Thứ Năm, 24 tháng 8, 2023

TQ bên bờ vực khủng hoảng kinh tế giống năm 2008

Trung Quốc đang bên bờ vực khủng hoảng kinh tế giống năm 2008
Ông Paul Krugman, nhà kinh tế Mỹ từng đạt giải Nobel, đã đăng một bài phân tích trên tờ New York Times vào ngày 22/8 cho hay, Trung Quốc năm 2023 đang đứng trước bờ vực khủng hoảng tài chính tương tự như năm 2008, nhưng tác động của cuộc khủng hoảng này đối với Hoa Kỳ sẽ rất nhỏ.

Tờ 100 nhân dân tệ của Trung Quốc được đếm tại một ngân hàng ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc vào ngày 24/09/2013. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Bài viết có tiêu đề “Khủng hoảng của Trung Quốc đáng sợ đến mức nào?” (How Scary Is China’s Crisis?), được dẫn lại trong "
America's exposure to an economic crisis in China is 'surprisingly small,' according to Nobel economist Paul Krugman
". Mở đầu bài viết, ông chỉ ra rằng, kinh tế toàn cầu sau đại dịch tuy có khó khăn nhưng hầu như không có điểm tương đồng nào với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, song Trung Quốc dường như đang đứng trên bờ vực đó.

Ông nói, ông không đủ tự tin để đánh giá liệu Trung Quốc có thể ngăn chặn khoảnh khắc Minsky hay không, ông thậm chí không chắc rằng có bất kỳ ai, kể cả các quan chức Trung Quốc, biết được đáp án của câu hỏi này.

Khoảnh khắc Minsky đề cập đến sự sụp đổ đột ngột của thị trường tài chính khi nền kinh tế đang 'ngập' trong nợ.

Ông Krugman cho biết, nhưng có một điều chắc chắn rằng, nếu một cuộc khủng hoảng tương tự năm 2008 xảy ra ở Trung Quốc, nó khó có thể lan sang các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Bởi vì mặc dù Trung Quốc có quy mô kinh tế khổng lồ, tài chính và thương mại của Hoa Kỳ lại chịu rất ít ảnh hưởng từ các vấn đề của Trung Quốc.

Theo phân tích của ông, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là do sự bùng nổ của bong bóng bất động sản khổng lồ ở cả hai bờ Đại Tây Dương, từ đó gây ra sự hỗn loạn tài chính, đặc biệt là sự sụp đổ của "ngân hàng ngầm". Các tổ chức "ngân hàng ngầm" ở Âu - Mỹ hoạt động giống như ngân hàng thông thường, chúng gây rủi ro do phần lớn không bị giám sát, và thiếu mạng lưới an toàn như các ngân hàng truyền thống.

Trung Quốc năm 2023 cũng tương tự các nền kinh tế Bắc Đại Tây Dương (bao gồm Mỹ và châu Âu) năm 2008. Bong bóng bất động sản của Trung Quốc còn đang được thổi phồng hơn so với các nước phương Tây hồi đó. Trung Quốc cũng có một hệ thống "ngân hàng ngầm" rộng lớn và có vấn đề nghiêm trọng. Ngoài ra nước này còn có một số vấn đề đặc thù, đặc biệt là khoản nợ khổng lồ của chính quyền địa phương. Nhưng phần lớn các khoản nợ của Trung Quốc là “tiền của chính mình” chứ không phải các khoản nợ lớn từ nước ngoài như Argentina hay Hy Lạp.

Ông Krugman lo lắng rằng, liệu chính quyền Trung Quốc có đủ khả năng quản lý việc tái cơ cấu tài chính hay không, đây là điều mà nền kinh tế nước này đang cần thực hiện. Nhưng điều ông lo lắng hơn là liệu các quan chức Trung Quốc có đủ quyết tâm hay cái đầu sáng suốt để làm những gì cần phải làm hay không.

Ông nói, một số bài báo nói rằng chính quyền Bắc Kinh đang đối phó với cuộc khủng hoảng tiềm tàng bằng cách “thúc đẩy các ngân hàng cho vay nhiều hơn”. Nhưng theo ông, về cơ bản họ vẫn đang đi lối cũ, vẫn đang bước trên con đường đã đưa Trung Quốc rơi vào tình cảnh hiện tại, điều này rất đáng lo ngại.

Nhưng ông đặc biệt nhấn mạnh rằng nếu Trung Quốc rơi vào khủng hoảng, tác động đối với Mỹ sẽ “nhỏ đến mức đáng ngạc nhiên”. Tổng số vốn Hoa Kỳ đầu tư trực tiếp, hay đầu tư cổ phiếu, trái phiếu vào Trung Quốc và Hong Kong là khoảng 515 tỷ USD. Nghe có vẻ lớn nhưng đây lại là con số nhỏ đối với nền kinh tế khổng lồ của nước Mỹ. Chỉ riêng tổng giá trị các tòa nhà thương mại của Mỹ đã lên tới 2,6 nghìn tỷ USD, gấp 5 lần tổng vốn đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc.

Ông giải thích tại sao một nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc lại thu hút rất ít đầu tư của Hoa Kỳ, đó là vì các chính sách của chính quyền Bắc Kinh đang thay đổi quá nhanh chóng, nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng Trung Quốc có thể sẽ là một chiếc “máy hút gián”: vào được nhưng không ra được.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng không mua nhiều sản phẩm từ Mỹ, năm 2022 họ chỉ mua khoảng 150 tỷ USD, con số này chiếm chưa đến 1% GDP của Mỹ. Do đó, suy thoái kinh tế ở Trung Quốc sẽ không gây ảnh hưởng trực tiếp quá lớn đến nhu cầu sản xuất sản phẩm của Mỹ. Nhưng đối với những quốc gia như Đức và Nhật Bản xuất khẩu nhiều hơn sang Trung Quốc, tác động từ suy thoái kinh tế ở Trung Quốc có thể lớn hơn.

Theo ông Krugman, cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc thậm chí có thể có "tác động tích cực nho nhỏ" đối với Hoa Kỳ, vì nó sẽ làm giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với nguyên liệu thô, đặc biệt là dầu mỏ, từ đó có thể làm giảm lạm phát của Mỹ.

Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng ngoại giới không nên hoan nghênh cuộc suy thoái của Trung Quốc hay hả hê trước những khó khăn của nước khác. Cộng đồng quốc tế nên lo lắng về những gì mà chính quyền Trung Quốc có thể làm để khiến người Trung Quốc xao nhãng khỏi các vấn đề trong nước của họ.

https://www.businessinsider.com/china-economy-crisis-investment-trade-us-spillover-risk-paul-krugman-2023-8


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét