ tới là điều tất yếu,” ông Wooley nói.

“Hơi khó để tưởng tượng rằng họ sẽ không có một căn cứ hải quân nào ở hải ngoại ngoài Djibouti”, ông lập luận.

Hải quân Trung Quốc dự kiến ​​sẽ phát triển lên hơn 400 tàu chiến trong hai năm tới, vượt xa hạm đội chưa đến 290 tàu của Hải quân Mỹ. Nếu tính cả lực lượng bảo vệ bờ biển và lực lượng dân quân biển Trung Quốc, tổng số tàu của nước này vượt quá 600.

Hơn nữa, trong khi gần 300 tàu chiến của Hoa Kỳ có công nghệ tiên tiến hơn hầu hết hạm đội Trung Quốc, thì chỉ khoảng một phần ba lực lượng đó sẵn sàng chiến đấu, và phần ba đó còn trải dài trên toàn cầu. Tổng cộng có khoảng 60 tàu chiến Mỹ đang hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sẵn sàng đối đầu với sự hung hăng của Trung Quốc bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, phần lớn hạm đội của Trung Quốc hiện đang đóng quân trong phạm vi 500 km quanh nước này. Điều đó có nghĩa là nếu một cuộc chiến nổ ra ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ sẽ vấp phải một bất lợi đáng kể.
------------------

Viết thêm về Tây Phi dựa trên thông tin trên mạng: 

Tây Phi là khu vực ở cực tây của lục địa châu Phi. Về mặt địa lý, định nghĩa của Liên Hợp Quốc về Tây Phi bao gồm 16 quốc gia trải dài trên 1 vùng có diện tích 5 triệu km². Tất cả 16 quốc gia đó đều là thành viên của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi, trừ Mauritanie.



Thực dân Anh kiểm soát Gambia, Sierra Leone, Ghana và Nigeria trong khi Pháp cai trị Sénégal, Guinée, Mali, Burkina Faso, Bénin, Côte d'Ivoire và Niger. Thực dân Pháp đã dồn những vùng đất đó lại thành Tây Phi thuộc Pháp. Bồ Đào Nha chiếm giữ Guiné-Bissau trong khi Đức cai trị Togoland, vùng đất sau đó bị Pháp và Anh chia nhau sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Chỉ Liberia là giữ được nền độc lập, nhưng phần lớn đất đai bị chia cắt bởi các nước thực dân.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các phong trào yêu nước nổi lên khắp Tây Phi. Năm 1957, Ghana, dưới sự lãnh đạo của Kwame Nkrumah, trở thành thuộc địa đầu tiên ở vùng hạ Sahara giành được độc lập, năm sau đó là các thuộc địa của Pháp; đến năm 1974, toàn bộ các quốc gia Tây Phi đều đã giành lại chủ quyền. Kể từ khi độc lập, nhiều quốc gia châu Phi phải đối diện với nạn nghèo đói, tình trạng kinh tế chậm phát triển, kỹ nghệ lạc hậu, bệnh AIDS, nạn tham nhũng, xung đột sắc tộc và nội chiến tràn lan ở Nigeria, Sierra Leone, Liberia, Côte d'Ivoire, Niger, Ghana và Burkina Faso.

Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) được thành lập vào năm 1975 theo Hiệp ước Lagos, là 1 tổ chức của các quốc gia Tây Phi hướng đến việc phát triển kinh tế cho vùng. Liên minh Kinh tế Tiền tệ Tây Phi (UEMOA) giới hạn trong 8 nước, hầu hết là các nước thuộc Cộng đồng Pháp ngữ sử dụng chung đồng Franc CFA Tây Phi. Ngoài ra còn có tổ chức Liptako Gourma của 3 nước Mali, Niger và Burkina Faso.

Hai cuộc đảo chính gần nhất ở khu vực Tây Phi, tại Niger vào ngày 26/7/2023 và Burkina Faso vào ngày 24/1/2022, đã làm dấy lên lo ngại về các cuộc đảo chính "đang quay lại". Theo The Conversation, trong mỗi thập kỷ của giai đoạn 1958 - 2008, Tây Phi có số vụ đảo chính cao nhất ở châu Phi, chiếm 44,4%. Kể từ năm 2010 đến 2022, có hơn 40 cuộc đảo chính và nỗ lực đảo chính ở châu Phi, trong đó khoảng 20 vụ ở Tây Phi và vùng Sahel - khu vực nằm giữa Bắc Phi và và sa mạc Sahara.

Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Nước ngoài (có trụ sở tại Mỹ), trong 3 năm qua, khu vực Tây Phi rúng động vì các vụ đảo chính quân sự ở Mali (tháng 8/2020 và tháng 5/2021), Guinea (tháng 9/2021), Burkina Faso (tháng 1/2022) và mới nhất là Niger (tháng 7/2023). Các cuộc khủng hoảng chính trị liên tiếp trong khu vực đặt ra một số câu hỏi: Vì sao lại là các quốc gia này? Vì sao các cuộc đảo chính liên tiếp xảy ra trong thời gian ngắn như vậy?

Các điều kiện chính trị ở Niger, Mali, Guinea và Burkina Faso có liên quan mật thiết đến quá khứ và hiện tại đầy biến động của mỗi quốc gia. Niger là một trong những quốc gia sản xuất uranium hàng đầu thế giới nhưng cũng là nước thuộc top nghèo nhất hành tinh.

Theo The Conversation, trong 4 thập kỷ tiếp, kể từ thập niên 60, các cuộc đảo chính ở châu Phi diễn ra trong bối cảnh Mỹ - Nga cạnh tranh ảnh hưởng ở châu lục này.

Tương tự, các cuộc đảo chính gần đây ở Tây Phi cũng có dấu ấn của nước ngoài. Mỹ, Nga và Pháp được cho là có ảnh hưởng tới các cuộc binh biến ở Mali (2020, 2021), Burkina Faso (2022) hay gần nhất là Niger (2023).

Một trong số những nguyên nhân sâu xa dẫn đến binh biến ở Niger là việc quân đội trong nước không hoan nghênh hiện diện của nhiều lực lượng quân đội và căn cứ nước ngoài ở quốc gia Tây Phi này. Quân đội Niger cho rằng việc có quá nhiều lực lượng nước ngoài sẽ khiến quân đội trong nước suy yếu.

4 năm trước, Mỹ mở một căn cứ máy bay không người lái ở Niger dù bị nhiều người phản đối với lý do căn cứ quân sự này có thể biến Niger thành mục tiêu của các phần tử khủng bố, gây thêm bất ổn cho quốc gia này. Năm 2022, Pháp và một số đồng minh châu Âu khác đã rút quân khỏi Mali, nước láng giềng của Niger. Tổng thống Niger khi đó đã mời Pháp đưa số quân này tới đồn trú ở Niger. Giới lãnh đạo quân đội và một số cá nhân có ảnh hưởng lớn ở Niger không hài lòng về việc này.

Ảnh hưởng của Pháp với sự phát triển chính trị ở Tây Phi gần như là chắc chắn vì nhiều nước ở khu vực này từng là thuộc địa cũ của Pháp.


Sau khi người Maroc xâm lược và hủy diệt thủ đô của Songhai vào năm 1591, một số nhà nước nhỏ hơn nổi lên ở khu vực Tây Phi, bao gồm Vương quốc Bambara của Segou, Đế chế Bambara của Kaarta, Vương quốc Peul/Malinké của Khasso và Đế chế Kénédougou của Sikasso. Những lái buôn người Bồ Đào Nha bắt đầu thành lập những khu định cư dọc theo bờ biển vào năm 1445, sau đó là người Pháp và người Anh; việc buôn bán nô lệ châu Phi cũng diễn ra sau đó không lâu, trong nhiều thế kỷ, đó là một trong những nền kinh tế chính của vùng. Việc buôn bán nô lệ cũng đã dẫn đến sự ra đời của các nhà nước như đế chế Bambara và Dahomey, với nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào việc đổi nô lệ lấy vũ khí của châu Âu.

Việc phát triển buôn bán nô lệ qua Đại Tây Dương đã mang rất nhiều người ở Tây Phi đến Tân thế giới, lúc đó còn là thuộc địa của các quốc gia châu Âu. Những tàn tích cổ xưa nhất của nô lệ châu Phi tại châu Mỹ được tìm thấy ở México vào đầu năm 2006 có niên đại cuối thế kỷ XVI - giữa thế kỷ XVII. Chính phủ các nước châu Âu và châu Mỹ thông qua luật cấm buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương trong thế kỷ XIX, mặc dù trên thực tế nạn buôn bán nô lệ vẫn diễn ra thêm 1 thời gian nữa. Quốc gia cuối cùng tuyên bố chính thức chấm dứt buôn bán nô lệ là Brasil vào năm 1888. Con cháu của các nô lệ châu Phi giờ đây sống ở khắp nơi tại châu Mỹ, đặc biệt là ở Brasil, các nước vùng Caribe và Mỹ.


Các học giả của trang The Conversation cho rằng, việc cạnh tranh ảnh hưởng và lợi thế của các cường quốc thế giới ở châu Phi khiến họ tham gia hoặc có tác động vào các cuộc binh biến ở châu lục này.

Bản đồ: Vùng xanh đậm được nhất trí xem là Tây Phi. Vùng xanh nhạt đôi khi cũng được coi là Tây Phi. Khi đó diện tích Tây Phi khoảng 6.14 triệu km2, gấp 20 lần VN. Theo cách nhóm của Liên hiệp quốc, Tây Phi bao gồm 16 quốc gia trong danh sách phía dưới. Tuy nhiên, Liên minh Châu Phi xác định Tây Phi chỉ gồm 15 quốc gia. Mauritanie được Liên hiệp quốc xếp vào Tây Phi nhưng lại được Liên minh Châu Phi xếp vào Bắc Phi.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét